Văn nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc

Truyền lửa nhiều thế hệ

Chủ Nhật, 09/10/2016, 08:08
40 năm TP Hồ Chí Minh mang tên Bác Hồ kính yêu là 40 năm thành phố vươn mình phát triển mạnh mẽ. Bom đạn đã qua nhưng ngọn đuốc của các thế hệ  văn nghệ sĩ của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định năm xưa vẫn cháy sáng để truyền lại thế hệ sau tiếp nối. Đó là ngọn đuốc của tấm lòng son sắc với quê hương, Tổ quốc, ngọn đuốc kiên cường, bất khuất trước sự bạo tàn, góp phần soi đường cho nhân dân giành lại hòa bình.


Hội thảo “Vai trò của văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật thành phố, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua là dịp để các văn nghệ sĩ thành phố mang tên Bác nhìn lại một chặng đường dài.

Bước vào hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, văn học nghệ thuật yêu nước, cách mạng của Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trở thành vũ khí sắc bén không chỉ trên mặt trận văn hóa mà thực sự xung trận với khí thế hào hùng của “Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”.

Lịch sử vẫn còn ghi dấu những tác phẩm văn học, những ca khúc, vở cải lương, những bức biếm họa chính trị nảy lửa. Người ta không sao quên được loạt ảnh “Anh Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường”, “Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu” hay “Nụ cười Võ Thị Thắng”… của giới nhiếp ảnh Việt Nam và quốc tế làm rúng động nhân loại yêu chuộng hòa bình.

Lịch sử dân tộc và thực tiễn đất nước đòi hỏi ý thức trách nhiệm của nhà văn trẻ TP Hồ Chí Minh.

GS.TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, vẫn nhớ hoài kỷ niệm về những tác phẩm văn học, ca khúc miền Nam sống giữa lòng miền Bắc thời chống Mỹ cứu nước. “Tôi nhớ, tác phẩm đầu tiên tôi đọc có lẽ là “Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc” gửi ra vào cuối năm 1964. Khi ấy tôi đang là sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Chúng tôi đọc trong niềm vui và cả trong nước mắt. Đoàn thanh niên của khoa bàn việc phải nhanh chóng tổ chức các buổi nói chuyện về những bức thư này. Những nhóm tuyên truyền được thành lập. Tôi nhớ, nhóm của tôi đi đến các xã của huyện Đông Anh, Hà Nội. Hàng trăm người nghe cùng khóc, nhất là những đoạn thư kể hết mực chân thật về tội ác của Mỹ - Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam để tàn sát người cách mạng và đồng bào.

Khi ấy, cả miền Bắc đang có phong trào Ba sẵn sàng. Chắc rằng trong số 500, 600 người có mặt hôm ấy đã có nhiều người trở thành chiến sĩ, thanh niên xung phong lên đường ra trận”. Tình yêu miền Nam ruột thịt được hun đúc trong lòng nhân dân miền Bắc từ những tác phẩm thấm đẫm máu và nước mắt như thế.

Đó là hình tượng những người anh hùng bất khuất, kiên trung trong các tác phẩm như “Sống như Anh” (Thái Duy), “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi), “Hòn Đất” (Anh Đức); những vần thơ hào hùng của “Một thế kỷ, mấy vần thơ” (Truy Phong), “Dáng đứng Việt Nam” (Lê Anh Xuân)…

Sống giữa vùng kiểm soát, đàn áp của mật vụ, cảnh sát, chịu sự kiểm duyệt gắt gao trên từng trang viết nhưng các nhà văn không hề nao núng. Truyện ngắn “Bút máu” của nhà văn Vũ Hạnh – người từng bị năm lần tù đày - sáng tác năm 1958 được các nhà văn Sài Gòn – Gia Định coi đó là thông điệp cho sứ mệnh nghệ thuật của mình.

Nhà văn Vũ Hạnh tâm sự: “Mở đầu cuộc đấu tranh văn hóa, tôi viết “Bút máu” nhằm phê phán những kẻ làm bồi bút, đồng thời xem đó như một tuyên ngôn của chính mình. Cũng từ đó tôi dùng bút hiệu Vũ Hạnh cho các sáng tác, như một kỷ luật đối với bản thân, bởi Vũ Hạnh là tên một người bạn quý, một chiến sĩ kiên cường mà tôi phải bảo vệ bằng chính những sáng tác của mình, vì tôi luôn tự nhủ rằng mình có thể viết dở, viết kém nhưng không được viết những điều trái với đạo lý, với quyền lợi dân tộc”.

Nhắc đến âm nhạc thời chống Mỹ, không thể không nhắc đến phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” của sinh viên, học sinh các đô thị miền Nam mà cái nôi tiên phong là Sài Gòn. Cùng với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở miền Bắc, phong trào này đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân và sinh viên, học sinh, thúc giục họ xuống đường đấu tranh chống bọn xâm lược và tay sai.

Hàng loạt những bài hát có cấu trúc gọn ghẽ, dễ thuộc, dễ hát, nêu cao khát vọng hòa bình đã ra đời và lan tỏa rộng khắp như: “Hát cho dân tôi nghe” (Tôn Thất Lập), “Non nước tôi” (Nguyễn Văn Sanh), “Hát từ đồng hoang” (Miên Đức Thắng), “Dậy mà đi” (Nguyễn Xuân Tân), “Người mẹ Bàn Cờ” (Trần Long Ẩn), “Tự nguyện” (Trường Quốc Khánh)…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh cho biết, tuy tên gọi chính thức bắt đầu từ đêm 27-12-1969, nhưng trước đó khá lâu, phong trào ca hát này đã nổi lên riêng lẻ ở các trường đại học. Nhờ vào vị trí trung tâm của Sài Gòn – đầu não của chính quyền Việt Nam Cộng hòa – nên phong trào đã tạo được sức hút mãnh liệt dù có bị đàn áp, bắt bớ dã man.

