Thu tiền bản quyền nhạc số: Không còn là thách thức

Thứ Sáu, 26/10/2012, 09:05
Sự kiện Coca Cola và Samsung chấm dứt các hợp đồng quảng cáo trên Zing thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo nhạc sĩ, ca sĩ. Việc làm này sẽ tạo ra một tiền lệ tốt trong việc thực thi bản quyền nhạc số ở Việt Nam và đây được xem là bước thắng lợi mới trong cuộc chiến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc - mảnh đất nghệ thuật màu mỡ, đem lại lợi nhuận cao nhưng cũng chứa đựng nhiều điều bất cập nhất...

Vừa qua, sự việc hai tập đoàn đa quốc gia là Coca Cola và Samsung rút hợp đồng quảng cáo khỏi trang web âm nhạc www.zing.vn với lý do website này thường xuyên sử dụng tác phẩm âm nhạc phương Tây và Việt Nam không có bản quyền đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Trước thời điểm thu phí tải nhạc trên Internet ở trong nước đã cận kề (1/11/2012), nhiều người hy vọng trật tự về vấn đề bản quyền nhạc số sẽ được lập lại và khỏa lấp được những thiệt hại về kinh tế cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ và các công ty băng đĩa, động thái của hai nhãn hàng nói trên thực sự như một "cú đánh" khiến nhiều trang web âm nhạc khác vẫn đang tận dụng phương thức cho tải nhạc miễn phí để thu lợi bằng quảng cáo phải tỉnh ngộ.

Trên một số phương tiện truyền thông, người đại diện của nhãn hàng Samsung đã tuyên bố: "Chúng tôi đánh giá cao các quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời chống lại những hành động vi phạm như sử dụng và phân phối các sản phẩm có bản quyền mà không được phép. Do vậy, quảng cáo của Samsung trên Zing đã bị gỡ bỏ". Còn theo người đại diện của Coca-Cola, thì tập đoàn đa quốc gia này đã nhận được thông báo của Liên minh Bản quyền Trí tuệ Quốc tế (IIPA) cáo buộc Zing.vn đã vi phạm bản quyền kèm theo những văn bản chứng minh mà trước đó Coca-Cola chưa có được. Đồng thời vào tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Các nhà quảng cáo Mỹ đã khuyến cáo các thành viên của mình ngăn chặn hoạt động quảng cáo bất hợp pháp nói trên và coi việc Coca Cola và Samsung đăng quảng cáo trên một trang web có những vi phạm như thế này "là việc làm không thể chấp nhận được". Trước những sức ép trên và nguyên tắc ứng xử "luôn chọn những đối tác hoạt động hợp pháp để giao dịch và đối tác đó có cam đoan về tính hợp pháp của mình", Coca Cola và Samsung đã chấm dứt các hợp đồng quảng cáo với Zing từ tháng đầu 10. Mặc dù đến nay, đại diện của www.zing.vn không đưa ra bình luận nào về sự việc trên, nhưng rõ ràng là việc hai nhãn hàng lớn hàng đầu thế giới là Coca Cola và Samsung không đăng quảng cáo của họ trên trang web này nữa sẽ khiến cho Zing có những tổn thất không hề nhỏ về tài chính. Bởi vì, với bất kỳ một trang web nào có sự độc lập về tài chính, việc có được hợp đồng quảng cáo với một trong hai thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như trên, cũng là điều đáng mơ ước.

