Trào lưu diễn viên "Bắc tiến": Thị trường giải trí đang đổi ngôi?

Thứ Năm, 11/06/2020, 08:23
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều diễn viên miền Nam xuất hiện trong những bộ phim truyền hình miền Bắc - hiện tượng "hiếm gặp" trong vài năm trở về trước. Dàn diễn viên tài năng của hai miền Nam - Bắc đã mang đến sự giao thoa văn hóa thú vị, góp phần làm nên thành công của phim...


Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng thị trường phim ảnh phía Nam đang bão hòa và "Bắc tiến" trở thành trào lưu hot của nghệ sĩ trẻ hay khoảng cách "văn hóa vùng miền" trong phim ảnh đang dần thu hẹp?

Không ít diễn viên thành công khi "Bắc tiến"

Một trong những bộ phim truyền hình gây được sự chú ý của khán giả cả nước thời gian gần đây là "Tình yêu và tham vọng" (phim lấy ý tưởng từ format "Thế lực cạnh tranh" của Trung Quốc, Đạo diễn Bùi Tiến Huy, phát sóng 21h30, thứ hai, thứ ba hằng tuần trên VTV3).

Ngoài việc khai thác chủ đề "thời thượng" là tình yêu, thương trường, tham vọng của giới trẻ, phim còn thu hút người xem nhờ dàn diễn viên trẻ, đẹp, tài năng. Đáng chú ý là Nhan Phúc Vinh và Diễm My 9X, hai diễn viên trẻ rất được yêu mến tại khu vực phía Nam.

Hai diễn viên nổi tiếng của miền đất phương Nam: Nhan Phúc Vinh (ngoài cùng bên phải) và Diễm My 9X (thứ ba từ phải qua) cùng Lã Thanh Huyền và Mạnh Trường trong phim "Tình yêu và tham vọng".

Trong "Tình yêu và tham vọng", Nhan Phúc Vinh vào vai Minh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoàng Thổ đẹp trai, tài giỏi, luôn bị giằng co giữa những mối quan hệ tình cảm và trách nhiệm với gia đình, người thân. Được biết, để hoàn thành vai diễn trong 56 tập phim, Nhan Phúc Vinh đã phải "đóng đô" tại Hà Nội trong thời gian dài và "đặt" vào nhân vật Minh rất nhiều tâm huyết.

Là gương mặt quen thuộc với khán giả cả nước nhưng đây là lần đầu tiên Diễm My 9X "Bắc tiến" và tham gia vào một bộ phim truyền hình dài hơi như "Tình yêu và tham vọng". Trong phim, Diễm My 9X vào vai Giám đốc Linh, một cô gái xinh đẹp, cá tính, rơi vào mối quan hệ tình cảm, công việc đan xen với Minh (Nhan Phúc Vinh) và Phong (Mạnh Trường thủ vai). Nhân vật Linh được đánh giá là vai diễn "nặng ký" đòi hỏi tài năng trong diễn xuất của diễn viên.

Đến thời điểm này, phim đã đi qua hơn 1/3 chặng đường đầu tiên. Nhìn chung, khán giả đánh giá cao và hài lòng với diễn xuất của Nhan Phúc Vinh và Diễm My 9X. Hai diễn viên vào vai khá "ngọt", diễn có chiều sâu cảm xúc, gây được thiện cảm của khán giả. Sự thành công của "Tình yêu và tham vọng" có sự góp sức không nhỏ của hai diễn viên đến từ mảnh đất phương Nam.

Tương tự như vậy, diễn viên Xuân Nghị với vai diễn Cao Minh Bách trong bộ phim "Nhà trọ Balanha" (đạo diễn Nguyễn Khải Anh, phát sóng trên VTV3, kết thúc hôm 5/6 vừa qua) đã "ghi điểm" mạnh với khán giả. Xuân Nghị được khán giả phía Bắc biết đến qua một vai diễn phụ trong phim "Ngày ấy mình đã yêu" (Đạo diễn Nguyễn Khải Anh) và thực sự "tỏa sáng" với vai diễn Cao Minh Bách.

Cao Minh Bách là nhân vật say mê, sẵn sàng lăn lộn, hy sinh với nghề diễn viên, tính "ba lăng nhăng" nhưng sống cũng rất tình cảm. Một nhân vật đòi hỏi sự đa dạng, linh hoạt trong diễn xuất, hài hước có phần "lố" nhưng vẫn có chiều sâu. Chắc chắn, Xuân Nghị sẽ có những bước tiến xa hơn trong sự nghiệp sau vai diễn Cao Minh Bách của "Nhà trọ Balanha".

Có thể nói rằng, nhân vật "Bắc tiến" thành công nhất trong hai năm trở lại đây chính là Quốc Trường với vai Vũ trong bộ phim "truyền hình quốc dân -Về nhà đi con" (Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng). Xuất thân là một người mẫu ở Cần Thơ, hơn chục năm tham gia đóng phim, Quốc Trường đã có không ít vai diễn lớn nhỏ trong sự nghiệp.

Tuy nhiên, phải đến khi ra Bắc và tham gia "Về nhà đi con", cái tên Quốc Trường mới thực sự tỏa sáng. Không ít lần, chàng trai sinh năm 1988 chia sẻ với báo giới rằng, nhân vật Vũ là vai diễn đánh dấu "bước ngoặt" trong sự nghiệp diễn xuất của anh. Với vai diễn này, cái tên Quốc Trường đã bước ra khỏi "lãnh địa" phía Nam, phủ sóng tên tuổi trên địa bàn cả nước.

