Khai thác văn hóa, nghệ thuật biểu diễn thu hút khách du lịch:

Vẫn là câu chuyện đường dài

Thứ Sáu, 12/10/2018, 08:37
Không chỉ dừng lại ở các chuỗi chương trình biểu diễn ngắn gọn nhưng mang đậm những dấu ấn riêng, phong cách riêng nhằm hấp dẫn du khách, vài năm gần đây, nhiều sản phẩm biểu diễn nghệ thuật hướng đến khách du lịch được đầu tư quy mô lớn, thậm chí lên đến vài trăm tỷ đồng.


Nhưng, đến nay, phần lớn những cuộc "se duyên" giữa văn hóa nghệ thuật với phát triển du lịch vẫn mang dáng dấp của các cuộc thử nghiệm. Thành công đến đâu, phát huy đến đâu trong cách khai thác này vẫn là câu chuyện... đường dài.

Trăm hoa khoe sắc

Những chương trình gây chú ý cả về tính mới mẻ, tên tuổi nghệ sĩ, mức độ đầu tư lớn chưa từng thấy nhưng cũng ồn ào thị phi nhiều hàng đầu thời gian qua phải kể đến các chương trình nghệ thuật thực cảnh. Tập trung hướng đến khai thác bản sắc văn hóa truyền thống và sân khấu hóa để xây dựng thành các chương trình biểu diễn đặc thù, hấp dẫn, phục vụ du lịch, số lượng các chương trình nghệ thuật thực cảnh ngày càng nhiều hơn.

Du khách thích thú xem biểu diễn "Khu rừng hạnh phúc".

Sau "Thuở ấy xứ Đoài", "Tinh hoa Bắc Bộ", "Ký ức Hội An", diễn nghệ thuật thực cảnh tiếp tục được các nhà biểu diễn đầu tư khai thác mở rộng. Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội, đơn vị từng công bố đầu tư đến 500 tỷ đồng để dựng chương trình "Thuở ấy xứ Đoài", "Tinh hoa Bắc Bộ" cho biết, Tuần Châu Hà Nội đang triển khai và ấp ủ thêm nhiều dự án khác về nghệ thuật thực cảnh tại nhiều địa phương, điểm du lịch nổi tiếng cả nước.

Trong đó, gần nhất và sớm nhất là "Hello Hạ Long" trong khu vui chơi giải trí của Tập đoàn Tuần Châu tại đảo Tuần Châu, Hạ Long, Quảng Ninh. Nếu "Thuở ấy xứ Đoài", "Tinh hoa Bắc bộ" tập trung vào vùng văn hóa đặc trưng là văn hóa xứ Đoài, kể về đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân Việt ở châu thổ sông Hồng, lập kỷ lục với sân khấu hiện đại, rộng 4.300m2 giữa không gian thơ mộng hữu tình dưới chân núi Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) và những show diễn có sự tham gia biểu diễn của 250 người, trong đó có 150 diễn viên là nông dân ở địa phương thì "Ký ức Hội An" cũng tỏ ra không "kém cạnh".

Với không gian biểu diễn trải rộng trên 25.000m2, sân khấu bao gồm những công trình kiến trúc đặc trưng của phố Hội, thuyền bè, sông nước và hệ thống âm thanh, hiệu ứng ánh sáng tối tân, "Ký ức Hội An" ghi dấu ấn với người xem bằng các điển tích tình yêu, các câu chuyện thời cuộc của suốt chiều dài 400 năm lịch sử của phố Hội. Kể câu chuyện đặc biệt này là gần 500 diễn viên, với sự đồng hành, tư vấn của một đội ngũ chuyên gia khá hùng hậu trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu lịch sử, văn hóa, âm nhạc, phục trang.

Trong khi đó, "Hello Hạ Long" cũng hứa hẹn nhiều hấp dẫn khi đặt mục tiêu sẽ giới thiệu những nét đặc sắc nhất của kỳ quan thiên nhiên thế giới - Vịnh Hạ Long trên sân khấu thực cảnh. Không dừng lại ở Hạ Long, đơn vị này còn bày tỏ khát vọng có thêm nhiều chương trình nghệ thuật thực cảnh khai thác, sân khấu hóa nhiều văn nét văn hoá  đặc sắc của các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là văn hóa miền Tây, văn hóa phía Nam.

Với các chuỗi chương trình biểu diễn định kỳ, nghiêng về nghệ thuật truyền thống nhưng được nâng lên, hiện đại, gần gũi hơn với số đông công chúng không thể không kể đến "À Ố Show", "Làng tôi", "Hồn Việt"… Các địa chỉ cố định có biểu diễn múa rối của Nhà hát Múa rối Thăng Long tại Hà Nội, múa rối Rồng Vàng ở TP Hồ Chí Minh, các chương trình biểu diễn nghệ thuật hướng đến phục vụ du lịch của các nhà hát chèo.

Nhà hát Lớn Hà Nội công bố đưa vào khai thác các tour tham quan kết hợp xem biểu diễn nghệ thuật, khám phá kiến trúc đặc sắc của Nhà hát. Mới đây nhất, NSND Thúy Mùi, Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam công bố triển khai đề án khai thác nghệ thuật truyền thống phục vụ du lịch với một loạt chương trình biểu diễn định kỳ tại các làng nghề truyền thống thu hút nhiều du khách.

