Ra mắt tiểu thuyết của tác giả từng lĩnh án tử hình:

Văn chương kết nối và chia sẻ

Thứ Sáu, 27/10/2017, 08:05
Nguyễn Đức Nguyên sinh ra ở Nam Định, lớn lên ở Lạng Sơn. Cuộc đời anh là một chuỗi biến cố,hết tai bay vạ gió đến tội lỗi tự mình gây nên. Cuộc đời anh có tới 4 lần "vào tù ra tội", với  55 tuổi đời nhưng có tới 23 năm sống trong các trại giam: anh từng hai lần bị Viện Kiểm sát quân sự Quân khu I và Viện Kiểm sát Quân sự  Trung ương kết án 26 tháng tù giam.


Thân phận đặc biệt của tác giả từng là tử tù

Sau được kết luận vô tội, Nguyễn Đức Nguyên được trả về đơn vị cũ. Năm 1990, anh nhận tội thay cho một đại gia vùng biên Lạng Sơn để đổi lấy một số tiền.  Nguyễn Đức Nguyên đã ngồi tù trong 3 năm với những cam kết, nhưng khi ra tù vị đại gia kia cùng những lời cam kết đáng giá 3 năm tù giam đã không cánh mà bay.

Năm 1999, Nguyên lại vướng vào lao lý khi bị Tòa tuyên án tử hình vì tội buôn bán ma túy. Lúc này anh đã hoàn toàn chấp nhận cái chết, mặc những lời van xin của vợ khuyên anh làm đơn xin Chủ tịch nước ân giảm. Sau đó, nhờ người Giám thị trại giam thuyết phục, người nhà động viên Nguyễn Đức Nguyên mới chịu viết đơn xin ân xá. Sau 500 ngày trong buồng biệt giam, Nguyên được Chủ tịch nước tha tội chết. Sau một thời gian chấp hành án phạt tù, lao động cải tạo nghiêm túc và phục thiện, năm 2015 anh được ân xá, trở về hòa nhập cộng đồng.

Nguyễn Đức Nguyên được phát hiện trong một cuộc thi viết do Tổng cục VIII tổ chức dành cho phạm nhân có tên là "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" xuất phát từ ý tưởng do nhà thơ Đặng Vương Hưng khởi xướng. Dù tác phẩm của Nguyên nộp muộn, không được chấm giải nhưng trong thư gửi Ban tổ chức, anh đề đạt nguyện vọng viết tiểu thuyết lịch sử và sau đó được nhà thơ Đặng Vương Hưng nhiệt tình ủng hộ, động viên và theo dõi sát sao.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc - Tổng biên tập NXB CAND chụp ảnh lưu niệm với tác giả Nguyễn Đức Nguyên (thứ 2 từ phải sang).

Những trang tiểu thuyết "Núi Mẹ" của anh thai nghén từ những ngày tháng trong tù. Sau đó, khi NXB CAND phát hiện tác giả này đã đề xuất Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an để Nguyên tham gia trại viết cuộc thi Cây Bút Vàng lần thứ 2 được tổ chức tại Hải Phòng.

Có lẽ, Nguyễn Đức Nguyên là trường hợp vô cùng đặc biệt và chưa có tiền lệ khi từ trại giam trở về đã đi đến trại sáng tác văn học một cách đầy ngoạn mục. Đặc biệt hơn, đó lại là trại sáng tác văn học của lực lượng Công an - nơi trước đó không lâu anh còn là người chấp hành án phạt tù. Chính những ngày tháng ở trại viết, với sự giúp đỡ của Ban tổ chức, các hội viên là các nhà văn đã thành danh và trực tiếp là nhà thơ Đặng Vương Hưng liên tục động viên, Nguyễn Đức Nguyên đã hoàn thành tác phẩm "Núi Mẹ" với bản in gần 400 trang.

Văn chương kết nối và sẻ chia

Khi tiểu thuyết "Núi Mẹ" được lựa chọn để biên tập, in ấn thì cũng là lúc tác giả Nguyễn Đức Nguyên phát hiện ra mình bị mắc căn bệnh ung thư quái ác, phải cắt đi một phần cơ thể. Buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết "Núi Mẹ" vì thế trở nên cảm động hơn. Sự có mặt của vợ con, họ hàng, thầy giáo và những người bạn đã khiến người ta thực sự tin rằng, văn chương là nguồn sáng thiêng liêng chia sẻ và kết nối những con người, những số phận với nhau - cho dù đó là những người từng lầm lỗi và từng phải trả giá bằng chính những năm tháng đẹp nhất đời mình trong trại giam như Nguyễn Đức Nguyên.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng cho biết, lần đầu ông tiếp xúc với bản thảo "Núi Mẹ" có độ dày lên tới hàng ngàn trang. Vì thế, ông phải thuyết phục tác giả cắt đi một số đoạn và một số chương cũng phải bố cục lại cho gọn gàng hơn. "Núi Mẹ" là một cuốn tiểu thuyết có tính điện ảnh cao, được viết hấp dẫn, xúc động và đậm tình người. Số phận đặc biệt của tác giả Nguyễn Đức Nguyên thực sự khiến tôi rất lưu tâm và rất ủng hộ, đồng hành cùng anh Nguyên từ khi anh ấy có ý định viết tiểu thuyết.

