Bản sắc thị trường giải trí và bản sắc văn hóa đại chúng

Thứ Sáu, 19/01/2018, 15:11
Ca khúc "Từ hôm nay" qua tay Slim V và giọng ca Trọng Hiếu đã hoàn toàn lột xác, được ghi nhận bởi chính những người có chuyên môn lẫn những thính giả nhạc nhẹ. Rõ ràng, có một thực tế chúng ta không thể phủ nhận, rằng sản phẩm được sản xuất, được thể hiện bởi người có năng lực ở tầm mức nào sẽ để lại hiệu ứng tương đương như tầm mức ấy.


Trong tập 9 của chương trình truyền hình thực tế "Sao đại chiến" mới diễn ra cách đây chục ngày, ở tiết mục mở màn, ca sỹ Trọng Hiếu đã thể hiện ca khúc gây tranh cãi của Chi Pu là "Từ hôm nay" trong một diện mạo, không khí hoàn toàn mới mẻ. Ca khúc ấy đã được sản xuất lại, hoàn toàn mới, lạ, dưới bàn tay của nhà sản xuất Slim V (nhạc sỹ Cao Vịnh). Và chính Slim V cũng khẳng định rằng, anh làm mới "Từ hôm nay" để chứng tỏ rằng, những nhà sản xuất âm nhạc Việt Nam hiện nay đủ sức để làm những sản phẩm thời thượng như những đồng nghiệp Hàn Quốc, mà tiêu biểu là những người đã sản xuất cho Chi Pu.

Ca khúc "Từ hôm nay" qua tay Slim V và giọng ca Trọng Hiếu đã hoàn toàn lột xác, được ghi nhận bởi chính những người có chuyên môn lẫn những thính giả nhạc nhẹ. Rõ ràng, có một thực tế chúng ta không thể phủ nhận, rằng sản phẩm được sản xuất, được thể hiện bởi người có năng lực ở tầm mức nào sẽ để lại hiệu ứng tương đương như tầm mức ấy.

Nhà sản xuất tài năng Slim V (bên phải) - ảnh: internet.

Song, hãy dẹp chuyện nhỏ xoay quanh năng lực của nghệ sỹ giải trí Việt Nam ở đây để cùng nhìn vào một vấn đề khác, nóng bỏng hơn, thiết thực hơn với diện mạo văn hoá đại chúng Việt nói riêng và diện mạo nhạc trẻ Việt đương đại nói chung. Đó chính là vấn đề ảnh hưởng của Hàn Quốc quá lớn, lớn đến mức vấn đề bản sắc của thị trường giải trí và văn hoá đại chúng đã bị đánh rơi một cách đáng tiếc vì chủ đích của những người tôn thờ giá trị ngoại lai mù quáng.

Cách đây khoảng chục năm, Mỹ Tâm đã có một album được chăm chút bởi những nhà sản xuất âm nhạc Hàn Quốc. Phải thừa nhận, đó là một album hay và những nhà sản xuất Hàn Quốc đã để lại ấn tượng mạnh về trình độ và sự chuyên nghiệp của họ qua sản phẩm đắt giá ấy. Nhưng so sánh nó với các sản phẩm khác từng có và sau đó tiếp tục ra mắt của Mỹ Tâm, sản phẩm sản xuất bởi bàn tay Hàn Quốc kia không tạo được sức nặng về cảm xúc.

Nguyên nhân khá dễ để nhận ra. Những nhà sản xuất Hàn Quốc chỉ quan tâm tới âm nhạc đơn thuần, mà không có khả năng quan tâm tới ca từ, bởi họ không biết tiếng Việt. Do đó, trong quá trình sản xuất, họ thiệt thòi khi phải đánh mất một thế mạnh khác là cảm xúc ca từ, cảm nhận từ phát âm của từng chữ sẽ được hát ra để đặt ra một bối cảnh âm nhạc hoà quyện. Có lẽ, vì nguyên do ấy mà sau này, Mỹ Tâm không kiếm tìm sự hỗ trợ từ nước ngoài nữa và cô vẫn đạt được những thành công vang dội một cách bền bỉ nhờ vào bàn tay của những nhà sản xuất đồng hương của mình.

 Câu chuyện Mỹ Tâm tưởng như một tấm gương điển hình, một bài học tiêu biểu cho những người làm giải trí nhưng hoá ra, không mấy ai rút kinh nghiệm sâu sắc ấy cả. Chi Pu tìm kiếm nhà sản xuất Hàn Quốc, và bị chê thảm hại trong hai sản phẩm đầu tay của mình. Trước đó, cũng có những người tìm kiếm bàn tay Hàn Quốc, coi đó là tấm gương cho nhạc trẻ Việt Nam, và kết quả thu được chỉ là sự im lặng đáng ngại. Còn sau đó sẽ là những ai? Chắc chắn vẫn còn những cái tên chưa thoát nổi sự si mê mù quáng giá trị ngoại lai không phù hợp với đặc tính của dân tộc mình.

 Cách đây một thời gian, SM Entertainment, một tập đoàn giải trí Hàn Quốc hàng đầu sang thăm dò thị trường Việt Nam. Rất nhiều công ty giải trí lớn của Việt Nam đã trải thảm đỏ để đón họ, với tâm thức muốn học hỏi, mua lại công thức "huấn luyện, lăng xê" của họ.

Tất cả, với con mắt của những nhà buôn, nhìn thị trường với quá nhiều người trẻ thần tượng văn hoá đại chúng Hàn Quốc nên cho rằng công thức Hàn Quốc sẽ chiến thắng trên thị trường. Nhưng họ quên mất rằng, mỗi công thức đều phải được điều chỉnh theo bối cảnh văn hoá, xã hội, pháp lý… của quốc gia sở tại.

Và bản thân Hàn Quốc cũng chẳng phải là tiên phong trong các công thức kia khi mà cái nôi của công nghiệp giải trí là phương Tây. Chính người phương Tây đã mang công thức của mình truyền bá ở các vùng thị trường họ chinh phục. Chỉ có điểm khác biệt là họ không đặt một cái khung kỹ đến từng chi tiết nhỏ cho tất cả các nơi họ tới mà thay vào đó, họ chỉ đặt nền tảng cơ bản. Mỗi thị trường sẽ có sự điều chỉnh riêng của nó và việc áp dụng đến mức như sao chép 100% sẽ chỉ mang lại thất bại mà thôi.

Hiện nay, ít nhất đã có đến 3 công ty lớn sao chép công thức của SM Entertainment (dưới cái mác hợp tác phát triển) và tương lai thành công của họ là không lớn khi họ tham gia cuộc chơi mà bỏ quên bản sắc của chính nền văn hoá mẹ đẻ của mình.

Và điều đáng ngại là khi chính các công ty giải trí, tức những đơn vị đủ sức mạnh quyết định diện mạo thị trường, còn u mê tôn thờ giá trị ngoại lai, sẽ rất khó để chúng ta khuyến khích những nghệ sỹ giải trí thế hệ trẻ Việt Nam tự xây dựng cho mình một thị trường có bản sắc cũng như tạo dựng ra một diện mạo văn hoá đại chúng có bản sắc hoàn toàn riêng biệt.

Hà Quang Minh
.
.