Vừa uống cà phê vừa xem kịch

Thứ Sáu, 22/04/2016, 14:26
Đằng sau các vở diễn quy mô của nghệ sĩ gạo cội ở sân khấu lớn, kịch mục của nghệ sĩ vô danh vẫn âm thầm đếm giọt cà phê nơi góc quán. Lặng lẽ vậy nhưng kịch cà phê được ví như viên than hồng. Âm ỉ cháy, âm ỉ giữ lửa cho đời sống kịch nói lắm thăng trầm...


Kịch cà phê ở TP Hồ Chí Minh vốn tồn tại và phát triển gần 10 năm nay. Giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2012 được coi là thời hoàng kim của kịch cà phê. Thành phố có hơn 20 nhóm với hàng trăm vở đa dạng thể loại, đề tài từ tâm lý xã hội, bi kịch đến hài, kinh dị…

Về sau, do khan hiếmkịch bản hay, các vở kịch dần nhạt, nhảm… khiến khán giả quay lưng. 20 nhóm kịch chỉ còn lại tầm 10 nhóm bám trụ. Bây giờ nhiều nhóm không chỉ là cái tên đảm bảo hút vé mà còn là làn gió mới lạ khi đặt chân lên các sân chơi truyền hình tiếng tăm. Từ nhóm “Tía lia”, Huỳnh Lập khiến khán giả cười nghiêng ngả khi góp mặt ở chương trình “Cười xuyên Việt” của Đài truyền hình Vĩnh Long. Nhóm “Đời” cũng nhanh chân tham gia chương trình “Cười xuyên Việt” phiên bản dành cho nhóm hài. Nhóm “Chuồn chuồn giấy” thì gây sốt khi xuất hiện tại chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” (Vietnams Got Talent), “Gặp nhau để cười”, “1000 độ hot”… Đây là cơ hội để họ học hỏi, chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng nhóm.

Một vở kịch được diễn trong quán cà phê.

Có thể coi kịch cà phê như một dạng underground (hoạt động ngầm) của kịch nói chính thống, chuyên nghiệp. Thay vì diễn ở các nhà hát, sàn diễn lớn, đây là dạng sân khấu mini diễn ở quán cà phê. Khán giả vừa nhâm nhi thức uống vừa xem kịch.

Là mini nên mọi thứ của kịch cà phê đều nhỏ gọn, từ sàn diễn, đạo cụ, diễn viên, kịch mục đến… khán giả. Thay vì kéo dài hàng tiếng đồng hồ như sân khấu chuyên nghiệp thì vở kịch cà phê chỉ dài tầm một, hai tiếng. Không gian nhỏ chứa dăm chục khách. Khán giả ưa chuộng kịch cà phê cũng bởi sự tinh gọn và ấm cúng đó. Họ chỉ cần chi ít tiền mà vẫn thưởng thức những kịch mục chất lượng không kém sân khấu chuyên nghiệp. Tiền phụ thu tầm 30-40 ngàn một người.

Mỗi nhóm kịch có một “gu” riêng. Nếu “Sóng” thiên về tâm lý xã hội, thỉnh thoảng xen hài hoặc kinh dị với các vở “Trò đùa số phận”, “Lỡ một cung đàn”, “Tình chờ”… thì nhóm “Chuồn chuồn giấy” chuyên về hài kịch cổ trang. Sân khấu kịch cà phê KC của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi đi sâu vào thể loại kinh dị: “Án mạng chốn cung đình”, “Cái chết lúc 0 giờ”, “Án trộm”, “Tình xóm trọ”... Các vở diễn được đầu tư rất công phu, do đạo diễn nổi tiếng dàn dựng.

Nhóm kịch Hướng Dương nhận được sự ủng hộ của nhiều khán giả trẻ vì lối diễn xuất nhẹ nhàng, hài hước và lồng ghép khéo léo thông điệp cuộc sống qua các vở: “Cải ơi”, “Sài Gòn nhớ”… Nhóm “Tía lia” lại chuyên về hài, tung hứng đầy vui nhộn. Cũng như “Chuồn chuồn giấy”, đây là nhóm rất chú trọng đầu tư trang phục, đạo cụ.

Khán giả khoái kịch cà phê còn bởi vì họ được “mục sở thị” từng diễn viên: nghe được hơi thở, thấy từng giọt nước mắt, cái nhíu mày của nghệ sĩ. Khoảng cách quá gần gũi nên diễn giả một chút sẽ bị khán giả phản ứng tức thì. Điều đó yêu cầu người diễn viên phải cháy hết mình khi hóa thân vào nhân vật. Mọi người khóc cười cùng nhân vật, từ đó cảm xúc của họ tương tác trực tiếp lại diễn viên, giúp họ thăng hoa hơn trong vai diễn.

Các diễn viên của kịch cà phê đa phần đều vô danh. Đó là diễn viên trẻ, là sinh viên trường sân khấu, điện ảnh mới tốt nghiệp, thậm chí cả những người không được học hành bài bản nhưng có năng khiếu và đam mê diễn xuất. Với người làm nghề, đây là cái nôi đầu tiên để họ phát triển, bước xa hơn trên con đường nghệ thuật. Thúy Nhã, thành viên nhóm “Sóng”, kể mỗi buổi diễn, đông lắm thì quán cũng có khoảng 40 khách. Có hôm quán chỉ lèo tèo vài người.

Trung bình buổi diễn, mỗi thành viên chỉ có khoảng 100 ngàn tiền thù lao. Vì sân khấu không có ngôi sao nên mức thù lao cào bằng, không phân biệt vai chính phụ, hậu đài hay diễn viên… Mức cát sê bèo bọt chỉ vừa đủ tiền xăng xe như vậy nhưng nhiều người vẫn bám nghề. Đơn giản, họ diễn không phải để mưu sinh mà chỉ để có nơi thỏa sức vẫy vùng.

