Nhân đọc "Hành trình khổ ải", tiểu thuyết của Anh Chi, NXB Hội Nhà văn, 2018

Những suy ngẫm bên lề "Hành trình khổ ải"

Thứ Bảy, 10/11/2018, 08:24
"Hành trình khổ ải" hiển nhiên không chỉ là cuốn tiểu thuyết nhỏ gọn kể lại việc đời, truy tìm và trình bày nguyên nhân đau thương, mà nó còn là một tiểu thuyết có tính luận đề về số phận con người thời đã qua và gợi nhắc cả thời nay.


Nhìn bề ngoài, dễ thấy là “mặt mũi” - mỹ thuật của cuốn sách có vẻ như sách “thời bao cấp”: khổ nhỏ 13 x 19 cm, vừa bỏ túi, hình ở bìa đúng là minh họa nội dung: những con sóng biển đang chồm lên, thế thôi, không thấy thuyền hay người đâu cả; lướt qua vài ba chục trang này, mấy chục trang kia nữa, bắt gặp những đoạn tả biển, kể chuyện người vượt biển ra đi đói khát, đánh chửi nhau và khắc khoải vô vọng… Thỉnh thoảng giữa các cụm trang và đoạn ấy có câu này lặp đi lặp lại: "Đời như không thoắt lại như có, đời như có thoắt lại như không".

Đã có sự hồ nghi: Lại viết chuyện thuyền nhân - vượt biên dạo những năm 1980 à? Cái thời đau buồn ai oán ấy ngỡ đã quên được rồi, nay nhắc lại phỏng có nên không?

Cái chuyện này, cái vấn đề này đã có nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết dựng lại khá sinh động, với những cái nhìn nhân thế sâu sắc như Hồ Việt Khuê, Nguyễn Ngọc Lợi… gần đây.

Nhà văn Anh Chi vốn quê Thanh Hóa, những năm 1980 ấy ông đã là trung niên, đã cầm bút được mười năm rồi, nghĩa là đã có trải nghiệm cả đường đời và nghiệp viết. Tôi nhớ lại dạo ấy, ông đã từng ngẫm nghĩ mọi sự để đến năm 1997 ông đã viết và in trong sách "Nhà văn Việt Nam hiện đại" (NXB Hội Nhà văn) rằng: “Thời kỳ mới làm thơ, tôi cứ nghĩ thơ có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong cuộc sống, càng về sau tôi càng thấy rõ cuộc sống sẵn chứa nhiều ý nghĩa lớn lao, nó chỉ được thơ phản ánh một cách thẳng hoặc, cuộc sống rộng xa và sâu thăm vô cùng với hai cực tuyệt vọng và hy vọng. Các nhà thơ mãi mãi làm cái việc là dấn thân vào bể đời ấy, tìm cái đẹp, tìm những giá trị nhân bản từ cực này hay cực kia…”.

Sang thế kỷ XXI này đã ngót 20 năm, ông vẫn nghĩ thế và viết ra quan niệm ấy, chỉ khác là có gọn ghẽ hơn. Gọn ghẽ hơn, chứng tỏ xác quyết hơn, rằng: “Đời sống rộng và sâu thẳm vô cùng với hai cực tuyệt vọng và hy vọng. Các nhà thơ cứ kế theo nhau, mãi mãi làm cái việc là dấn thân vào bể đời ấy, để tìm cái đẹp, tìm những giá trị nhân bản, ở cực này hay ở cực kia”.

Chuẩn bị Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2015, tôi tham gia chỉnh lí, bổ sung sách "Nhà văn Việt Nam hiện đại" lần thứ V, thấy nhà văn Anh Chi vẫn viết - nghĩ như vừa dẫn.

Nhớ lại thế, sự hồ nghi về tiểu thuyết "Hành trình khổ ải" hẳn sẽ lung lay. Anh Chi không chỉ sáng tác thơ và truyện, ông còn viết biên khảo, phê bình văn chương… Càng ngày, ông càng tự nhiên mà để bạn nghề văn hiểu ra: Anh Chi không phải là người đến với văn chương (thơ ca ở buổi đầu) theo lối/dạng “thảng hoặc” ngẫu sự ngẫu hứng tức thời, mà ngược lại.

