“Sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam: Trông người lại ngẫm đến ta

Thứ Năm, 20/12/2018, 09:36
Ngày 12-12 vừa qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức hội thảo "Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế". 


Có hơn 40 tham luận, trong đó gần 20 ý kiến được trình bày, song tựu trung các ý kiến đều có điểm chung - đó là "sức mạnh mềm" văn hóa Việt Nam vẫn như một nàng công chúa ngủ trong rừng, chưa biết lúc nào mới thức dậy.

Cần có chiến lược quốc gia

"Sức mạnh mềm", "quyền lực mềm" (Soft Power) là khái niệm xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đến nay, thuật ngữ này được sử dụng khá rộng rãi và ngày càng trở nên thông dụng trên thế giới.

Theo đó, "sức mạnh mềm" của một quốc gia được khẳng định là sức mạnh vô hình, được thể hiện ở nhiều yếu tố như sức hấp dẫn của các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống, tính thống nhất, gắn kết cộng đồng dân tộc, sự đồng thuận quốc gia, sự ổn định chính trị xã hội, sự linh hoạt mềm dẻo, khôn khéo của các chính sách ngoại giao, cũng như sự phù hợp, đúng đắn của các chính sách điều hành, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội…

Sau phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", lượng khách du lịch đến với Phú Yên tăng vọt.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, với sự bùng nổ của internet, các trang mạng xã hội thì sức mạnh mềm về văn hóa là cụm từ đặc biệt được chú ý. Bởi lẽ ngày nay, sự ảnh hưởng, giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ và nhiều quốc gia đang có xu hướng thể hiện, cạnh tranh sức mạnh qua truyền thông văn hóa - nghệ thuật truyền thống, văn học, điện ảnh, âm nhạc... Trong xu thế đó, đương nhiên Việt Nam không thể đứng ngoài, song nếu đặt trong tương quan có thể thấy trên phương diện này thì Việt Nam vẫn đang bị thế giới bỏ cách quãng rất xa.

Tại buổi hội thảo "Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế", TS. Park Nark Jong - chuyên gia của Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - đã chia sẻ một số kinh nghiệm, những số liệu, bảng biểu cho thấy sức mạnh mềm văn hóa của Hàn Quốc khi được phát huy đã trở thành tiềm lực kinh tế: Hàn Quốc đã trở thành đất nước có công nghiệp games đứng thứ 4, điện ảnh đứng thứ 9 thế giới và đứng trong top 10 thế giới về sức mạnh mềm.

Thế nhưng phát triển mạnh nhất của Hàn Quốc lại là xuất bản và thư viện, với doanh thu chiếm 10,8% GDP. Ngoài điệu nhảy Gangnam style đã làm cả thế giới nghiêng ngả hát và nhảy theo, đất nước này còn có nhiều ban nhạc trẻ nổi tiếng được giới trẻ ở khắp thế giới yêu thích.

Trong tương quan đó, TS. Park Nark Jong cho rằng, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn yếu, đáng chú ý là mảng văn học - xuất bản - thư viện vốn được xem là nền tảng để phát triển các lĩnh vực văn hóa khác thì lại chưa được chú ý đúng mức.

Chuyên gia người Hàn Quốc cũng cho rằng, so với tiềm năng văn hóa thì nguồn sức mạnh mềm được chuyển hóa tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn bạc, tính toán để trở thành chiến lược mang tầm quốc gia.

Bởi lẽ, chỉ khi trở thành một chiến lược quốc gia trong quy hoạch phát triển, thì mới có được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, có sự quy tụ những nhân tố tích cực và có đường hướng rõ ràng thì mới đạt được hiệu quả cao.

Thực tế đã cho thấy, một đất nước dù có quy mô dân số và diện tích nhỏ bé, tài nguyên thiên nhiên không có, kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ như Singapore, Nhật Bản, nhưng nhờ biết phát huy sức mạnh mềm, mà hai quốc gia này đã nhanh chóng trở thành quốc gia phát triển, có vị thế cao trên phạm vi toàn cầu, được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia đáng sống nhất.

Nhật Bản đã là một trong những cường quốc trên thế giới nhưng điều hấp dẫn vẫn là những "câu chuyện văn hóa" đầy tính thuyết phục: tinh thần võ sĩ đạo, ý chí vươn lên mãnh liệt, kỷ luật làm việc, tinh thần đồng đội, lòng trung thành, sự tôn trọng truyền thống và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc như trà đạo Nhật Bản luôn được cộng đồng thế giới tò mò tìm hiểu...

Giống như Tây Ban Nha lấy văn hào Cervanter đặt tên cho cơ quan giảng dạy tiếng Tây Ban Nha, Đức lấy danh nhân văn hóa Goethe đặt tên cho cơ quan văn hóa của mình, Trung Quốc đã có một bước đi khôn khéo trong chiến lược quảng bá sức mạnh mềm văn hóa khi lựa chọn Khổng Tử làm tên gọi cho cơ quan truyền bá tiếng Hán, văn hóa Hán ra toàn thế giới.

Từ năm 2005 đến nay, các Học viện Khổng Tử đang được chính phủ Trung Quốc xem là "tấm danh thiếp" truyền bá tinh hoa văn hóa ở khắp nơi trên thế giới. Theo con số thống kê, Học viện Khổng Tử đã lên tới hàng trăm và tham vọng của Trung Quốc trong việc xây dựng chuỗi sức mạnh văn hóa mềm vẫn chưa dừng lại ở đó.

"Sức mạnh mềm" văn hóa Việt: Bao giờ thức dậy?

