Giải thưởng “Làn sóng xanh” 2018:

Lột xác để phản ánh chân thực thị trường nhạc Việt

Thứ Bảy, 04/08/2018, 08:06
Với sự thay đổi cả về nội dung và hình thức, “Làn sóng xanh” được đánh giá là “bắt nhịp” nhanh với các giải thưởng âm nhạc đang thịnh hành nhất trên thế giới. Giải thưởng sẽ mở rộng “tầm phủ sóng” đến công chúng cả lĩnh vực truyền hình và công nghệ số thay vì tương tác chủ yếu trên kênh Radio FM 99.9Mhz như mọi năm...


Liveshow đầu tiên trong khuôn khổ Giải thưởng âm nhạc “Làn sóng xanh” 2018 đã diễn ra tại nhà hát VOH Music One, TP. Hồ Chí Minh hôm 26/7 vừa qua. Trước đó, thông tin “Làn sóng xanh”, một trong những giải thưởng âm nhạc lâu đời và uy tín nhất Việt Nam mùa thứ 21 sẽ “lột xác” cả về nội dung và hình thức với phiên bản “Làn sóng xanh - Next Step” nhận được sự chú ý của dư luận. Liệu “Làn sóng xanh” phiên bản mới có thể trở thành “nhiệt kế” để đo chính xác sự biến động của thị trường nhạc Việt?.

Thay đổi để thích ứng

Còn nhớ, lễ trao giải “Làn sóng xanh năm 2017”, kỷ niệm 20 năm ra đời giải thưởng âm nhạc này tổ chức hồi đầu tháng 1/2018 khiến khán giả cả nước “thất vọng toàn tập”. Công tác tổ chức có nhiều vấn đề, sự vắng bóng nghệ sỹ tên tuổi từng gắn liền với thời hoàng kim của “Làn sóng xanh” cũng như khán giả khiến lễ trao giải trở nên ảm đạm và tẻ nhạt.

Sự hụt hơi của một giải thưởng âm nhạc truyền thống như “Làn sóng xanh” so với các giải thưởng âm nhạc trực tuyến thấy rõ. Chính vì vậy, nhiều khán giả kỳ vọng vào sự lột xác của “Làn sóng xanh” năm nay.

Ban Tổ chức cho biết, Giải thưởng “Làn sóng xanh” 2018 có nhiều thay đổi mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức.

Tại cuộc họp báo giới thiệu về giải thưởng, ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, “trong bối cảnh của hội nhập, công nghệ 4.0, sự thay đổi của Làn sóng xanh bước sang tuổi 21 là một yêu cầu và thách thức mới khi mà thị hiếu âm nhạc, cách tiếp cận các kênh âm nhạc của công chúng có nhiều thay đổi. Đó là lý do VOH cùng hợp tác với Madison Group để cho ra đời phiên bản mới “Làn sóng xanh – Next Step”.

Với sự thay đổi cả về nội dung và hình thức, “Làn sóng xanh” được đánh giá là “bắt nhịp” nhanh với các giải thưởng âm nhạc đang thịnh hành nhất trên thế giới. Giải thưởng sẽ mở rộng “tầm phủ sóng” đến công chúng cả lĩnh vực truyền hình và công nghệ số thay vì tương tác chủ yếu trên kênh Radio FM 99.9Mhz như mọi năm. Trưa thứ sáu hằng tuần, “Làn sóng xanh” sẽ phát sóng chương trình với sự tham gia của các ca sĩ, nhạc sĩ có bài hát được đề cử trong bảng xếp hạng.

Mỗi tối thứ năm cuối tháng, một liveshow “Làn sóng xanh - Next Step” đánh giá lại bảng xếp hạng trong tháng sẽ được tổ chức, kết hợp talkshow với người nổi tiếng và hội đồng chuyên môn. Điểm nhấn đáng chú ý trong liveshow hằng tháng là “Bài hát thách thức”.

Theo đó, nhà sản xuất tham gia chương trình phải chọn một bài hit bất kỳ được đề cử để phối mới hoàn toàn. Sau phần trình diễn ca khúc, hội đồng bình luận nêu quan điểm và nhà sản xuất có quyền phản biện. “Làn sóng xanh - Next Step” được kỳ vọng sẽ là nơi giới thiệu những sản phẩm âm nhạc, gương mặt mới hoặc dự án của ca sĩ nổi tiếng. Đồng thời, là nơi để kết nối, giới thiệu những giọng hát hay nhưng chưa được công chúng biết đến nhiều.

Ngoài những thay đổi về hình thức kể trên, tiêu chí bình chọn hạng mục đề cử, cơ cấu giải thưởng cũng có nhiều thay đổi. Hội đồng bình chọn của “Làn sóng xanh” 2018 sẽ tăng lên con số “kỷ lục” là 250 người.

Trong thời đại công nghệ số, các lượt xem, nghe, bình chọn có thể bị can thiệp thì việc có một Hội đồng bình chọn gồm đông đảo những người có uy tín trong lĩnh vực âm nhạc sẽ đảm bảo được các góc nhìn chuyên môn cho các ca khúc hit trong bảng xếp hạng. Hội đồng bình chọn sẽ cùng với công chúng đề cử và chọn ra những nhạc sĩ, ca sĩ, bài hát, một số hạng mục âm nhạc tiêu biểu, hội tụ cả hai yếu tố thị trường và nghệ thuật.

