Những bất cập trong việc duy trì, phát triển văn hóa, nghệ thuật hiện nay

Thứ Bảy, 30/06/2018, 08:37
Thật nghịch lý một điều, khi kinh tế và đời sống của chúng ta mỗi ngày một tốt lên, hiện đại hơn thì đời sống văn hóa, tinh thần lại chưa tương xứng, thậm chí có chỗ hỗn loạn và tạp nham hơn. Chưa bao giờ mọi giá trị trong cuộc sống lại bị đảo lộn như hiện nay; đặc biệt những giá trị văn hóa, nghệ thuật, nhân phẩm.


Lâu nay, khi nói đến sự yếu kém của văn hóa nghệ thuật, người ta hay đổ lỗi cho đời sống thị trường, kinh tế thị trường. Chưa hẳn hoàn toàn như vậy. Do trình độ, năng lực hay do những lý do nào đấy mà các nhà quản lý văn hoá đáng ra phải sớm có những hoạch định cho văn hoá - nghệ thuật đi như thế nào... Không kham, không quản được thì thả nổi, và nếu bất quá thì cấm... Thế nên, hậu quả là hôm nay văn hóa nghệ thuật đang trong cơn khủng hoảng.

Thật nghịch lý một điều, khi kinh tế và đời sống của chúng ta mỗi ngày một tốt lên, hiện đại hơn thì đời sống văn hóa, tinh thần lại chưa tương xứng, thậm chí có chỗ hỗn loạn và tạp nham hơn. Chưa bao giờ mọi giá trị trong cuộc sống lại bị đảo lộn như hiện nay; đặc biệt những giá trị văn hóa, nghệ thuật, nhân phẩm.

Con người Việt Nam hôm nay được thụ hưởng mọi thành quả sáng tạo của khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh tế; nhưng đồng thời cũng phải đối diện với thực tế nghèo nàn và không ít lệch lạc về hưởng thụ văn hóa nghệ thuật. Khủng hoảng văn hóa không chỉ ở nước ta, một số quốc gia khác cũng đang trong “căn bệnh thời đại”.

Điểm mặt những ngành văn hóa nghệ thuật bao gồm: Văn học, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc, múa. Thấy rõ rằng hội họa và nhiếp ảnh ít có sự suy thoái, mà vẫn đang đồng hành cùng thời đại. Nhiếp ảnh có lẽ là ngành nghệ thuật duy nhất tiếp cận và ngang bằng với trình độ quốc tế. Phải chăng sự sáng tạo của hai ngành này mang dấu ấn cá nhân rõ nhất, cũng như sự tác động vào đời sống và đời sống tác động đến nó không lớn lắm!

Chỉ một bộ phận công chúng cảm thụ và hiểu được tác phẩm. Còn lại âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, kiến trúc, múa là các loại hình nghệ thuật mà tác phẩm là sự sáng tạo tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật, của nhiều người, và việc công bố tác phẩm cũng cần đến số đông. Do đặc điểm loại hình mà sự tác động vào đời sống của sân khấu, điện ảnh, âm nhạc là vô cùng lớn. Riêng lĩnh vực văn chương, bao nhiêu năm nay lực lượng nhà văn, nhà thơ rất đông đảo, nhưng bóng dáng của những tác phẩm lớn vẫn còn ở phía trước…

Những thành công như bộ phim “Tháng năm rực rỡ” chỉ là tín hiệu vui nhỏ lẻ trong bức tranh toàn cảnh về điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Âm nhạc là sự thất vọng lớn nhất trong đời sống văn hóa hiện nay ở nước ta. Mấy chục năm nay, từ khi đất nước được thống nhất, âm nhạc đã hầu như là sự thả nổi, du nhập các xu thế âm nhạc thế giới tràn vào, trong đó không loại trừ những thứ được gọi là “rác rưởi” trong thị trường âm nhạc. Nhiều nhà chuyên môn lên tiếng nhưng cũng chỉ như đá ném ao bèo. Hình như người dân chỉ còn biết đến những ca khúc quần chúng, những trò chơi, trò giải trí âm nhạc tầm phào… Và, âm nhạc Việt Nam vẫn đang phải chờ đợi những tác phẩm đỉnh cao ở phía trước!