"Trông người lại ngẫm đến ta", và một câu hỏi khiến nhiều cử tọa quan tâm: Đó là sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam bao giờ mới thức dậy hay sẽ vẫn cứ là nàng công chúa chìm trong giấc ngủ trăm năm chờ Bạch mã hoàng tử đến đánh thức? Thực tế, chúng ta đã có những bài học đáng suy nghĩ trong câu chuyện biến sức mạnh mềm văn hóa trở thành sức mạnh vật chất - kinh tế.

Chỉ mới đây thôi, khi bộ phim bom tấn của Hollywood "Kong: Skull Island" (Kong: Đảo đầu lâu) với các bối cảnh chính được quay chủ yếu ở Việt Nam (Bái Đính - Ninh Bình, Hạ Long - Quảng Ninh, Phong Nha - Quảng Bình) được khởi chiếu vào tháng 3-2017, khán giả thế giới đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ, hoang sơ và đầy bí ẩn của một vùng non nước của Việt Nam.

Ngay lập tức, các tour du lịch đến Việt Nam khám phá các địa điểm từng là trường quay của phim "Kong: Skull Island" được các công ty Lữ hành - Du lịch trong nước và quốc tế xây dựng với các chiêu quảng bá, giảm giá để "hút" khách. Theo một báo cáo, con số khách du lịch quốc tế tìm đến các địa danh này đã tăng lên khoảng 30% so với trước đây.

Cũng đón được thời cơ làm du lịch quốc tế đã đến, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Ninh Bình dựa vào những hình ảnh được đoàn làm phim cung cấp đã cho phục dựng lại một số bối cảnh tại trường quay Bái Đính, trong đó tâm điểm là làng thổ dân. "Làng thổ dân" sau đó đã trở thành địa điểm check-in thú vị cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Sau đó, đạo diễn "Kong: Skull Island" - ông Jordan Vogt-Roberts đã trở thành "Đại sứ du lịch Việt Nam" đem đến những kỳ vọng mới cho ngành du lịch khi đưa hình ảnh Việt Nam đến với thế giới.

"Làng thổ dân" trong phim "Kong: Skull Island" của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts được phục dựng để thu hút khách du lịch tại nơi từng là trường quay của bộ phim bom tấn thế giới.

Câu chuyện tương tự cũng đã từng xảy ra với phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của đạo diễn Victor Vũ khi đã "đánh thức" tiềm năng du lịch Phú Yên. Một vùng đất mộc mạc với vẻ đẹp hoang sơ mà bí ẩn nhưng ít người biết đến, sau bộ phim đã thực sự trở thành điểm đến cho nhiều khách lữ hành, các gia đình vào mùa hè và các kỳ nghỉ lễ.

Và hầu như mỗi người khi đến với Phú Yên đều cố gắng check-in cho đủ những địa điểm đã đi vào những khuôn hình của điện ảnh như Gành Đá Đĩa, Bãi Môn, Đầm Ô Loan, Bãi Xép... vốn là những địa danh gây được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả qua "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".

Từ hai câu chuyện điện ảnh trên, có thể khẳng định, khó có cách "vẽ bản đồ quốc gia - dân tộc" trong tâm trí của nhân loại nào khác nhanh, thuận tiện và hiệu ứng tốt như qua điện ảnh nói riêng và văn hóa nói chung. Văn hóa sẽ mãi mãi là cái gốc của sự phát triển, nó cũng là cách nhận thương hiệu một quốc gia bên cạnh các thế mạnh về kinh tế - chính trị - ngoại giao - quân sự...

Một ví dụ sinh động là, ngày 15-12 vừa qua, khi Đài Truyền hình SBS của Hàn Quốc mua bản quyền và phát sóng trực tiếp trận chung kết lượt về giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia trên sân Mỹ Đình đã trở thành một câu "chuyện lạ có thật" đối với truyền thông Hàn Quốc. Bởi vì AFF Cup mặc dù được mệnh danh là "World Cup của Đông Nam Á" nhưng việc một giải đấu khu vực được phát sóng trực tiếp tại Hàn Quốc, trên sóng SBS dường như là chưa có tiền lệ.

Trước đó, trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 trên sân Bukit Jalil phát lại trên SBS Sports rất thu hút khán giả, đạt tỷ suất người xem trung bình 4,7% và chạm tới con số 7% trong hiệp hai. Đây là rating cao nhất trong các chương trình thể thao được phát trên kênh truyền hình cáp ở Hàn Quốc vào năm 2018, hơn cả KBO (giải bóng chày quốc gia vô cùng nổi tiếng tại Hàn Quốc), thậm chí còn cao hơn tất cả nội dung thể thao khác được phát trên kênh truyền hình cáp từ năm 2010 đến nay.

Với sức hút quá lớn của thầy trò HLV Park Hang-seo qua các trận đấu giải AFF Cup 2018 và U23 Asia tại Thường Châu, hình ảnh của đất nước - con người Việt Nam đang trở nên vô cùng gần gũi, thân thiện với người Hàn Quốc, góp phần quan trọng vào việc củng cố mối quan hệ hữu hảo giữa 2 nước.

Những câu chuyện như trên tuy còn thưa vắng, song đúng là những câu chuyện khiến những người làm văn hóa phải suy nghĩ. Một chiến lược quốc gia cho sự phát triển "sức mạnh mềm" để đánh thức những tiềm năng, những giá trị văn hóa còn tiềm ẩn để biến nó thành nội lực thành sức mạnh để phát triển hẳn là điều cần được các nhà quản lý hoạch định chính sách nghiêm túc nhìn nhận như một xu thế tất yếu.

Nguyệt Hà
.
.