Vai áo của những ngày xanh

Thứ Sáu, 27/11/2020, 11:10
Trước ngày giỗ ông tôi, bà thường xem lại những kỉ vật từ chiến trường của ông để lại. Bà xem từng tấm huy chương rồi lần lượt xếp sắp lại cẩn thận. Bà dừng lại lâu nhất là chiếc áo. Chiếc áo xanh đã bạc, chiếc áo đã sờn đôi vai. Bất chợt nỗi nhớ ông dâng đầy trong mắt, môi bà run run, bà nhẹ nhàng ôm chiếc áo vào lòng. Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy thấm thía hơn giá trị của hòa bình.


Bà tôi thường xót xa khi thấy các cháu vứt những chiếc áo cũ xuống nền nhà vào ngày tiết trời nồm ẩm. Chúng tôi gọi là những chiếc áo cũ chứ thực ra có khi chỉ mặc được mấy lần. Tuổi trẻ là những năm tháng thích sống với hiện tại và mộng ước về tương lai nên hồi ấy anh em chúng tôi chỉ hiểu sơ sơ là tránh lãng phí chứ cũng chưa thể nghĩ được gì nhiều hơn. 

Mùa xuân năm ấy, làng tổ chức lễ hội, tôi và đám bạn đi rước kiệu. Lần đầu tiên ghé vai vào khiêng kiệu trong trang phục truyền thống. Hồi hộp, tự hào vì đã vào đội trai tráng của làng. Sắc màu, hương khói, tiếng trống chiêng khiến chiếc kiệu trở thành điểm nhấn đặc biệt nhất của lễ hội. 

Đang khiêng kiệu thong dong, bỗng đôi vai tôi cảm nhận rõ một lực nhún mạnh xuống rồi kiệu hơi quay tròn, đôi chân cứ theo quán tính, kiệu quay mỗi lúc một mạnh, rồi lại một lực ghì, tiếp đến là một lực đẩy, kiệu lao về phía trước như đang bay trên không. 

Cả đội phụ giá rước kiệu thánh tuy đã được tuyển chọn và tập luyện trước mà sau khi về nhà đôi vai vẫn đỏ ửng, nóng bừng. Vai áo bên trong xô lệch trông thấy. Hình như sự xô lệch ấy để đánh dấu sự đổi thay và để bắt đầu cùng gánh vác những giá trị của làng xã quê hương.

Một lần tới trường, tôi thấy có cậu bé được bố cho ngồi lên vai. Một tay cậu túm lấy tóc bố còn tay kia cầm quả bóng bay đầy thích thú. Tự nhiên tôi thấy da mình nổi gai ốc. Hóa ra, tuổi thơ của tôi cũng từng được bố cho đi chơi như thế kia, chỉ có điều hồi ấy tay tôi cầm chiếc tàu bay giấy. 

Đôi vai áo ấm êm ấy đã cho tôi thấy cả một khoảng không bao la hơn, trong lành hơn. Tôi cảm thấy mình như con diều biếc muốn bay cao, bay xa đến những vùng bát ngát mà bố tôi là sợi dây diều cứ thả dần cho tôi đi. Rồi hình ảnh những người mẹ bế vác con lên vai bằng tất cả sự vỗ về yêu thương như chính cơ thể của mình. Bao nhiêu nước mắt, nước mũi, bao nhiêu buồn vui đã thấm vào vai áo của mẹ khi chúng ta còn non nớt, yếu ớt. Đôi vai áo của bố mẹ đã chở che và nuôi dưỡng cho con cái bao nhiêu khát vọng đẹp tươi. 

Năm chúng tôi học lớp 11, nhà trường cử đi dự lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ, chứng kiến cảnh các cô gái tựa vào vai các chàng trai, những giọt nước mắt nóng hổi rơi vào vai áo trong giây phút ấy mà tôi thấy nghẹn ngào chan chứa. Trong không khí ấy, tôi thấy Tổ quốc thật thiêng liêng. Chả biết từ bao giờ trên đất nước này tình yêu đôi lứa lại gắn bó máu thịt với tình yêu non sông gấm vóc đến như thế.