Cũng xin nói thêm, Zing đã là 1 trong 5 website âm nhạc đầu tiên của Việt Nam ký kết với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Công ty MV Corp vào ngày 15/8/2012, trong đó thực hiện đồng loạt thu phí tải nhạc đồng loạt từ ngày 1/11/2012 với mức phí 1.000 đồng/lượt tải nhạc. Nhưng chắc hẳn việc làm này của Zing cũng không thuyết phục được phía đối tác tiếp tục duy trì quảng cáo bởi những sai phạm trước đó của chính họ. Trước đó, Zing đã nhiều lần bị các tổ chức thuộc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam cũng như cá nhân các nghệ sĩ lên tiếng tố cáo việc trang mạng này sử dụng các sản phẩm trí tuệ của họ mà không trả bản quyền cũng như không xin phép họ như ông Huỳnh Tiết - Giám đốc Bến Thành Audio - Video, ca sĩ Lệ Quyên... nhưng việc này vẫn tiếp tục tái diễn. Thực tế, việc một đơn vị không nghiêm túc trong việc thực hiện đúng việc trả tiền bản quyền theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành của Nhà nước nhưng lại được hưởng những món lợi kếch xù từ các hợp đồng quảng cáo là một sự... bất công. Không có cách nào khác, các trang web chuyên về âm nhạc muốn sinh lời từ việc quảng cáo đã đến lúc phải cam kết thực hiện đúng "luật chơi" công bằng và không có ngoại lệ.

Sự kiện Coca Cola và Samsung chấm dứt các hợp đồng quảng cáo trên Zing thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo nhạc sĩ, ca sĩ. Việc làm này sẽ tạo ra một tiền lệ tốt trong việc thực thi bản quyền nhạc số ở Việt Nam và đây được xem là bước thắng lợi mới trong cuộc chiến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc - mảnh đất nghệ thuật màu mỡ, đem lại lợi nhuận cao nhưng cũng chứa đựng nhiều điều bất cập nhất. Một số nhạc sĩ nổi tiếng như Quốc Trung, Huy Tuấn đã chia sẻ về một thông điệp mang tên "Nghe có ý thức" được nhiều người quan tâm. Thông điệp mà các nhạc sĩ muốn hướng tới, đó là xây dựng một thói quen sử dụng sản phẩm trí tuệ có trả tiền, trong đó bao gồm cả việc nghe nhạc trực tuyến, chứ không chỉ là tải nhạc. Có thể nói, đây là việc làm rất đáng hoan nghênh, nhưng trong bối cảnh chung ở Việt Nam, việc thu được tiền của người nghe từ việc nghe nhạc trực tuyến quả là khó như... bắc thang lên giời. Thời gian để biến thông điệp này thành hành động hiện thực có lẽ phải tính bằng thập kỷ, có khi phải là một thế hệ mới mong thay đổi được ý thức của "người tiêu dùng âm nhạc" vốn quen được nghe miễn phí, sài chùa. Bởi thế, việc từ ngày 1/11 tới đây, là thời điểm ứng dụng việc thu phí tải nhạc mới bắt đầu thực hiện ở 5 website về âm nhạc lớn gồm: Zing.vn, nhaccuatui, Nhac.vui, Socbay, nghenhac... đã là một tín hiệu rất đáng mừng. Chắc hẳn, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và đối tác là MVCorp - đơn vị đã bỏ tiền mua lại bản quyền hơn 40.000 ca khúc từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng phải đợi kết quả của việc thực hiện các hợp đồng này ra sao mới có những bước hành động khả quan tiếp theo.

Vấn đề bản quyền nhạc số trở nên nhức nhối từ nhiều năm nay và gần đây nó đã được đào xới một cách khá nghiêm túc. Nhưng ngay cả khi thời điểm thu phí nhạc số từ ngày 1/11 đã cận kề, vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc ở Việt Nam cũng không vì thế mà kém nhức nhối. Mới đây, ca sĩ Lệ Quyên đã ủy quyền cho Công ty luật TNHH Việt Long Thăng (VLT Lawyers) thay mặt cô làm việc với đại diện 9 trang nhạc số đã sử dụng trái phép những ca khúc trong 2 CD "Khúc Tình Xưa 2", "Tình Khúc Yêu Thương" với mức đòi bồi thường thiệt hại lên tới... 8 tỉ đồng. Đã đến thời hạn ghi trong các văn bản kiến nghị, VLT Lawyers chỉ nhận được văn bản trả lời cũng như đề nghị gặp gỡ, đàm phán của 5 trang nghe nhạc trực tuyến. Vì thế, VLT Lawyers cho biết đang chuẩn bị thủ tục để thay mặt ca sĩ Lệ Quyên khởi kiện 4 trang mạng còn lại.