Tôi cho rằng, cuốn tiểu thuyết "Núi Mẹ" đã vượt ra ngoài một cuốn sách văn chương bình thường, trở thành một cuốn sách có số phận, được tác giả viết ra để trả "nợ đời", trả món nợ của số phận. Nhà thơ Đặng Vương Hưng cũng chia sẻ rằng, khi tiểu thuyết "Núi Mẹ" chuẩn bị ra mắt, có nhiều cuộc điện thoại gọi đến cho ông và tỏ ý nghi ngờ cuốn sách này là do Đặng Vương Hưng viết chứ không phải Nguyễn Đức Nguyên. Nhưng tại buổi ra mắt "Núi Mẹ" đã trưng bày cả tập bản thảo viết tay rất dày với những nét bút, đoạn gạch xóa... đã xóa đi sự nghi ngờấy.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng cũng xúc động chia sẻ rằng, ông sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với tác giả Nguyễn Đức Nguyên ở những tác phẩm sau này.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an khẳng định, sự có mặt của tác giả Nguyễn Đức Nguyên tại trại sáng tác "Cây bút vàng" như một biểu hiện đầy tính nhân văn của cuộc thi. Không những thế, chính cuộc đời thực đầy bi kịch của Nguyễn Đức Nguyên đã khiến nhà văn Hữu Ước hết sức cảm thông, chia sẻ.

Nhận định cuốn tiểu thuyết đầy tính điện ảnh với những trang văn đẹp đẽ, có sự lấp lánh của tâm hồn người viết, nên khi đọc xong tiểu thuyết "Núi Mẹ", nhà văn Hữu Ước đã nảy ra ý tưởng chuyển thể tiểu thuyết này thành 1 kịch bản điện ảnh và 1 kịch bản sân khấu và đã hoàn thành 2 đề cương kịch bản này chỉ trong một đêm.

Một số bản thảo viết tay của tác giả Nguyễn Đức Nguyên được trưng bày tại buổi ra mắt tiểu thuyết “Núi Mẹ”.

Bằng uy tín và ảnh hưởng của mình, nhà văn Hữu Ước cũng khẳng định rằng, kịch bản sân khấu sẽ được ông hoàn thành sớm nhất có thể và hi vọng nó sẽ được dàn dựng trước Tết Nguyên đán. Ngoài món quà tinh thần quý giá này, Trung tướng, nhà văn Hữu Ước cũng thay mặt Chi hội Nhà văn Công an gửi đến tác giả "Núi Mẹ" món quà vật chất là 4 triệu đồng.

Đáp lại những tình cảm của các nhà văn, bạn bè gần xa, tác giả Nguyễn Đức Nguyên xúc động chia sẻ: "May mắn cho tôi khi có rất nhiều người tốt có tấm lòng vàng đầy tình người. Cuốn sách này cũng là lời cảm ơn của tôi đối với cuộc đời, với vợ và các con tôi - những người mà tôi mang nợ nhiều nhất. Tôi cũng vừa hoàn thành bản thảo "Cây xương rồng", trong đó tôi lấy hình tượng những người cán bộ trại giam làm trung tâm. Đó là những người đã nâng đỡ tinh thần tôi trong những tháng ngày đen tối nhất, động viên tôi viết đơn xin ân xá, giúp tôi có được cuộc sống như hôm nay và được trở về bên vợ con, gia đình. Và nếu trời còn cho tôi đủ thời gian, tôi mong muốn hoàn thành nốt tiểu thuyết "Núi Mẹ" phần 2 nữa...".

Văn chương đúng là đã cứu rỗi cuộc đời Nguyễn Đức Nguyên - một con người từng mang trên mình án tử, mang đến cho anh thứ ánh sáng diệu kỳ của tình yêu thương, niềm tin và hi vọng...  Đúng như TS - nhà văn Lê Thị Bích Hồng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận xét: "Văn chương thực hiện sứ mệnh cao cả. Văn chương đánh thức phần người tiềm ẩn trong mỗi cá thể. Với Nguyên, văn chương còn là nơi vịn bám, cứu rỗi, kéo Nguyên ra khỏi cuộc sống ngột ngạt, tù túng… của kẻ bị đánh mất tự do và quyền công dân. Biết đây là cơ hội tốt dành cho mình, Nguyên đã vịn câu chữ đứng lên, đã tìm một luồng ánh sáng cuối đường hầm...".

Ngoài ra, việc xuất bản và giới thiệu cuốn sách "Núi Mẹ" của tác giả Nguyễn Đức Nguyên còn mang ý nghĩa nhân văn to lớn trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện để những con người từng một thời lầm lỗi trở về hòa nhập cộng đồng...

Nguyệt Hà
.
.