“Date and Kiss” – một kiểu học đòi phương Tây lố bịch:

Tình yêu không phải là “trò chơi”

Chủ Nhật, 02/09/2018, 08:31
Một chương trình hẹn hò mà người chơi thông qua cảm giác hôn hít, ôm ấp để tìm kiếm mẫu người yêu lý tưởng. Không ít khán giả cho rằng, nhà sản xuất đang cố tình sử dụng nội dung, hình ảnh gây sốc nhằm mục đích câu view, câu like, gây sự chú ý với người xem...


Nhiều chương trình giải trí trên các kênh truyền thông Việt đang ngày càng thiếu tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ. Đơn cử mới phát sóng vài tập trên youtube từ ngày 12/8 vừa qua, “Date and Kiss” (tạm dịch: Hẹn hò và hôn”) đã vấp phải sự phản ứng từ người xem.

Một chương trình hẹn hò mà người chơi thông qua cảm giác hôn hít, ôm ấp để tìm kiếm mẫu người yêu lý tưởng. Không ít khán giả cho rằng, nhà sản xuất đang cố tình sử dụng nội dung, hình ảnh gây sốc nhằm mục đích câu view, câu like, gây sự chú ý với người xem.

Hình ảnh phản cảm như… xem phim cấp 3

Theo lời giới thiệu từ nhà sản xuất thì “Date & Kiss” là chương trình được xây dựng theo bản quyền format từ MBC Holding Japan, hợp tác sản xuất bởi Studio 69 tại Việt Nam, mang đến nhiều góc nhìn khác nhau có thể khiến người xem thay đổi cách nhìn về đề tài tình yêu.

Chắc chắn những hình ảnh phản cảm trong “Date & Kiss” sẽ có ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức, hành động của nhiều khán giả trong độ tuổi mới lớn.

“Date & Kiss” được cho là đi ngược với quan niệm tình yêu truyền thống khi bỏ qua giai đoạn làm quen, hẹn hò ban đầu, ngượng ngùng mà hôn nhau để sau đó mới cân nhắc và quyết định ai là người phù hợp với mình.

“Date & Kiss” đưa đến cái nhìn khác biệt, đó là người tham gia sẽ bị bịt mắt và bước vào hành trình tìm kiếm tình yêu của mình thông qua nụ hôn, những va chạm, tiếp xúc cơ thể hay khi bước vào căn phòng tối lãng mạn làm sao để thể hiện và bày tỏ cảm xúc đối với người mình yêu…

Tất cả mang đến những cảm xúc chân thật nhất, một nụ hôn thực sự có thể diễn ra một cách tuyệt vời, nó cũng có thể mang đến một người nào đó buộc phải có trong đời”, trích một đoạn giới thiệu về chương trình.

Thú thực, khi xem “Date & Kiss” những tập đầu tiên, cảm giác chung của nhiều người là “sốc toàn tập” về sự táo bạo, tư duy quá “thoáng” của người chơi. Trong tập đầu tiên, Ngô Tiểu My, là một vũ công, diễn viên tự do xuất hiện trình bày lý do tham gia trò chơi cũng như mẫu hình người đàn ông lý tưởng của mình. Cô gái 23 tuổi không ngần ngại chia sẻ rằng, cô thích những người đàn ông ấm áp, phóng khoáng và tự tin, có kinh nghiệm trong tình yêu và “kinh nghiệm trong chuyện đó”.

Trong vòng 1 có tên là “Giới thiệu”, hai thanh niên trẻ tham gia trò chơi là Võ Hoàng Ngọc Thịnh, 27 tuổi, nhân viên kinh doanh và Trần Kiên Trung, 24 tuổi, đầu bếp nhà hàng có khoảng thời gian ngắn tiếp xúc, trò chuyện với Ngô Tiểu My. Sau vài câu chào hỏi xã giao, Ngô Tiểu My lần lượt cho bạn chơi hôn môi để cảm nhận.

