Vợ chồng thi nhân nghe suối chảy giữa rừng thông

Chủ Nhật, 04/08/2019, 08:28
Nhắc đến những đôi lứa trong giới cầm bút Việt Nam thế kỷ XX, có lẽ sẽ ít nhiều thiếu sót nếu không kể đến Dư Thị Hoàn - Trịnh Hoài Giang. Họ là một cặp vợ chồng nổi tiếng trong làng thơ Hải Phòng. Vậy mà, chẳng ai ngờ, những năm tuổi già, cả hai lại dắt díu nhau vào sống ở một bản người Lạch trên cao nguyên Langbiang!


Khách xa có dịp lên Đà Lạt, muốn ghé thăm vợ chồng thi sĩ Dư Thị Hoàn - Trịnh Hoài Giang cũng khá đơn giản theo lời hướng dẫn tỉ mỉ của nữ chủ nhân: “Theo lối Làng Cu Lần. Đi tiếp vào trong Nhà máy thủy điện Ankroet. Qua đường có lan can sắt sơn vàng. Đến tảng đá có biểu tượng Nhà máy thủy điện Ankroet thì rẽ trái luôn vô con đường rừng khoảng 200m, qua cây cầu Mây sơn trắng rồi theo đường độc đạo vào làng dân tộc. Hỏi nhà Lão Bà Bà. Vô đây, phải xài mạng Viettel mới gọi được!”.

Chỉ cách khu vực trung tâm du lịch với những địa danh nổi tiếng hồ Xuân Hương hoặc đồi Cù khoảng 20km, nhưng nơi cư ngụ của họ cực kỳ hẻo lánh. Bạt ngàn thông, chập chùng dốc và những lối nhỏ mấp mô lên núi.

Vợ chồng nhà thơ Dư Thị Hoàn - Trịnh Hoài Giang bên nhau đã hơn nửa thế kỷ.

Cứ ngỡ nữ sĩ Dư Thị Hoàn chỉ xưng Lão Bà Bà trên Facebook cho vui, ai dè những người dân tộc Lạch ở thôn Đạ Nghịch, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đều biết. Một phụ nữ đang bế con bên suối vắng chỉ lối rất nhiệt tình: “Cứ đi ngược lên, Lão Bà Bà ở chỗ vắng nhất, có ba căn nhà gỗ nằm từ thấp lên cao!”.

Một căn nhà gỗ hiện ra giữa rừng thông, vợ chồng Dư Thị Hoàn - Trịnh Hoài Giang đứng trên lan can vẫy tay chào khách xa. Phong cảnh nên thơ thật, tiếng người nói chen lẫn tiếng chim hót và tiếng lá reo. Thế nhưng, nếu so với thành phố mà họ từng sinh sống cả đời thì khác nhau một trời một vực. Nhà thơ Trịnh Hoài Giang tâm sự: “Lúc mới vào đây, nhiều đêm giật mình trong bốn bề gió núi, tôi vẫn như nghe có sóng vỗ bên tai mình!”.

Nhà thơ Trịnh Hoài Giang năm nay đã 82 tuổi, chân yếu rồi nên chọn căn nhà gỗ nằm bên dưới cho thuận tiện di chuyển lúc đau ốm. Còn nữ sĩ Dư Thị Hoàn tuổi 73 vẫn thoăn thoắt leo qua những bậc đá, quyết chọn căn nhà gỗ nằm bên trên. Hai căn nhà gỗ cách xa nhau chừng 800m, nhìn thấy nhau dễ dàng nhưng đi chỗ nọ qua chỗ kia thì… mệt bở hơi tai. Còn căn nhà gỗ nằm lưng chừng thì giống như chỗ nghỉ chân.

