Đọc "Nhặt lại tháng ngày rơi", thơ Trần Trương, NXB Hội Nhà văn, 2018

Những trải nghiệm cuộc đời trong "Nhặt lại tháng ngày rơi"

Thứ Sáu, 26/10/2018, 07:09
Thơ tình của Trần Trương ngọt ngào, dẫn dắt trái tim độc giả cùng tận hưởng vị ngất ngây tình yêu tươi đẹp mang lại, đôi lúc lại ngậm ngùi nếm vị đắng của tình yêu...


Mặc dù không dành nhiều "đất" cho những bài thơ về tình yêu đôi lứa, nhưng thơ tình của Trần Trương với nhiều cung bậc cảm xúc, có lúc nhẹ nhàng, lãng du, có khi nồng nàn, say đắm, khi thì cuồng nhiệt, cháy bỏng: "Ngồi bên em giây phút ngọt ngào/ Ly cà phê quên đường không đắng/…/ Chưa bao giờ, chưa bao giờ như vậy/ Cà phê thơm câu chuyện chúng mình/ Trên tất cả bất ngờ… chim hót/ Cà phê chỉ là cái cớ, phải không em?" (Cà phê em).

Khi yêu, Trần Trương yêu bằng cả con tim, Anh không ngần ngại bộc lộ tình cảm chân thành ấy: "Tôi về Tuyên cùng phố núi cao xanh/ Bởi thương quá có một người em gái/…/ Và uống mãi như thắm vào ché rượu/ Mối tình xa nghiêng với vít tay cần/ Rồi lửa nữa cứ bập bùng thao thức/ Với mắt người con gái đắm trong tôi/ Không phải đâu con nai vàng ngơ ngác/ Tóc em thơm cho gió cuốn bồi hồi/…/ Tôi cúi xuống trong bộn bề sắc lá/ Nhặt vô tình thấy bóng lá hình em/ Ướt sương chiều lóng lánh/ Mình lạc vào xứ Tuyên…".

Hình ảnh người con gái hiện ra trong hơi men, trong chiếc lá và… trong tất cả. Chỉ có trái tim yêu chân thành, yêu cuồng nhiệt như anh mới có thể nhìn thấy bóng hình người mà mình yêu như vậy.

Ở một cung bậc cảm xúc khác, Trần Trương mang lại cho thơ sự ngậm ngùi, tiếc nhớ: "Giờ đây em đã có chồng/ Anh đi về phía người không hẹn người" (bài "Em đã có chồng"). Cái chuyện thất tình chẳng lạ gì, thậm chí, hầu như ai trong đời cũng từng nếm trải tâm trạng đó. Chính vì vậy, những bài thơ viết về tâm trạng, nỗi niềm của con người trong lúc thất tình chẳng hề hiếm gặp. Vâỵ mà tác giả vẫn tạo ra một nét riêng trong sự thất tình của mình "phía người không hẹn người".

Và đây nữa, một trạng thái thất tình của Trần Trương đã gây ấn tượng với độc giả ngay từ lần đọc đầu tiên: "Con đường cũ nơi hẹn hò ngày ấy/ Khi trở về em bỏ đi xa/ Chỉ còn lại hương thơm nỗi nhớ/ Chẳng bao giờ làm mới được hồn ta" (bài thơ "Con đường cũ").

Những người con gái trong thơ Trần Trương, mỗi người mang một vẻ đẹp, phong cách khác nhau, nhưng ai nấy đều đầy sức cuốn hút. Các "nàng thơ" của Trần Trương khi thì đẹp mong manh, lãng mạn "Em cầm sen trắng như mây ấy/ Thu chở heo may hết ngõ gầy" (bài thơ "Giao mùa"), lúc lại dịu dàng, đằm thắm "Mắt cô đăm đắm đen lay láy/ Dịu dàng lơ lửng dưới hàng mi" (bài "Cô giáo trường làng"), khi lại pha trộn giữa sự điềm đạm với nét lãng đãng: "Em điềm đạm giữa ồn ào biển cả/ Một thoáng cười như nét thả duyên riêng/ Anh nhận ra một chút buồn nơi đó/ Mà xôn xao ngọn gió thổi tóc mềm" (bài "Em trước biển"), lại có khi mang vẻ đẹp cuồng say, tươi mới: "Em thì trẻ như cơn gió lạ/ Cơn gió hoang ồn ã" (bài "Nghĩ về mình")…

Thơ tình của Trần Trương ngọt ngào, dẫn dắt trái tim độc giả cùng tận hưởng vị ngất ngây tình yêu tươi đẹp mang lại, đôi lúc lại ngậm ngùi nếm vị đắng của tình yêu.

