Tượng tạc xong rồi, để chỏng chơ!

Thứ Sáu, 28/04/2017, 09:28
Phơi nắng phơi sương hơn một năm nay, không ai trông nom, hàng loạt tác phẩm của Trại điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh 2015 đang từng ngày xuống cấp, hư hỏng. Thậm chí có tượng còn bị gãy đổ. Nghịch lý ở chỗ: không ít nơi mỏi mắt chờ đưa tượng về đặt ở khuôn viên trong khi tượng trơ mình chịu cảnh bày bừa la liệt ở xó xỉnh nào đó.


Cha chung không ai khóc?

Trại điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức diễn ra vào tháng 11-2015. Được đầu tư gần 15 tỉ đồng tiền ngân sách, trại quy tụ 120 điêu khắc gia trong và ngoài nước tham gia so tài trong một tháng.

Hàng trăm tác phẩm chất lượng cao, phong cách nghệ thuật đa dạng, cá tính, được hứa hẹn sẽ trưng bày tại các vị trí trung tâm của thành phố như: khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng, công viên hầm Thủ Thiêm, khu vực đường Hoàng Sa - Trường Sa… Thế nhưng hơn một năm nay sau khi kết thúc trại, các tác phẩm vẫn án binh bất động và nằm "thi gan cùng tuế nguyệt" ở Công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, quận 9.

Vài lần đến thăm bãi tượng, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh không khỏi hỡi ôi khi chứng kiến không ít tượng bị hư hại, xâm phạm nặng nề. Một số tượng làm bằng đá bị nứt hỏng bục bệ như "Thiên sử xanh" của tác giả Phan Quân Dũng. Tác phẩm "Tổ chim" của điêu khắc gia Mikhail Sobolev (Nga) thì phần bục đỡ sụp vỡ nham nhở. Tượng nào có phần lõm nghiễm nhiên trở thành nơi vứt rác của du khách vô ý thức.

Tác phẩm "Niềm vui" đã "mất vui", nằm chỏng gọng trong Công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc ở quận 9 TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Lê Công Sơn).

Thảm nhất phải kể đến tác phẩm dựng tạm bằng đất hoặc polymer để chờ được đúc đồng trước khi trưng bày chính thức. "Trại đã kết thúc hơn 15 tháng nhưng lời hứa đúc đồng của Ban tổ chức vẫn chưa thực hiện. Mấy tác phẩm làm bằng đất và polymer hầu hết đều bị hư hại, gãy đổ.

Chất liệu này làm sao mà phơi nắng gió lâu được" - họa sĩ Uyên Huy phản ánh. Tác phẩm "Niềm vui" của Trần Mai Hữu Quý nằm chỏng chơ không kém đống đồng nát. Một số tác phẩm bằng đất của tác giả nước ngoài chỉ tạm chuyển qua polymer rồi đem ra trưng bày ở đường hoa dịp Tết. Do vậy, một tác phẩm của tác giả người Romania sớm bị gãy.

Việc ban tổ chức hứa làm catalogue tuyển tập các tác phẩm của trại cũng là lời hứa suông. Đến giờ phút này, dự định đó gần như sụp đổ vì tượng hư hại như thế thì làm sao chụp hình đăng ảnh. Cũng không thể muối mặt mời các nghệ sĩ nước ngoài có tác phẩm bị hư sang Việt Nam sửa chữa lại. Nhìn đứa con tinh thần của mình "hấp hối", các nhà điêu khắc trong nước chỉ biết xót xa kêu trời chứ không thể ra tay "cấp cứu". Bởi họ đã ký cam kết rằng tượng thuộc quyền sở hữu của thành phố.

Lý giải nguyên do kế hoạch trưng bày tượng vẫn chưa nhúc nhích, đơn vị tiếp quản trả lời rằng là khi tượng tạc xong rồi, xuống khảo sát địa điểm đặt tượng thì nơi không phù hợp để trưng bày, nơi không thể bố trí vì ảnh hưởng giao thông, cảnh quan…

Hiểu nôm na: Tạc tượng xong rồi mới loay hoay "điền vào chỗ trống". Đây là lý do "muôn năm cũ" vì tiền lệ đã xảy ra ở hàng chục trại điêu khắc trên cả nước. Nói đâu xa, Trại điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh 2015 lăn ngay vào vết xe đổ của Trại điêu khắc TP Hồ Chí Minh 2005. Không tìm được chỗ trưng bày nên hơn 40 tác phẩm xuất sắc của trại 2005 đành tập kết ngổn ngang ở Công viên Tao Đàn và gọi là vườn tượng.

Tuy nhiên, giới mỹ thuật đều cho rằng nó giống như một gian hàng triển lãm ngoài trời hơn là một vườn tượng. Không bảng tên tác giả, tác phẩm nên chẳng ai hiểu đây là tượng nào, ý muốn nói cái gì. Tượng bị đặt lăn lóc, không người coi sóc nên hư hỏng, mọc rêu, nứt nẻ rất nhiều.

