Đọc tập truyện ngắn “Người quê” của Y Mùi, NXB Hội Nhà văn, 2017

Chuyện của “Người Quê”

Thứ Bảy, 17/11/2018, 08:41
Đọc tập truyện ngắn “Người quê”, tôi cứ trăn trở nghĩ về hình ảnh “người quê” có sự pha trộn, phá cách của một cô gái quê hiện đại. Người quê ở đây có gì hấp dẫn, có gì khó quên, khiến tôi phải quan tâm.


Tập truyện ngắn có 9 truyện ngắn xinh xắn; tên truyện rất dân dã, thường gặp trong các câu chuyện phiếm ngoài đời và trở thành tác phẩm văn chương. Mới đọc qua, tưởng như biết rồi, nhưng đọc kỹ mà ngẫm nghĩ thì những câu chuyện ấy không phải vô tình.

Nhà văn đã tìm giúp cho độc giả những mảnh ghép số phận để tổng hợp thành những cuộc đời, những số phận riêng tư trong xã hội khoa học công nghệ phát triển mạnh, kinh tế thị trường vươn rộng toàn cầu, tư tưởng, tình cảm của con người diễn biến rất phức tạp.

Nhà văn cần mẫn thu gom những câu chuyện xung quanh mình, sắp xếp gọn gàng kể lại cho độc giả nghe. Điều đáng trân trọng trong các truyện ngắn của nhà văn là cái nhìn, cái cảm của một nữ tác giả - bác sĩ luôn để y đức lên hàng đầu, nên tất cả mọi tình huống, mọi sự kiện, sự việc diễn ra nhẹ nhàng không chút nặng trĩu lo âu về những tính toán vật chất ích kỷ thường tình.

Hầu hết các truyện ngắn viết về người quê hoặc những người quê ra tỉnh định cư. Truyện ngắn đầu tiên “Người tử tế” đã đưa ra một thông điệp về tấm lòng nhân ái của một bác sĩ, về sự dũng cảm của bệnh nhân nhiễm HIV ở quê ra, đã dám nói ra sự thật về căn bệnh cô mắc, về khát khao được sống, được làm việc bình thường. Người tử tế là nữ bác sĩ hay là cô gái đang nhiễm HIV?

Bà bác sĩ trong truyện luôn luôn băn khoăn tìm cách để chữa trị cho cô gái, bà buồn vì cả nền y học thế giới chưa tìm được thuốc đặc trị để chữa bệnh HIV/AIDS. Bà luôn cầu trời, khấn Phật và cầu cho các nhà khoa học có thể tìm ra thuốc đặc trị chữa được căn bệnh đó, với giá mọi người có thể chi trả.

Là bác sĩ, tiến sĩ y học nên nhà văn có nhiều truyện viết về ngành y, về bệnh nhân. “Người quê” - tên một truyện ngắn đã được lấy làm tiêu đề cho cả tập truyện. Bà bác sỹ hưu trí đã bộc bạch những chiêm nghiệm về nghề y, nỗi đau về sự tự tung tự tác của ngành dược, không ai quản lý được: “Ở làng quê này… nên khỏi cần đi khám bác sĩ”. Hình ảnh cô gái chủ “Tiệm may Sài Gòn” thì có liên quan gì đến bà bác sĩ Nhàn?

Đọc kỹ độc giả mới hiểu được dụng ý của nhà văn. Đó là sự bất lực của bà bác sĩ trước căn bệnh cố hữu, học hành không đến đầu đến cuối của cô thợ may, học nghề không nên hồn: “Con bé chủ nhà may Sài Gòn ấy vào Nam mấy năm, học nghề mà có biết may vá gì cho ra hồn đâu. Đường may thì như rắn lượn...”.

Không chỉ nghề may, cô gái hành nghề khác như cắt tóc, làm đầu, trang điểm, sơn móng tay... cũng vậy, cũng không đủ trình độ tay nghề để làm nghề. Điển hình là chuyện cô thợ làm đầu, chăm sóc tóc, nhuộm tóc cho khách xong thì: “Đầu ơi ở lại, tóc đi nhé… là xong”. Và ở quê không có việc làm, lại nghèo nên: “Ai may vớ vẩn, hám rẻ mới đến mấy nhà may ở làng. Những người kỹ tính…”.