Chưa phản ánh đúng bức tranh thị trường âm nhạc Việt

Ra đời từ năm 1997, “Làn sóng xanh” là một trong những giải thưởng âm nhạc lâu đời và uy tín nhất trong thị trường âm nhạc Việt. Thời “hoàng kim” của “Làn sóng xanh” gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ sỹ hàng đầu showbiz Việt. Nhiều thế hệ khán giả yên mến và đặt niềm tin vào “Làn sóng xanh”. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, “Làn sóng xanh” nhạt nhòa, không còn giữ được vị thế như chục năm trở về trước.

Lý giải vấn đề này, nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính là do xuất hiện quá nhiều giải thưởng âm nhạc, nhất là các giải thưởng âm nhạc trực tuyến. Có thể “điểm danh” một vài giải thưởng âm nhạc trực tuyến được chú ý trong thời gian gân đây như: “Lâu đời” nhất là giải thưởng “Zing Music Award” do trang nghe nhạc trực tuyến Zing MP3 đã trải qua 8 mùa tổ chức, giải thưởng thường niên tôn vinh những sản phẩm giải trí kỹ thuật số “POPS Awards” (do Công ty POPs Worldwide – đơn vị chuyên sản xuất, phát hành các nội dung giải trí trên nền tảng kỹ thuật số) đã trải qua 4 mùa giải, mới nhất là “Keeng Young Awards” do Mạng xã hội Âm nhạc Keeng và dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ Imuzik tổ chức. “Keeng Young Awards” ra đời với mục đích nhằm vinh danh những đóng góp của thế hệ nghệ sỹ trẻ dưới 30 tuổi tại Việt Nam trong năm.

So với giải thưởng âm nhạc truyền thống, giải thưởng âm nhạc trực tuyến có lợi thế hơn hẳn về “tính thị trường”, khả năng tiếp cận khán giả trẻ trong khi phần lớn số lượng khán giả nghe nhạc trực tuyến ở Việt Nam là những người trẻ. Sự nhanh nhạy, kịp thời cộng với việc quảng bá tốt của các giải thưởng âm nhạc trực tuyến đã “lấn lướt” các giải thưởng âm nhạc truyền thống. Dù đã có những thay đổi nhưng chưa thật mạnh mẽ nên các giải thưởng âm nhạc truyền thống, trong đó có “Làn sóng xanh” “hụt hơi cũng là điều có thể dự báo trước.

Ca sĩ Lam Trường (trái) và Noo Phước Thịnh lần đầu kết hợp trên sân khấu liveshow “Làn sóng xanh – Next Step” đầu tiên, diễn ra hôm 26/7 vừa qua.

Nhìn chung, giải thưởng âm nhạc ở Việt Nam không ít nhưng chưa thực sự phản ánh đúng bức tranh thị trường nhạc Việt. Những giải thưởng âm nhạc trực tuyến chủ yếu dựa trên số liệu thống kê từ nền tảng số hóa mà đơn vị trao giải thưởng sở hữu. Chính điều này dẫn đến tình trạng, chỉ có những nghệ sỹ, ca sĩ có sản phẩm được đưa lên nền tảng số hóa của đơn vị trao giải thưởng âm nhạc mới có cơ hội giành giải thưởng. Rõ ràng, đây là sự phiến diện bởi vì nhiều lý do khác nhau, một số nghệ sỹ không đưa sản phẩm âm nhạc của mình lên các trang nghe nhạc trực tuyến.

Bên cạnh đó, các giải thưởng âm nhạc mới chỉ phản ánh được “phần nổi” của thị trường âm nhạc. Phần lớn những ca khúc được vinh danh, giành thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng âm nhạc là ca khúc nhạc thị trường được nhiều khán giả trẻ yêu thích. Trong khi đó, những ca khúc thuộc các dòng nhạc “kén người nghe”, thiếu vắng chiêu trò thì “khó có cửa” ở những giải thưởng âm nhạc mang tính chất đại chúng. Tình trạng một số ca khúc đình đám của các ca sĩ trẻ “càn quét” các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến diễn ra khá phổ biến trong vài năm trở lại đây.

Làm sao để nghệ sỹ, các sản phẩm âm nhạc được tôn vinh vừa mang yếu tố nghệ thuật cao nhưng đồng thời được công chúng nồng nhiệt đón nhận là bài toán mà các giải thưởng âm nhạc ở Việt Nam hiện nay còn thiếu. Giải thưởng âm nhạc đang chia làm hai “trường phái” rõ nét: nặng về yếu tố thị trường (thể hiện rõ ở các giải thưởng âm nhạc trực tuyến) hoặc là nặng về yếu tố chuyên môn, nghệ thuật. Thực tế cho thấy, không phải sản phẩm âm nhạc nào được giới chuyên môn đánh giá cao cũng “được lòng” công chúng và ngược lại.

Trở lại câu chuyện “lột xác” của giải thưởng “Làn sóng xanh” năm nay, tôi cho rằng, thay đổi là cần thiết và tất yếu để bắt nhịp với sự phát triển của thị trường âm nhạc, để phản ánh thực chất hơn sự biến động của nhạc Việt trong năm. Sự xuất hiện của hội đồng bình chọn đông đảo gồm những người am hiểu lĩnh vực âm nhạc sẽ là yếu tố tạo ra sự cân bằng cần thiết giữa yếu tố đại chúng và chuyên môn, nghệ thuật. 

Giải thưởng “Làn sóng xanh” 2018 mới khởi động và đến đầu tháng 1/2019, lễ trao giải mới diễn ra. Hy vọng, với sự nỗ lực thay đổi và truyền thống hơn 20 năm, “Làn sóng xanh” sẽ quay trở lại thời kỳ hoàng kim, thực sự là bảng xếp hạng âm nhạc uy tín trong thị trường nhạc Việt.

Phạm Thiên Giang
.
.