Trước ngày giỗ ông tôi, bà thường xem lại những kỉ vật từ chiến trường của ông để lại. Bà xem từng tấm huy chương rồi lần lượt xếp sắp lại cẩn thận. Bà dừng lại lâu nhất là chiếc áo. Chiếc áo xanh đã bạc, chiếc áo đã sờn đôi vai. Bất chợt nỗi nhớ ông dâng đầy trong mắt, môi bà run run, bà nhẹ nhàng ôm chiếc áo vào lòng. Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy thấm thía hơn giá trị của hòa bình. 

Chiếc áo sờn vai, có chỗ đã bạc rách kia như thể những vết thương chiến trường mà biết vá thế nào cho đủ? Vai áo của bao người chiến sĩ không chỉ khoác ba lô, súng ống, đạn dược mà còn khoác lên đó trách nhiệm cao cả với nguồn cội với nhân dân đồng bào và với bao người thân yêu. Bờ vai áo ấy cùng bao bờ vai áo khác đã chiến đấu anh dũng kiên cường với kẻ thù và rồi ngã xuống cho những bờ vai sau bớt nặng nhọc, bớt mướt mát mồ hôi. 

Suy cho cùng, đi chiến đấu bảo vệ đất nước cũng là bảo vệ quê hương, bảo vệ những người thân thương. Muôn người không có chung một niềm tin như thế thì sao có được hòa bình độc lập. Lịch sử dân tộc nào cũng phải đấu tranh bất khuất với những thứ đê hèn xấu xa mới tồn tại và phát triển được.

Cuộc sống hiện đại đôi khi làm chúng tôi nghĩ khác đi về cái câu “Hơn nhau tấm áo manh quần”. Tâm lí đám đông và câu chuyện sành điệu, đẳng cấp khiến chúng tôi như con thiêu thân lao vào đống lửa. Chúng tôi đâu đã hiểu được thời kì bà còn trẻ thì việc trồng dâu nuôi tằm, lấy tơ dệt vải rồi may áo đã trở thành những kỉ niệm không thể nào gian khổ hơn. Chỉ riêng khâu nuôi tằm đã phải “đứng ăn cơm”, vất vả sớm hôm bên nong tằm nong kén rồi, chứ chưa muốn nói đến biết bao công đoạn khác. 

Chúng tôi còn cười lăn cười bò ra khi nghe tới người bà trong câu chuyện vá quần Jean rách cho cháu khi cháu nghỉ hè về quê chơi. Chúng tôi chưa hiểu được tấm lòng của người bà dành cho cháu qua từng đường kim mũi chỉ. Dòng đời đôi khi như dòng sông, có những trầm tích văn hóa phải qua bao ghềnh thác thì phù sa mới lắng lại và bồi tụ. Tôi thấy điều này dường như đúng với mình khi tôi tham gia vào chiến dịch mùa hè xanh.

Đường đi lên Tây Bắc gian khổ với những khúc cua tay áo đến nôn nao xanh xao mặt mũi. Sinh viên năm thứ nhất lên với đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn. Mảnh đất và con người nơi đây đã cho tôi nhiều cảm nhận về những giá trị muôn màu. Những đôi vai vác cày bừa, dụng cụ lao động, đánh bắt rồi cũng chính đôi vai ấy vác về những bó mía, gùi về những lúa ngô khoai sắn cùng bao thành quả khác. Và vai áo của đồng bào cũng nhanh bạc hơn…

Mưa mùa hè lại chợt làm tôi nhớ về mưa mùa xuân, nhớ nhà, nhớ bà. Mấy năm nay, nhà ít nồm hơn vì có máy điều hòa, chúng tôi cũng đã biết trân quý hơn những thứ rất đỗi giản dị đời thường mà lại luôn chan chứa yêu thương như vai áo kia dù bạc màu mà nghĩa tình lại mãi đậm sâu.

Vũ Văn Cương
.
.