Chuyện làng văn nghệ

Nhờ thuốc lào mà... được sống

Thứ Tư, 17/04/2013, 08:00
"Nhờ có thuốc lào nên tôi được sống!" - ý tưởng ngộ nghĩnh và câu chuyện có mùi vị ly kỳ cùng sự hóm hỉnh và sâu sắc về chủ đề là những phẩm chất rất quý thường thấy trong các tác phẩm của anh. Tới nay, sau hơn 40 năm cầm bút anh đã là tác giả của một gia tài văn chương khá đồ sộ. Đó là các tập truyện ngắn: "Phía trong", "Bến quê", "Cây sau sau lá đỏ", "Đại đội chân đất"..."...

Được làm việc với anh trong nhiều năm ở Văn phòng Hội Nhà văn, Cao Tiến Lê - ủy viên Ban Chấp hành Hội khóa VI, cho tôi hình ảnh một cá tính Nghệ An ngay thẳng, táo bạo, mạnh mẽ, lạc quan và vui vẻ. Nhân thân anh cũng có nhiều chuyện lý thú. Lê kể:

- Tôi quê ở Đô Lương, Nghệ An. Mẹ tôi đẻ tôi ra được mấy hôm thì tôi chết. Không còn cách nào cứu chữa được nữa, mẹ tôi đành gạt nước mắt, bọc tôi vào cái mấn (tức cái váy) để đem đi chôn. Sáng ấy xác tôi bọc trong mấn đặt ở gốc cây trước nhà, mẹ tôi đi gọi hai ông chú tới để giúp phần mai táng. Hai ông chú tới. Lẽ ra vác tôi đi chôn ngay thì hai ông lại ngồi xuống, dở thuốc lào ra hút. Khề khà một lúc, bỗng một ông quay lại nhìn cái mấn bọc xác tôi, kêu: "Ơ, thằng này chết mà còn đái à?". Rồi hai ông vội vàng mở cái mấn ướt ra. Hóa ra tôi chưa chết!

Dừng một lát, Lê cười:

- Lẽ ra là chết rồi, nhưng nhờ có thuốc lào nên được sống, vì vậy, cuộc sống với tôi coi như là lãi. Một phần tính khí hăng hái, nhiệt thành, ngay thẳng, bất chấp của tôi cũng do vậy mà thành cá tính riêng chăng?

Ở mặt trận, khi là đại đội trưởng bộ binh, lúc là phóng viên chiến tranh ở chiến trường khu 5, Nam Bộ gian khổ, Lê nổi tiếng là con người gan góc, ngang tàng. Có bận, trên chiến hào giáp mặt giữa ta và địch ở Quảng Trị, giữa thời gian lắp đạn vào súng, Lê nhảy lên bờ chiến hào, vỗ ngực hét về phía địch: "Tao đố chúng bay trong 15 giây bắn được tao đó!". Nhập ngũ năm 1954, được điều lên mặt trận Điện Biên Phủ, nhưng lên tới nơi, anh lại được phân công dẫn một tốp tù binh ngụy lộn trở lại Nghệ An, rồi mua bò tiếp tế cho chiến dịch. "Mới lớn dậy nào biết mua bán mô tê gì!" - Lê nói vậy, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ mua, dẫn 16 con bò từ đất Nghệ lên tới Điện Biên xa xôi.

"Nhờ có thuốc lào nên tôi được sống!" - ý tưởng ngộ nghĩnh và câu chuyện có mùi vị ly kỳ cùng sự hóm hỉnh và sâu sắc về chủ đề là những phẩm chất rất quý thường thấy trong các tác phẩm của anh. Tới nay, sau hơn 40 năm cầm bút anh đã là tác giả của một gia tài văn chương khá đồ sộ. Đó là các tập truyện ngắn: "Phía trong", "Bến quê", "Cây sau sau lá đỏ", "Đại đội chân đất", "ở trần", "Vỏ trứng thạc sùng", "Đến với bình minh", "Thoát hiểm", "Một đời vô duyên"... Là các tiểu thuyết: "Một nửa cuộc đời", "Bây giờ nên xử sự thế nào", "Nếm trải Điện Biên", "Con nuôi thầy phù thủy", "Trung tướng giữa đời thường"... Và nhiều tập bút ký văn học, như "Ngược rừng Ba Chẽ", "Mùa ca cao", "Nửa đời ngoảnh lại", "Thương lắm người ơi"... 

Lê sống thẳng thắn, nồng nhiệt, mạnh mẽ, đã quyết là làm bằng được và rất có tình. Suốt 5 năm nhiệm kỳ VI Ban Chấp hành, in sâu trong tâm trí tôi là cảnh anh ngồi cặm cụi đọc, nghiên cứu cả chồng sách kỹ thuật, nghiệp vụ  tài chính, xây dựng khi anh được phân công làm chủ Dự án xây dựng Bảo tàng Văn học Việt Nam - một công việc xa lạ hoàn toàn với một ủy viên Ban Chấp hành.

Hỏi anh về nghề văn, anh đáp: Nhà văn phải đặt mình ngang với tổng thống và cũng đặt mình ngang với ăn mày. Cái chính là phải hiểu hết hoàn cảnh, tâm tư tình cảm mọi số phận để tạo nên tác phẩm.

Câu trả lời của anh nghe ngồ ngộ mà thật chí lý. Và nó được chứng tỏ bằng cả một đời văn lặn lội xông pha tận lực tận hiến của anh.

"ở Đồng Tháp không bao giờ đi hàng dọc. Đi hàng ngang. Đại đội hàng ngang. Khi thấy người đi trước đặt chân vào chỗ nào, người sau phải tránh chỗ ấy vì đất Đồng Tháp mềm và lún hầu như không có đáy. Đi luôn luôn phải tăng tốc độ, dừng lại là sa lầy. Mới đặt chân, bùn tới đầu gối, không bước nhanh sẽ thụt đến bắp vế. Trở người một tí là ngập ngang bụng. Lúc đó phải dùng sức uốn cho thân thành góc thước thợ vươn hai cánh tay úp xuống mặt bùn, co chân lấy đà rất nhanh đạp nâng người lên vượt qua chỗ lún. Nếu không là tụt mãi ngập cổ, ngập đầu, chết không tìm được xác. Có chỗ đất chằng nhau bởi lớp cỏ phùng phùng trên mặt như cao su còn dưới rất lầy. Không thể bước đều đều, mà phải chạy vụt qua".

Đọc trích đoạn nọ trong bút ký "Băng qua Đồng Tháp" của anh cũng đủ thấy sự sống tràn đầy trong câu văn của anh rồi

Hoàng Tuyên
.
.