Họa sĩ Lưu Công Nhân: Người đi tìm cái đẹp

Thứ Ba, 22/02/2011, 11:18
Lưu Công Nhân (1931-2007) là một trong những họa sĩ có nhiều triển lãm tranh nhất ở Việt Nam. Trong gần 60 năm làm nghề, ông đã vẽ hàng nghìn bức tranh với đủ chất liệu: sơn dầu, màu nước, giấy dó... Lưu Công Nhân đặc biệt nổi tiếng với các bức tranh nude và câu chuyện về lối sống phóng túng, dám dấn thân cho nghệ thuật của ông vẫn luôn là đề tài được giới văn nghệ truyền tụng bấy nay...

1.Trong lần trả lời phỏng vấn một tòa báo, họa sĩ Lưu Công Nhân đã nói đại thể, tranh có giá trị khắc sẽ có người mua, nhưng "không phải họa sĩ bán được nhiều tranh là tài năng thực sự". Mặc dù đến nay, các khách hàng là người ngoại quốc rất thích sưu tập tranh của Lưu Công Nhân, song trong quan niệm của ông, về chuyện chơi tranh, người Việt Nam mình cũng "sành sỏi lắm", có khi còn hơn người ngoại quốc, cho nên "bán tranh cho các nhà sưu tập Việt Nam mới khó".

Có lẽ vì quan điểm như thế nên sinh thời, mặc dù vẽ nhiều song Lưu Công Nhân lại rất ít khi chịu bán tranh, nhất là những bức mà ông tâm đắc. Con trai ông - anh Lưu Quốc Bình - từng kể, vào những năm 50 của thế kỷ trước, thân phụ anh có vẽ hai bức "Thiếu nữ" (mà nguyên mẫu chính là người vợ thân yêu của ông). Hai bức này được ông treo trang trọng nơi phòng khách trong ngôi nhà ở đường 3/4 TP Đà Lạt, Lâm Đồng. Ai hỏi mua và trả bao nhiêu tiền ông cũng nhất mực không bán. Khi về TP Hồ Chí Minh chữa bệnh, ông cẩn thận lấy tranh xuống, cho cất vào kho. Những năm cuối đời, ông mơ ước xây được một căn nhà rộng rãi nằm kề ngay sau nhà ở để bày tranh. Ông muốn đây sẽ là chỗ ai thích tranh thì cứ đến tham quan. Đặc biệt, ông muốn phục vụ nhân dân vì, như ông từng nói: "Nhân dân từng nuôi tôi, phục vụ cái thằng tôi nghệ sĩ này thì cuối đời, tôi phải có trách nhiệm phục vụ lại họ".

Mơ ước lưu giữ được mãi những gì mình yêu quý là điều mà Lưu Công Nhân luôn trăn trở. Họa sĩ Đỗ Phấn từng kể: Một lần, anh vờ say nói đùa với Lưu Công Nhân: "Thị trường rất khó có tranh Lưu Công Nhân giả, bởi nếu nó có nhu cầu thì chính ông đã tự chép ra rồi". Những tưởng bậc đàn anh sẽ nổi giận, ai ngờ Lưu Công Nhân gật gù tâm đắc: "Cậu nói đúng, tại sao ta không có quyền lập cho riêng mình một bảo tàng".

Cũng theo Đỗ Phấn, ý thức lưu giữ những kỷ vật liên quan đến mình của Lưu Công Nhân thật không mấy người sánh kịp: Phần lớn thư từ viết cho bạn bè đều được ông giữ lại… bản chính.

Tuy ý thức lưu trữ cao như thế, song trong đời Lưu Công Nhân, cũng đã có những lúc ông "hào phóng" cho hết những bức vẽ của mình. Ấy là lần ông vẽ liền một mạch 15 bức ký họa. 10 bức ông tặng Quỹ Tấm lòng vàng của Báo Lao động để bán đấu giá lấy tiền ủng hộ người nghèo. 5 bức còn lại ông gửi tặng 5 nhà văn trẻ mà ông yêu mến. Trước đó, vào năm 1985, trong lần dự trại sáng tác quốc tế ở Ba Lan, ông vẽ được mấy chục bức tranh, nhưng khi chuẩn bị lên đường về nước, ông đã đem tặng tất, không mang về bức nào. Lý do chỉ bởi: Đó là những bức tranh phong cảnh, mà phong cảnh nơi… xa lạ chứ đâu có phải phong cảnh quê hương mình.

2. Nhắc tới Lưu Công Nhân là nhiều người nhớ tới một hình mẫu nghệ sĩ ưa xê dịch, tính cách có phần ngang tàng, kiểu "tay chơi". Chuyện kể rằng, một lần, tiện đường, ông ghé vào một xí nghiệp thăm vợ (bấy giờ vợ ông đang là lãnh đạo một xí nghiệp dược phẩm). Thấy có người đàn ông trắng trẻo, điển trai, đi xe "cuốc" (xe đạp dáng cao, kiểu thể thao, thuộc loại đắt tiền ngày ấy), mặc quần soóc trắng, vẻ hơi cấc lấc… muốn gặp bà giám đốc, người bảo vệ xí nghiệp nhất định không cho vào. Khi nghe người bảo vệ báo cáo lại sự việc và kể lại đặc điểm nhân dạng của vị khách, bà giám đốc liền đổi thái độ. Bà mỉm cười nhỏ nhẹ: "Bác cứ mời anh ấy vào phòng khách, bảo pha trà…". 