Các nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh biểu diễn chào mừng Ngày thống nhất đất nước.

Cải lương là một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Nam nói chung và người Sài Gòn – Gia Định nói riêng. Do đó, đây là mảnh đất màu mỡ để các nghệ sĩ làm cách mạng. Sau năm 1954, rất nhiều đoàn cải lương tập trung tại Sài Gòn như: Hương Mùa Thu, Phước Chung, Thủ Đô, Ngọc Kiều…

Họ dựng những vở kịch tiến bộ hợp với lòng dân bấy giờ với nhiều thể loại dã sử, lịch sử, xã hội ca ngợi lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu như: “Quê mẹ”, “Ngưu Lang – Chức Nữ”, “Bên đồi trăng cũ”, “Người mặt cháy”... Trước tình hình đó, chính quyền Sài Gòn tăng cường kiểm duyệt, theo dõi gắt gao các soạn giả viết tuồng ủng hộ cách mạng.

NSƯT Trần Minh Ngọc kể rằng lần khủng bố mạnh tay nhất của chính quyền Sài Gòn là năm 1955. Mật vụ quăng lựu đạn lên sân khấu đoàn Kim Thoa tại rạp Nguyễn Văn Hảo khi đoàn đang diễn vở cải lương “Lấp sông Gianh” (soạn giả Kinh Luân) viết về thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Vụ nổ khiến ba người chết, một người bị thương nặng phải cưa chân. Nhưng tất cả chỉ làm cho làn sóng đấu tranh của văn nghệ sĩ thêm mạnh mẽ.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương khẳng định: “Trong những ngày máu lửa của phong trào cách mạng, ngay giữa lòng địch, đội ngũ văn nghệ sĩ Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã viết nên bản anh hùng ca bất khuất, trung dũng, kiên cường.

Đất nước thống nhất, các thế hệ văn nghệ sĩ thành phố vẫn tiếp nối truyền thống hào hùng, kiêu hãnh của những năm tháng chiến tranh, đặc biệt là phẩm chất chủ động, sáng tạo, đột phá trước khó khăn, góp phần đổi mới nền văn nghệ của cả nước”. Còn nhớ, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, trong khi cả nước đang tích tụ những xung lực để đổi mới toàn diện thì giới văn nghệ thành phố đã có những bước tiên phong ngoạn mục.

Ở lĩnh vực văn học, vai trò tiên phong đổi mới thuộc về “Tam Tuấn kiệt” gồm nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn với tác phẩm “Những khoảng cách còn lại” (1982), “Đứng trước biển” (1982), “Cù lao Tràm” (1984); Nhật Tuấn với “Bận rộn” (1985) và Trần Văn Tuấn với “Ngõ hẻm bên cầu”.

Năm 1989, gallery Tự Do ra đời và trở thành gallery tư nhân đầu tiên của TP Hồ Chí Minh cũng như cả nước, mở ra một trang mới trong việc phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam. Trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, khi nhà nước chủ trương xã hội hóa thì ngay lập tức, hàng chục hãng phim, sân khấu tư nhân tại TP Hồ Chí Minh thành lập và cho ra đời nhiều tác phẩm gây tiếng vang. Xu hướng đổi mới với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật”, “nói đúng sự thật” lẫn xu hướng thị trường hóa các sản phẩm văn nghệ đã cung cấp bài học quý giá cho văn nghệ sĩ thành phố.

Là người cầm bút lớn lên sau chiến tranh, nhà văn Trầm Hương cảm nhận sâu sắc sự giàu có từ tầng tầng lớp lớp trầm tích của lịch sử dân tộc. Ẩn số những giọt nước mắt, những phận đời bé nhỏ đằng sau những cột mốc lịch sử là nguồn cảm hứng mạnh mẽ thôi thúc nhà văn cầm bút.

Theo nhà văn Trầm Hương, để khai thác tầng quặng lịch sử quý báu của cha ông, cần có mũi khoan bằng kim cương của tâm huyết, tài năng và sự dấn thân. Mũi khoan ấy đang được đặt vào tay văn nghệ sĩ trẻ hôm nay.

Thế nhưng, nhìn lại tác phẩm của văn nghệ sĩ trẻ thành phố, đề tài lịch sử dường như trở thành của hiếm. Thực tiễn xã hội với bao vấn nạn về tham nhũng, ô nhiễm môi trường, sự tha hóa đạo đức, bất công… vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Không ít văn nghệ sĩ trẻ lao vào chuyện ngôn tình, chuyện giật gân giới showbiz, những chán chường, vỡ mộng, những phá phách, lật đổ thần tượng hay quẩn quanh trong cảm xúc vụn vặt của một cái tôi muốn nổi loạn hoặc co mình. Nếu thờ ơ trước lịch sử, thờ ơ trước bao điều nhức nhối của đất nước, rõ ràng, họ đang mắc nợ lớn với nhân dân.

Phan Thi Uyên
.
.