Về miền khói thơm

Thứ Hai, 07/05/2018, 09:00
Khi mới về đến đất làng Lý Học (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) tôi đã ngửi thấy hương vị thuốc lào. Một người chuẩn bị chiếc dao thái sợi nhỏ mỉm cười nhìn tôi, rồi hỏi có làm thử một điếu thuốc lào tươi không, phê phải biết. Ông ta rút ra một chiếc điếu cày to tướng, dài đến cả mét. Tôi tò mò rẽ ngay vào bãi thuốc. Thôi thì cứ thử mơ mộng chút với cái thứ “Cỏ tương tư” này xem sao...


Nhớ ai như nhớ…

Cái gò phù sa bên sông Hàn ngàn năm dần dần mở rộng thành làng, thành xóm. Tên làng được gọi là Lý Học từ xa xưa rồi. Không hiểu vì sao nữa. Chuyện xưa kể, có một anh học trò hàng ngày đi qua sông và bén duyên với cô lái đò xinh đẹp.

Cô bé mới 15 tuổi hàng ngày chở chàng lên huyện học. Rồi sau còn ra tỉnh dùi mài kinh sử, chàng chỉ có đi đò của nàng, lần nào cũng liếc mắt đưa tình, như muốn gửi lại lời hò hẹn. Thời gian trôi đi, chàng lên kinh thi, đỗ đạt làm quan không còn thấy quay về. Cô lái đò ngày trông tháng đợi. Lòng nàng trĩu nỗi niềm thương nhớ. Tâm những sầu mà héo hon. Hoa nở đến lúc tàn phai. Cô lái đò đổ bệnh tương tư mà chết.

Cha mẹ xây mộ ngay trên bến đò theo ý nguyện của cô vì hồn vẫn vọng người về. Nhưng cô đâu có ngờ, chàng học sinh nghèo năm xưa đã trở lại, vì thấy lòng xôn xao và nhớ nhung đến cháy bỏng ruột gan. Thu xếp việc quay trở lại bến đò thì người xưa đâu tá. Chỉ còn một nấm mộ cỏ mọc xanh rờn.

Trên nấm mộ mọc lên một cây có tàn lá xum xuê chồng lên nhau như cái nơm úp. Một chùm bông hoa trắng muốt bỗng bừng nở khi chàng trai chạm vào. Ngát một mùi hương se se ngai ngái như nỗi nhớ bị chôn sâu dưới lớp phù sa sông Hàn.

Cuộn thuốc trước khi thái.

Chàng trai năm xưa buồn rầu, ngắt một cánh lá non nếm thử, mới thấy cay cay. Vị cay sâu làm tê cả lưỡi. Chàng trào nước mắt vì thương nhớ người mình yêu năm xưa. Chàng đứng bên nấm mồ khóc nức nở. Lòng thương nhớ khôn nguôi.

Người làng biết chuyện gọi đó là cây lá tương tư. Họ mang về phơi rồi cuộn thành lá hút. Khói thơm phức hương xưa kể lại một mối tình. Đó chính là sự tích hình thành cây thuốc lào ở làng Lý Học tự xa xưa. Cả làng trồng thuốc lào và sấy thuốc đem đi bán khắp bàn dân thiên hạ từ đó.

Người đàn ông trong làng kể chuyện cho tôi nghe, rồi nhấn mạnh đất làng Lý Học có một vị riêng mà nó gửi vào những lá thuốc lào, thơm và đậm hơn bất kể nơi đâu. Có thể ví như cây trà trên Thái Nguyên vậy, không vị trà nơi nào thơm và có vị cốm ngầy ngậy, ngọt hậu như cây trà trên đất xã Tân Cương. Vì thế thuốc lào ở Lý Học, Vĩnh Bảo thơm ngon nổi tiếng từ hàng trăm năm qua. Đến đâu những người nghiện chỉ tìm mua thuốc Vĩnh Bảo là vì vậy.

Tục ngữ xưa đã truyền khắp vùng rằng: “Diêm Quả đào, thuốc lào Vĩnh Bảo”. Ông già làng còn kể, nhiều câu ca dao hay về thuốc lào đều hình thành từ làng này mà ra cả. Nhất là câu ca cổ quen thuộc: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.

Trong dân gian cũng lắm người viết thơ về món "khoái khẩu" này. Họ tếu táo ra thơ về thuốc lào, đến nay dân trong làng đều thuộc, như: “Thuốc lào chồng hút vợ say. Thằng con châm điếu lăn quay ra nhà. Có anh hàng xóm đi qua. Hít phải khói thuốc say ba bốn tuần. Thêm chú gà trống ngoài sân. Mổ nhầm bã thuốc cánh chân cứng đờ. Lại còn chị gái hoa mơ. Ngửi phải hơi thuốc bơ phờ cả lông…”.

Đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng một lần họa thơ về điếu bát của cánh mày râu, rất kỳ thú: “Bình tròn phành phạch, đít bảnh bao. Mân mân mó mó đút ngay vào. Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục. Âm dương hòa khí sướng làm sao”. Phải nói đó là những vần thơ đặc sắc nhất nói về cái khoái thú của việc hút thuốc lào từ xưa đến nay.

Chuyện Trạng Trình

Có thời đến cả Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), khi từ quan về làng dạy học cũng lấy hình ảnh khói thuốc quê hương, để nói tâm trạng mình về thế sự, rằng: “Thôi thôi mặc lũ thằng hề. Gió mây ta lại tìm về gió mây”.

