Trò chuyện với ông chủ của chiếc vương miện "có một không hai"

Thứ Bảy, 20/08/2016, 08:19
Mấy hôm nay nhiều nhà báo phỏng vấn tôi về những chiếc vương miện của Hoa hậu Việt Nam xuất xứ từ đâu, chiếc vương miện mà ông trao cho hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất Bùi Bích Phương năm 1988 có phải mua ở phố Hàng Đào (Hà Nội) không? Chiếc vương miện trao cho hoa hậu nào đắt nhất? Giá trị văn hóa ở những chiếc vương miện như thế nào ? vv và vv …


Tôi bỗng nhớ lần gặp vợ chồng ông chủ ngọc trai Hoàng Gia nổi tiếng tại Phú Quốc, trong vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014.

Thật không ngờ, ông chủ của chiếc vương miện hoa hậu đạt hai kỷ lục Việt Nam, được định giá trên 2,5 tỷ đồng lại là một người trẻ tuổi, đẹp trai, nhã nhặn và cởi mở, có nhiều kiến giải thú vị về văn hóa, về cuộc sống hiện nay, nhất là quan niệm về giáo dục của ông.

Anh nói rằng, chiếc vương miện mà anh trao cho Hoa hậu Việt Nam 2014 là vô giá vì đó là tâm huyết của vợ chồng anh. Chiếc vương miện với 1000 viên kim cương, 1 ký lô gam vàng và đặc biệt có 18 viên ngọc trai tự nhiên quý hiếm, trong đó có hai viên ngọc trai được sách kỷ lục Việt Nam trao kỷ lục là viên ngọc trai tự nhiên lớn nhất và viên ngọc trai có hình trống đồng lớn nhất.

Anh Hồ Thanh Tuấn trong đêm chung kết Hoa Hậu Việt Nam năm 2014.

- Bao nhiêu là tâm huyết vợ chồng tôi gửi vào chiếc vương miện, làm sao để chiếc vương miện Hoa hậu Việt Nam không chỉ có giá trị kinh tế mà nó còn có giá trị về văn hóa, nghệ thuật. Tôi kết hợp hình ảnh hoa Sen và trống đồng của Việt Nam để chế tác chiếc vương miện ý nghĩa này …-  Ông tâm sự.

Ông chủ ngọc trai Hoàng Gia Hồ Thanh Tuấn sinh ra tại Sóc Trăng, trong một gia đình bố làm ruộng, mẹ tảo tần buôn bán nhỏ. Anh kể rằng bố anh là ông Hồ Thanh Tùng, rất hiền, mẹ anh, bà Trần Ngọc Truyền rất đảm đang. Gia đình anh có bốn anh em đều thành đạt và hiếu thuận với bố mẹ, họ hàng, được mọi người trong làng, trong xã yêu mến. Hồ Thanh Tuấn là con thứ hai.

Từ nhỏ, mẹ anh dạy con rất nghiêm khắc. Lên một tuổi vẫn chưa được ra khỏi làng. Quần áo mặc thường là đồ cũ. Triết lý dạy con của bà là luôn để cho các con "thiếu một chút". Bữa cơm, cho các con ăn "thiếu một chút", quần áo mặc hàng ngày cũng "thiếu một chút" chứ không cho các con thích gì mặc nấy.  Không để các con thiếu thốn, đói ăn, quá thua kém bạn bè trang lứa …

Nhưng, cũng không để các con thấy đầy đủ quá, để các con khi lớn lên còn biết cách phấn đấu, biết cách vượt lên, biết rằng cuộc sống không dễ dàng gì! Để từ đó mà chăm học, chăm làm, chăm chỉ trong cuộc sống hàng ngày …

"Tôi dạy các con cũng theo kinh nghiệm của bố mẹ mình. Trước hết là dạy các con trung thực. Tuyệt đối trung thực. Tôi dạy các con và đối xử hàng ngày với các con rất bình đẳng. Dù mình cũng có thể trang bị cho các con nhiều thứ, nhưng, tôi luôn để các con mình "thiếu một chút" như mẹ tôi đã nuôi dạy chúng tôi.

