Từ “giao hoan” và câu chuyện ngôn ngữ

Thứ Hai, 02/10/2017, 11:02
Nhà nghiên cứu phê bình Đặng Tiến ở Pháp có thắc mắc: “Tại sao các từ điển tiếng Việt hiện hành đều đồng loạt giải thích “giao hoan là cùng nhau vui vẻ”? Cách giải thích của từ điển như vậy ắt người nước ngoài học tiếng Việt dễ nhầm tưởng nghĩa-đang-sử-dụng của giao hoan là cùng nhau vui vẻ, giống như “liên hoan”.Một số học giả khác đặt hoài nghi, hay là tại thời điểm biên soạn từ điển, từ giao hoan không có nghĩa như hiện nay?Trong cảm thức của tôi, nghĩa gốc của giao hoan chỉ có thể là quan hệ xác thịt.Mà quan hệ xác thịt thì hiển nhiên là... vui vẻ.


GS Nguyễn Huệ Chi tra vào tận gốc từ điển Trung Quốc và xác nhận: “Từ “giao hoan” có 4 nghĩa (đều có dẫn các câu văn cổ làm minh chứng), xếp theo thứ tự như sau: Nghĩa 1: “dữ nhân kết giao nhi thủ đắc đối phương đích hoan tâm” = (kết giao với người khác và nhận được tấm lòng hoan hỷ của đối phương). Nghĩa 2: “kết hiếu” = (kết tình giao hảo); Nghĩa 3: “nhất tề hoan lạc” = (cùng nhau vui chơi [thỏa thích]); Nghĩa 4 “nam nữ thành hôn hoặc hoan hợp”. Tra chữ “hoan hợp” thì có nghĩa: “Nhân hoan ái nhi kết vi phu thê” = (nhân “hoan ái” mà kết làm vợ chồng). Lại tra chữ “hoan ái” thì có nghĩa: “nam hoan nữ ái” = (trai gái yêu nhau).

Sự phức tạp nằm ở đó.Vậy là giáo sư tỏ ra “rất băn khoăn, vì mình vốn tin ở các học giả tiền bối, không dám phê phán họ một cách khinh suất”.

Tra cứu từ điển, dù có tra đến từ nguyên cũng chỉ là trên bề mặt.Trích dẫn văn chương thì càng không thể tìm ra, vì văn chương ít khi dùng nghĩa tục. Phải tra đến “Kim Bình Mai” thì may ra mới có thể lộ diện cảnh trai gái lõa thể với cuộc ái ân đầy xác thịt đến không muốn rời ra: “Nhị nhân tựu tại viện nội đắng thượng xích thân lộ thể, tịch chẩm giao hoan, bất thăng khiển quyển”. “Kim Bình Mai” nổi tiếng dâm thư, cho nên mới hé lộ cách dùng từ ở nghĩa nguyên thủy mà chính một nhóm người có học đã cố tình làm lệch lạc, sai nghĩa hoặc mất nghĩa.

Đến đây thì chỉ có thể khảo cổ văn hóa mới thấy phần nào chiều sâu cái nghĩa bị đè lấp bởi lớp vỏ của từ.Ngôn ngữ là sản phẩm của văn hóa.Mà văn hóa thì có đến tầng tầng lớp che đậy lên sự thực.

Tượng phật A Di Đà, từ nguyên thủy đến hiện đại.

“Hoan” là vui vẻ, không tra cứu cũng biết là niềm vui tinh thần. Nhưng chữ “Giao”, từ tố đóng vai trò chính để ghép thành “giao hoan” thì đáng nghi lắm khi dám bảo nó không mang nghĩa xác thịt. Chẳng lẽ nó cũng chỉ mang nghĩa tinh thần? Nếu bổ sung cho từ điển hiện nay, từ nghĩa gốc: “vui vẻ với nhau”, đến thêm nghĩa phái sinh: “quan hệ xác thịt” thì thậm vô lý. Không có chuyện ngược đời đó, cho nên các cụ gốc Nho hoặc ảnh hưởng Nho lúng túng, không đưa vào từ điển cũng phải.