Trạng Trình là người của Lý Học, thôn Trung Am, nằm sát sông Hàn. Khí phách hiên ngang của ông khi đưa sớ cho vua Mạc, yêu cầu chém đầu 18 kẻ lộng thần, quan tham. Không được toại nguyện, ông trở về Lý Học mở thư quán “Bạch Vân cư sĩ” và dạy học.

Ngỡ như về ở ẩn, nhưng ông vẫn được coi là cựu thần và là một học giả lớn của thời đại. Ông thông kinh dịch và lý số và có tài nhận định và đoán được vận hạn của một vương triều. Không ít lần chính nhà Mạc hay nhà Lê phải triệu ông về kinh để làm tham mưu, hay cùng cầm quân ra trận. Xong ông lại quay về làng. Sự rối ren và chia năm sẻ bảy trong triều đã làm cho đất nước điêu đứng. Những lời của Trạng Trình bao giờ cũng có tính dự báo cao.

Đặc biệt trong đó, lời tiên tri của ông đã làm nên nghiệp lớn cho chúa Nguyễn (Nguyễn Hoàng). Ông khuyên Nguyễn Hoàng tránh họa chúa Trịnh, hãy vào Nam dựng cơ đồ lâu dài. Quả nhiên, Nguyễn Hoàng đã theo lời ông mà thoát âm mưu thâm độc của Trịnh Kiểm, và trở thành một ông chúa trị vì cả một vương triều rộng lớn phương Nam.

Đồng thời chính chúa Nguyễn là sự khởi nghiệp cho một đế chế nhà Nguyễn kéo dài hơn 500 năm sau cho đến thời vua Bảo Đại là cuối cùng (1945). Kể cả Trịnh Kiểm, kẻ thù số một của Nguyễn Hoàng, vào năm 1556 cũng tìm đến xin lời chỉ bảo của Trạng Trình, khi định cướp ngôi nhà Lê.

Vườn tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nhưng rồi, sau khi nghe lời ví von dạy dỗ của ông, Trịnh Kiểm nghe theo không cướp ngôi vua, mà đi tìm con cháu nhà Lê (Anh Tông) đưa lên ngôi. Từ đó sĩ phu khắp nơi hướng về nhà Lê, không còn ai nghi kỵ lo lắng nữa. Vua Lê, Chúa Trịnh nhờ thế mà ngày càng vững mạnh.

Đến khi Trạng Trình bị bệnh nặng (1585) cũng là lúc nhà Mạc vào vận suy vong. Mạc Hậu Hợp đã cho quan khâm sai về làng, hỏi ông phải làm thế nào để giữ được triều nhà Mạc. Vì lúc này, quân sĩ nhà Mạc bị Vua Lê-Chúa Trịnh đánh cho tơi bời. Trạng Trình đã mách nước chỉ lên Cao Bằng sẽ là chốn dung thân lâu dài cho nhà Mạc. Quả nhiên đến năm 1592, nhà Mạc thất thủ vội bỏ Thăng Long chạy lên Cao Bằng. Chính vì thế nhà Mạc còn trị vì một cõi cho đến 80 năm sau mới bị tiêu diệt hoàn toàn.

Những năm tháng ở ẩn, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tập trung làm thơ và dạy học. Tuy gắng trở về với cõi thiền, nhưng trong lòng ông vẫn còn day dứt những nỗi niềm thế sự. Tâm trí ông luôn hướng về sự an định vi vô. Thơ ông đậm chất thiền: “Một mai, một cuốc, một cần câu. Thơ thẩn dầu ai vui thú nào. Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn, người đến chỗ lao xao. Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp. Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.

Những triết lý Phật giáo trong thơ ông luôn được soi sáng bởi những quan niệm về lẽ sống: “Khôn mà hiểm độc là khôn dại. Dại vốn hiền lành ấy dại khôn. Chớ cậy rằng không khinh kẻ dại. Gặp thời, dại cũng hóa nên khôn”. Ông luôn sống với nguyên tắc tu thân: “Án sách vẫn còn án sách cũ. Nước non bạn với nước non nhà. Cuộc cờ đua chí dù cao thấp. Ta muốn thanh nhàn thú vị ta”.

Vườn tượng “Về làng”

Khi tôi đến Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì có đoàn học sinh đang vào vườn tượng mới được xây dựng trong công viên cây xanh. Đó là hình ảnh ông Trạng từ quan trở về quê hương. Dân làng hồ hởi đi đón ông như một ngày hội rước thánh. Ông trở lại với con sông và cánh đồng của tuổi thơ. Dân chúng quanh vùng cho con em cắp sách theo ông để học văn chương chữ nghĩa và tu dưỡng đạo làm người. Trong số đó có những danh tiếng để đời như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khánh, Trương Thời Cử. Những người này sau cũng là những trung thần nối được chí khí của thầy.

Khi ông mất, làng đã được vua nhà Mạc cấp cho 3000 quan tiền, và 100 mẫu ruộng để lập đền thờ ông (1586), cùng với bảng vàng đề chữ: “Mạc triều Trạng nguyên Tể tướng từ”. Đàn trẻ vừa chạy trong vườn tượng vừa hát vang bài đồng dao nói về ông Trạng. Thực ra những đứa trẻ hát những lời dạy của ông trong 23 bài thơ được gọi là “Sấm truyền”. Chúng vừa nắm tay nhau vừa hát: “Của cải nhiều dùng lâu cũng hết. Chữ hiếu trung hưởng mãi vô cùng. Bàn mưu tư lợi thì đừng. Bàn điều chân chính, nên cùng tham gia…”.

Vương Tâm
.
.