Triển lãm "Nét" của họa sĩ Lưu Công Nhân: Nhịp của giao cảm

Thứ Năm, 24/08/2017, 12:39
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất họa sĩ Lưu Công Nhân (2007-2017), một triển lãm có tên gọi "Nét"- gồm 50 tác phẩm thuộc bộ sưu tập cá nhân của nhà sưu tầm Nguyễn Phúc Hưởng, do họa sĩ Lê Thiết Cương tuyển chọn sẽ ra mắt công chúng vào ngày 25-8 tới đây tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom, Vincom Royal City, Hà Nội. Đây là dịp để người xem thưởng lãm những bức tranh mà đương thời khi họa sĩ còn sống, rất ít người được biết đến.


50 tác phẩm được chọn nằm trong số khoảng 400 bức tranh mà nhà sưu tầm Nguyễn Phúc Hưởng sưu tầm từ năm 1990 đến nay. Điều đặc biệt của triển lãm là sự đa dạng chất liệu họa sĩ sử dụng (từ chì than, phấn sáp, màu nước, bột màu, giấy dó, đến sơn dầu) trên nhiều kích cỡ tranh khác nhau. Nhưng đặc biệt hơn là những tác phẩm đó trải dài trong suốt quá trình họa sĩ sáng tác, từ những năm 1950, 1960, 1980, 1990, đến những năm cuối đời. Có nghĩa là, có những tác phẩm đã ra đời từ hơn 30 năm trước khi nhà sưu tập và họa sĩ gặp nhau. Thứ nữa, đây lại là nhà sưu tầm chỉ sưu tầm tranh của một họa sĩ.

Việc sưu tầm duy nhất tranh của một họa sĩ cho người sưu tầm hiểu rõ hơn về họa sĩ cũng như các tác phẩm, song trên hết, nó biểu lộ một tình yêu hội họa thực sự lớn của chính anh ta. Không ai bắt Nguyễn Phúc Hưởng làm điều ấy, nếu anh không muốn.

Tác phẩm  “Cổng làng” của họa sĩ Lưu Công Nhân.

Việc biết đến họa sĩ Lưu Công Nhân có thể sẽ dừng lại ở bức tranh giấy dó đầu tiên mà con trai họa sĩ cho anh xem, nếu chính anh không rung động hay không đồng cảm với người vẽ. Nhưng bởi vì rung động trước vẻ đẹp của bức tranh, nên anh đã tìm thấy vẻ đẹp của những bức tranh khác sau đó. Nó giống như một nhu cầu cá nhân, một sở thích cá nhân chứ không phải ý thức của một nhà sưu tầm thực thụ.

Nói điều đó là có căn cứ, bởi vì năm 1989 Nguyễn Phúc Hưởng từng có một cửa hàng bán đồ cổ nằm trên đường Đồng Khởi (TP. Hồ Chí Minh). Tư duy của một người sưu tầm- bán đồ cổ và tư duy mở một phòng tranh thương mại có lẽ không quá khác nhau. Nguyễn Phúc Hưởng chưa từng đổi bức tranh này lấy bức tranh khác của họa sĩ, cũng chưa từng đổi bức tranh mình có lấy bức tranh người khác có (tất nhiên vẫn họa sĩ Lưu Công Nhân vẽ).

Họa sĩ Lưu Công Nhân được biết đến là một người có tính cách đặc biệt, theo họa sĩ Bùi Quang Ngọc "Lưu Công Nhân sống điều độ và nghiêm túc… Ông không thích uống rượu, cà phê hoặc hút thuốc lá". Còn theo nhà sưu tầm, họa sĩ có thể tặng tranh cho bạn bè hoặc người mà ông quý mến, còn để mua tranh của ông rất khó khăn. Khi vui thì họa sĩ bán, khi không vui lắm thì chẳng có bức nào".

Lưu Công Nhân đã tặng nhà sưu tầm một câu châm ngôn của chính bản thân: "Hội họa đích thực không cần sự hùng biện. Họa sỹ đích thực vẽ bằng tình yêu". Chất xúc tác của tình yêu chính là những chuyến đi. Điểm lại những chuyến đi vẽ ở Hải Phòng, Yên Bái, Hội An, Sài Gòn, Đà Lạt… càng thấy hết cái hồn cảnh nông thôn Bắc bộ, núi rừng Tây Bắc hay cảnh vịnh Hạ Long… trong những bức tranh. Nhưng điều đáng quý là họa sĩ đã cô đọng những chuyến đi của tâm hồn, chuyển hóa giữa hiện thực tươi mới ảnh hưởng từ hội họa Phương Tây và tinh thần bất lệ thực của hội họa phương Đông để tạo một dấu ấn riêng biệt.

Ở nhiều đề tài: tranh phong cảnh, tĩnh vật, vẽ nude, chân dung, người xem luôn thấy một hiện thực - lãng mạn trong tranh ông. Những nét nghiêng, nét lượn truyền cho người xem sự rung động trước cái đẹp, từ lúc họa sĩ bắt đầu đặt bút vẽ tới khi họa sĩ đã đi khỏi bức tranh. Một khóm chuối nghiêng vào cổng chùa nghiêng, con đường nghiêng cùng với người mang quang gánh - nghiêng vào dáng cây; hay chú trâu dừng cày ngước nhìn đàn cò phía núi,…

Tất cả chứa đầy sự giao cảm, sự thơ mộng vượt lên những vất vả, khó khăn, vượt lên trên hiện thực. Cả ánh nhìn nghiêng của những người phụ nữ (nude, chân dung) cũng như đưa người xem trôi về miền suy tư đâu đó khó đoán định, không chỉ đơn thuần là sự lộ diện một cơ thể trước mắt.

