Sân khấu kịch: Những chuyển động đa chiều

Thứ Hai, 02/06/2014, 08:00

Lần đầu tiên, vở nhạc kịch thiếu nhi "Hoàng tử gấu và hạt đậu thần" cùng tất cả phục trang, đạo cụ... sẽ được chuyển từ TP HCM ra Hà Nội minh chứng cho cái "bắt tay" hợp tác giữa sân khấu Idecaf và Nhà hát Tuổi trẻ. Trước đó, ngay từ những ngày đầu năm, NSND Lê Khanh cùng ê kíp của mình đã mải miết chinh phục khán giả phía Nam tiếp sau những chuyến lưu diễn của các đồng nghiệp là NSND Lan Hương, NSƯT Chí Trung... Những dòng chuyển động đối lưu ấy cho thấy, bên cạnh việc phục vụ khán giả "sân nhà", sân khấu 2 miền đã có sự vận động để mở rộng thêm đối tượng khán giả.

Một sự kiện của sân khấu kịch gây được sự chú ý của dư luận thời gian gần đây là sự "bắt tay" giữa sân khấu Idecaf của NSƯT Thành Lộc và Nhà hát Tuổi trẻ mà đại diện là NSƯT Chí Trung. Theo đó, vở kịch "Hoàng tử gấu và hạt đậu thần" cùng tất cả trang phục, đạo cụ… được chuyển từ TP HCM ra Hà Nội để Nhà hát Tuổi trẻ chuẩn bị một chương trình đặc biệt phục vụ khán giả nhí nhân dịp hè về.

NSƯT Chí Trung cho biết, "Hoàng tử gấu và hạt đậu thần" nằm trong chương trình "Thiên đường tuổi thơ" mà Nhà hát dày công chuẩn bị để chinh phục các khán giả nhỏ tuổi mùa hè này. Đây là tập thứ 26 trong sêri chương trình "Ngày xửa ngày xưa" rất thành công của sân khấu Idecaf nhiều năm qua. Không chỉ hấp dẫn khán giả nhỏ tuổi, chương trình này còn chinh phục được nhiều khán giả ở các lứa tuổi khác mỗi dịp hè về. Các suất diễn thường xuyên rơi vào tình trạng cháy vé.

Tuy nhiên, khác với những lần ra Bắc trước, thường là bê nguyên xi cả kịch bản và ê kíp thì lần này vở kịch đã được chỉnh sửa, thay đổi tới 40% nội dung cho phù hợp với khán giả phía Bắc. Bên cạnh đạo diễn "gốc" Đình Toàn (phía Nam) còn có sự chung tay của đạo diễn Sĩ Tiến (phía Bắc). Điều đặc biệt là toàn bộ phần diễn viên của phía Nam được thay bằng các nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát Tuổi trẻ như Ngọc Huyền, Đức Khuê, Bá Anh, Dịu Hương, Quang Ánh, Hoa Thúy…

Có lẽ đây là một sự thay đổi mang tính chất thử nghiệm sau một vài lần sân khấu phía Nam ra Bắc biểu diễn, các nghệ sĩ nhận ra rằng sự khác biệt về giọng nói đã hạn chế phần nào hiệu quả của vở diễn tới khán giả. Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng khi xem kịch phía Nam, các bạn nhỏ thường xuyên quay sang bố mẹ hỏi: "Cô/ chú ấy nói gì thế ạ?". Bên cạnh đó, việc sử dụng diễn viên "sân nhà" cũng tiết kiệm được số tiền không nhỏ cho việc lo chi phí ăn ở của cả ê kíp. 

“Thị Hến du xuân” - một trong những tác phẩm được Nhà hát Tuổi trẻ mang đi chinh phục khán giả phía Nam.

Cùng với việc đầu tư thay đổi nội dung, diễn xuất, phần hình ảnh, sân khấu của vở diễn cũng được đặc biệt chú trọng. Nghệ sĩ Chí Trung cho biết, sân khấu áp dụng công nghệ hiện đại nhất, rực rỡ sắc màu với màn hình LED rộng, tạo không gian như thật. Trang phục, đạo cụ cũng đa dạng sắc màu để hấp dẫn các em nhỏ. Kịch bản cũng tự nhiên gần gũi, với những bài hát vui nhộn, những câu chuyện xúc động đề cao tình cảm gia đình. Các nghệ sĩ kỳ vọng đây sẽ là khởi đầu cho dự án đổi mới toàn diện sân khấu chính kịch, hài kịch phục vụ cho người lớn, trẻ em giữa hai nhà hát nghệ thuật nổi bật của phía Bắc và phía Nam.

Việc đưa sân khấu phía Nam ra Bắc không phải là chuyện mới. Nhiều sân khấu phía Nam sau khi "đại thắng" ở sân nhà đã tiếp tục chinh phục khán giả phía Bắc. Trước đây, sân khấu Idecaf với sự thành công của "Dạ cổ hoài lang" (1995) và "Ba người lính ngự lâm" (2001) cũng đã mang ra cho khán giả phía Bắc thưởng thức. Năm 2008, khán giả nhỏ tuổi Hà Nội cũng đã được đắm mình trong thế giới thiếu nhi ở vở diễn "Thánh Gióng" do sân khấu Idecaf dàn dựng. Cách đây 2 năm, sân khấu kịch Phú Nhuận của NSND Hồng Vân cũng đã mạnh dạn mang 2 vở diễn đoạt giải thưởng cao trong "Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc" là "Nỏ thần" và "Mẹ và người tình" làm một chuyến lưu diễn phía Bắc khá dài hơi.