Nhà thơ Trịnh Hoài Giang bảo, dạo trước ở Hải Phòng cứ bệnh tật triền miên, nhưng từ ngày vào đây thì sức khỏe của ông được cải thiện nhiều. Xem như ông thêm một lần được hòa mình với môi trường yên tĩnh, để bớt những dằn vặt của sự thay đổi mà ông từng thảng thốt: “Bây giờ ruộng đã bê - tông/ Cây đa đã cụt, dòng sông đã què/ Mái đình đã phẳng đường xe/ Còn đâu cánh võng mà nghe chuông chùa”.

Tất nhiên, chốn heo hút ở cao nguyên Lâm Viên hiện nay vẫn chưa có chuông chùa, nhưng những lời kinh đêm đêm của nữ sĩ Dư Thị Hoàn cũng đủ vỗ về nhà thơ Trịnh Hoài Giang những niềm riêng xa khuất: “Nỗi khổ lớn như biển/ Tan đi dưới mạn thuyền/ Chỉ còn bài thơ ấy/ Gõ sáng vào bóng đêm”.

Sau khi tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1961, nhà thơ Trịnh Hoài Giang về dạy học ở Trường Kiều Trung - Hải Phòng. Ông đã dạy tiếng Việt cho người Hoa suốt 13 năm. Học trò của ông đã lang bạt khắp bốn phương, song vẫn còn một cô học trò bên cạnh ông chính là… nữ sĩ Dư Thị Hoàn.

Những bài giảng Kiều của thầy giáo có phong cách nhà thơ đã khiến cô học trò Vương Oanh Nhi (tên thật của Dư Thị Hoàn) say mê và thán phục. Và nhờ tình yêu văn chương đã gắn kết tình yêu đôi lứa. Năm 1968, cô học trò Vương Oanh Nhi đã đồng ý làm vợ thầy giáo Trịnh Hoài Giang.

Dù sau này trở thành nữ sĩ Dư Thị Hoàn lừng lẫy không kém chồng, ký ức của cô học trò Vương Oanh Nhi vẫn vẹn nguyên một miền hồi ức tươi đẹp: “Từ một cô gái không biết một câu tiếng Việt nào, tôi đã yêu văn chương Việt qua những tiết học của ông ấy!”

Chấp nhận làm vợ của một nhà thơ, người phụ nữ gốc Hoa Vương Oanh Nhi cũng phải vượt qua không ít giông bão. Chị làm thợ may, rồi làm thợ tiện suốt những năm bom đạn kẻ thù rình rập ném xuống miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hai đứa con lần lượt ra đời, cũng một tay chị chăm lo để chồng yên tâm chuyển về công tác ở Hội Văn nghệ Hải Phòng.

Cái lãng mạn mà chị từng nuôi nấng thật cam go: “Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ/ Em thả bước chán chường/ Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá/ Gót chân em nện xuống dữ dằn/ Có lối nhỏ vương cây xấu hổ/ Em sợ nó khép cành/ Biết làm sao bây giờ/ Chính lối này đưa em tới anh…”. Nhọc nhằn cơm áo, có lúc đẩy người đàn bà yếu đuối ra chợ Sắt chen lấn cùng dân buôn tứ chiếng: “Tôi gánh cả si mê ra chợ/ dựng hy vọng quán lều/ đem nồng nàn ra đong/ đưa mặn mà ra đếm…/ Từ gà gáy đến xế chiều/ lòng vắng chẳng buồn trông/ tôi lại đem nồng nàn ra đong/ lôi mặn mà ra đếm/ bầy chút e dè lên bàn cân/ bớt bớt thêm thêm…/ chiếc kim cân dùng dằng mệt mỏi/ có biết đâu/ người bán là tôi/ người mua cũng là tôi/ chợ chiều gió nổi”.

Trước căn nhà gỗ trên vách núi!