Khi cậu con cả của tôi vào học ở Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, ở đó tất cả các bạn đều được trang bị điện thoại màn hình mầu, nhưng tôi chỉ sắm cho con chiếc điện thoại màn hình đen trắng. Lúc con tôi nói rằng các bạn ở trường "tẩy chay con" vì không có điện thoại mầu để chụp hình, làm trò chơi tập thể cho cả lớp, tôi mới đến trường tìm hiểu xem sao, sau đó mới quyết định chứ không nghe lời con mà mua ngay …

Dù rất bận công việc, nhưng vợ chồng tôi vẫn dành một ngày cuối tuần để đưa các con đi cắm trại, tham quan, du lịch. Những lần như vậy, vợ chồng tôi ngồi với các con để bàn chuyện đi chơi ở đâu, như thế nào và để cho các con tôi có ý kiến lựa chọn, chứ không áp đặt.

Có một điều tôi nghiệm ra rằng mình tuyệt đối không dạy con trong lúc nóng giận, những lúc như vậy mình phải bỏ đi ngay, vì những lúc nóng giận nếu dạy con thì cũng chỉ là cách xả bớt cơn tức giận của mình chứ không thể để con tiếp thu điều hay, lẽ phải …" - Hồ Thanh Tuấn Tâm sự.

Chị Đoàn Bạch Phụng, vợ của Hồ Thanh Tuấn tâm sự rằng: "Buổi đầu, tôi cũng không đồng ý lắm với cách dạy con của chồng. Tôi nghĩ, cứ cách dạy con truyền thống là tốt nhất. Nhưng anh ấy đã thuyết phục tôi, chứng minh bằng thực tế cho tôi quan điểm dạy con của anh.

Khi con đòi mua một thứ gì, chúng tôi không chiều như nhiều gia đình có tiền là đi mua cho con ngay. Vợ chồng tôi thường trao đổi, phân tích cho các con thứ mà con muốn mua có cần không. Giá trị sử dụng của thứ đó. Và để có được thứ đó, bố mẹ phải bỏ ra bao nhiêu tiền, có ngang bằng với giá trị sử dụng của nó không.

Tôi thường đặt ra một lịch trình cho các cháu học, nếu học giỏi sẽ có thưởng, thưởng thời gian là bao nhiêu, thời gian được thưởng đó là thời gian các con có thể chơi điện tử. Vợ chồng tôi luôn dạy các con tự làm lấy mọi việc có thể làm được như sáng dậy tự dọn giường, ăn xong mang bát ra chổ rửa, các thứ rác trong phòng phải tự mình dọn sạch …".

Gia đình nhỏ của Hồ Thanh Tuấn.

Vợ chồng Hồ Thanh Tuấn có hai người con trai là Hồ Thanh Tân sinh năm 2001 và Hồ Thanh Tú sinh năm 2005. Cả hai đều học giỏi, ngoan ngoãn. Điều mà vợ chồng ông chủ ngọc trai Hoàng Gia tâm đắc là các con mình tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, buổi đầu đã biết cách chủ động trong cuộc sống hàng ngày, sống tình cảm và rất yêu thương bố mẹ, ông bà.

 Chính Hồ Thanh Tuấn tâm sự rằng, khi đi công tác nước ngoài, đến các nước được coi là văn minh, phát triển, vợ chồng anh ngoài công việc còn luôn chủ động tìm kiếm sách vở nói về nuôi dạy con ngoan. "Mình tìm hiểu và học hỏi cách thức sống có văn hóa trong gia đình, cách thức dạy con của người ta không phải là để áp dụng máy móc vào nhà mình. Học, lắng nghe và chọn lọc những cái gì phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, phù hợp với mình thì mình áp dụng. Như lối sống tự do chẳng hạn, ở Việt Nam ta hiểu khác, sống khác, không thể tự do để các con mình thích gì thì làm …" - Hồ Thanh Tuấn nói.

