Webtoon -“Miền đất hứa” của truyện tranh Việt
- Truyện tranh Việt đang trỗi dậy mạnh mẽ
- Tác giả “Dũng sĩ Hesman” giao lưu tại Ngày hội truyện tranh Việt Nam
- Truyện tranh Việt giành giải thưởng quốc tế tại Nhật Bản
- “Giấc mơ”của truyện tranh Việt
“Cánh hoa trôi giữa hoàng triều” của tác giả Tuyết Tuyết là tác phẩm mới nhất ra đời theo định dạng webtoon. Mới trình làng trên ứng dụng Comi, bộ truyện đã gây chú ý vì xoáy sâu vào cuộc đời vị nữ hoàng duy nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam: Lý Chiêu Hoàng. Ông Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập trang đọc truyện Comicola và ứng dụng Comi cho biết: “Nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của webtoon trên thế giới, cuối năm 2018, Comicola dồn toàn bộ nguồn lực để thực hiện nền tảng webtoon tại Việt Nam, đó là ứng dụng truyện tranh Comi.
Sau 6 tháng chạy thử và đưa tập 1 webtoon “Cánh hoa trôi giữa hoàng triều” ra mắt, chúng tôi vui mừng khi sự chuyển dịch này là hoàn toàn hợp lý. Bởi lúc đầu, Tuyết Tuyết và chúng tôi chật vật hai năm tìm cách đưa truyện ra sách giấy nhưng vô vọng. Đến khi tác phẩm chuyển sang dạng webtoon thì mọi chuyện lại vô cùng khả quan”. Để phù hợp với định dạng webtoon, Tuyết Tuyết phải thêm bớt khung tranh và vẽ lại các bức tranh đen trắng thành có màu.
Ban tổ chức cuộc thi Vietnam Webtoon Contest 2019 trao giải nhất cho Võ Văn Lâm - tác giả webtoon “Binh đoàn cáo”. |
Hiện tại, ứng dụng Comi đã có 150.000 người dùng và tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Riêng “Bad Luck”, “Chuyện tào lao của Vàng Vàng”, “Mèo Mốc”, “Địa ngục môn”… lại đi từ định dạng webtoon ra sách giấy hoặc song song hai phiên bản. Nhờ phiên bản webtoon trên trang Comicola, các bộ truyện này được đông đảo công chúng biết đến.
Webtoon chứa nhiều ưu điểm vượt trội hơn truyện giấy. Theo ông Nguyễn Khánh Dương, nếu truyện giấy phải vất vả đi xin giấy phép, trải qua vô số thủ tục phức tạp mới được xuất bản thì webtoon lại tự do hơn nhiều. Đặc biệt, đây là mảnh đất màu mỡ cho những người mới bắt đầu thử sức với truyện tranh. Vì không bị kiểm duyệt nên webtoon sở hữu thể loại vô cùng phong phú (kinh dị, phiêu lưu, lãng mạn, kỳ ảo…) và nội dung đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi khán giả.
Điểm lại sẽ thấy những bộ webtoon được yêu thích nhất đều có nội dung và hình thức gần gũi, súc tích mà không kém phần thú vị. Những tác giả webtoon bây giờ không chăm chăm đi theo lối mòn, hô hào khẩu hiệu hay những bài học giáo dục nhàm chán, khô cứng. Họ biết vượt thoát ra khuôn mẫu và đem đến cho người đọc cái nhìn chân thực, hóm hỉnh, thậm chí là giàu tính triết lý, tưởng tượng của người trẻ hôm nay về mọi mặt cuộc sống, nhân sinh.
Chẳng hạn “Bab Luck” của tác giả Nguyễn Huỳnh Bảo Châu là câu chuyện học đường vui nhộn. “Thỏ bảy màu” và “Mèo Mốc” có điểm chung là khai thái những mẩu đối đáp vui nhộn, bất ngờ trong cuộc sống hàng ngày của thế hệ 9X, 10X. “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” của họa sĩ Phan Kim Thanh lại không hề tào lao chút nào bởi ẩn sau những câu chuyện cực ngắn tưởng như vớ vẩn, buồn cười ấy là thông điệp sâu cay về vấn đề thời sự, xã hội, chính trị… Sự phát triển của webtoon đang giúp truyện tranh Việt có bước chuyển mình vượt bậc và là mảnh đất hứa mời gọi người khai phá.
Không chỉ dễ dàng tiếp cận độc giả, webtoon còn là cách tác giả thăm dò bạn đọc. Nhờ có phần bình luận, lượt xem, like, thậm chí là bỏ tiền mua bản webtoon (với những ứng dụng trả tiền), họ có thể đo được sự yêu thích, hưởng ứng của độc giả. Điều này đặt tiền đề để tác giả quyết định có nên in thành sách giấy hay không.
Tại Việt Nam, webtoon chỉ mới manh nha và còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, nó cũng sớm hái được quả ngọt. Bằng chứng là sau một thời gian ra mắt và gây sốt, các webtoon như “Bad Luck”, “Mèo Mốc”, “Chuyện tào lao của Vàng Vàng”… đều được các nhà xuất bản ngỏ lời ấn hành sách giấy. Với độc giả, webtoon giúp họ có cơ hội tiếp cận nhiều bộ truyện tranh hấp dẫn và có thể đọc bất cứ đâu chỉ với một chiếc điện thoại trong tay. Thậm chí, nhờ hình thức đọc trên mạng nên webtoon có thể tiếp cận bạn đọc quốc tế. Do đó, tương lai vươn xa của truyện Việt ở nước ngoài là điều rất đáng kỳ vọng khi webtoon phát triển.
