Trào lưu "showbiz hóa" đề thi văn học

Thứ Năm, 16/03/2017, 10:30
Bài viết "Khi giáo dục lệch lạc thẩm mỹ" của tác giả Văn Đoàn đăng trên Văn nghệ Công an số 331, ra ngày 2-3-2017 nhận được sự đồng tình của nhiều độc giả. Bài viết đề cập đến một vấn đề gây tranh cãi gay gắt trong dư luận thời gian gần đây là một trường phổ thông đã sử dụng ca từ trong ca khúc "Lạc trôi" - một ca khúc hit của Sơn Tùng M-TP vào đề thi văn học. 


Thực tế cho thấy, dường như sử dụng ca khúc hit, các nhân vật nổi tiếng, thậm chí là "tai tiếng" vào đề thi đang thành một trào lưu phổ biến hiện nay. Liệu đây có phải là hướng đi đúng đắn giúp khơi gợi sự sáng tạo của học sinh?

"Lạc trôi" cảm xúc với đề thi văn học

Có lẽ, Sơn Tùng M-TP là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong đề thi ở các cấp học. Điều này dễ hiểu, Sơn Tùng M-TP là ca sĩ có độ phủ sóng hàng đầu showbiz và có lẽ, ít bạn trẻ Việt nào lại không biết đến tên tuổi hay những sáng tác của anh. Chính vì vậy, khi nhắc đến Sơn Tùng M-TP và những sản phẩm âm nhạc của anh cũng đồng nghĩa với việc nhắc đến một hiện tượng, trào lưu thời thượng của showbiz.

Trước khi ca từ của "Lạc trôi" - ca khúc hiện đã vượt mốc 100 triệu lượt xem trên Youtube xuất hiện trong đề thi văn của một trường phổ thông ở Vĩnh Phúc, một đoạn trong ca khúc "Thái Bình mồ hôi rơi" của chàng ca sĩ 23 tuổi này cũng được sử dụng trong đề thi văn lớp 9 ở Thái Bình vào hồi tháng 4-2015.

Sau khi "gây bão" trong cuộc thi "Sing my song - Bài hát hay nhất", ca khúc "Ông bà anh" đã xuất hiện trong một đề thi văn lớp 12 ở thành phố Hồ Chí Minh.

Đề văn yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về vấn đề được gợi ra từ trong câu hát: "Chạy theo đam mê con sợ quên đi quê hương. Quên mất một điều tuyệt vời con mãi là người Thái Bình, là con bố mẹ…". Dư luận được một phen dậy sóng bởi vào thời điểm đó, Sơn Tùng M-TP vẫn chưa thoát ra khỏi cái bóng scandal vô lễ với bậc tiền nhân. Bên cạnh đó, những câu hát được trích dẫn bị đánh giá là không tiêu biểu nên không có gì để phân tích hay bình luận.

Cư dân mạng cũng từng xôn xao khi bức ảnh chụp đề thi kiểm tra năng lực báo chí của một trường Đại học có đề cập đến cái tên Sơn Tùng M-TP. Theo đó, đề thi yêu cầu thí sinh giả định trong vai trò thư ký tòa soạn báo điện tử phải đưa ra quyết định và giải thích lý do lựa chọn một trong số bốn tin nóng (trong đó có tin sốc về Sơn Tùng M-TP) mà phóng viên gửi về để đưa lên trang chủ.

Không chỉ có đề thi văn, cái tên Sơn Tùng M-TP cũng làm thí sinh bất ngờ khi xuất hiện trong những câu hỏi trắc nghiệm về lý, hóa.

Cuối năm 2016, khi ca khúc "Ông bà anh" của Lê Thiện Hiếu (thí sinh cuộc thi "Sing my song - Bài hát hay nhất") "gây bão" khi lên sóng truyền hình quốc gia thì ngay lập tức, những ca từ của ca khúc này xuất hiện trong một đề thi văn lớp 12 ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đề thi học kỳ II, năm học 2015 - 2016 của một trường phổ thông ở Quảng Trị đã yêu cầu học sinh phân tích một đoạn văn đánh giá về bộ phim Hàn Quốc đang gây sốt khắp châu Á vào thời điểm bấy giờ là "Hậu duệ mặt trời ".

Đề thi vấp phải sự phản ứng của nhiều bậc phụ huynh trên khắp cả nước. Đề thi bị đánh giá là không phù hợp, nhất là việc giáo dục truyền thống yêu nước thì nên lấy những đề tài trong nước, không nên sử dụng bộ phim nước ngoài đang gây tranh cãi để ra đề. Bên cạnh đó, không phải học sinh nào cũng xem "Hậu duệ mặt trời" để có thể phân tích thấu đáo theo yêu cầu của đề bài.

Một trào lưu khác trong việc ra đề thi là một số trường đưa các nhân vật nổi tiếng, thậm chí là tai tiếng trong showbiz vào đề thi như Ngọc Trinh, Bà Tưng, Lệ Rơi… gây nên những luồng dư luận trái chiều. Tháng 10-2013, đề thi chọn học sinh giỏi văn lớp 12 của thành phố Hải Phòng gây sốt mạng xã hội bằng câu hỏi liên quan đến những phát ngôn gây sốc của Ngọc Trinh và Bà Tưng.

