Cái bẫy ký ức và sự dễ dãi

Thứ Năm, 09/08/2018, 08:23
Có thể nói, Châu Đăng Khoa đang là một cái tên ăn khách trên thị trường âm nhạc. Chàng nhạc sỹ trẻ từng được khá nhiều giải thưởng của chương trình "Bài hát Việt" những năm gần đây trở nên nổi danh hơn nhờ những ca khúc "hits" triệu lượt nghe, xem như "City Lights", "Người lạ ơi"… 


Mới đây, Châu Đăng Khoa kết hợp với giọng ca nữ Phan Lê Ái Phương cho ra mắt MV ca nhạc "Nắm tay em khi mưa đến" và lập tức ca khúc ấy cũng đạt con số triệu lượt xem chỉ sau vài ngày.

Nhưng nếu đọc một bình luận ở dưới video đó trên Youtube, chúng ta chắc sẽ hơi giật mình. "2:56 - Only love can say, try again or walk away. Ai biết bài này?" chính là lời bình luận của một khán giả vãng lai trên mạng. Câu tiếng Anh kia chính là câu mở đầu điệp khúc của ca khúc "Only Love" của nhóm Trademark ra mắt từ hồi năm 2000.

Và câu hát "Và mưa sẽ nói với anh, nói những điều từ sâu trái tim" mở đầu điệp khúc của "Nắm tay em khi mưa đến" có nét giai điệu rất giống với câu dẫn kể trên của "Only Love". Điều đó khiến một ca khúc đẹp, một ca khúc hay như "Nắm tay em khi mưa đến" bị giảm giá trị đi phần nào khi nó tạo ra một vết gợn cho những người yêu nhạc khó tính.

Ở trường hợp này của Châu Đăng Khoa, rõ ràng không phải là đạo nhạc và sự tương đồng kể trên là chấp nhận được. Nhưng với những người làm sáng tạo, không ai muốn tác phẩm của mình có sự tương đồng với một tác phẩm nào trước đó cả. Song, để tránh được nó là không dễ bởi nhiều người viết vẫn bị sa vào cái bẫy ký ức, tức là từ vô thức họ đã bị hằn nét giai điệu của một bài hát nào đó tạo ấn tượng mạnh với họ từ quá lâu rồi.

Châu Đăng Khoa cũng cảm thấy tiếc thực sự và người nhạc sỹ trẻ ấy thực tế cũng không nhớ ra rằng đã từng tồn tại một bài "Only Love" như vậy. Nếu được làm lại, chắc chắn Khoa sẽ sửa lại nét giai điệu kia để ca khúc đẹp của anh trọn vẹn hơn. Nhưng cũng khó có thể trách được Khoa khi "Nắm tay anh khi mưa đến" được Khoa viết từ 8 năm trước, khi anh mới 20 tuổi. Nên nhớ, lúc "Only Love" làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng, Châu Đăng Khoa mới 10 tuổi, còn là cậu bé ở Đắk Lắk và chưa xuống TP Hồ Chí Minh để học nhạc.

Nhưng trường hợp đáng tiếc (chứ không đáng trách) của Châu Đăng Khoa chỉ là chuyện nhỏ trong giới âm nhạc hiện nay. Chuyện đáng quan ngại hơn là đã bắt đầu có một loạt những sáng tác dễ dãi thực chất copy luôn nét giai điệu của những bài hits trên thế giới, từ tinh vi cho tới thô thiển. Cụ thể, nếu chúng ta mở bản "Where do we go"- (Tình về nơi đâu) và so sánh với bản "Halo"  của Beyonce, chúng ta sẽ thấy sự tương đồng đến đáng kinh ngạc. "Where do we go"- (Tình về nơi đâu) thực tế chỉ điều chỉnh đúng hợp âm cuối của vòng hợp âm của "Halo" và có nét giai điệu cùng diễn tiến không hề khác bản "Halo".

Chính sự thành công kiểu mô hình "Where do we go" (Tình về nơi đâu) này đã tạo thành cái "khung hành động", cái "công thức thực hành âm nhạc" để nhiều bản sau này ra đời một cách dễ dãi đến thế mà cụ thể là bản "Yêu từ phía xa" (Chi Dân) với nét giai điệu không khác "As long as you love me" (Backstreet Boys).

Và nếu tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta sẽ nhận thấy không chỉ Chi Dân mà nhiều ca sỹ - nhạc sỹ trẻ hiện nay đều sa vào lối sáng tác dễ dãi ấy. Trớ trêu là sự thành công về lượt nghe, xem của những sản phẩm dễ dãi như thế lại kích thích những người trẻ khác lao vào cách làm đáng trách.
Văn Đoàn
.
.