Trước đó, một số diễn viên phía Nam cũng gặt hái được thành công khi "Bắc tiến" như NSƯT Mỹ Uyên, Hồng Kim Hạnh, Quang Tuấn, Nhã Phương, Lan Phương, Trọng Nhân… Lý giải về sự thành công của dàn diễn viên miền Nam khi "Bắc tiến", nhiều người cho rằng, tài năng của các nghệ sĩ là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên, điều quan trọng khác nữa là diễn viên may mắn được tham gia phim có kịch bản hay, vai diễn phù hợp, có nhiều "đất" để thể hiện tài năng của mình.

Theo chia sẻ của các nghệ sĩ, việc nghệ sĩ phía Nam ra Bắc đóng phim nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn. Khó khăn nhất chính là phải làm quen, hòa nhập với ekip làm việc ngoài Bắc, vốn được cho là có phần nguyên tắc, thậm chí cứng nhắc.

Diễn viên Quốc Trường đã "Bắc tiến" thành công với vai diễn Vũ trong phim "Về nhà đi con".

Bên cạnh đó, với công nghệ sản xuất phim hiện đại, nghệ sĩ phải diễn xuất với lời thoại được thu âm trực tiếp từ hiện trường. Sự khác biệt giữa giọng nói miền Bắc, miền Nam cũng là một rào cản. Diễn viên Bắc thường nói "tông" cao, đài từ rõ, chắc, trong khi đó, giọng nói của người Nam thường trầm, có khi bị "nuốt từ", không rõ thoại. Nếu thiếu sự kết hợp khéo léo và nỗ lực điều chỉnh của diễn viên, đoạn hội thoại giữa diễn viên Bắc - Nam có thể trở nên rất khó nghe.

Góp phần thu hẹp "ranh giới vùng miền" trong sản xuất phim?

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao xuất hiện làn sóng diễn viên miền Nam ra Bắc đóng phim bởi từ trước tới nay, "Nam tiến" mới là trào lưu diễn ra phổ biến. Phía Nam vẫn được đánh giá là thị trường giải trí hàng đầu cả nước và muốn thành công, người nghệ sĩ phải tạo dựng được tên tuổi, tìm chỗ đứng ở phương Nam. Phải chăng, thị trường giải trí giữa hai miền Nam - Bắc đang có sự "đổi ngôi". Theo tôi, còn quá sớm để đưa ra nhận định này.

Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngày càng nhiều diễn viên miền Nam ra Bắc đóng phim. Về góc độ các nhà sản xuất, đạo diễn, họ luôn muốn mang đến sự mới mẻ cho khán giả thông qua những gương mặt mới. Nói là diễn viên mới nhưng thực tế, với sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội, những nghệ sĩ trẻ nổi tiếng phía Nam gần như đã được khán giả cả nước biết đến qua các phương tiện truyền thông, giải trí. Sự xuất hiện của họ trong những bộ phim truyền hình Bắc chắc chắn sẽ mang đến làn gió mới, thu hút khán giả xem phim. 

Bên cạnh đó, ở góc độ diễn viên, các nghệ sĩ luôn nỗ lực để hình ảnh của mình đến được gần hơn với đông đảo công chúng. Khi đã tạo dựng được tên tuổi ở thị trường miền Nam, các nghệ sĩ cũng muốn thử sức, chinh phục khán giả miền Bắc. Phim truyền hình là cơ hội lớn để nghệ sĩ "phủ sóng", khẳng định tài năng của mình.

Tôi cho rằng, trào lưu nghệ sĩ khu vực phía Nam ra Bắc đóng phim và ngược lại đang từng bước tạo ra "thế cân bằng" trong thị trường giải trí Việt. Đây là tín hiệu đáng mừng khi "ranh giới vùng miền" trong lĩnh vực phim ảnh đang ngày càng được thu hẹp. Nếu như trước đây, không nhiều phim do các nhà sản xuất phía Nam thực hiện được trình chiếu trên các Đài truyền hình phía Bắc thì gần đây, số lượng đã tăng lên và không ít bộ phim nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả phía Bắc.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, phong cách làm phim, "gu" thưởng thức phim của khán giả Bắc - Nam có sự khác biệt nhất định. Chẳng hạn như, khán giả phía Nam thích lời thoại có "chất đời", hài hước nhưng khán giả Bắc lại thích sự sâu sắc, tinh tế, chắt lọc hơn. Tuy nhiên, dù thị hiếu có khác nhau, nhưng tác phẩm chất lượng, chỉn chu vẫn là "mẫu số chung" mà khán giả trên khắp mọi miền hướng tới.

Bên cạnh việc khai thác đề tài gần gũi với đời sống, việc mời diễn viên hai miền Nam - Bắc cùng tham gia một bộ phim đã tạo ra sự giao thoa văn hóa, thu hẹp khoảng cách khác biệt "ranh giới vùng miền" vốn đã tồn tại khá lâu trong thị trường làm phim. Xét ở góc độ nào đó, các nghệ sĩ chính là những sứ giả văn hóa để chia sẻ, kết nối, lan tỏa giá trị văn hóa các vùng miền, góp phần xây dựng những tác phẩm nghệ thuật hướng tới đông đảo khán giả trên khắp cả nước.

Tường Phạm
.
.