Điện ảnh là sự thất vọng thứ hai sau âm nhạc. Chúng ta đã từng có một nền điện ảnh cách mạng trong sáng, đầy chất lãng mạn và tính nhân văn (tuy non trẻ), của những thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ trước; với nhiều gương mặt nghệ sĩ đáng tự hào. Hôm nay, cả một nền điện ảnh một năm sản xuất được vài bộ phim. Làm xong, chiếu cho quan chức ngành, cho nhà báo xem, xong cất vào kho.

Thực trạng thảm hại của điện ảnh đến Hãng phim lớn nhất của cả nước cũng đã bị cổ phần hóa (dư luận cho rằng bị bán, bị xóa sổ…). Phim Nhà nước thì “dở sống dở chết”. Phim tư nhân, giai đoạn đầu là những phim “mì ăn liền”, giai đoạn sau thì những chuyện tình xen lẫn phim đánh đấm vô bổ…

Còn phim truyền hình thì, giai đoạn trước “dở không chịu được”, đến độ nhiều khán giả hầu như chuyển kênh mỗi khi xem đến phim Việt Nam. Gần đây điện ảnh có khởi sắc hơn với những tác phẩm gây tiếng vang như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hay “Tháng năm rực rỡ”; “Em chưa 18”... còn điện ảnh truyền hình cũng đang cố thay đổi diện mạo bằng những sery phim truyền hình nhiều tập như: “Người phán xử”; “Tình khúc xứ Bạch Dương” v.v... nhưng những tác phẩm nói trên vẫn chỉ là số ít đếm được trên đầu ngón tay.

Sân khấu đã từng là thánh đường nghệ thuật, là môn nghệ thuật đi tiên phong trong trào lưu đổi mới; ngày nay sống lay lắt nhờ chút tiền bao cấp của Nhà nước, bởi diễn thì quá ít khán giả. Sân khấu truyền thống còn thảm hại hơn nhiều. Những chủ trương xã hội hóa sân khấu, đưa sân khấu đến với nhà trường… không giúp sân khấu nhích thêm được  mấy bước…

Vì sao nên cơ sự hôm nay? Như trên đã nói - là hệ lụy tất yếu của khủng hoảng văn hóa. Nhưng một điều không né tránh là bản thân nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật đã tự mình hạ thấp mình; trong đó tài năng và nhân cách người nghệ sĩ có những sa sút trầm trọng.

Nhìn vào bức tranh tổng thể “chiến lược con người” của văn hóa nghệ thuật hiện nay mới thấy còn quá nhiều điều mà, nếu không sớm thay đổi sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nhiều ngành văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Các ngành âm nhạc, điện ảnh, sân khấu ngày trước đều được Nhà nước gửi đi đào tạo tại nước ngoài (Liên Xô, Trung Quốc, Bungari, Hunggari, Tiệp Khắc, Triều Tiên...). Nhờ thế, chúng ta có một đội ngũ khá đông những người làm nghệ thuật được đào tạo bài bản, có kiến thức phong phú; và họ là lực lượng nòng cốt của các đơn vị nghệ thuật. Cũng chính họ là những người hoạt động nghệ thuật xuất sắc, những cánh chim đầu đàn của các môn nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, múa, kiến trúc...

Song hành là đội ngũ những nghệ sĩ, nghệ nhân trưởng thành từ sự bồi đắp của cuộc sống, từ sự nỗ lực tự vươn lên; đặc biệt trong những nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương, quan họ, ca trù, xẩm, âm nhạc dân gian... Khi hệ thống Xã hội chủ nghĩa sụp đổ (1991), cũng đồng thời chấm dứt đào tạo nghệ thuật tại nước ngoài (học tập tại hệ thống XHCN cũng mới chỉ là tiếp cận được với hơn một phần ba văn minh, nghệ thuật của nhân loại).

Tài sản con người quý giá ấy, nhiều người đã khuất bóng, nhiều người nghỉ hưu đã lâu; lớp cuối cùng được đào tạo ở nước ngoài thì nay cũng cận kề tuổi hưu.

Ở các ngành nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật truyền thống thì những nghệ nhân lừng lẫy nay không còn ai, nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - nghệ nhân cao tuổi nhất cũng đã giã biệt cõi nhân gian ở ngoại tuổi chín mươi.