Nhớ về Lưu Công Nhân, những người bạn thân thiết, từng trao đổi thư từ với ông hẳn đều không quên chi tiết: Lưu Công Nhân rất hiếm khi bỏ trắng vỏ bì thư mà thường ông dùng bút màu vẽ thêm một vài nét vui vui lên đó. Ông Nguyễn Dương cho biết: "Trên tất cả phong bì, lá thư ông gửi cho chúng tôi, ông đều dùng bút màu vẽ thêm hoặc viết thêm hoặc tốc họa rất ngộ nghĩnh, hài hước và vui tươi. Khác thường nhất là thiệp chúc Tết, ông vẽ những đường cong tuyệt mỹ của tạo hóa ban cho người phụ nữ được ngụ ý trong 12 con giáp hoặc những hoa trái vui tươi đầy rung cảm". Nhà thơ Văn Công Hùng thì kể: "Một ngày giáp Tết, tôi bỗng nhận được một cái bì thư mà phong bì rất nguệch ngoạc, phía trên phong bì đề rất rõ tên người gửi: Họa sĩ Lưu Công Nhân. Hồi hộp, tôi mở ra thì bên trong là một bức tranh ký họa khuôn mặt một thiếu nữ rất đẹp, kèm đến hai cái card visit". Theo Văn Công Hùng, "card visit của ông rất lạ, cũng độc nhất vô nhị, do ông tự vẽ lấy bằng tay". Một tác giả trẻ ở Phú Thọ, quê gốc của Lưu Công Nhân cũng cho hay: "Trên tất cả các phong bì thư, các lá thư, các tấm card, hay cả các ảnh chụp… gửi cho tôi, ông đều dùng bút đề thêm hay vẽ thêm những câu chữ và hình minh họa rất dí dỏm, hài hước, thật vui tươi, thật ngộ nghĩnh, thật lãng mạn và khác đời". Qua đó, ta có thể thấy, họa sĩ Lưu Công Nhân, dù ở hoàn cảnh nào cũng vẫn luôn giữ được một lối sống khoáng đạt và trẻ trung.

3. Xem tranh của Lưu Công Nhân, ai cũng phải thừa nhận là ông có sở trường trong mảng tranh… nude. Vậy từ đâu nhà họa sĩ thuộc lứa các họa sĩ trưởng thành từ thời chống Pháp lại quyết tâm theo đuổi mảng tranh này?

Họa sĩ Lưu Công Nhân kể rằng, ngay từ năm 1950, giữa rừng núi Phú Thọ, trong giờ thi môn vẽ khỏa thân, các thí sinh đã hết sức bất ngờ khi thầy Tô Ngọc Vân "tuyển" được một cô… người mẫu. Thì ra, đó chính là cô cấp dưỡng của trường mà nhà danh họa này thuyết phục được. Câu chuyện đã in sâu trong tâm khảm Lưu Công Nhân và làm nảy nở trong ông một ý hướng sáng tác mới. Tuy nhiên, ý hướng ấy đã gặp nhiều lực cản từ quan niệm chật hẹp một thời. Thậm chí, khi lãnh đạo Trường Mỹ thuật Hà Nội tổ chức cho sinh viên vẽ tranh khỏa thân, đã có vị lãnh đạo ngành văn hóa "gợi ý": Hay là cho người mẫu che "chỗ ấy" lại. Theo quan điểm của Lưu Công Nhân: "Không thực sự xúc động trước vẻ đẹp thân thể người con gái thì làm sao truyền cảm lên bức vẽ?" và "Cái đẹp của thân thể con người là ở sự hài hòa tuyệt diệu giữa từng bộ phận, và cái đó thì không thể bịa ra được".

Chính vì xác định cái đẹp của thân thể con người "không thể bịa ra được" nên khi quyết định chuyên sâu vào con đường vẽ tranh nude, Lưu Công Nhân rất chú trọng tới vấn đề người mẫu. Ở Đà Lạt, ông từng thuê một người phụ nữ hàng ngày chỉ làm mỗi việc là làm mẫu cho ông vẽ mà không đi làm thêm bất cứ nghề nào khác. Đến Đà Nẵng, ông nhờ một người bạn là nhà văn đi kiếm người mẫu cho ông vẽ. Trước đó, thời kỳ sống ở thị xã Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), ông được vợ (bấy giờ đang ở TP HCM) thuê cho mấy cô người mẫu ở cả tháng cùng ông để ông lấy làm mẫu vẽ. Mỗi bức tranh được hoàn thành, ông lại tất tả đóng thùng tôn gửi vào TP HCM cho vợ… bảo quản.

Lưu Công Nhân tâm sự rằng: Ông coi việc vẽ nude như công việc hằng ngày. Và  vẽ với một sự… nuối tiếc. Tại sao lại có tâm trạng ấy, nhà họa sĩ đa tình giải thích: Mỗi lần đứng trước cái đẹp, ông thấy nuối tiếc tuổi trẻ đã qua, nuối tiếc sức lực không cho mình làm những điều mình muốn. Trả lời phỏng vấn một tòa báo, ông còn đùa hóm: "Giá như mình có thể quay ngược lại thời gian. Nếu tâm hồn mà trẻ thì nó không tiếc nuối đâu, mà chỉ biết chiếm đoạt thôi".

Người biết tiếc nuối và ý thức được về cái giới hạn của mình như thế là một người có tâm hồn không hề già cỗi. Những bức tranh thiếu nữ khỏa thân của Lưu Công Nhân càng củng cố trong tôi ý nghĩ như vậy. Chẳng gì thì chính Lưu Công Nhân cũng đã hơn một lần thổ lộ: "Cứ xem tranh sẽ thấy tôi đã bày tỏ cảm giác ấy ra sao…"

Lương Đức
.
.