Trại điêu khắc TP Hồ Chí Minh 2015:

"Không rắc rối không phải trại điêu khắc"

Thứ Bảy, 19/12/2015, 08:00
Đã 10 năm kể từ sau lần đầu tiên tổ chức trại điêu khắc tại TP Hồ Chí Minh với quy mô còn khiêm tốn, lần này, trại điêu khắc mở tại Công viên Lịch sử, Văn hóa - Dân tộc TP  Hồ Chí Minh từ 15-11 đến 21-11 đã có thêm yếu tố "quốc tế" với 50 tác giả và 50 công trình điêu khắc. Bên cạnh những cái "rất được" thì không khỏi có những điều vẫn còn khiến các nghệ sỹ chưa thực sự hài lòng.

Chọn tác phẩm qua mã số

Phải nói ngay, đây là điểm mang tính đột phá đáng kể của TP Hồ Chí Minh và cũng là lần đầu tiên quy trình chọn phác thảo của một trại điêu khắc trong nước được tiến hành theo cách này. Lâu nay, việc mời các tác giả tham dự trại điêu khắc của địa phương cũng như trong các sự kiện do Trung ương tổ chức đều dựa trên cơ sở các mối quan hệ cá nhân. Phần lớn những người trong giới đã từng làm việc với nhau, biết nhau qua một vài trại thì lần tổ chức trại sau đó lại… nhớ nhau mà mời tới. Cách làm này cũng được áp dụng ngay cả với một số trại điêu khắc quốc tế, đặc biệt tại những quốc gia có quan hệ mật thiết với Việt Nam như Trung Quốc, Singapore, Lào….

Lần này, Ban tổ chức trại ở thành phố Hồ Chí Minh đã gây bất ngờ, nếu không muốn nói là "sốc" với một số tác giả vốn đã "quen tên, biết tiếng" trong làng điêu khắc. Với việc chọn các tác phẩm thông qua mã số của Hội đồng nghệ thuật, nhiều tác giả thuộc hàng "cây đa cây đề" cũng bị loại… như chơi và mở đường cho rất nhiều điêu khắc gia trẻ tuổi, như nhận định của nhà điêu khắc Nguyễn Hoàng Ánh, Phó khoa Điêu khắc - Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Từ hàng trăm tác phẩm gửi về, hội đồng nghệ thuật đã chọn ra một cách rất khách quan 50 tác phẩm của 50 tác giả với 11 tác giả nước ngoài và 39 tác giả trong nước. Trong thời gian dự trại, do một số trục trặc về thủ tục đi lại, chỉ có 5 tác giả nước ngoài có thể tới thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà điêu khắc Trần Luân Tín đang làm việc với tác phẩm "Hạnh phúc" của mình tại Trại điêu khắc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Tất nhiên, không phải là không có những điều chưa ổn. Điểm yếu của các nhà điêu khắc trẻ, theo điêu khắc gia Nguyễn Hoàng Ánh chính là sự thiếu kinh nghiệm trong việc tư duy chất liệu. Nhiều tác giả trẻ chưa quen với việc làm tượng đá nên khi tư duy phác thảo, họ bị cuốn vào những ý tưởng sáng tạo mà quên mất việc cân nhắc xem ý tưởng đó khi thể hiện trên đá có thực sự hiệu quả không.

Tác phẩm "Ngẫm" của một nhà điêu khắc trẻ, ý tưởng đã làm hỏng khả năng biểu đạt của chất liệu. Đá vốn là chất liệu thể hiện sự mạnh mẽ nhưng khi thể hiện ý tưởng của tác giả này, đá trở nên mong manh, yếu ớt, và rõ ràng đã không thể nói lên được những gì người nghệ sỹ muốn biểu đạt. "Nếu tác phẩm này bằng đồng chẳng hạn, nó sẽ khác", ông nói.

Một điểm nữa, đó là khả năng chiếm lĩnh không gian của các tác phẩm điêu khắc Việt. Mỗi lần dự trại quốc tế như thế này, theo ông là một dịp cọ xát để các nhà điêu khắc của ta cảm nhận rõ rệt sự khác biệt trong tư duy điêu khắc, đặc biệt là khả năng chiếm lĩnh không gian trong tác phẩm của các bạn nước ngoài.

"Không rắc rối không phải trại điêu khắc"

Nhà điêu khắc Liu Yang người Trung Quốc đã cười và vui vẻ nói như vậy. Nhà điêu khắc 43 tuổi kiêm người dẫn chương trình talkshow của Đài CCTV Trung Quốc vốn rất dày dặn "kinh nghiệm trận mạc" trong việc tham dự trại điêu khắc. Anh đã có hàng chục lần dự trại điêu khắc ở Nga, Trung Quốc, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil… Anh không bất ngờ với những trục trặc. Anh nói anh "tận hưởng những rắc rối ấy như là một phần tất yếu của các trại điêu khắc".

Ngược lại, nhà điêu khắc người Nga Mikhail Sobolev mặt đỏ lựng vì không hài lòng với người thợ đá Ban Tổ chức cử ra giúp anh hoàn thiện tác phẩm, một mực đòi Ban Tổ chức đổi thợ khác. Nhà điêu khắc người Nga cho biết, có lúc anh cảm thấy không được tôn trọng khi người thợ thi công không chịu lắng nghe những trao đổi của anh về tác phẩm.

