Điện ảnh Việt: TÌm cơ hội trong thách thức

Thứ Năm, 13/08/2020, 16:39
Thị trường điện ảnh Việt Nam nếu không phải vướng vào đại dịch COVD-19 thì đang ngày càng sôi động, chứa đựng nhiều cơ hội sáng tạo cho các nhà làm phim. Tuy nhiên, làm thế nào để thu gần được khoảng cách trong quan điểm giữa các nhà làm phim độc lập và cơ quan quản lý, hội đồng duyệt phim?...


Đó là một số nội dung tại Hội thảo tham luận “Những cơ hội và thách thức của các nhà làm phim Việt Nam” do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch tổ chức.

Có thể nói, Điện ảnh là một trong những lĩnh vực văn hóa luôn có sức hút mạnh mẽ với công chúng. Không chỉ có khả năng chuyển tải thông điệp nhân văn của đời sống, những bộ phim hấp dẫn hoàn toàn có thể mang lại giá trị kinh tế cao. Chính vì thế, "Những cơ hội và thách thức với các nhà làm phim Việt Nam" đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo những người làm nghề. 

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án E - MOTIONS: Thúc đẩy kết nối và Thiết kế Môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim của UNESCO và sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ 2019 - 2022 với sự hỗ trợ từ Quỹ Tín thác Nhật Bản.

Phim ngắn “Giòng sông không nhìn thấy” được trình chiếu tại LHP Locarno. 

Những đại biểu có mặt tại hội thảo đều cho rằng, điện ảnh Việt Nam hiện nay đang đứng trước khá nhiều cơ hội thuận lợi. 

Ông Michael Crofl, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội nhận định: Nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam đang trong thời kỳ tăng trưởng và đầy năng lượng với những tài năng nổi bật, những bối cảnh quay phim tuyệt vời và một thế hệ những người làm phim sáng tạo. 

UNESCO luôn ưu tiên hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vốn được coi là biện pháp trọng tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện công ước của UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. 

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, trải qua hơn 65 năm hình thành và phát triển, điện ảnh Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách và đồng hành cùng lịch sử dân tộc với những dấu ấn quan trọng. Việt Nam có một hành lang pháp lý rất vững chắc để phát triển điện ảnh với đủ luật, chiến lược, quy hoạch, nghị định thông tư.

Công trình nghiên cứu dựa theo khảo sát thực tế của bà Nguyễn Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Công nghiệp văn hóa (VICAS) với 21 nhà làm phim cũng chỉ rõ những cơ hội với các nhà làm phim Việt Nam: Cơ chế đấu thầu, đặt hàng, hỗ trợ phát triển điện ảnh khá thuận lợi. Ngày càng có nhiều trường quay bổ sung trang thiết bị hiện đại. Thị trường đã mở rộng với trung bình sản xuất 41 phim truyện chiếu rạp/năm. Cơ chế kinh doanh đã phù hợp với quy luật thị trường. 

Thị hiếu điện ảnh, thay đổi theo hướng cởi mở, thuận lợi. Sự đa dạng trong truyền thông, ý tưởng sáng tạo. Với các nhà làm phim độc lập: Phim độc lập có nhiều câu chuyện riêng, hấp dẫn. Sự hợp tác quốc tế với những điều ước và thỏa thuận quốc tế thúc đẩy hợp tác làm phim, phát hành phim. Việc xã hội hóa điện ảnh mạnh mẽ những năm qua góp phần đặt nền móng vững chắc hơn cho việc xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh.

Tuy nhiên, điện ảnh Việt vẫn còn đang tồn tại không ít thách thức, ảnh hưởng tới việc sản xuất phim. Theo khảo sát của bà Nguyễn Thu Phương, từ góc nhìn của các nhà làm phim và các nhà phê bình: Còn nhiều rào cản về nhận thức, thị hiếu. Ví dụ như quan niệm lâu nay là phim tài liệu chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, khoa học khô cứng... nên rất khó để kéo khán giả ra rạp xem phim. 

Ngoài ra, Điện ảnh Việt Nam đang tồn tại những thách thức như: Các quy định của Luật Điện ảnh chưa thể hiện đầy đủ tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh, chưa theo kịp những tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất phát hành và phổ biến phim, chưa có tính khả thi cao. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh chưa phù hợp. Chưa có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Một số nhà làm phim còn thiếu hiểu biết pháp luật và thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam... 