Đến từ vùng núi phía Bắc với những nét văn hóa đặc sắc, khác biệt, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc đã mạnh dạn phối hợp với Nhà hát Lớn Hà Nội và công ty Nam Hưng rục rịch ra mắt chuỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật hướng đến phục vụ du lịch - Nam An Show...

Mảnh đất giàu tiềm năng vẫn chờ khai phá thêm

Với tốc độ tăng trưởng du lịch ngày càng cao, trong đó, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2018, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng đến gần 23%, đạt trên 11,6 triệu lượt và khách trong nước cũng đạt đến trên 62,1 triệu lượt, du lịch Việt đang đòi hỏi ngày càng nhiều sản phẩm hấp dẫn để níu chân du khách.

Văn hóa bản địa, trong đó có các chương trình biểu diễn nghệ thuật tái hiện đời sống văn hóa tinh thần đặc thù ở từng vùng miền đã, đang hứa hẹn là những sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là những mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá nhiều.

Ông Đỗ Việt Anh, Phó giám đốc của Tuần Châu Hà Nội cho hay, các dự án khai thác văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh góp phần làm cho giá trị của địa phương, điểm đến được nâng lên. Văn hóa các vùng miền của Việt Nam đều vô cùng đặc sắc. Nếu "đánh thức" được chúng, sản phẩm du lịch sẽ phong phú hơn rất nhiều.

"Trại hò đả hổ" - một trong những "kịch mục" hấp dẫn du khách của "Ký ức Hội An".

NSND Thúy Mùi cũng bày tỏ rằng, có thể khai thác biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du lịch một cách linh hoạt, dưới nhiều quy mô khác nhau mà nội dung vẫn vô cùng phong phú. Ngoài các show diễn thử nghiệm tại các làng nghề truyền thống đang hấp dẫn du khách như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc…, một số địa phương khác cũng đang đề nghị Trung tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam tổ chức và duy trì thêm một số điểm diễn định kỳ khác, trong đó, cụ thể nhất là Hội An.

Tuy nhiên, vì nhân lực, vật lực có hạn nên hiện nay, việc lựa chọn tổ chức các show diễn còn phụ thuộc cả vào khoảng cách xa hay gần về mặt vị trí địa lý…

Ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Nam Hưng media, đơn vị sản xuất chuỗi chương trình Nam An Show cho rằng, sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. Trong quá trình công ty tiếp xúc với các đơn vị du lịch, lữ hành, khi đặt vấn đề về sản phẩm văn hóa, đặc biệt là văn hóa nghệ thuật phục vụ du lịch thì thông tin phản hồi thường là số lượng sản phẩm còn ít, đơn điệu, chưa theo kịp trào lưu của thế giới.

Trong khi đó, tiềm năng này rất phong phú. Nếu phía Bắc có chèo, dân ca quan họ, miền Trung có ca Huế, có tuồng Bình Định, có hát ví giặm, bài chòi thì đến miền Nam không thể không nhắc đến cải lương, sự quyến rũ của các bài bản đờn ca tài tử. Việc khai thác chất liệu văn hóa từng vùng miền, đưa lên sân khấu biểu diễn có sức hấp dẫn riêng, không chỉ làm tăng giá trị của địa phương mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Tất nhiên, để đưa vào khai thác phục vụ du lịch thì không thể không hiện đại hóa, nâng tầm lên với những mới lạ, độc đáo riêng, phải kỳ công đầu tư và chấp nhận tốn kém.

Thực tế, như "Thuở ấy xứ Đoài", "Tinh hoa Bắc Bộ", "Ký ức Hội An" đã mất vài năm trời chuẩn bị. Nam An Show, chuỗi chương trình của NSND Thúy Mùi mất hàng năm trời ròng rã chuẩn bị, từ xây dựng đề án đến chọn lọc, triển khai thí điểm. Với vở diễn khởi động Nam An Show là "Mỵ", ê kip thực hiện còn mất tháng ròng về tận các bản làng xa xôi để quay hình, làm các clip truyền thông cho dự án thêm sinh động hấp dẫn.

Trao đổi quanh câu chuyện này, ông Nông Xuân Ái, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc thừa nhận, đưa nghệ thuật truyền thống khai thác phục vụ du lịch cũng là lối thoát cho nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống. Đơn vị của ông trước đây chưa từng làm các chương trình biểu diễn phục vụ du lịch nên chỉ lo về mặt nội dung nghệ thuật.

Tất cả các hoạt động khác như tổ chức biểu diễn phải nhờ công ty Nam Hưng và Nhà hát Lớn Hà Nội. Hai đơn vị này sẽ kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị làm du lịch, vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhưng, dù làm như thế nào thì đội ngũ nghệ sĩ đều quán triệt tinh thần: Muốn hấp dẫn du khách thì phải cố gắng làm chương trình hiện đại hơn, song vẫn phải giữ cái gốc truyền thống và không thể nóng vội trong câu chuyện lấy thu bù chi trước mắt.

Thực tế, không chỉ có Nam An Show mới làm chương trình với tâm thế như thế. Ngay các chương trình lớn như "Tinh hoa Bắc Bộ" hay "Ký ức Hội An", sau một thời gian khá dài ra mắt, thậm chí điều chỉnh sang phiên bản mới, đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa thể tính câu chuyện thu hồi vốn từ bán vé…

Ngọc Nguyễn
.
.