Trước Lệ Quyên, hàng loạt ca sĩ đã trở thành "nạn nhân" của các website nhạc số. Trung tuần tháng 3 vừa qua, ca sĩ Phương Nga - giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã phát hành album "Ơi cuộc sống mến thương". Chỉ vài ngày sau đó, "Ơi cuộc sống mến thương" đã nghễu nghện trên các website nhạc số khiến chủ nhân của nó kinh ngạc đến độ... bật khóc. Nhưng Phương Nga không phải là nạn nhân đầu tiên, trước đó hàng loạt ca sĩ nổi tiếng ở Việt Nam như Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Tấn Minh, Thái Thùy Linh, Lê Cát Trọng Lý, Quốc Hưng... đều đã gặp phải tình trạng tương tự, thậm chí là có album bị xâm phạm đồng thời với thời điểm phát hành như "Tóc ngắn Acoustic - Một ngày" của Mỹ Linh. Hành trình đi "kiện tụng", nhất là kiện để đòi tiền bản quyền ở Việt Nam luôn rất gian nan, nhưng ca sĩ Mỹ Tâm từng đòi được số tiền lên tới hàng tỉ đồng từ các công ty kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại.

Ca sĩ Thái Thùy Linh từng rất bức xúc với việc album vol 3 "Bộ đội" của chị bị các trang web âm nhạc xâm phạm đưa lên cho phép tải miễn phí. Với mức đầu tư lên đến 250 triệu đồng, in 2.000 đĩa mà số lượng bán ra chỉ đạt khoảng 500, Thái Thùy Linh đã "lỗ nặng", việc kiện tụng để đòi tiền bản quyền của cô cũng đạt được số tiền chẳng đáng kể là bao so với tiền của và công sức đã bỏ ra, song nó được xem là một "hành động mạnh" tấn công vào các đơn vị có sai phạm và là động lực để các ca sĩ bị xâm hại quyền lợi chính đáng lên tiếng cũng như có những hành động tiếp theo.

Hiện tại, nhiều người quan tâm đang tiếp tục theo dõi diễn biến của vụ kiện mà ca sĩ Lệ Quyên và đơn vị được cô ủy quyền thực hiện. Trong lúc này, để ủng hộ việc thực thi bản quyền với nhạc số, các công ty, nhãn hàng trong nước cũng hoàn toàn có thể hành động một cách văn minh, chính trực như Samsung, Coca Cola để góp phần tạo nên một môi trường trong sạch, một thói quen văn minh trong việc sử dụng sản phẩm âm nhạc. Nếu thờ ơ, mạnh ai nấy làm, họ đã vô tình tạo ra "đất sống" cho những kẻ vi phạm, trục lợi trên lao động chân chính của nghệ sĩ và những người làm ăn chân chính. Đó chẳng khác nào hành động "tiếp tay" cho cái xấu, nối giáo cho giặc. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý về Văn hóa, trong đó có Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phải mạnh tay hơn trong quá trình phát hiện và xử lý các sai phạm trong lĩnh vực âm nhạc. Việc xử lý này hoàn toàn có thể dựa vào các nội dung trong Thông tư 07 vừa có hiệu lực vào ngày 6-8 vừa qua, trong đó có nội dung: Chỉ cần thấy có nội dung vi phạm, thanh tra bộ đã có thể yêu cầu các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) cắt đường truyền của CP (nhà cung cấp nội dung số). Và việc làm này hoàn toàn nằm trong tầm tay của các nhà quản lý 

N.H.
.
.