Khi giáo dục lệch lạc thẩm mỹ

Thứ Hai, 06/03/2017, 08:01
Khi clip cô giáo được cho là ở Trường THCS Phú Mỹ (TP Hồ Chí Minh) đứng trước sân trường hát bản “Lạc Trôi” trong tiếng guitar của một thầy giáo và khiến cả trăm học sinh đồng thanh hát theo được phát tán trên mạng xã hội, nhiều người đã thấy ngạc nhiên xen lẫn thú vị đến vô cùng. Phải thừa nhận, những hoạt động như thế rất gần với tâm lý của học sinh, gần gụi với sở thích cũng như lứa tuổi của học sinh và đó chính là thứ mà hệ thống giáo dục ở Việt Nam ta vẫn còn thiếu.


Đã từng có lần Văn nghệ Công an nhắc đến chuyện cần phải mềm hoá giáo dục bằng cách tìm đến những gì gần với học sinh nhất, khai phá sở thích của lứa tuổi các em để lồng ghép nhiệm vụ giáo dục vào đó, khiến các em không cảm thấy học tập là trách nhiệm khiên cưỡng và nặng nề.

Và bây giờ, có thể nói việc cô giáo sẵn sàng hát lên một ca khúc “hit” trong lòng học sinh, kêu gọi các em rằng “Các em ơi, hãy vỗ tay lên nào” chính là một trong những nỗ lực xích lại gần học sinh như thế. Đáp lại là sự hưởng ứng nhiệt thành của các em, khi các em nhận thấy thầy cô rất hiểu mình và có thể đối với các em ở trường THCS ấy, người giáo viên kia sẽ được các em chọn là giáo viên ưa thích nhất.

Cô giáo hát bài "Lạc trôi" đang gây sốt trên mạng (Ảnh cắt từ Clip).

Cũng cần phải nói thêm về “Lạc Trôi”. Đó có thể không phải là bài hát dễ nghe nhất của Sơn Tùng M-TP nhưng thực tế, đó là ca khúc tốt nhất mà Tùng đã viết ra từ trước tới nay. Cơ bản nhất, nó đã cho thấy một Sơn Tùng M-TP bắt đầu thoát ra khỏi chỗ dựa nguy hiểm là lấy nhạc nền nước ngoài có sẵn để phóng tác.

Song, cho dù “Lạc Trôi” là ca khúc khá nhất của Sơn Tùng từ trước tới nay đi nữa, cho dù hành động cô giáo hát “Lạc Trôi” cho học sinh đáng được khen đi nữa thì một sự kiện khác liên quan đến ca khúc này, ở một môi trường giáo dục khác, lại đáng để chúng ta giật mình vì sự dễ dãi về thẩm mỹ của những người làm giáo dục. Đó là việc Trường PTTH Chuyên Vĩnh Phúc sử dụng ca từ của “Lạc Trôi” để đưa vào đề thi ngữ văn lớp 11 như một bài phân tích tác phẩm.

Sự mềm hoá giáo dục mà chúng ta nhắc tới ở Trường THCS Phú Mỹ là vừa đủ độ, vì nó là giờ sinh hoạt ngoại khoá. Còn sự mềm hoá giáo dục ở Trường PTTH Chuyên Vĩnh Phúc thì đã bắt đầu quá đà và lố bịch vì sự dễ dãi của mình.

Ca từ của “Lạc Trôi” dù khá hơn các sản phẩm khác của Sơn Tùng M-TP đi nữa thì cũng không vượt qua được cái giới hạn nhỏ hẹp của giải trí đơn thuần, thứ giải trí mà chúng ta vẫn thừa nhận với nhau là “nghe và xem không phải để suy ngẫm”. Nó dễ dãi, và khá cẩu thả.

Điển hình như câu “Đường xưa nơi cố nhân từ giã biệt ly, cánh hoa rụng rơi/ Phận duyên mong manh rẽ lối trong mơ ngày tương phùng” chẳng hạn. Đã “từ giã” rồi lại còn “biệt ly” và câu sau thì gần như vô nghĩa. Vậy mà nó được sử dụng cho đề thi ngữ văn ư? Nên nhớ, văn là người. Dạy văn rất khó và đưa ra một tác phẩm có tính văn học để dạy cho học sinh bình luận, phân tích là một việc không hề đơn giản chút nào.

Vậy thì việc đưa lời một ca khúc như thế vào đề thi ngữ văn đã cho thấy điều gì? Phải chăng thẩm mỹ của giáo viên cũng lệch lạc rất nhiều nên mới dẫn tới những thế hệ được đào tạo ra với những giá trị thẩm mỹ vô cùng nghèo nàn? Đó là một câu hỏi không hề nhỏ và cũng không cần câu trả lời ngay lập tức, khi mà chúng ta nhìn vào đời sống xã hội hôm nay và nhận ra giới trẻ đang mang trong mình một trình độ cảm thụ như thế nào.

Mềm hoá giáo dục là việc cần phải làm nhưng dễ dãi hoá giáo dục đến mức hạ thấp giá trị thẩm mỹ thì phải tuyệt nhiên không thể được chấp nhận. Chúng ta phải tìm hiểu học sinh, tìm hiểu tâm tư, sở thích của chúng để giáo dục chúng tốt hơn chứ không phải cứ chiều theo chúng để nhận những lời ngợi khen vô bổ.

Văn Đoàn
.
.