Điều đau đớn hơn và thất vọng hơn trong bà bác sĩ Nhàn là sự học hành thiếu hụt nên dẫn tới đạo đức sa sút của cô chủ tiệm may Sài Gòn. Cô gái còn trẻ, đáng tuổi con cháu của bà bác sĩ nhưng rất hỗn láo, đoảng vị, vô trách nhiệm, nói năng vô văn hóa.

“Nhà số 100 big” viết về sự suy thoái đạo đức, con cái bất hiếu với các bậc sinh thành, nhưng được che đậy bằng vẻ bề ngoài đạo đức giả. Truyện được viết như một câu chuyện cười hiện đại, thật như bịa, ám ảnh độc giả.

Người con trai, con dâu trong truyện là những người có học hàm, học vị cao đến giật mình. Học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ ấy do người mẹ nghèo khổ, quê mùa nhặt nhạnh, chắt chiu nuôi nấng đứa con trai duy nhất, kỳ vọng nhiều nhất vào con, lúc tuổi già bà mẹ trở thành cô đơn, bất hạnh. Bà ước mơ có chết “cũng muốn chết ở quê, muốn… như những người dân quê”.

Ước mơ ấy không được thực hiện vì: “Quan trọng nhất là … tận thu tiền phúng viếng”. Nhà văn chỉ kể một cách khách quan, vô tư, nhưng người đọc đã sáng ra ý đồ của tác giả: “Vì sao họ phải đưa bằng được bà mẹ hấp hối ra thành phố làm đám ma thì… biết tuốt”.

Trong cả tập thấy những câu chuyện cười vui, tếu táo mang tính chất thư giãn nhẹ nhàng, không châm biếm sâu cay, như: “Tuổi teen của Lan ham vui”, “Mụ Tân”, “Lão Chí thi nhân”. Nhà văn đã thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của những người cao tuổi, về hưu. Họ không cảm thấy mình là người thừa, là gánh nặng của gia đình, xã hội.

Ngoài những truyện đùa vui, trong “Phù thủy già hết phép” nhà văn cũng chỉ trích tế nhị, thâm thúy những kẻ sống cậy chức, cậy quyền lũng đoạn cơ quan, để đến khi nghỉ hưu mới đau đớn nhận ra chân giá trị trong các mối quan hệ. Nhà văn đặc biệt phê phán quyền lực vào tay những kẻ ô trọc, ích kỷ hại người, đặt quyền lợi cá nhân lên trên hết, không phải vì tập thể, cộng đồng thì tác hại của nó vô cùng khủng khiếp với xã hội.

Mỗi một độc giả có một thẩm thấu khác nhau về một tác phẩm. Riêng với tôi, tập truyện “Người quê” của nhà văn Y Mùi rất nhẹ nhàng mà thấm thía, càng đọc càng có nhiều vấn đề suy tưởng đặt ra trong cuộc đời. Các câu chuyện của Y Mùi có tất cả xung quanh ta.

Nhà văn cứ kể một cách thoải mái như chuyện đang diễn ra trong cuộc đời. Vỏ bề ngoài ngôn ngữ bình dị, lạnh lùng, nhưng bên trong lại chứa đựng một tình cảm ấm áp, nồng hậu của nhà văn. Cách kể chuyện rất duyên dáng, nữ tính. Nhiều người cho rằng truyện ngắn phải như một quả pháo được nhồi chặt thuốc nổ để cuối cùng khi châm ngòi nó sẽ nổ một tiếng to đến giật mình. Điều đó cũng có lý nhưng trong thời hiện đại không nhất thiết cứ phải theo một bài bản cổ điển đó.

Nhiều nhà văn nổi tiếng viết không có cốt truyện, nhưng họ vẫn trở thành bậc thầy trong làng văn Việt Nam và thế giới. Một số truyện ngắn của Y Mùi cũng chưa có cốt truyện, một số nhân vật chưa phải là điển hình, một số tình huống truyện chưa phải là lạ lùng, độc đáo, nhiều khi chỉ là những cảm xúc bất chợt, một suy nghĩ cháy bỏng về nhân tình, thế thái...

Là một độc giả, tôi cũng mong muốn nhà văn Y Mùi có nhiều trang viết hay về những bức tranh làng quê trong thời kỳ đổi mới nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Độc giả mong muốn có những đoạn văn hay bay bổng viết về cảm xúc yêu ghét, hờn giận của nhân vật, hoặc có những đoạn văn phát hiện nội tâm phong phú, những bí ẩn tâm hồn nhân vật hoặc của thiên nhiên, đất nước. 
Vũ Thị Thanh Minh
.
.