Kỳ lạ chàng trai trở thành nhà thơ sau tai nạn giao thông

Thứ Sáu, 26/05/2017, 10:54
Câu chuyện tôi kể dưới đây có vẻ nhuốm màu cổ tích. Đào Quốc Minh (sinh năm 1986, ở Hà Nội) đang học lớp 12 thì bị tai nạn giao thông, mấy năm liền mắc chứng động kinh, gần như mất trí nhớ. Sau hai năm được bố mẹ tận tâm đi khắp nơi nhờ các bác sĩ tâm thần cứu chữa, Minh khỏi bệnh, vào đại học và “trở chứng” làm thơ, in liền 5 tập thơ. Điều đáng nói, mới đây em đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và là một hiện tượng lạ trong giới viết trẻ hôm nay.


Thật vô tình, vào một trưa tháng 7/2015, trong cuộc giao lưu giữa các bạn văn ở Hà Nội cùng một Thiếu tướng Công an, tôi bất chợt tiếp xúc với tác giả trẻ Đào Quốc Minh. Trưa ấy, Minh được bố là ông Đào Quốc Vịnh đưa đến “hầu chuyện” các nhà thơ chuyên nghiệp. Ông Vịnh là bạn thân của vị Thiếu tướng Công an có mặt trong buổi gặp nói trên.

Tôi rất ngạc nhiên khi Minh lễ phép như một cậu học trò trân trọng tới biếu tôi cuốn thơ bìa cứng, dày cộp gần 600 trang có cái tựa đề khá hiện đại “Những người vũ công Memphis” do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2014. Chỉ giở đọc vài trang thơ của tác giả trẻ này, tôi nhận ra ngay đây là một cây bút có năng khiếu thơ khá đặc biệt. Bất ngờ hơn, ông Vịnh cho biết, con trai ông đã “đột ngột” làm thơ sau hai năm bị biến chứng động kinh do tai nạn giao thông.

Tôi giật mình và quan sát kỹ hơn chàng trai sau 2 năm bị bệnh bỗng “giở chứng” đòi làm thơ. Đào Quốc Minh có gương mặt khá trí thức với vẻ ngoài điềm tĩnh, không có biểu hiện gì của một người từng bị hoang tưởng hoặc từng bị chấn thương tâm thần, mặc dù đây đó vẫn không giấu được sự… ngơ ngác. Hỏi kỹ thì biết thời học sinh, Minh chưa hề làm thơ và chỉ sau khi bị tai nạn giao thông, biến chứng tâm thần 2 năm, cậu trở nên “nghiện thơ”.

Gia đình cho biết, thời học sinh phổ thông, bố Minh đã định hướng cho cậu bé cố gắng học thật giỏi các môn tự nhiên như toán, lý, hóa. Kết quả, khi học ở THPT Việt Đức từ năm 2001-2004, Minh đoạt giải nhất vật lý và giải nhì về toán trong kỳ thi học sinh giỏi toàn thành phố mấy năm liền. Không chỉ thế, Minh còn là học sinh giỏi toàn diện của trường, kể cả ở môn văn.

Hôm ấy, Minh đạp xe từ trường về nhà, khi đi qua một chiếc xe tải đang đỗ, bất ngờ người lái xe mở bung cửa ca-bin, cánh cửa đập đánh bốp vào đầu Minh làm em ngã gục xuống. Người lái xe vô lương tâm nổ máy ôtô, chạy thẳng mặc kệ cậu bé gục ven đường.

Ông Vịnh kể tiếp, bi kịch lớn nhất với gia đình, khi có giấy báo vào đại học cũng là lúc Minh bị những cơn động kinh hành hạ do bị chấn thương vùng kín sâu trong não. Vì Minh không thể đến trường được, gia đình đã xin bảo lưu kết quả thi cho em sau một năm. Nhưng bệnh loạn thần của Minh ngày càng nặng, kéo dài mấy năm, nên cánh cửa đại học gần như đã khép lại với em.

Bệnh án của em ghi rõ “Bị động kinh vùng thái dương ở thể thực tổn chấn thương”. Minh thường xuyên bị những cơn động kinh, bị co giật đau đầu, em tự hành xác mình như đấm liên tục vào đầu, đấm vào tường, đập phá lung tung, thậm chí đánh cả người thân lúc mất trí.

Nhà thơ trẻ Đào Quốc Minh.

Có thể nói, 2 năm Minh bị tâm thần là thời gian khổ đau nhất của gia đình em. Bố em phải xin nghỉ việc nhà nước không lương ở Bộ Công thương để ở nhà trông nom con trai và đưa em đi khắp nơi chữa bệnh tâm thần. Bố em than thở: “Thời gian ấy, gia đình tôi như sắp rơi xuống vực thẳm, phải đi kêu cầu khắp nơi. Có ông thầy tướng số bảo, cái cầu thang nhà anh làm như thế không được đâu, nó đi vào chữ bệnh đấy! Thế là tôi phải thuê thợ đập dỡ, xây lại cầu thang từ tầng ba trở xuống, nhà cửa tan hoang, xê dịch, sửa chữa hết chỗ nọ đến chỗ kia, cuộc sống bị đảo lộn, rồi người thân quen xa lánh vì trong nhà có người con trai bị điên”.

Có thời gian gia đình đưa Đào Quốc Minh vào Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chữa trị. Thấy dấu hiệu con ngày một nặng thêm, bố em đã cất công đi tìm và may mắn gặp một ông bác sĩ (BS) có dáng người “thấp lùn”, có con một bề (như lời một thầy ngoại cảm phán bảo) và kỳ diệu thay, ông này đã chữa cho Minh khỏi bệnh.