Thế nhưng, nghiệt ngã mưu sinh không làm chị đau đớn bằng những biến động thời cuộc. Chia lìa và ly tán, khiến chị gào thét tuyệt vọng: “Sao mẹ không nói cho rõ/ Mẹ con mình rồi mỗi người một ngả/ Để con được lao vào lòng mẹ/ Khóc cho hết hơi/ Khóc cho trời sập/ Khóc cho cột điện đổ/ Khóc cho tà vẹt trôi/ Khóc cho còi tàu căm bặt/ Khóc cho tay lái rời vô lăng/ Khóc cho đoàn tàu không dám lăn bánh…”.

Và chị thảng thốt gọi “Tổ quốc”với tất cả giằng xé của người đàn bà chịu đựng sự nghiệt ngã về quan niệm rạch ròi nơi cội rễ và nơi sinh thành trong một khoảnh khắc lịch sử trớ trêu: “Đất đai đóng khung vì người/ Tình yêu chật hẹp vì người/ Những lúc người thành cái chiêu bài, của hạng buôn máu tươi và thuốc nổ/ Đường viền của người thắt quặn trái tim tôi”.

Có dạo, không vượt qua được những áp lực căng thẳng, nữ sĩ Dư Thị Hoàn phải điều trị tâm lý. Giữa chới với không biết bám víu vào đâu để tồn tại, cũng may, chị đã có thơ. Những kiến thức từng được học ở chính người chồng đã giúp chị làm thơ để tự an ủi mình, từ cứu vớt mình theo cách riêng: “Tôi sẽ khỏi bệnh/ Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy/ Không cần bác sĩ/ Không cần những viên thuốc đắt tiền/ Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến/ Một nhành hoa dại thôi!”.

Rồi những ngày u uất cũng trôi qua, nữ sĩ Dư Thị Hoàn không chỉ nổi tiếng về thi ca mà còn nổi tiếng về kinh doanh. Công ty Huệ Hoa của chị ở Hải Phòng làm ăn rất phát đạt. Những năm cuối thế kỷ XX, nữ sĩ Dư Thị Hoàn kiêm thương gia Vương Oanh Nhi là một gương mặt giàu có ở đất Cảng. Có tất cả những điều người khác mong muốn, nhưng chị vẫn buồn bã, vẫn cô đơn. Chị giao lại hết mọi việc làm ăn cho con cái, rồi đi làm công quả cho các chùa gần chùa xa, chùa trong nước, chùa nước ngoài.

Và cuối cùng, chị chọn một rẻo đất lọt thỏm giữa rừng thông Lâm Đồng để an nhiên tự tại, như chị từng mong mỏi: “Đừng bắt tôi lên diễn đàn/ Đừng buộc tôi ra sân khấu/ Hãy để tôi ngồi yên trong góc tối/ Như cái triện đen/ Giáng xuống/ Tờ khai sinh của tôi/ Thời cuộc sắp đặt tôi/ Gần hết một đời rồi/ Tôi đã quen chỗ ngồi/ Góc tối”. Một cuộc sống hoang dã nhưng trong trẻo và thánh thiện làm sao! Chị vào trước, dựng nhà dựng cửa rồi kéo cả ông chồng thi sĩ vào ở chung, để cùng nghe suối róc rách chảy qua, nắng mưa thăng trầm.

Hai con trai của vợ chồng Dư Thị Hoàn - Trịnh Hoài Giang đều có sự nghiệp riêng. Thỉnh thoảng con mời đi du lịch thì hai ông bà lại khăn gói xuống núi ít hôm, rồi lại quay lên căn nhà gỗ chênh vênh vách đá. Thuở nào, nhà thơ Trịnh Hoài Giang viết cho người vợ lam lũ: “Em trở giấc trong giường/ Rồi hồn nhiên như trẻ/ Thương nhau thành tấm bé/ Thương nhau thành thuốc thang”. Còn bây giờ, ông nhìn bà cuốc đất trồng rau bằng nụ cười đã lắng hết nhọc nhằn, thỉnh thoải lại nhắc một câu ân cần: “Cẩn thận đấy, mùa này nhiều rắn rết lắm!”.

Tuy Hòa
.
.