Muốn biết gốc thì phải truy tự hình, đến tận giáp cốt văn, triện văn, kim văn. Và xa hơn cả món giáp cốt văn vốn là tự hình nguyên thủy kia, hãy hủy hoàn toàn cái cấu trúc bền vững đang - sử - dụng của giới hàn lâm: “giao hoan” là “cùng nhau vui vẻ” để thử nhìn từng mảnh của nó. Chỉ có làm như thế thì may ra mới thấy cái gì đang bị giấu kín hoặc bị xóa mờ đi bởi cái gọi là văn hóa mà đại diện của nó là các Cấm kỵ (Taboo) đã từng chuyển nhân loại từ tự nhiên hoang dã sang văn hóa văn minh.

Trong các từ điển Hán đều ghi nhận chữ “Giao” có tự hình giáp cốt văn, triện văn, kim văn giống một người dạng háng ra và một “vật lạ” có khấc chọt vào. Điều này làm ta liên tưởng đến hình ảnh phồn thực nguyên thủy trong đền cổ của Ấn Độ giáo:

Đây là hình ảnh tả thực để sau này thành cặp Linga-Yoni. Ấn Độ giáo đã biến cái này thành các vị thần sinh diệt: Shiva, Vishnu, Brahma. Chân dung thần Shiva nguyên thủy được ghi nhận như là cái Linga. Kể cả Phật giáo nguyên thủy sau đó cũng mượn lại và biến thành A Di Đà, đẩy sự sung sướng trần tục về Tây Phương Cực Lạc. Bởi đạo Phật quan niệm nhục dục trần thế chỉ mang lại đau khổ:

Dù đã cố tình cắt xén, biên tập, kiểm duyệt khắt khe, cố tình xóa đi dấu vết trần tục trong quá trình kiến tạo văn hóa, nhưng vẫn còn đó, dù mờ nhạt dần, cái dấu vết mang hình hài nguyên thủy của chuyện xác thịt mà loài người đã từng tín ngưỡng. Rõ ràng cái Thiêng ban đầu là cái Tục, hay nói cách khác, cái Tục đã sinh ra cái Thiêng. Sự đối lập giữa Tục và Thiêng là sản phẩm của tư duy nhị nguyên, trong khi khởi thủy hoàn toàn nhất nguyên: Tục cũng là Thiêng và Thiêng cũng là Tục. Chính con người sau các cấm kị đã có xu hướng từ giã trần tục để tìm đến thiên đàng rồi trôi dần vào hoang tưởng.

Quay lại chữ “Giao”, từ tố chính của từ “giao hoan”. “Giao” ban đầu chỉ có thể là quan hệ xác thịt. Không phải không có, chính Từ điển phổ thông ghi nhận, nhưng lại xếp vào nghĩa thứ 4 sau các nghĩa tinh thần.Sự thực, chữ “Giao” khi được cải biến thành các dạng khác mới chuyển nghĩa tinh thần. Kết hợp với bộ “nữ” thành nghĩa là đẹp, quyến rũ. Kết hợp với bộ “nhân” thành mang nghĩa bạn bè, bằng hữu. Kết hợp với bộ “khẩu” thành tiếng chim kêu gọi bạn. Kết hợp với bộ “nguyệt” thành?, keo sơn, kết dính.

Việc chuyển nghĩa trong “giao du” đi lại chơi bời với nhau (Thiều Chửu), chẳng khác gì tiếng Việt ta dùng từ “chơi” thay cho hoạt động giao hoan ở nghĩa xác thịt!

Linga-Yoni, từ tả thực đến biểu trưng, từ bình đẳng nam nữ đến duy dương vật.

Các nghĩa khác mang tính tinh thần của từ “giao” như “giao thiệp”, “giao cảm”, “giao tế”, “giao tiếp” và “giao hoan” dù đã xa sang địa hạt tinh thần vẫn không thoát ly khỏi cái nghĩa gốc của “giao” là “quan hệ xác thịt”. Không ngẫu nhiên mà nó tạo ra cả hệ thống: “giao cấu”, “giao hợp”, “giao hoan”… trong cùng một trường nghĩa.