Hồ Thanh Tuấn thường lấy những bài học trong cuộc đời mình để giáo dục các con.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa nghành công nghệ viễn thông, Hồ Thanh Tuấn tham gia dự án về công nghệ thông tin cho một công ty nước ngoài trong việc nuôi trồng ngọc trai. Từ đó Hồ Thanh Tuấn phát hiện ra rằng, ở mỗi nước, mỗi miền chỉ có những thứ ngọc trai nào đó, nhưng đặc biệt ở Việt Nam có tất cả các loại ngọc trai. Ở Việt Nam có thể nuôi trồng, phát triển được tất cả các loại ngọc trai trên thế giới có. Phát hiện thú vị này đã làm nẩy sinh ý định nuôi trồng, chế biến các loại ngọc trai ở nươc ta.

Rồi Hồ Thanh Tuấn được tuyển chọn vào một công ty của Pháp nuôi trai lấy ngọc.

Đó là thời gian Hồ Thanh Tuấn vừa làm, vừa học hỏi về kiến thức, kinh nghiệm của một nước có truyền thống lâu đời về lĩnh vực ngọc trai.

Hồ Thanh Tuấn nhận thấy các cơ sở sản xuất nuôi trồng ngọc trai của công ty đặt ở châu Phi, kinh phí phải trả khá cao. Ở đó mỗi tháng phải trả lương cho một công nhân là 2.000 đô la Mỹ, còn ở Việt Nam mỗi tháng chỉ phải trả lương cho mỗi công nhân 200 đô la. Đề xuất của Hồ Thanh Tuấn là chuyển các cơ sở nuôi trồng, chế tác từ châu Phi về Việt Nam đã được công ty "mẹ" chấp thuận và cơ sở nuôi ngọc trai đầu tiên ra đời ở Việt Nam.

Năm 2007, thị trường ngọc trai ở Pháp gặp nhiều khó khăn, công ty mẹ thu hẹp sản xuất và đó cũng là lúc Hồ Thanh Tuấn quyết định tự mình mở công ty nuôi trồng và chế tác ngọc trai ở trong nước.

Qua 6 năm vừa làm, vừa học hỏi ở Pháp, Hồ Thanh Tuấn đã có nhiều kinh nghiệm, nhiều kiến thức và Công ty ngọc trai Hoàng Gia của Hồ Thanh Tuấn đã ra đời và phát triển, 12 loại sản phẩm ngọc trai của công ty được người Việt và người nước ngoài ưa chuộng.

"Tôi luôn nghĩ về bài học mà mẹ tôi đã dạy "thiếu một chút". Chính vì điều này mà thời gian qua tôi luôn cảm thấy mình phải học, phải làm, phải phấn đấu để bù lại phần "thiếu" đó. Thiếu kiến thức thì học thêm về kiến thức, thiếu kinh nghiệm thì học thêm về kinh nghiệm, thiếu kinh phí thì tìm cách tạo nguồn kinh phí … Bài học mà tôi đã trải qua, tôi thấy thấm thía và đó là điều tôi đã dạy các con mình, dạy bằng chính những điều mình trải qua …" - Hồ Thanh Tuấn trải lòng.

Khi tôi nói với Hồ Thanh Tuấn rằng: Đối với những gia đình khá giả mà luôn để cho các con phải "thiếu một chút" đâu có dễ dàng. Hồ Thanh Tuấn cười, bảo với tôi rằng vợ chồng anh quan niệm hạnh phúc là sự hài hòa. Hạnh phúc không phải là khi có được tất cả mà là khi phấn đấu để bù đắp những gì mà mình còn thiếu. Hạnh phúc không phải là khi anh đến đích mà là trên đường để đến đích. Hồ Thanh Tuấn cho rằng làm kinh doanh là phải có lãi, nhưng không phải là duy nhất. Tuy là doanh nhân, nhưng tiền không phải là trên hết. Trên hết là xây dựng một gia đình thực sự có văn hóa, một gia đình phát triển hài hòa, một gia đình hạnh phúc.

Triết lý dạy con "thiếu một chút" của ông chủ ngọc trai Hoàng Gia thật thú vị. Và, tôi thiển nghĩ rằng triết lý đó không chỉ cần cho những gia đình có nhiều tiền của, mà cũng rất cần cho những gia đình kinh tế còn khó khăn nhưng lại để con cái đua đòi …

Dương Kỳ Anh
.
.