Nhạc Rap Việt: Bước chuyển mình ngoại mục

Thứ Năm, 13/08/2020, 14:27
Nhạc rap ngày càng khẳng định vị trí trong thị trường âm nhạc Việt Nam bằng những ca khúc ăn khách, chất lượng. Giờ đây, thể loại này trở thành nhân tố chính, thậm chí đứng độc lập trong các sản phẩm âm nhạc chứ không còn chịu cảnh "lạc kèm bia" với các thể loại khác như trước đây.


Gameshow "Rap Việt" và "King of Rap" (Ông hoàng nhạc rap) không hẹn mà cùng ra mắt khán giả đầu tháng 8 này trên sóng truyền hình. "Rap Việt" được mua bản quyền sản xuất từ chương trình đình đám Thái Lan - "The Rapper", từng đạt nhiều giải thưởng vang dội như: Giải thưởng truyền hình châu Á lần thứ 23 - 2018 với hạng mục Chương trình giải trí tổng hợp hay nhất, Giải thưởng sáng tạo của Viện hàn lâm châu Á 2019, Giải thưởng Zocial Awards Thái Lan 2019 - Giải thưởng giải trí hay nhất trên mạng xã hội. 

Khỏi phải nói giới nghệ sĩ gắn bó với rap vui mừng như thế nào bởi đây là lần đầu tiên rap có gameshow riêng biệt và quy mô dành cho mình trên đài truyền hình. Giám khảo và dàn huấn luyện viên của hai chương trình này đều quy tụ những tên tuổi đình đám trong làng rap Việt như: Suboi, Karik, Wowy, Binz, Rhymastic, JustaTee, LK (Lil Knight), Lil'Shady, BigDaddy, Datmaniac (Đạt Maniac)...

Rapper Pháo tranh tài trong "King of Rap". 

Là món ăn mới trong mâm cỗ truyền hình thực tế nên vừa mới ra mắt, "Rap Việt" và "King of Rap" đều gây sự chú ý. Thế nhưng, thu hút lượng xem "khủng" ở phiên bản trên mạng là điều xưa nay hiếm với một chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng. 

Trong hai ngày lên sóng, "Rap Việt" đã có hơn 8 triệu lượt xem, giữ top hai trên kênh YouTube. Đứng vị trí thứ tư trên top thịnh hành YouTube, "King of Rap" cũng có lượt xem không kém cạnh. Bên cạnh những thí sinh mới toanh, không ít rapper đã có tên tuổi trong cộng đồng cũng tham gia tranh tài như Right, Sóc Nâu, Negav, Dablo, D.Blue, Pháo... 

Ngoài yếu tố mới mẻ, sức hút của hai chương trình này còn đến từ những bản nhạc rap ngẫu hứng đầy sáng tạo với lối trình diễn lôi cuốn, chất lừ của dàn thí sinh tài năng. Có thể kể đến bản rap "Cua", "Bật nhạc lên" của Hiếu Thứ Hai; "Dám hay không dám" của Yuno BigBoi; "Người cha câm" của Dương Tiến Thành; "Vì em so đẹp" của Thành Draw; "Sợ quá cơ" của Pháo...

Với tiêu chí tìm kiếm thế hệ triển vọng kế cận của rap và đưa thể loại này đến gần đại chúng hơn, hai chương trình chú trọng giới thiệu gương mặt nhiều triển vọng và đi sâu vào những đam mê, góc khuất của rapper cũng như phác họa đời sống sôi động của nhạc rap tại Việt Nam. So với các thể loại khác, rap là vùng đất mới mẻ hội tụ nhiều gương mặt tiềm năng nhưng chưa được khai phá. Do đó, nó được các nhà sản xuất chú trọng giữa bối cảnh các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng như "Nhân tố bí ẩn", "Giọng hát Việt", "Tìm kiếm tài năng Việt Nam"... đã quá nhàm chán và cũ kỹ. Nếu "Rap Việt" được yêu thích vì giàu tính giải trí thì "King of Rap" lại đi sâu vào chuyên môn. Điều này khiến hai chương trình bù trừ cho nhau. Sự ra đời của các gameshow dành riêng cho nhạc rap trên truyền hình như một bước tiến dài trong hành trình khẳng định sự chuyển mình của thể loại này.

Nhạc rap đã có mặt ở Việt Nam từ đầu những năm 2000. Thế nhưng một thời gian dài, nó vẫn bị coi là dòng nhạc kén người nghe, là dòng phụ lưu chứ không chính thống. Trong các sản phẩm âm nhạc, rap xuất hiện chớp nhoáng vài câu với tư cách là nhân tố phụ để làm nền, điểm trang cho bài hát chính. Số lượng rapper lẫn độ nổi tiếng của họ cũng khá khiêm tốn. 

Thời kỳ đầu, bắt chước nghệ sĩ phương Tây, những bản rap Việt độc lập đa số vẫn đầy rẫy ca từ thô lậu, suồng sã. Dẫu biết rằng rap là thể loại âm nhạc phóng túng, bộc trực, thể hiện cái tôi cá nhân và phản biện xã hội nhưng khán giả Việt thật khó chấp nhận những ngôn ngữ chợ búa, lề đường đầy bất cần như thế trong âm nhạc. Do vậy, một thời gian dài, rap vẫn bị mặc định là âm nhạc của giới underground, là thứ âm nhạc đường phố để quậy, để chửi cho sướng miệng chứ không thể biểu diễn đàng hoàng trên sân khấu lớn.
Dàn giám khảo, huấn luyện viên của chương trình "Rap Việt" là những rapper nổi tiếng.