"Hành trình khổ ải" là một tiểu thuyết có tư tưởng.

Như ta biết, tư tưởng của tác phẩm văn chương chủ yếu thường bộc lộ qua cách xây dựng dàn nhân vật của tiểu thuyết đó.

Có người nói là tiểu thuyết này có 7 nhân vật, tôi thấy nhiều hơn thế.

Thì cứ hãy nói về 7 nhân vật ấy, ta thấy đáng kể hơn cả là Lân - một cô gái đẹp người, đẹp nết. Lân như là nhân vật lí tưởng của tác giả vậy - lí tưởng về ngoại hình và sự chăm chỉ làm ăn đã đành, mà nhà văn đã lí tưởng hóa nhân vật nữ này cả về tình yêu bồng bột, nồng nàn mãnh liệt như bản năng tình dục của một người đẹp bị kìm hãm. Cách xây dựng theo lối lí tưởng hóa này của nhà văn còn đẩy Lân đến tình trạng đau khổ vô cùng vô tận. Từ tràn trề hi vọng với An, đến nghi ngại và căm hờn, cấu xé An, trượt sang mất hết niềm tin và lí do tồn tại mà chỉ gào lên cầu cho mình được chết ngay đi!

Cạnh Lân là An, một gã trẻ trai dẻo mồm. Ra tù, An tình cờ gặp Lân, An quá may mắn và lúc đầu, yêu Lân thực lòng, muốn cùng Lân làm lại cuộc đời. Nhưng do bản tính ham hưởng lạc và du côn từ bé, An rắp tâm cướp thuyền, đưa Lân và con cô (cháu Thưởng) cùng đi. Y những tưởng cứ ra khơi, được vớt lên tàu nước ngoài, thế là sang Tây, ăn sung mặc sướng. Như nhà văn đã tả và kể, kẻ lười biếng phóng đãng này khi trên thuyền giữa biển đã bộc lộ rõ mọi sự tàn tệ… Rồi hắn cũng chìm nghỉm giữa trùng khơi.

Một nhân vật nữa cũng rất đáng chú ý, là Gái. Hẳn là nhà văn có dụng ý khi đặt tên cho cô gái mập mạp, hơi thật thà và có tí ngẩn ngơ này cái tên ấy. Ông hoàn toàn chăm chút cho nhân vật nạn nhân này, dưới tay nghề dựng truyện của ông, Gái đẹp dần lên ở phần hồn. Trong gian nan thiếu thốn và thô tục bạo liệt, cô vẫn giữ được sự thiên lương, nhà văn như ngụ ý: chính sự thiên lương và nhẫn nhịn đã khiến Gái sống được lâu hơn mấy kẻ bất lương là An, là Cận (một tên ra tù lợi dụng tình yêu của Gái, lừa cô và mọi người lên thuyền đi tìm thế giới tự do sung sướng ngoài biển xa nơi xứ người). Như thế, Lân và Gái là hai biểu tượng cho hai vẻ đẹp, cho hai loại số phận của phụ nữ Việt Nam một thời đã qua chăng?

Hai anh em Sử và Dụng làm nghề sông nước, chủ con thuyền bị An và Cận cướp, buộc phải cùng đi. Giữa mênh mông trời nước nắng lửa, họ phải mưu mẹo và quyết liệt đánh nhau với An và Cận; họ và Lân, Gái dựa vào nhau… Rồi kết cục, cả hai anh em, cả bé Thưởng cũng lần lượt chết oan uổng.