Bởi vì, theo Phân tâm học cổ mẫu, con người đã trải nghiệm thân xác và tư duy từ xác thịt của mình trước khi tư duy về vũ trụ. Chỉ vì sau đó tôn giáo ra đời mới có chuyện nói ngược, rằng Trần tục do Thiên đường sinh ra. Người ta diễn nghĩa “Kinh Dịch”, dù có nói đến quan hệ Trời Đất mênh mông cũng không thể quên quan hệ Nam Nữ: “Thiên địa giao vạn vật hóa sinh”, “Nam nữ cấu tinh vạn vật hóa thuần”, “Thượng hạ giao nhi kì chí đồng dã…”.

Có thể kết luận, từ “giao hoan” mang nghĩa gốc phải là “quan hệ xác thịt”, sau được chuyển sang nghĩa tinh thần: “cùng nhau vui vẻ”. Nếu cập nhật vào từ điển xem nghĩa trần tục với quan hệ xác thịt kia là nghĩa phái sinh thì không thể được, vì cách làm đó chỉ có thể là nói ngược. Như vậy, chính quá trình Việt hóa chữ Hán, một cách vô thức, người Việt đã làm sống lại nghĩa tưởng chừng đã chết bởi sự cấm kỵ, đè lấp của văn hóa Nho giáo. “Giao hoan“ chỉ quan hệ tình dục là nghĩa trường tồn, cổ sơ và cũng hiện đại, trừ phi kẻ có học cố tình che giấu hay đánh mất.

Không chỉ từ giao hoan mà điều này có thể diễn ra ở nhiều từ khác. Chữ Nữ có tự hình nguyên thủy là cái âm vật, khi chế biến sang chữ Nôm, các cụ ta đã điểm thêm vào lỗ trống dấu chấm đọc là chữ Đĩ, phục sinh đầy đủ nghĩa trần tục của nó. Điều này không khác người bình dân gọi tên con trai, con gái bằng chính bộ phận sinh dục của chúng vì đời sống ngôn ngữ của họ nằm ngoài hàng rào cấm kỵ. Đó không phải là chuyện đùa mà là sự thật nghiêm túc.

Cấu trúc luận chủ trương chỉ xét nghĩa-đang-sử-dụng, bất chấp lịch sử của từ.Bởi họ quan niệm nét nghĩa đã mờ hoặc đã chết không còn giá trị.Đó là một sai lầm.Phân tâm học và Giải cấu trúc xem cái đã mờ, thậm chí tưởng chừng đã chết lại không bao giờ chết.Nó sẽ tồn tại bên dưới ngôn từ, J. Lacan gọi là phần Thực luôn bị che giấu, vắng mặt và không thể diễn tả bởi Cấm kỵ.

Ngôn ngữ hình thành từ cái Thực (Real) theo thị giác, kích thích Tưởng tượng (Image) và cuối cùng kết tinh ở dạng Biểu trưng (Symbolic). Có nghĩa là ngôn-ngữ-đang-sử-dụng là dạng Biểu trưng do cả một quá trình kiến tạo dưới áp lực của Cấm kị (Taboo) bằng hình thức cắt xén, biên tập, kiểm duyệt. Nghĩa do đó thường bị trượt (glissement) trên các Biểu trưng và Chuỗi biểu đạt. Nhưng theo Lacan, trong khi Biểu trưng thuộc quyền lực kìm nén dục vọng, đẩy cái Thực xuống tầng sâu, thì cái Thực vẫn luôn có xu hướng trồi lên và sẽ được đánh thức, đồng thời gia tăng theo tưởng tượng trong vô thức. Ngôn ngữ không chỉ là sản phẩm của ý thức như cấu trúc luận quan niệm mà còn là vô thức.

Quy Nhơn 20/9/2017

Ts Châu Minh Hùng
.
.