Đằng sau các “thánh cover”

Thứ Năm, 14/05/2020, 07:18
"Các bạn chỉ cover, không có bài riêng, không có album, chưa đóng thuế cho Nhà nước, vậy thử hỏi những nhạc sĩ sẽ sống như thế nào?”. Chia sẻ của nam ca sỹ Tuấn Hưng chắc chắn nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ những người đồng nghiệp khi mấy năm gần đây, các “ngôi sao cover” (tạm dịch là những người chuyên diễn lại các ca khúc nổi tiếng) đang làm mưa làm gió trên mạng.


Việc một ca khúc vừa tạo “hit” được một vài ngày là đã có cả chục, cả trăm bản cover đã là chuyện quá bình thường. Và câu chuyện những người hát lại ấy lại có lượt nghe, lượt xem rất ổn đang là đề tài tranh cãi nóng hổi trong showbiz khi mà những nghệ sỹ mua quyền khai thác ca khúc cảm thấy ấm ức vì mình đầu tư quá nhiều mà hiệu quả đạt được chẳng hơn gì các bản cover bao nhiêu.

Tuấn Hưng cho rằng “Sinh ra luật bản quyền để làm gì? Chúng ta đã ở một thời đại mà tất cả đều cần phải có giấy phép, giấy ủy quyền và ít nhất là sự đồng ý của người có quyền đang sở hữu sản phẩm đó”. Nghe tới “luật”, không ít người không khỏi giật mình.

Gần đây, các nền tảng chia sẻ video như youtube, facebook đã và đang thắt chặt hơn nữa về bản quyền. Nếu một ca khúc được cover lại và được phát hành trên youtube mà chưa có xác nhận bản quyền, nội dung video rất có thể sẽ bị xoá và chủ tài khoản youtube có thể bị “kỷ luật”.

Nhưng  nếu một khán giả nào đó, vì quá mê một ca khúc nào đó và cover lại rồi đăng tải lên mạng mà không có bất kỳ hành vi kiếm tiền nào từ nội dung đăng tải thì họ có phạm luật không? Chắc chắn là không. Quyền trình diễn là không bị giới hạn với cá nhân nào cả. Vậy thì, thắc mắc của Tuấn Hưng có phải là đã “chuẩn về luật” hoàn toàn?

Một nhạc sỹ, khi sáng tác ra một ca khúc, điều mong muốn lớn nhất của nhạc sỹ ấy luôn là đứa con tinh thần của mình được trình diễn, thu âm, phát hành qua giọng ca của một ngôi sao lớn và phù hợp với ca khúc. Mong mỏi thứ hai là ca khúc của mình có độ phổ biến cao, được nhiều người hát, được vang lên ở nhiều nơi, và nhiều lúc. Chẳng có gì hạnh phúc hơn cho người nhạc sỹ khi bất chợt trên đường, bỗng dưng vô tình được nghe ai đó say sưa hát ca khúc của mình.

Và giả sử, ở một quán cafe nào đó chẳng hạn, người nhạc sỹ nào đó gặp một người khách đang ôm đàn hát ca khúc của mình và hát không dở, hoạ chăng chỉ có điên người nhạc sỹ mới lại gần để nói “Xin lỗi, dừng lại. Bạn chưa được tôi cho phép hát bài này”.

Ca sỹ mua quyền khai thác từ nhạc sỹ, có mua độc quyền đi nữa thì cũng không thể tước đi quyền nhân thân cũng như quyền trình diễn của ca khúc đó ở các cuộc trình diễn phi thương mại. Vì thế, trên youtube, facebook và nhiều nền tảng khác, chuyện các ca khúc cover vẫn được đăng tải tự do đã thành đương nhiên khi chủ thể thực hiện với mục đích phi lợi nhuận, phi doanh thu.

Nhắc nhở của Tuấn Hưng sẽ là chuẩn mực nếu đối tượng bị nhắc nhở là những người đang kiếm tiền nhờ vào các bản cover mà không được sự đồng ý của những người có quyền liên quan như nhạc sỹ, ca sỹ sở hữu bản ghi âm ban đầu. Nhưng thực tế, hiện nay không ít ca sỹ xịn còn trả tiền thuê những "thánh cover" để nhờ vào hiệu ứng cover ấy mà đánh bóng ca khúc của mình thành hit!.

Văn Đoàn
.
.