Có lẽ chỉ duy nhất “Sóng” là có đủ mọi thành viên già trẻ bởi thông thường diễn viên kịch cà phê toàn người trẻ - những người chưa vướng bận gia đình, chưa nặng nợ cơm áo. Nhóm có 15 người, trẻ nhất19 tuổi, lớn nhất đã vào ngưỡng U60. Diễn viên Thúy Nhã vốn tốt nghiệp khoa cải lương, nhưng ra trường lận đận mãi nên chị vẫn chưa chính thức đứng trên sân khấu nào.

Lo toan chuyện gia đình, tưởng như Thúy Nhã buông sân khấu, nhưng tình cờ biết nhóm “Sóng”, niềm say nghề làm chị chếnh choáng. Ở tuổi 36, chị có cơ hội trở lại sân khấu dẫu so với bạn bè cùng trang lứa, con đường sự nghiệp có muộn mằn. Với nhiều người, chỉ có sân khấu, con người ta mới thực sự đắm mình trong nghệ thuật. Cho nên nói về Tổ nghề, không giới nào tin vào Tổ thiêng liêng như nghệ sĩ sân khấu. Họ coi những lần nhập vai, khóc cười cùng nhân vật là những lần Tổ độ chứ không dám nhận mình tài, mình giỏi.

Không gian nhỏ ấm cúng, gần gũi là yếu tố thu hút của kịch cà phê.

Các nhóm kịch thường không diễn ở một quán cà phê cố định. Ngoài tối thứ Sáu ở Hội quán Chuồn chuồn giấy, “Sóng” còn chạy show ở nhiều quán cà phê khác nhau trong thành phố. Đây cũng là nhóm kịch thường xuyên lưu diễn tại các quán cà phê ở tỉnh bằng… xe máy.

Trần Thanh Tú, Trưởng nhóm kịch “Sóng” kể: “Ở tỉnh, khán giả hiếm khi được đi coi kịch nói vì gần như không có địa điểm biểu diễn. Có chăng là họ coi trên tivi hoặc các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn ở địa phương. Lần đầu tiên xem kịch cà phê, họ rất thích. Có người bảo không ngờ kịch xem tận mắt hay như vậy chứ không buồn ngủ như xem trên truyền hình”. Bây giờ đi các tỉnh miền Tây, thương hiệu của “Sóng” còn nổi đình nổi đám hơn cả TP Hồ Chí Minh.

Tuy có nhiều thuận lợi nhưng đa số các sân khấu kịch cà phê vẫn là tự phát, manh mún. Với diễn viên trẻ, nó chỉ là chốn trọ để họ đủ lông đủ cánh trước khi tìm kiếm cho mình miền đất hứa. Phần nữa, các thành viên chủ yếu trụ lại bằng niềm đam mê, chưa vướng bận mưu sinh nên khi chật vật cơm áo, họ buộc phải xa nhóm. Nhóm hợp rồi tan là lẽ tất nhiên. Hiếm hoi mới có nhóm phát triển, tạo thành thương hiệu riêng mà lấn sân sang truyền hình như “Tía Lia”, “Đời”, “Chuồn chuồn giấy”…

Tú cho biết, rất hiếm nhóm được chủ quán bỏ tiền phúc khảo vở. Nếu tự bỏ tiền phúc khảo thì nhóm không đủ kinh phí hoặc phải tăng tiền cát sê để bù. Mà điều này thì bất khả thi vì khách đa phần là học sinh, sinh viên, không thể đẩy phụ thu lên quá cao. Tiến thoái lưỡng nan, đa phần các nhóm cứ tự biên tự diễn, chẳng phúc khảo gì sất. Do vậy, vừa diễn vừa run.

Mảnh đất bỏ hoang nào cũng là nơi lý tưởng của cỏ dại. Những vở hài nhảm, tục, đồng tính tràn lên nhan nhản. Không ít vở có nội dung nhảm nhí, nhát ma giật gân để câu khách. Dàn diễn viên, đạo diễn trẻ năng động lại không chịu sự kiểm duyệt của bất cứ đơn vị nào nên họ tha hồ sáng tạo, mang lại nhiều vở diễn mới mẻ, ấn tượng. Song đây cũng là con dao hai lưỡi.

Non trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm nên nhiều vở của họ không đạt chất lượng nghệ thuật hay có nội dung tư tưởng lệch lạc. Viết một kịch bản mới, các nhóm kịch thường đưa cho đàn anh giỏi chuyên môn góp ý nhưng không phải lúc nào họ cũng có thời gian. Nhóm phải tự mày mò và nhờ khán giả đánh giá đứa con tinh thần của mình. Vậy nên không lạ, khi rất nhiều vở của các nhóm kịch cà phê thường sửa đi sửa lại nhiều chi tiết sau mỗi suất diễn.

Các trưởng nhóm kịch mong rằng, trong thời gian tới kịch cà phê sẽ được quan tâm, hỗ trợ để các thành viên yên tâm làm nghề. Không ai muốn mình bơ vơ lạc lõng trên con đường mang nghệ thuật đến với khán giả. Bởi như NSND Hồng Vân, “bà bầu” Sân khấu kịch Phú Nhuận, đánh giá: “Kịch cà phê là nơi ươm mầm, tìm kiếm những tài năng triển vọng của kịch nghệ, là cầu nối đem kịch đến gần hơn với sinh viên và đông đảo công chúng. Nếu được đầu tư nghiêm túc, tôi tin rằng kịch cà phê sẽ có nhiều đóng góp tích cực, mang lại sức sống  mới và góp phần thúc đẩy sự phát triển của sân khấu kịch thành phố”.

Phan Thi Uyên
.
.