Tác phẩm “Chốn quê” của họa sĩ Lưu Công Nhân.

Lưu Công Nhân đã bắt kịp cảm xúc của mình khi đứng trước quang cảnh và đứng trước người ông vẽ. Sự bắt kịp ấy có lẽ chính là mối giao cảm của người họa sĩ, là men chất của tâm hồn ông. Tình yêu hội họa, theo cách đó, cụ thể hóa bằng tình yêu với chính những gì họa sĩ đã thấy và vẽ chúng. Có thể một phần nào vì thế Lưu Công Nhân được mệnh danh là "Hoàng tử của khóa kháng chiến" (1950-1953) trường Mỹ thuật những năm gian khổ, do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng.

Bắt đầu từ giao cảm, người họa sĩ vẽ những bức tranh, người yêu tranh trở thành nhà sưu tập, người giám tuyển kết nối với phòng trưng bày. Cuối cùng đến lượt người xem. Họ chỉ trở thành người thưởng lãm khi cũng bắt nhịp và nối tiếp vào vòng giao cảm đó.

Trở về mình

Trong lịch sử đào tạo hội hoạ hiện đại, có một khoá tên là "Khoá kháng chiến". Trong "Khoá kháng chiến" có một bộ tứ: Trần Lưu Hậu, Trọng Kiệm, Lê Huy Hoà và Lưu Công Nhân. Nhìn vào bức tranh Lưu Công Nhân treo ở Bảo tàng Mỹ thuật có thể đoán nhận nơi sinh thành ra ông - miền Trung du Vĩnh Phú. Từ ngã ba Hạc Trì nổi tiếng, Lưu Công Nhân trải qua một cuộc ly hương đến 4 thập niên.

Đi từ thiên nhiên thuở ấu thơ, Lưu Công Nhân đã trở thành học trò của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân giữa những ngày gian nan chống Pháp. Số phận đã trao vào tay ông cây cọ thu nhỏ để không phải vẽ lên trời xanh mà là vẽ lên giấy trắng, khung vải trắng những cảm xúc từ miền rừng cọ quê hương. Dù thời gian đã từng dẫn dắt con người đa cảm này qua quá nhiều không gian để ghi nhận từng khoảnh khắc chợt vui, chợt buồn bằng nét, bằng màu thì thời gian cũng lại trả ông về với thiên nhiên thân thuộc của mình.

Đi từ màu lúa chín, từ một buổi cày, từ dáng trâu lam làm, từ nhấp nhô vùng đồi trung du sỏi đá, khắc khổ hàng thông, Lưu Công Nhân đã qua bao miền đất. Từ Thác Bà về Hải Phòng. Từ Thái Bình ngược lên Hà Nội. Từ dịu dàng châu thổ Bắc, đến mênh mang đồng bằng sông Cửu Long. Từ Sài Gòn rực rỡ lên Đà Lạt lạnh sương. Và chầm chậm trở ngược hành lang miền Trung để chợt dừng lặng phắc giữa Hội An - mắt của những cơn bão văn hoá.

Dường như quá khứ trĩu nặng, hồi ức thường lay trở, Lưu Công Nhân đã đi qua mọi tìm tòi, mọi trường phái bằng một dấn thân dũng cảm, bản lĩnh vững chãi, tài hoa sắc sảo để rồi lại trở về mình dung dị trong những tả thực khiêm nhường. Và bỗng có một ngày, ông chợt nghĩ rằng phải vẽ căn nhà mình đang ở giữa cái xóm nhỏ mà mình ngụ cư những tháng năm cuối đời.

Trong căn nhà nhỏ ấy, ông trải nốt những nỗi niềm những day dứt trong những trang kỷ niệm. Những con chữ đã giúp ông làm vơi đi những tích tụ, những dồn nén của suốt cuộc đời làm nghề và rong chơi. Rời những con chữ, ông lại cầm cọ đến với những đường nét, những sắc màu.

Trong căn nhà nhỏ ấy, ông ấm áp trong một tình đầu da diết, giản dị như chính những năm tháng thanh xuân. Người vợ đã từng là một người yêu nồng nàn của một thời khói lửa. Chị y tá miền Nam ra công tác chiến khu Việt Bắc lại "phải lòng" chàng hoạ sĩ rừng cọ đồi chè. Lại gắn hàn. Lại đắm đuối. Họ đã sống với nhau như thế. Trân trọng và yêu thương. Chân thành và độ lượng. Lưu Công Nhân thực sự trở thành một tên tuổi giữa cuộc đời là những rung cảm nhỏ bé của sự bao dung.

Trở về mình, một cuộc trở vè từ ký ức. Hẳn trên cao xanh, họa sĩ Lê Công Nhân đang nhẹ nhàng ghé xuống những bức tranh của mình. Triển lãm diễn ra từ 25-8 đến hết ngày 25-9-2017 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom, Vincom Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Những người yêu nghệ thuật và yêu họa sĩ Lưu Công Nhân có thể đến chiêm ngưỡng các tác phẩm của ông và trò chuyện cùng những câu chuyện mà ông đã kẻ lại bằng sắc màu.

                                                                 Nguyễn Thụy Kha

Hải An
.
.