Phải đến vài năm gần đây, rap mới thực sự bùng nổ với những cá tính âm nhạc mới lạ. Họ vẫn giữ bản chất của rap nhưng sản phẩm đã đa dạng đề tài, được trau chuốt vần điệu và giàu chất đời, chiêm nghiệm. Thay vì nhồi nhét ý nghĩ tiêu cực, bất cần, ca khúc rap ngày nay truyền tải nhiều thông điệp tích cực, giúp khán giả yêu đời, lạc quan và hướng tới một cuộc sống có ích. Phần MV cũng được đầu tư hơn. 

Số bài hát mà công chúng truyền tụng không ngừng tăng lên như: "Đưa nhau đi trốn" của Đen Vâu và Linh Cáo, "N-sao?" của Suboi, "Người âm phủ" của Osad, "Bài này chill phết" của Đen Vâu, "Người yêu tôi không có gì để mặc "của nhóm Lộn Xộn, "Yêu 5" của Rhymastic... Không chỉ vậy, các bản rap liên tiếp vượt mặt bản pop ballad mùi mẫn hay EDM sôi động để chiếm vị trí đầu trên nhiều bảng xếp hạng âm nhạc. Rapper Wowy cho hay theo sự phát triển không ngừng của nền âm nhạc nước nhà, rap Việt buộc phải văn minh hơn theo thời gian nếu muốn khán giả đón nhận.

Chính sự nổi lên của loạt bản nhạc rap chất lượng đã khiến giới nghệ sĩ dòng chính thống đẩy mạnh việc hợp tác với các rapper giàu cá tính để làm mới âm nhạc của mình. Đen Vâu, Binz, Phúc Du, Karik... không ngừng xuất hiện trong các MV đình đám của Min, Amee, Bích Phương, Miu Lê, Suni Hạ Linh... với dung lượng lời rap và lời hát khá cân bằng, thậm chí nhiều khi phần rap nhỉnh hơn. Về mặt chuyên môn, rap đã được các giải thưởng âm nhạc uy tín ghi nhận. Trong những năm qua, "Zing music awards", "Keeng young awards" đều đã có hạng mục "Ca khúc Rap/Hip-hop được yêu thích" trong cơ cấu giải thưởng.

Trong số các rapper, Đen Vâu được coi là hiện tượng kinh ngạc của làng rap Việt. Bởi chỉ đến Đen Vâu, anh mới thực sự tạo nên một "đế chế rap". Lần đầu tiên rap trở thành dòng chủ lưu và lời hát chỉ nhân tố điểm xuyến. Lần đầu tiên rap có hàng loạt bản hit (ca khúc ăn khách) như: "Hai triệu năm", "Lối nhỏ", "Anh đếch cần gì ngoài em", "Cảm ơn", "Bài này chill phết"... 

Và lần đầu tiên, rap có một liveshow riêng. Liveshow "10 năm" của Đen Vâu phát ra 5.000 vé và nhanh chóng hết veo. Các ca khúc của Đen ngồn ngộn ý tưởng, tràn đầy tinh thần tự do và sức sống tuổi trẻ - điều mà các bản ballad trữ tình thiếu vắng. 

Mới đây, Đen tiếp tục khiến khán giả đứng ngồi không yên khi phát hành MV "Trời hôm nay nhiều mây cực" được thực hiện trên trực thăng. Hiện MV này đạt vị trí thứ 3 trên top thịnh hành YouTube. Nhiều nhạc sĩ cho rằng, chính nhờ những điều mà Đen Vâu làm được, các nhà sản xuất mới mạnh dạn cho ra đời hai gameshow về rap trên.

Rap Việt đã có cuộc lột xác ngoạn mục. Nhưng theo nhạc sĩ Rhymastic, các rapper cần nên xoáy nhiều vào đề tài xã hội thay vì chỉ chú trọng đề tài tình yêu. Thừa nhận rằng viết đề tài xã hội rất khó, lại không mấy ăn khách nhưng nhạc sĩ Rhymastic cho rằng làm được điều này nghĩa là giới rapper thể hiện đúng tinh thần của rap. 

Ra đời ở những khu ổ chuột của Mỹ, nhạc rap vốn là tiếng nói phản biện, thể hiện những bất công, bức xúc mà những người thấp cổ bé họng nơi đây phải chịu đựng. Hiện tại, số ca khúc rap về tình yêu vẫn chiếm số lượng áp đảo bởi đề tài này dễ dàng chinh phục công chúng, nhất là giới trẻ. 

Song, khi đất nước có muôn vàn vấn đề nóng hổi, nhức nhối diễn ra hằng ngày hằng giờ thì các rapper không nên lãng quên sứ mệnh của mình. Khi vị trí của nhạc rap đang ngày càng vững chắc và tiệm cận với nền âm nhạc đại chúng, thì những ca khúc xã hội rất cần. 

Bên cạnh đó, thế hệ rapper ngày nay luôn ấp ủ về một ngày đưa rap Việt vượt biên giới để đến với bạn bè năm châu. Làm được điều này, rap Việt phải tạo dựng cho mình bản sắc không trộn lẫn. Bản sắc đó sẽ dễ xuất hiện hơn khi các rapper chú trọng chọn con người, đất nước và những trăn trở thời cuộc để đưa vào ca khúc.

PHAN THI UYÊN
.
.