Webtoon được khai sinh ở Hàn Quốc vào năm 2003. Nhưng phải đến năm 2013, khi bộ webtoon “Bí mật của Hun” chuyển thể sang phiên bản điện ảnh và trở thành bộ phim chuyển thể từ truyện tranh ăn khách nhất Hàn Quốc, thì webtoon thực sự vươn mình mạnh mẽ. Theo số liệu từ cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), webtoon chiếm hơn 70% doanh thu thị trường truyện tranh nước này. Rất nhiều bộ webtoon Hàn Quốc làm mưa làm gió tại thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam như: “Thư ký Kim sao thế?”, “Người đẹp Gangnam”, “Thử thách thần chết: Giữa hai thế giới”…Các bộ webtoon này nổi tiếng đến nỗi nó nhanh chóng được chuyển thể sang phiên bản truyền hình hoặc điện ảnh.
Đón đầu xu hướng, cuộc thi Vietnam Webtoon Contest 2019 ra đời nhằm tìm kiếm lực lượng trẻ đáp ứng cho sự phát triển của webtoon Việt. Dù chỉ diễn ra trong hai tháng để thăm dò bước đầu nhưng ban tổ chức đã nhận được gần 70 tác phẩm. Các tác phẩm đều được đầu tư công phu và lần lượt thu hút sự quan tâm của độc giả. Mới đây, tại Ngày hội truyện tranh Việt Nam, cuộc thi đã khép lại với giải nhất được trao cho tác phẩm “Binh đoàn cáo” của tác giả Võ Văn Lâm.
“Cánh hoa trôi giữa hoàng triều” của tác giả Tuyết Tuyết là bộ webtoon Việt nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của độc giả. |
Các nhà chuyên môn lý giải rằng giai đoạn trước năm 2013, sở dĩ thị trường truyện tranh Việt rơi vào trầm lắng bởi vì dù có không ít tác phẩm ra đời nhưng đa số các tác phẩm ấy vẫn ảnh hưởng kiểu vẽ manga Nhật hoặc manh nha Hàn Quốc. Nếu cố gắng tìm kiếm nét vẽ thuần Việt thì họ lại không thoát khỏi cái bóng quá lớn của “Thần đồng đất Việt”. Đến nay, truyện tranh Việt bắt đầu thu hút bạn đọc trở lại bởi đội ngũ sáng tác đã tìm được phong cách riêng, thoát hẳn vòng ảnh hưởng của truyện ngoại. Ngay cả các thí sinh dự thi Vietnam Webtoon Contest 2019 – vốn là tác giả không chuyên - cũng đều định hình nét vẽ thuần Việt, câu chuyện thuần Việt.
Và điều quan trọng, theo họa sĩ Nguyễn Thành Phong nhận định: “Khoảng 7 năm trước, không ai tưởng tượng được họa sĩ có thể sống bằng cách đăng truyện lên mạng. Nay, nhờ sự phát triển của mạng xã hội và internet, sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ, truyện tranh có sự phát triển nhanh và vượt bậc. Tôi khẳng định rằng, đến thời điểm này, tác giả truyện tranh có thể sống khỏe với nghề”.
Nhờ sống được với nghề nên kiểu truyện tranh cực ngắn dạng “mì ăn liền” dần nhường chỗ cho các sáng tác dài hơi. Các sáng tác này có cốt truyện sáng tạo, đầu tư lớp lang bài bản, ly kỳ chứ không vụn vặt, dễ dãi. Qua đây, thực tài, chuyên môn của họa sĩ mới được khẳng định. Độc giả cũng trung thành và ưu ái những tác phẩm có chiều sâu hơn là truyện siêu ngắn “mua vui chỉ vài trống canh”.
Ông Jeong Jong Kwon, Giám đốc văn phòng đại diện Học viện King Sejong (Hàn Quốc) tại Việt Nam, đánh giá thị trường truyện tranh Việt Nam còn rất rộng mở và nhiều tiềm năng, đặc biệt là mảng webtoon. Lực lượng họa sĩ trẻ ngày càng đông đảo và tay nghề ngày càng vững vàng. Họ nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thế giới nhưng cũng không hề quên giá trị di sản cha ông để lại.
Rất nhiều bộ truyện tranh nổi tiếng gần đây như “Long Thần Tướng”, “Nam Binh Thần Khí”, “Cánh hoa trôi giữa hoàng triều”… chọn đề tài dã sử, xuyên không, lịch sử như một cảm hứng bất tận. Trong đó, “Long Thần Tướng” được xem là đại diện tiêu biểu nhất, góp công lớn trong việc hồi sinh truyện tranh Việt sau một thời gian dài trầm lắng.
Tại “Cuộc thi truyện tranh quốc tế” do Nhật Bản tổ chức năm 2016, bộ truyện tranh này của họa sĩ Nguyễn Thành Phong và tác giả Khánh Dương đoạt giải Bạc khiến khán giả trong nước nức lòng.
Loạt truyện lịch sử kể trên có thể xem là gạch nối xuất sắc từ đỉnh cao hoàng kim của bộ truyện “Thần đồng đất Việt” (giai đoạn 2004 – 2007). Nó giúp người đọc yêu thêm lịch sử nước nhà, trân trọng và gìn giữ kho tàng di sản 4.000 năm của dân tộc. Và hình thức webtoon được ví như đôi cánh đưa truyện tranh Việt và những câu chuyện của người Việt bay xa, đến với bạn bè thế giới.