Phim “Ròm” sẽ được ra rạp sau nhiều lần chỉnh sửa.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu dự hội thảo quan tâm là việc kiểm duyệt phim. Tại cuộc thảo luận, có ý kiến cho rằng, việc kiểm duyệt phim hiện nay được thực hiện khá nghiêm túc, có tác dụng gạn đục, khơi trong, mang lại cho công chúng những bộ phim phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên đôi khi sự kiểm duyệt cũng khiến nội dung phim không chạm được tới phần cốt lõi của đời sống... 

Ở một vài trường hợp, sự khác biệt về quan niệm cũng khiến cho nhà quản lý, nhà làm phim chưa thực sự "gặp nhau". Trường hợp bộ phim "Ròm" là một ví dụ. Tại LHP Busan 2019, phim được trao giải New Currents nhưng để có thể chiếu được tại thị trường Việt Nam, phim cần phải chỉnh sửa một số chi tiết. Điều đáng mừng là hiện nay, phim đã được cấp phép chỉ đợi ngày ra rạp. 

Nêu quan điểm về vấn đề này, đạo diễn Phạm Hồng Giang cũng chia sẻ câu chuyện thực tế trong quá trình làm phim, anh thường xuyên phải chỉnh sửa cảnh quay hoặc cắt khỏi phim những câu nói của nhân vật. 

Nghệ sĩ Chiều Xuân thì mong muốn các nhà duyệt phim hãy dũng cảm, mở rộng biên độ hơn nữa để có nhiều bộ phim phản ánh những vấn đề gai góc của cuộc sống. Hiện nay, vẫn tồn tại một thực tế là có một số bộ phim được giám khảo các LHP quốc tế thừa nhận nhưng chưa được cấp phép trình chiếu tại Việt Nam vì còn những yếu tố chưa phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển Điện ảnh Việt Nam thì cho rằng quan trọng nhất là tìm được tiếng nói chung giữa nhà sản xuất và nhà làm phim. Các nhà làm phim cũng không nên quá lo lắng với Luật Điện ảnh vì những gì không phù hợp với thực tế sẽ được sửa đổi. 

Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng cho rằng một tín hiệu mừng là gần như không có sự bất bình đẳng giới ở điện ảnh Việt Nam. Các nhà làm phim ở Việt Nam đều có những cơ hội làm việc thuận lợi ngang nhau. Bên cạnh đó, trong hoạt động điện ảnh, những khó khăn mà các nhà làm phim độc lập Việt Nam gặp phải cũng không quá khác biệt so với các nhà làm phim ở các nước. 

Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng cho rằng cần phải phân biệt rõ ràng nhà làm phim độc lập là phải độc lập trong ý tưởng, độc lập trong tài chính. Vì hiện nay, cơ chế sản xuất phim nhà nước có rất ít phim đặt hàng: chủ yếu tập trung vào dòng phim cách mạng, phục vụ cho những lễ kỷ niệm lớn... Điều này sẽ khó có sự gặp gỡ với các nhà làm phim độc lập. 

Đạo diễn Phan Đăng Di vui mừng cho hay sở dĩ năm nay chúng ta có tới 3 bộ phim của đạo diễn Việt Nam tham gia hạng mục phim ngắn quốc tế của LHP Locarno (Thụy Sĩ)- một trong những LHP quan trọng của châu Âu - đó là vì cơ chế lựa chọn gọn nhẹ, công bằng. Anh cho rằng: "Muốn thay đổi hay tạo cho điện ảnh Việt Nam tiếng nói mới thì phải có những hành động cụ thể, phải có tư duy công bằng trong việc mang đến cơ hội và sự tôn trọng các tài năng"

Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù vẫn còn không ít thách thức đặt ra với điện ảnh Việt Nam nhưng với nỗ lực của các nhà làm phim, sự thay đổi phù hợp trong công tác quản lý của cơ quan chức năng chúng ta đã có được thị trường điện ảnh ngày càng sôi động. Số lượng phim được sản xuất mỗi năm ngày một tăng, không ít phim Việt đã tạo được cơn sốt phòng vé với doanh thu khủng. 

Bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho rằng việc sản xuất, phổ biến phim trên thế giới hiện nay không thể bền vững nếu tách rời nó ra khỏi yếu tố kinh tế và công nghiệp điện ảnh. Điện ảnh Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. 

Dự án E - MOTIONS nhằm hỗ trợ phát triển mạng lưới các nhà làm phim và các chuyên gia trong khu vực Đông Nam Á, trong đó ưu tiên triển khai tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. 

Dự án là một trong những hoạt động góp phần thực thi công ước UNESCO 2005 và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc như tạo việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giải quyết vấn đề mất cân bằng về giới trong ngành công nghiệp điện ảnh khu vực, đồng thời khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và hợp tác giữa các nữ chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

Thảo Duyên
.
.