Xã hội hóa trại điêu khắc: cách làm chống lãng phí

Nghịch lý ở chỗ, không gian đô thị TP Hồ Chí Minh vốn thiếu trầm trọng tượng điêu khắc để trang trí. Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên chỉ rõ: "Thực tế hiện nay, số tác phẩm điêu khắc hiện diện ở môi trường văn hóa đô thị TP Hồ Chí Minh là rất khiêm tốn, ngoài một số các công trình tượng đài cũ và mới được đặt ở các vòng xoay nút giao thông, một vài công viên có tính chất mỹ nghệ… thì còn rất nhiều công viên, khu đô thị mới, dọc những khu sinh thái bờ sông… rất cần có sự hiện diện những tác phẩm điêu khắc vừa mang tính trang trí vừa mang nét thẩm mỹ có tính nhân văn, văn hóa".

Điển hình như ở Trại điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh 2015, nhiều đơn vị, cơ quan như Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật hay Nhà Thiếu nhi Thành phố ngỏ ý xin tượng từ trước để đặt trong khuôn viên nhưng không hiểu sao vẫn chưa được chấp thuận.

Phải chăng, trong quá trình tiếp cận thông tin, chúng ta không đi sau bạn bè quốc tế bao nhiêu về mặt nhận thức tầm quan trọng của không gian mỹ thuật đô thị nhưng lại có khoảng cách khá lớn về cách nghĩ, cách làm quy hoạch, bài trí, thực hiện và chất lượng chuyên môn của các công trình, sản phẩm mỹ thuật của không gian môi trường đô thị?

"Rõ ràng trong thời gian qua, chúng ta chỉ quan tâm đến chiều rộng theo kiểu phong trào mà chưa thực sự quan tâm tới chiều sâu mang tính chất lâu dài, nền tảng và bền vững" - nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên phân tích.

Còn nhà điêu khắc Đào Châu Hải lý giải sở dĩ tượng không tìm ra không gian trưng bày bởi mối quan hệ giữa điêu khắc, kiến trúc, cảnh quan đô thị ở nước ta xưa nay vô cùng lỏng lẻo. Chính mối quan hệ lỏng lẻo này nên khi quy hoạch, xây dựng người ta chỉ quan tâm đến kiến trúc và cảnh quan mà quên mất điểm nhấn của đô thị là điêu khắc.

Nếu tìm được chỗ trưng bày cho tác phẩm, thì ít ai quan tâm về kiến trúc, cảnh quan xung quanh có phù hợp hay không. Ở các trại sáng tác khác, các tác phẩm cũng không được tính toán để đặt vào những vị trí phù hợp mà phần lớn gom lại trưng bày thành khu vực như ở hai bên bờ sông Hương (Huế), công viên Bãi Trước (Vũng Tàu), khu vườn tượng Núi Sam - Châu Đốc (An Giang)...

Một tác phẩm của Trại điêu khắc TP Hồ Chí Minh năm 2005 ở công viên Tao Đàn bị hư hại.

Ở những nơi trưng bày này hoàn toàn không có sự phối hợp giữa các nhà chuyên môn điêu khắc và kiến trúc nên nảy sinh những thiếu sót đáng tiếc như một số tượng quá nhỏ so với không gian chung, mật độ tượng quá dày…

Các trại điêu khắc mở ra nhằm tìm kiếm các tác phẩm chất lượng cao, độc đáo đáp ứng cho nhu cầu thẩm mỹ của thành phố. Dù nhu cầu này là bức thiết nhưng mọi thứ bất lực như muối bỏ biển. Tìm hiểu về các trại điêu khắc trên thế giới, nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn cho biết: "Họ đều quy hoạch, chuẩn bị sẵn không gian cho tượng trước. Còn tượng chính là yêu cầu cuối cùng mà họ nhắm đến cho không gian đó".

 Dù được coi là trung tâm đào tạo mỹ thuật lớn của phía Nam, lực lượng điêu khắc gia vô cùng mạnh, tham gia xây dựng hầu hết các tượng đài của miền Trung và miền Nam nhưng trong 42 năm qua, TP Hồ Chí Minh mới tổ chức hai trại sáng tác điêu khắc. Đã vậy, trớ trêu thay, các tác phẩm của cả hai trại đều bị bỏ xó, im lìm đến đau lòng. Nhiều cuộc họp, khảo sát của cơ quan quản lý đều không đi đến đâu. Điều này gây mất niềm tin cho giới mỹ thuật, điêu khắc gia trong và ngoài nước.

Theo họa sĩ Uyên Huy, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do cán bộ quản lý thiếu chuyên môn, không hiểu biết, không quan tâm về văn hóa nghệ thuật-mỹ thuật, thiếu cái tâm và đánh trống bỏ dùi, đùn đẩy trách nhiệm bằng việc đổ lỗi cho tác giả đúc tượng bằng chất liệu dỏm. Người tiếp quản và tìm chỗ đặt tượng thì không sâu sát, quan tâm. 

Ngoài việc Nhà nước cần thành lập các không gian trưng bày, triển lãm chuyên nghiệp ngoài trời lẫn trong nhà, họa sĩ Uyên Huy kiến nghị cần phải xã hội hóa các trại sáng tác, mời gọi sự hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp và bán đấu giá tác phẩm của trại để trả lại tiền ngân sách hoặc hỗ trợ cho tác giả. Việc xã hội hóa là cách khiến các thành phần tham gia đều có trách nhiệm với tác phẩm từ khâu đầu vào lẫn khâu đầu ra.

Mai Quỳnh Nga
.
.