Cùng với xu hướng mang kịch Nam ra đất Bắc, thì từ cuối năm 2013, sân khấu kịch cũng xuất hiện một dòng chảy đối lưu tương đối rộn ràng là kịch Bắc chinh phục khán giả phía Nam. Đứng đầu xu hướng này là Nhà hát Tuổi trẻ với việc lần lượt các đoàn của Nhà hát lưu diễn phía Nam. Cuối năm 2013, NSƯT Chí Trung đã mang chùm kịch của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ là "Lời thề thứ 9" (đạo diễn: NSND Xuân Huyền) và "Mùa hạ cuối cùng" (đạo diễn: NSƯT Chí Trung) để phục vụ khán giả phía Nam. NSƯT Chí Trung chia sẻ, để có được chương trình lưu diễn với 15 suất diễn, Nhà hát Tuổi trẻ đã phải chuẩn bị trong… 8 năm.

Ngay sau khi NSND Lan Hương quyết tâm đưa "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", "Tâm linh Việt" và "Nguyễn Du với Kiều" vào Nam thì gần đây nhất, chương trình lưu diễn "Thị Hến du xuân" cũng diễn ra đúng dịp mùng 8 - 3. Chương trình đa dạng về màu sắc với chùm hài kịch "Thị Hến", "Phụ nữ ơi, em là ai"; chính kịch có "Nhà có 5 anh em trai", "Nhà có 3 chị em gái" và "Cầu vồng lục sắc". NSND Lan Hương cũng tiết lộ nếu 3 vở này được khán giả phía Nam ủng hộ thì năm sau, đoàn kịch thể nghiệm của chị còn tiếp tục mang vào Nam 2 vở nữa là "Hàn Mặc Tử" và "Biến vĩ của tình yêu".

“Hoàng tử gấu và đậu thần” - Vở kịch khởi đầu cho sự hợp tác giữa sân khấu phía Nam và sân khấu phía Bắc.

Mối lo lắng đầu tiên của các nghệ sĩ khi mang kịch đi lưu diễn bao giờ cũng là chuyện kinh phí. NSND Lan Hương trước khi mang "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" đi cũng chia sẻ: "Điều khiến tôi lo lắng nhất là chuyện kinh phí. Để mang ê kíp gần 30 người từ nghệ sĩ đến nhân viên kỹ thuật vào TP HCM dàn dựng sân khấu là chuyện không hề đơn giản". Các nghệ sĩ phía Nam khi mang kịch ra Bắc đều tâm sự rằng họ phải đối diện với phần lớn khó khăn. Trước hết là sự khó khăn về kinh phí khi phải gồng gánh lo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho toàn bộ ê kíp. Chưa kể, với tâm lý ngại đi xem kịch lâu nay của khán giả phía Bắc thì việc tiếp thị, quảng cáo cũng không hề dễ dàng. Các đạo diễn phía Nam thường đùa rằng nếu không có tài trợ thì không dại gì đi lưu diễn phía Bắc bởi chỉ cần với số lượng khán giả phía Nam, doanh thu đã luôn đảm bảo.

Có một sự thật khi các nghệ sĩ mang tác phẩm của mình đi lưu diễn thì hầu hết đều không thể trông đợi vào việc bán vé tự do. Đa phần đều có sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân. NSND Lan Hương đã thở phào khi 700 vé đã bán được trong số hơn 1.000 vé cho hai suất "Hồn Trương Ba, da hàng thịt". Trước đó, NSND Lan Hương cũng được cho là đã khá nhanh nhạy khi mời danh hài Hoài Linh - vốn được mệnh danh là ông vua phòng vé tham gia vào vở "Tâm linh Việt". Bên cạnh sự đồng cảm giữa 2 nghệ sĩ thì không thể không hiểu rằng, sự xuất hiện của Hoài Linh là một hành động giúp NSND Lan Hương giảm bớt rủi ro khi thăm dò thị trường phía Nam.

Các nghệ sĩ khi quyết tâm mang kịch đi lưu diễn là tạo cơ hội để giao lưu văn hóa giữa hai miền. Nếu như kịch miền Bắc nổi tiếng là chuẩn mực với nội dung sâu sắc thì thế mạnh của sân khấu phía Nam là phần hình ảnh, âm thanh, phục trang và những nét diễn hồn nhiên. Rõ ràng, được hưởng lợi đầu tiên từ sự chuyển động này chính là khán giả. Họ sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn khi giải trí. Quan trọng hơn, qua những chuyến lưu diễn, các nghệ sĩ phía Bắc phần nào hiểu được tại sao sân khấu phía Nam lại hút khách đến thế.

Ngoài thói quen đều đặn đi xem kịch cuối tuần của người miền Nam thì các nghệ sĩ phía Bắc "vỡ" ra rằng, sân khấu phía Nam rất "chiều" khán giả. Sân khấu phía Bắc lâu nay rơi vào tình trạng im ắng là vì "chậm đổi mới, nhiều khi các nghệ sĩ không nghe ngóng xem khán giả muốn gì mà chỉ khăng khăng làm những gì mình muốn" - như NSƯT Chí Trung nhận định.

Rõ ràng, sự vận động của sân khấu hai miền đã cho thấy một tín hiệu đáng mừng, rằng các nghệ sĩ, trong khó khăn đã dám nghĩ, dám thay đổi. Từ việc bê nguyên xi vở diễn, ê kíp đi các nơi, các nghệ sĩ đã có những sáng tạo để hạn chế sự dềnh dang, tốn kém không cần thiết

Khánh Thảo
.
.