Ở thời "âm nhạc 4.0"

Thứ Năm, 07/01/2016, 09:36
Trong những "ông lớn" kinh doanh nhạc số trên thế giới hiện nay, Spotify được coi là nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu, bên cạnh iTunes- với dịch vụ Apple Music mới ra mắt cách đây chưa lâu. Và Spotify đang đứng trước một vụ kiện tụng rất lớn mà nó có thể sẽ ảnh hưởng vô cùng lâu dài đến việc kinh doanh của mình trong tương lai. 


Nhiều nghệ sỹ nổi tiếng, như band nhạc Camper Van Beethoven; David Lowery (thủ lĩnh band Cracker), đang đâm đơn ra toà yêu cầu Spotify bồi thường một khoản tiền lên tới 150 triệu USD cho các sản phẩm âm nhạc bị xâm phạm quyền tác giả đang được Spotify cung cấp bằng dịch vụ nghe trực tuyến hôm nay.

Sự thanh minh của Spotify khá yếu ớt, khi họ cho rằng "Chúng tôi cam kết sẽ trả cho các nhạc sỹ có quyền lợi liên quan từng xu một. Nhưng không may là trên thị trường hiện nay, đặc biệt là ở thị trường Mỹ, những dữ liệu cần thiết về các nhạc sỹ giữ tác quyền thường bị thất lạc, thiếu sót, sai lệch hoặc thiếu chính xác.

Chúng tôi vẫn gạt sang một bên các khoản liên quan đến những tác phẩm chưa xác định rõ tác quyền và xác định nhân thân tác giả". Đó là một giải thích cho thấy rõ rằng Spotify còn những khoản chưa thanh toán theo đúng nghĩa vụ của họ và họ đổ lỗi cho việc thiếu thông tin cụ thể, thứ vốn dĩ không tồn tại phổ biến ở thị trường giải trí Mỹ.

Nhưng câu chuyện xa vời của thế giới ấy có ảnh hưởng gì đến Việt Nam hay không mới là quan trọng. Trên thực tế, nó liên quan mật thiết bởi nhờ sợi dây công nghệ thông tin, nhiều thị trường Việt đang rất gần với cách vận hành của thế giới, đặc biệt là thị trường giải trí.

Cách đây chưa lâu, giới kinh doanh giải trí, âm nhạc trên thế giới đã đón nhận một "giáo trình" mới có tên "Âm nhạc 4.0". Đó là một cuốn sách chỉ dẫn về kinh doanh âm nhạc hiện đại, khi thị trường âm nhạc được xác định là đã ở phiên bản "4.0", khi những sản phẩm bản ghi như CD đã trở nên lỗi thời. Thậm chí, sản phẩm kinh doanh theo kiểu "tải file nhạc" cũng đã bị coi là quá cũ và cập nhật nhất hiện nay là sản phẩm nghe trực tuyến.

Theo cuốn sách ấy định nghĩa, việc nghe trực tuyến sẽ "mang lại doanh thu rất lớn và trải rộng cho nghệ sỹ, tác giả sáng tác, nhà phát hành và hãng sản xuất". Và "Âm nhạc 4.0" đã tồn tại ở Việt Nam, từ khá lâu rồi, dù còn sơ khởi, qua các kênh của Keng.vn (Viettel); Zing; nhaccuatui.com…, những đơn vị được coi là tiên phong.

Nhưng thực sự các nhạc sỹ đã thu lại gì từ những nền tảng tiên phong ấy? Gần như là chưa có gì khi các thoả thuận hiện tại chỉ quan tâm đến người thụ hưởng duy nhất là ca sỹ và bỏ qua hoàn toàn các tác giả sáng tác, các nhà sản xuất vvv. Bởi thế, trong khi có những ca sỹ thu được tiền tỷ từ các bản ghi âm thì người nhạc sỹ sáng tác ca khúc cho bản ghi âm ấy vẫn bị tảng lờ, không chỉ bởi sự thiếu hiểu biết mà còn cả là sự thiếu liêm chính của chính những đồng nghiệp của họ.

Thế nên, vẫn còn tồn tại những xì xầm trong giới giải trí rằng nhạc sỹ này quỵt tiền của nhạc sỹ kia (đồng sở hữu tác phẩm); ca sỹ này quỵt tiền nhạc sỹ kia; nghệ sỹ này quỵt tiền nhà thơ nọ… với cái rào cản gọi là "đồng nghiệp ai lại đi tố nhau làm gì".

Nhưng nghĩ lại, ở thời đại âm nhạc 4.0 này (biết đâu chỉ vài năm nữa đã là 5.0; 6.0…), sự công chính nhiều khi cần phải được đòi lại bằng chính nghĩa từ toà án. Phải có những khởi kiện như kiểu Spotify bị khởi kiện hôm nay ở Mỹ, thị trường mới có thể tiến bộ được. Bằng không, chính sự cả nể sẽ giết chết tất cả, bao gồm cả sáng tạo, thứ không thể sống mà không có vật chất nuôi dưỡng nó hàng ngày.

Hà Đan Anh
.
.