Nhà thơ trẻ Trang Thanh: Cần có bản lĩnh của người dám “cô độc”

Thứ Năm, 02/04/2009, 10:30
Đời sống văn chương của người viết trước hết là đời sống của cá nhân ngầm đối diện với cuộc sống và cũng ngầm hòa mình vào dòng chảy cuộc sống theo cách của riêng mình. Đến với văn chương là tự mình tạo ra một đời sống đặc biệt. Một người làm thơ rất ngơ ngác trong cuộc sống thường nhật thì đó chính là cách "nhập thế" của anh ta.

Việc người khác cho rằng anh ta tự tách mình ra khỏi đời sống, đó là bởi người khác mới chỉ đang nói tới những gì người ta nhìn thấy. Nhưng những gì khiến người viết cảm thấy mà trở nên ngơ ngác, không hòa nhập được, đó mới là cái quan trọng làm nên tâm thế và cảm xúc của người viết.

Làm văn chương mà bảo rằng phải tách mình ra khỏi đời sống văn chương thì không phải, nhưng biết tách mình theo cách nào, khi nào thì tách, khi nào thì nhập, để những gì mình viết ra thực sự là của riêng mình, theo tôi là cần thiết.

Sản phẩm mình làm ra có sống được trong đời sống văn chương hay không, điều đó phụ thuộc vào chính nó, vào cái nội lực, trí tuệ, tình cảm, mà mình - người sáng tác - đã truyền cho nó trong quá trình thai nghén.

Nỗ lực tìm tòi, đổi mới vẫn đang diễn ra ở những người viết trẻ, dù có thể nó chưa tạo được một hình hài toàn vẹn, khu biệt nó với những thứ đã định hình. Tôi thích nét "nổi loạn" ở Trương Quế Chi, thích cái hồn nhiên đôi chút bất cần của Dương Anh Xuân, nhưng với tôi, thơ vẫn là thứ phải cứa vào gan ruột người khác.

Thơ mỏng mảnh và càng mỏng mảnh hơn trong đời sống hiện đại cuồn cuộn hôm nay, nhưng thơ phải là thứ mỏng mảnh của cái cật nứa sắc bén. Tôi luôn tâm niệm phải biết "chối bỏ" chính mình của ngày hôm qua, một cách tự nhiên, và lắng nghe chính mình để chân thành, thấm đẫm với những gì mình viết.

Chảy ra từ chính nỗi lòng mình, thơ sẽ có con đường để đến với trái tim người khác. Sự chia sẻ quan niệm, mối quan tâm giữa những người sáng tác là cần thiết, nhưng tôi thích cái bản lĩnh của một người biết "cô độc"

Lan Hương (ghi)
.
.