Ngược lại, trong giới nhạc sĩ, ca sĩ, đạo diễn điện ảnh, đạo diễn sân khấu, diễn viên điện ảnh, diễn viên sân khấu, múa... hiện nay, thấy quá nhiều các danh hiệu NSND, NSƯT, các giải thưởng Nhà nước... Nhưng thực chất, trong số ấy nhiều người còn thua xa những nghệ nhân, nghệ sĩ thời trước không hề có chức danh nào trong nghệ thuật về tài năng và phẩm chất. Danh hiệu rất sang, giải thưởng rất kêu nhưng tài năng và sự sáng tạo của một số người thì quả là không xứng tầm. Có những nhạc sĩ được Giải thưởng Nhà nước mà công chúng không biết tác giả và tác phẩm ấy như thế nào. Ở khu vực biểu diễn có những người là NSND, NSƯT mà diễn thì... thôi khỏi bàn.

Theo cơ chế hiện nay, việc phong tặng danh hiệu hay giải thưởng trong lĩnh vực đòi hỏi phải có tài năng đích thực thì hình như là theo... niên hạn, theo những “tiêu chí” không có trong văn bản giữa thanh thiên bạch nhật...!

Các ngành âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, múa thì đào tạo ở nước ngoài rất quan trọng, bởi lẽ nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động đào tạo tại nước ngoài là những dịp để văn hóa nghệ thuật Việt Nam tham gia hội nhập và giao lưu quốc tế. Mấy chục năm nay, việc đào tạo những tài năng nghệ thuật theo hướng gửi đi học ở nước ngoài đã hầu như vắng bóng. Và tất nhiên, việc đào tạo sẽ dồn lên những đơn vị trong nước.

Mà, việc đào tạo trong nước còn quá nhiều bất cập và yếu kém. Vì thế nên sản phẩm con người qua đào tạo nghệ thuật ở các trường trong nước cứ teo tóp và yếu kém dần. Những “sản phẩm con người” ấy lại tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật đang hằng ngày hằng giờ diễn ra, trong một môi trường văn hóa nghệ thuật, đời sống đang khủng hoảng thì làm sao những giá trị nghệ thuật đích thực được tỏa sáng và phát triển.

Các nghệ thuật liên quan đến văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mất thương hiệu; thậm chí, nếu không sớm có những giải pháp tích cực có thể nói đang đứng bên bờ vực của sự xóa sổ. Nguyên nhân: Ngày nay khán giả, đặc biệt lớp trẻ không mấy hào hứng với các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, ca trù, quan họ, xẩm hay các loại nhạc cụ như sáo, đàn bầu, đàn tranh, tam thập lục, nhị...; thứ nữa, người muốn theo học các môn nghệ thuật dân tộc cứ mỗi ngày mỗi ít, do áp lực và quan niệm của đời sống chi phối.

Một nguyên nhân quan trọng nữa chính là nội lực của chính một số nghệ thuật truyền thống mỗi ngày sút giảm, không mấy còn sự sâu sắc, tinh tế, tài tình... mà ông cha đã hun đúc cả hàng trăm năm, ngàn năm mới có được. Thực tế từ sân khấu kịch nói, tuồng, chèo, cải lương; thấy sự lĩnh hội, trau chuốt, đam mê nghề của những nghệ sĩ hôm nay làm sao bằng được lớp trước. Sự truyền nghề, do tác động của đời sống mà cứ lớp sau lại kém lớp trước. Đã có NSND thẳng thắn bộc bạch: “Tôi làm sao bằng được các chú các bác đi trước...”.

Các nghệ nhân, nghệ sĩ đầu đàn cứ mỗi năm lại trống vắng, mà mỗi người ra đi là mang theo cả một kho tàng nghệ thuật họ tích lũy cả một đời người mới có được. Nếu chiến lược con người cứ “hờ hững” hay bị quên lãng như hiện nay, liệu vài chục năm nữa chúng ta sẽ còn lại những gì!

Trong đời sống nghệ thuật hiện nay, nhìn vào khâu nào cũng bộc lộ những yếu kém, khập khiễng... Lẽ dĩ nhiên, đây đó ở lĩnh vực này hay lĩnh vực kia vẫn còn có những con người làm nghệ thuật có đầy đủ tài năng và phẩm hạnh. Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực tinh thần quan trọng của quốc gia. Chính thế nên cần thiết phải có hoạch định quốc gia có tầm xa hàng trăm năm để làm lành mạnh hóa tinh thần xã hội.

Cao Minh
.
.