Vị BS đặc biệt này là ông Cao Thanh Tùng, Phó Giám đốc một bệnh viện tâm thần, đang về học thêm chuyên khoa tại Bệnh viện Bạch Mai. Bố Minh rình gặp bằng được BS Tùng sau một ca trực đêm ở bệnh viện, rủ ông đi ăn phở và nói thực tình căn bệnh của Minh để nhờ cậy thầy cứu giúp. BS Tùng nhận lời và nói: “Anh tin tôi thì tôi chữa cho con anh, chứ tôi không xin việc đâu. Con anh bị tai nạn, điều trị như hiện nay không được đâu, tôi sẽ chữa cho nó khỏi bệnh. Sau 10 ngày, xin cho nó ra viện, đưa về tôi chữa”.

Quả thật, sau một thời gian điều trị bằng các loại thuốc Tây, BS Tùng đã chữa khỏi bệnh động kinh cho Đào Quốc Minh và cháu đã nhận ông làm bố nuôi. Sau hai năm được bố mẹ kiên trì chữa chạy khắp nơi, Minh đã lành bệnh và năm 2006, Minh nói: “Mẹ ơi, con đã ra khỏi không gian ảo, bố mẹ xin cho con đi học đại học”.

Khi mẹ em nói chuyện này với bố, ông gạt đi vì không tin rằng con mình vừa khỏi bệnh động kinh loạn thần lại có thể học được đại học. Nhưng sau khi lắng nghe con mình thưa chuyện, bố mẹ em vỡ òa trong niềm vui mừng không xiết, vội mang hồ sơ học phổ thông và mang kết quả thi đại học trước đây của Đào Quốc Minh tới Trường Đại học Ngoại thương xin nhập học. Trường Đại học Ngoại thương trả lời em không thể nhập học được vì đã quá thời hạn bảo lưu 3 năm.

Tuy thất vọng, nhưng gia đình em vẫn cất công tìm trường, tìm thầy và bố em mang hồ sơ tới Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, gặp thầy hiệu trưởng là GS Trần Phương trình bày. Sau khi xem hồ sơ thành tích học tập phổ thông, kết quả thi đại học và bệnh án động kinh của Minh, thầy Trần Phương cho biết: Sẽ nhận Minh vào học tại Khoa quản trị kinh doanh của trường vì phải cứu giúp một con người, dẫu biết vậy là sai nguyên tắc. Tháng 9/2006, Đào Quốc Minh được vào đại học và đến 20/11/2006, em viết bài thơ đầu tiên tặng thầy giáo của mình nhân ngày Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Nhưng sau đấy, bố mẹ em lại lo lắng vì thấy Minh làm thơ nhiều quá, ngồi máy tính viết suốt ngày, suốt đêm. Em viết ngày mấy bài liền và ngày nào cũng viết. Tuy đắm chìm vào thơ như vậy, nhưng Minh vẫn hoàn thành khá tốt các chương trình đại học. Sau khi đỗ cử nhân, em học tiếp và đỗ Thạc sĩ Kinh tế loại xuất sắc.

Thật lạ, từ năm 2008-2014, Đào Quốc Minh in liền 5 tập thơ, trong đó tập “Những người vũ công Memphis” dày gần 600 trang đã được dư luận quan tâm. Trong những bài thơ đầu, năng khiếu thi ca của Minh đã phát lộ mà bài thơ “Cha và con đường” (viết tặng người cha của mình) dưới đây là một dẫn chứng:

Mặt đất dành một phần mười diện tích của nó
Để tạo nên những con đường
Mặt nước dành một phần trăm thể tích của nó
Để gột sạch những con đường
Mặt trời dành một phần nghìn năng lượng của nó
Để chiếu sáng những con đường
Cha dành cả cuộc đời của Người
Cho ta làm nên ý nghĩa của những con đường

Khi viết bài thơ này, Đào Quốc Minh 20 tuổi và vừa “ra khỏi không gian của những cơn động kinh”. Sau đấy, Minh đã bước vào “không gian mới” của thơ hiện đại mà bài thơ “Quả chuông hồ lãng bạc” dưới đây nói lên điều đó:    

Trong cơn điên của cô bé có con mắt thật buồn
ở thị trấn... chiều đông phương bắc...
bài dân ca về những người lính
làn da bỏng cháy lửa napan, đang quỳ gối...
trước quả chuông đen cũ kỹ
từng đêm, người kể chuyện thắp lên
từng cây đóm nhỏ còn hơi ẩm sau mưa...
trong căn bếp củi sưởi đã tàn...
và khép chặt con mắt vàng dường như đã mù lòa...
người ngồi trên bậu cửa lim đã mục
ngước khuôn mặt váng vất...
mùi khói súng về phía chân đồi
thỉnh thoảng... người đàn bà đặt bàn tay
đang trầy xước và rơm rớm máu đỏ
rờ rẫm lên chiếc cũi sắt nhốt đứa cháu nhỏ…
bài dân ca về người đàn bà...
cả trái tim bỏng cháy lửa napan
đang quỳ gối trước một quả chuông đen cũ kỹ.

Theo tôi, thơ Minh đang có xu hướng tiếp cận với những cách tân của thơ hôm nay, tuy vậy, mỗi bài thơ của em mới chỉ bước đầu khai phá một hình ảnh, một dư chấn, một hình tượng, một cảm xúc, một khắc họa, một ám ảnh… về đời sống thiên nhiên và đời sống con người hôm nay.

Và, độc giả thơ đương đại vẫn đang chờ ở sau mỗi bài thơ của tác giả trẻ này một sự chiêm nghiệm, một hơi thở lãng mạn của minh triết phương Đông. Điều đặc biệt, tập thơ “Những người vũ công Memphis” của Minh được trao Giải thưởng Văn học trẻ và em được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội. Năm 2016, Minh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguyễn Việt Chiến
.
.