Một số tác giả cũng phàn nàn về công tác tổ chức còn thiếu chuyên nghiệp. Việc Ban Tổ chức không cung cấp chất liệu được như đề xuất của tác giả đã khiến một số người phải thay đổi cả ý đồ sáng tác. Ông Ánh cho biết, có ba người không chịu đổi đá theo đề nghị của phía nhà tổ chức là bản thân ông và hai nhà điêu khắc Nguyễn Thành Thi và Nguyễn Hồng Dương. Do đó cả ba đều phải bắt đầu làm tượng chậm hơn các tác giả khác (chấp nhận đổi đá theo yêu cầu) tới cả chục ngày.

Chuyện bố trí thợ phóng tượng lên đá từ phác thảo cũng khiến nhà điêu khắc dở khóc dở cười khi nhiều tượng bị thợ bắt khối sai. Trại bắt đầu từ ngày 15-11 nhưng phải tới ngày 2-12 các tác giả mới có mặt dự khai mạc. Khi nhìn thấy "đứa con tinh thần", đa phần đều phải chấp nhận như sự đã rồi, đành cố gắng khắc phục được chút nào hay chút nấy.

"Ta" vẫn khác "Tây"

Chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc và một số ít nước mới có chuyện tác giả chỉ đóng vai trò giám sát thi công, còn người trực tiếp thao tác trên chất liệu lại là những người thợ. Liu Yang cho biết ở châu Âu, người nghệ sỹ phải tự mình làm từ A đến Z cho công trình tác phẩm của họ. Điều đó là đương nhiên, vì việc để người thợ tạo tác sau đó nhà điêu khắc ký tên mình lên đó thì cũng giống như việc một phóng viên viết bài sẵn rồi anh biên tập chỉnh sửa lại đôi chút và ký tên mình vậy. Tuy nhiên, với thời gian dự trại quá ngắn, Liu Yang cũng buộc phải nhờ tới sự trợ giúp của những người thợ để hoàn thành tác phẩm kịp tiến độ.

Tác phẩm "Đường lên trời" của nhà điêu khắc người Ukraine, Lyndmyla Mysko. Ảnh: NVCC.

Chị Lyndmyla Mysko, điêu khắc gia người Ukraine  lại tỏ ra thích thú với cách làm này. Chị bảo, có những người thợ giúp đỡ, chị thấy thoải mái hơn và có thêm thời gian để sáng tạo, suy tưởng. Có thể "vì lịch sự" mà các điêu khắc gia nước ngoài không nói ra hết những nhược điểm bị coi là thiếu chuyên nghiệp trong cách tổ chức trại mà các nhà điêu khắc trong nước đã thẳng thắn bày tỏ.

Điêu khắc gia Nguyễn Hoàng Ánh từng dự trại điêu khắc tại thành phố Chang Chun của Trung Quốc. Lần đó ông dự trại hết 45 ngày. Ban Tổ chức lo cho ông tiền vé máy bay cả đi lẫn về, ngoài việc đài thọ ăn, ở, đi lại, các trại viên như ông còn được "bỏ túi" một khoản tiền bồi dưỡng kha khá và có một thông dịch viên hỗ trợ trong suốt thời gian dự trại.

Những đãi ngộ của trại điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh lần này dù đã khá tốt, song vẫn còn những bất cập. Từ việc thiếu hụt ban đầu những dụng cụ bảo hộ cho tác giả trong khi làm tượng cho tới cách chi trả tiền ăn thay vì tổ chức các bữa ăn tập thể tạo cơ hội giao lưu, gắn kết giữa các tác giả, từ việc nhà thầu chưa có nhiều thợ giỏi cho tới thiếu một chính sách đãi ngộ hợp lý với chuyên gia giám sát chất lượng nghệ thuật các tác phẩm… tất cả những yếu tố đó khiến nhiều tác giả tỏ ra băn khoăn, không thoải mái.

Nhà điêu khắc Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, khoảng thời gian từ lúc chọn xong phác thảo tới lúc tổ chức trại nên giãn xa hơn một chút, khoảng từ 3 đến 4 tháng để Ban Tổ chức có thể chuẩn bị chu đáo hơn. Như cách làm vừa rồi của TP  Hồ Chí Minh thì hơi cập rập, tác giả cũng bị động. Trên thực tế trại điêu khắc cũng đã phải nới thêm bốn ngày (tới ngày 21-12) để đủ thời gian cho các tác giả hoàn thành tác phẩm.

Nếu đúng như những kỳ vọng trại điêu khắc TP Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức hai năm một lần. Những điều chưa ổn ở trại lần này hoàn toàn có thể khắc phục trong các trại lần sau.

Rõ ràng, Ban Tổ chức chuyên nghiệp hơn, nhà điêu khắc cảm thấy tác phẩm của họ được tôn trọng hơn, đó là những yếu tố mấu chốt quyết định thành công của một trại điêu khắc.

Đỗ Dương
.
.