Bên cạnh những vần thơ tình lãng mạn, tác giả còn dành nhiều "đất" để thể hiện tình cảm của anh với quê hương, đất nước và những triết lý sống.

Tình yêu quê hương, đất nước được anh khắc họa với vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên và nét đẹp chân chất của con người. Anh đã rất tinh tế khi khai thác vẻ đẹp. Anh viết: "Sắc đỏ cháy lan ra chân trời/ Hoa đào nhấp nháy tựa sao rơi/ Những cô gái Mông cười như rắc hạt/…/ Bếp không bao giờ tắt lửa/ Người Mông không có khái niệm bỏ nhau/ Tiếng khèn thay lời nói/…". Cảnh sắc và con người Việt Nam tươi đẹp biết bao qua lăng kính đó.

Trong bài "Uống trà sen bên Hồ Tây", Trần Trương viết: "Thuyền chạy nghiêng ẩn vào lá sen bồng bềnh mặt sóng/ Búp nõn hồng dâng những đốm lửa bập bùng/ Nắng thả chiều mặt hồ mềm lụa/ Gió bâng khuâng ngây ngất hương trà/…/ Không gian tràn hương sắc/ Cái cao sang đâu chỉ chốn lâu đài/ Hương trà dìu câu hát/ Để một đời đắm say". Đẹp biết bao những búp sen hồng như đốm lửa, mặt nước hồ thì mềm như lụa… Một góc Hà Nội thơ mộng và thanh lịch hiện lên qua nét văn hóa trà đầy tao nhã.

Tình yêu của anh với quê hương đất nước còn thể hiện qua sự thương cảm  những phận người thấp hèn trong xã hội. Đó là những người ngụ cư nơi Bãi Giữa sông Hồng. Họ là những con người không nhà, không cửa, không quê hương, ở tứ xứ tụ về nơi Bãi Giữa, nhặt nhạnh những tấm gỗ, thanh tre lứa ghép lại thành nhà ở tạm, lênh đênh trên mặt nước.

Anh dành cho họ những dòng đầy xúc động: "Bất chợt Bãi Giữa sông Hồng/ Nhà tranh vách lứa gió mênh mông lùa/ Lênh đênh vài luống cà chua/ Nhấp nhô ngô mía đung đưa bí bầu/ Bóng người chẳng thấy nơi đâu/ Gót bàn chân bước ngấn màu phù sa/ Rằng ai không cửa không nhà/ Đợi mùa nước cạn lội ra bãi bồi…".

Đặc biệt, Trần Trương đặt cạnh nhau hai hình ảnh trái ngược trong cùng một Hà Nội khiến người đọc không khỏi cay khóe mắt "Ngoài kia phố xá đông người/ Con - thuyền - Bãi - Giữa vẫn bơi một mình". Những cảnh đời ở đây sống lầm lũi, tủi phận "Sống trên Bãi Giữa mảnh đời không tên"… Bằng trái tim nhân hậu, tác giả đã cảm hết được nỗi cơ cực của họ. Từng lời thơ, từng câu chữ ăm ắp hình ảnh đẹp mà bi thương, dội lên nỗi xót xa, lay động lòng người.

Khi nỗi ám ảnh về những phận người nhỏ bé trong thơ Trần Trương còn chưa nguôi day dứt, chúng ta lại gặp những triết lý sống trong "Nhặt lại tháng ngày rơi". Trần Trương phê phán những thói hư tật xấu, đề cao đức tính giản dị, khảng khái, chính trực và cũng không quên hướng đến tính nhân văn trong đời sống.

Trong bài "Có một điều", anh cười vào thói đời giả trá: "Có một điều như chẳng ai tin/ Nhưng lại là điều rất thật/ Điều thật thà duy nhất:/ Họ truyền tai nhau lời nói dối ngọt ngào".

Anh vạch trần sự bất công từ chính những người nắm cán cân công lý: "Búa nghị án gõ trên bàn nghị án/ Mà vẫn nguyên bóng tối giữa chân đèn". Đồng thời, anh bày tỏ khát vọng: "Trái tim đừng vô cảm/ Dẫu cuộc đời còn lắm oan khiên" (bài "Điều còn lại"). Và, "Đừng e ngại những dòng sông rộng lớn/ Rồi cuối cùng ra biển cũng hòa tan/ Hãy nồng nàn như ca dao giản dị/ Sẽ suốt đời sống mãi với nhân gian" (bài "Đừng vội").

Với gần 70 bài thơ, "Nhặt lại tháng ngày rơi" của nhà thơ Trần Trương vừa mang phong cách lãng mạn lại vừa chứa đựng hiện thực phê phán. Nhưng trên hết, hồn thơ của anh đậm tính nhân văn, lay động tâm hồn người đọc.


Thiên Linh
.
.