Đã có nhiều người đọc cho rằng tiểu "Hành trình khổ ải" chỉ có 7 nhân vật này. Nếu vậy thì "Hành trình khổ ải" quả thật chỉ là: Một sự giải thích về sự kiện vượt biên - thuyền nhân từ Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ trước. Các “nhà nhân quyền” xấu bụng đã kiếm cớ này mà xuyên tạc Việt Nam là không nuôi được dân để họ đói rách, rằng họ ra đi là bất đồng chính kiến (?!). Hiện thực tác phẩm, thông qua diễn trình tự sự gọn gàng, dễ hiểu lại cho thấy: người vượt biên dạo ấy có hai loại rõ ràng, một là bọn bất lương lười lao động ham hưởng thụ…, hai là những người nhẹ dạ, cả tin bị lừa.

Phần nhiều trong số họ bị chết là do phương tiện ra đi (thuyền) quá nát, bọn chủ mưu lại không hiểu biết nghề đi biển, khi gặp khó khăn thì chỉ giành giật tàn độc vì mạng sống của riêng mình.

Về phương diện nghệ thuật dựng truyện, dựng nhân vật này của tác giả "Hành trình khổ ải", thiết tưởng, cần nhấn mạnh là: Trong tác phẩm, nhà văn có nhiều đoạn/trang mô tả diễn biến tâm lí Lân và An, Gái và Dụng, An và Cận rất khéo léo, hợp lý (nói như ai đó, thì ông Anh Chi đã rất thạo món “biện chứng pháp tâm hồn” khi dựng lên các nhân vật đầy cá tính này).

Ông cũng có nhiều trang mô tả biển vào các thời điểm khác nhau vừa thực, vừa như góp phần lột tả tâm trạng, ý nghĩ của các nhân vật. Thiên nhiên - biển, mưa, sóng, nắng, gió, chim, trời, mây… trong tiểu thuyết "Hành trình khổ ải" cũng là nhân vật. Là phụ họa, dẫn gợi, có khi cũng chính là một kiểu/dạng nhân vật. Các nhân vật biểu trưng này có mặt rất hữu hiệu, tạo ra hệ thống để chuyện được diễn ra, ý tưởng chủ đạo của nhà văn khi viết tiểu thuyết được lộ dần: Manh động, liều lĩnh, gian giảo, tàn độc… như thế, lại muốn bỗng nhiên được ăn ngon mặc đẹp, giàu có như người ta, rồi đứng ra chỉ huy cuộc vượt biển thì chết là phải thôi. Trời đất nào, biển cả nào, đạo lý nào mà dung chúng được!

Đây là triết lý dân gian muôn đời nay vẫn đúng. Lại thêm cái câu "Đời thoắt có thoắt lại như không, đời như không thoắt lại như có", ấy là cười một tí, vô thường đi một tí cho đỡ thương đau xa xót phải không?

Đến đây, tôi ngỡ là nhà văn Anh Chi cũng đã mượn chuyện vượt biên dạo nọ mà giải thích lịch sử, cũng đã khéo rồi. Nhưng nhặt được đoạn này - chỉ một đoạn này thôi - rất dễ bị “lướt qua”, thì tôi lại thấy là ông không chỉ viết một lần cho xong chuyện ra khơi tìm sống liều lĩnh phiêu lưu ấy. Ở trang 245, vắt sang 246 nhà văn viết như khái luận thời cuộc thế này:

“Con thuyền của những người khổ ải đã đi trên con đường mà họ không am hiểu gì. Là thứ dân, họ không thể am hiểu cái xã hội họ đang sống sẽ đi về đâu. Từ xa xưa trong lịch sử đã vậy, những hạng ở tầng trên chi phối đời sống xã hội, như các quan chức lớn nhất mà người đời gọi là vua, quan đầu triều mới can dự vào việc đưa xã hội đi về đâu đó. Kế đó là những người giàu khuynh thiên hạ, hoặc những anh hùng, chí sĩ nào góp vào sắc diện gương mặt xã hội.