Nội dung câu hỏi như sau: "Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à". Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh Bà Tưng) khi trả lời một trang mạng xã hội cũng thẳng thắn: "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền". Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ".

"Thời sự" nhưng thiếu "chất"

Công bằng mà nói, việc ra đề thi mở, cập nhật hiện tượng, trào lưu, đưa các nhân vật đang gây chú ý trên mạng xã hội cũng có yếu tố tích cực nhất định. Điều đó chứng tỏ các giáo viên đang cố gắng vượt ra khỏi khuôn mẫu ra đề thường thấy, đưa kiến thức thời sự từ nhiều mặt đời sống xã hội vào đề thi, gắn kiến thức được học tập từ sách vở với sự kiện, hiện tượng đang diễn ra trong đời sống thường ngày. 

Với học sinh, khi tiếp cận với đề thi mở, chắc chắn các em sẽ có hứng thú để bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ về vấn đề đặt ra gắn với hình ảnh thần tượng hoặc những nhân vật mà các em quan tâm.

Những ca từ trong ca khúc "Lạc trôi" của Sơn Tùng M-TP xuất hiện trong đề thi văn ở một trường THPT ở Vĩnh Phúc gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Vấn đề quan trọng ở đây là lựa chọn đoạn trích nào, nhân vật nào để đưa vào đề văn cho phù hợp và xứng tầm. Không phủ nhận sức ảnh hưởng của Sơn Tùng M-TP với thị trường nhạc trẻ Việt Nam những năm gần đây.

Bất kể ca khúc nào của Sơn Tùng M-TP, dù hay, dù dở cũng luôn được giới trẻ chào đón nồng nhiệt, liên tiếp dẫn đầu, "soán ngôi" trên các bảng âm nhạc trực tuyến. Những câu hát có thể trở thành trào lưu, câu "cửa miệng" của nhiều bạn trẻ.

Tuy nhiên, giá trị về âm nhạc và ngôn ngữ mà chàng trai gốc Thái Bình này sáng tạo ra lại không có nhiều điều để nói. Không ít ca khúc cùa Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt đã bị tố "đạo nhái". Những ca từ trong "Lạc trôi" hay "Thái Bình mồ hôi rơi" liệu có đạt đến sự chuẩn mực về ngôn từ để đưa ra phân tích, bình luận?

Tương tự như vậy, ca khúc "Ông bà anh" lạ về ý tưởng, ca từ đơn giản, giai điệu âm nhạc dễ nghe chứ chưa có giá trị về mặt văn học. Ca từ của ca khúc không thể thay thế được các bài thơ, bài văn hay của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã được "thẩm định" qua bao thế hệ học sinh.

"Ông bà anh" là ca khúc trào lưu và đã là trào lưu thì sớm hay muộn cũng bị thay thế bởi ca khúc trào lưu, thời thượng khác. Có người còn cho rằng, việc đưa ca khúc "Ông bà anh" vào đề thi là sự tùy tiện, không thể chấp nhận.

Những nhân vật nổi tiếng không phải bằng tài năng mà nhờ "tai tiếng", phát ngôn gây sốc bị cư dân mạng "ném đá" không thương tiếc liệu có nên được nhắc đến như "biểu tượng" để phân tích về vấn đề "tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ"?.

Thông thường, những câu nói được trích dẫn để bình luận phải có ý nghĩa chuẩn mực về ngôn ngữ, chứa đựng tư tưởng lớn thì phát ngôn "ngông" kiểu như "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à" thì chứa đựng tư tưởng và ý nghĩa văn học gì? Sự xuất hiện của Ngọc Trinh, Bà Tưng, Lệ Rơi… trong đề văn thực sự phản cảm, giống như sự cổ súy, PR cho cái xấu vậy.

Một đề văn hay phải vừa kiểm tra được kiến thức, vừa tạo hứng thú, khơi gợi sự sáng tạo của học sinh. Chính vì vậy, có được đề văn hay không phải chuyện dễ dàng. Ra đề văn theo hướng mở là cách làm đúng đắn, phù hợp với tiến trình đổi mới, cải cách giáo dục hiện nay. Việc đưa những vấn đề thực tế vào đề thi là điều đáng khích lệ nhưng rõ ràng, cần phải xem xét đúng lúc đúng chỗ chứ không thể ngẫu hứng, tùy tiện.

Tôi cho rằng, đề văn luôn cần đến sự giản dị, và nghiêm túc. Sự sáng tạo, cảm hứng của học sinh cần được khơi gợi từ những đề thi chuẩn mực về mọi mặt. Việc đưa những ngôi sao trong showbiz, hiện tượng mạng, những ca khúc hit… vào đề thi mới đảm bảo tính "thời sự" nhưng chưa đảm bảo được "chất văn học" của đề thi.

Tường Phạm
.
.