Sách vở xưa nay ghi về họ, lưu lại cho đời sau biết những chuyện về chiến tranh núi xương sông máu, những chuyện mưu bá đồ vương, những chuyện đường hướng xã hội. Còn thứ dân, họ đông đúc nhất, ở hạng thấp nhất, kể cả những người ở dưới đáy, mấy ai ghi chuyện của họ vào sách vở. Họ mưu sinh, mưu cầu lợi lộc một cách cực nhọc, mồ hôi trên dính mồ hôi dưới…

Nếu nhìn nhận kỹ sẽ thấy, họ là cái nền tảng của xã hội. Vâng, thứ dân đâu là nhân vật chính trị xã hội. Họ chỉ là cái nền tảng thôi, là cái sân khấu, để mọi thứ ở thượng tầng diễn trò chính trị xã hội trên chính thân phận của họ”.

"Hành trình khổ ải" hiển nhiên không chỉ là cuốn tiểu thuyết nhỏ gọn kể lại việc đời, truy tìm và trình bày nguyên nhân đau thương, mà nó còn là một tiểu thuyết có tính luận đề về số phận con người thời đã qua và gợi nhắc cả thời nay.

Trong "Hành trình khổ ải", thiết tưởng ta không thể quên một nhân vật nữa là Dưỡng. Nhân vật thứ 9 này thời thiếu niên đã cứu Lân khỏi chết đuối, thời thanh niên là anh lính tha thiết yêu Lân mà Lân không hay, dù cô cũng thường nhớ đến anh. Đến cuối tác phẩm, như có Trời xui khiến, tàu hải quân của Dưỡng phát hiện ra trên hoang đảo có người…

Và Dưỡng đã cứu được Lân, người mà anh vẫn ước ao được chung sống. Oái oăm thay, cứu được Lân mà anh không nhận ra đó là cố nhân yêu dấu của mình, vì Lân lúc này tơi tả, điên dại, hoảng loạn… như một người đàn bà 50, 60 tuổi! Rồi linh tính lại mách bảo, Dưỡng lại viết thư cho Lân, lần này may sao, lá thư của người chiến sĩ đảo xa lại đến tay bố mẹ nuôi của Lân, họ cũng đang lo lắng cho số phận mẹ con cô giờ không biết trôi dạt đến nơi nào…

Sẽ có người nghi ngại: Trong cuộc đời có thật may mắn vậy không?

Tôi cũng muốn hỏi nhà văn Anh Chi: Sao người ta phải trải qua bao đớn đau mới được thế vậy?

Chưa kịp tiếp hỏi tác giả "Hành trình khổ ải", tôi mang thơ ông ra đọc thì hiểu dần ra: Bản tính ông trầm lắng mà quyết liệt. Ông phải dựng truyện như vốn có lại như tưởng tượng thế, thì mới có hậu - cũng là một bản tính của ông, của người Việt từ cổ xưa đến nay thôi.

Cái câu có vẻ như lấy từ ca từ của Trịnh Công Sơn, đã được Anh Chi mượn lại, có thêm chữ rằng: "Đời như không thoắt lại như có, đời như có thoắt lại như không; có có, không không là từng bước, từng bước người ta đi đến cõi vô thường" - cái câu này đã nhấn mạnh với ta: "Hành trình khổ ải" là thiên truyện về số phận con người mà chuyện vượt biên chỉ là cái cớ mà thôi.

Sẽ có nhà lại bảo: ông Anh Chi đã mạnh tay dựng chuyện số phận Lân và Dưỡng đớn đau tàn khốc thế, là đẩy sự thể đến tận cùng rồi, đọc cũng "đã" rồi… lại còn dựng cảnh “tái hợp” oái oăm thế, là sao? Ông lúng túng và “thỏa hiệp” ư? Hay là ông muốn nhấn mạnh ý tưởng bình dân là ở hiền thì gặp lành? Tha thiết yêu nhau một lòng trong sáng, thì bất chấp hoàn cảnh cách xa, rồi cũng được toại nguyện ư?

Tôi trộm nghĩ thầm: cái có có thoắt lại không không… ấy phải chăng là nhà văn ngậm ngùi quá, đau thương thông cảm cho bao số phận thứ dân quá, nên ông đành buông ra, rồi láy lại, âu cũng là để cho nhẹ lòng ông và an ủi cả người đời chăng?
Nguyên An
.
.