Cường độ gây sốc tăng lên trong vòng 2 có tên là “Đối mặt”. Ngô Tiểu My lần lượt được đưa vào phòng tối với hai nam thanh niên. Trong phòng tối, hai người lại tiếp tục tâm sự và hôn để cảm nhận cảm xúc chân thực, trong khi người chơi còn lại được nhìn thấy toàn bộ những gì diễn ra qua màn hình. Sau hai thử thách và bốn lần hôn, Ngô Tiểu My nói lên cảm nhận và quyết định lựa chọn người đàn ông của mình.

Tương tự như vậy, tập hai của chương trình cũng khiến khán giả nóng mặt khi những màn khóa môi nóng bỏng diễn ra giữa nam thanh niên tên là Nguyễn Trần Quốc Huy, 25 tuổi với “tình sử” đã trải qua 10 mối tình cùng hai người chơi nữ là Phan Thị Yến Duyên, 25 tuổi, đã trải qua 3 mối tình và Trần Thị Bích Hiền, 22 tuổi cũng đã có...3 mối tình.

Số lượng người xem “Date & Kiss” trên youtube khá đông đảo, trong đó có nhiều ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ cho rằng, “Date & Kiss” mang đến cái nhìn mới mẻ về tình yêu, đúng với quan niệm của nhiều bạn trẻ. Người trẻ hôm nay có tư duy cởi mở, mạnh dạn, thể hiện đúng bản thân mình nên không có gì phải lên án hay chê trách. Những người theo quan điểm này cho rằng, có thể format chương trình còn mới ở Việt Nam, song tại nước ngoài, những show kiểu này không hiếm. Ý kiến không đồng tình là do cách suy nghĩ, quan điểm “cổ hủ”, “không thông thoáng”.

Trong khi đó, có nhiều ý kiến lên án gay gắt chương trình này. Theo đó, “tình yêu không phải trò chơi” mà có thể tìm người yêu thông qua vài lần đụng chạm hay hôn nhau trước ống kính. Không thể có tình yêu đích thực mà người chơi cảm nhận sự rung động qua cái hôn ngay lần đầu gặp mặt.

Thậm chí, một số người còn gay gắt cho rằng, trò chơi không khác gì “phim cấp ba” khi người chơi cuốn lấy nhau, hôn nhau, kèm theo lời đối thoại về những vấn đề tế nhị kiểu như “yêu nhau có quan hệ với nhau chưa” hay “anh đã quan hệ với bao nhiêu người”…  “Date & Kiss” học đòi lối sống phương Tây nhưng lố bịch và phản cảm. Chương trình đang hạ thấp giá trị tình yêu khi biến tình cảm tốt đẹp thành thứ nhu cầu xác thịt không hơn không kém.

Một hình ảnh trong chương trình giải trí gây tranh cãi “Date & Kiss” tập 1.

Chương trình lệch chuẩn cổ súy lối sống thiếu chuẩn mực?

Làn sóng chỉ trích đơn vị sản xuất chương trình xuất hiện. Nhiều người cho rằng, đơn vị sản xuất đã cố tình tạo “phốt”, câu view, câu like từ những tình huống gây sốc, những lời giới thiệu hoa mỹ chỉ là bao biện. Với các nhà sản xuất, mục đích hướng tới là lợi nhuận và họ bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Chương trình càng gây tranh cãi, càng gây được sự chú ý vì điều đó đồng nghĩa với chương trình được PR, gia tăng số lượng người xem, từ đó làm gia tăng lợi nhuận.

Thực tế cho thấy, xuất hiện ngày càng nhiều các chương trình truyền hình thực tế hẹn hò trên truyền hình. Phần lớn các chương trình có format từ nước ngoài. Thị trường gameshow truyền hình đang bão hòa và để cạnh tranh, các nhà sản xuất phải tìm kiếm, khai thác chủ đề mới lạ, khác biệt. Những câu chuyện hẹn hò trên sóng truyền hình nhận được không ít ý kiến trái chiều khi nhà sản xuất cố ý tạo ra tình huống phản cảm. Câu chuyện hẹn hò vốn lãng mạn đã bị dàn dựng, sắp xếp nhằm gây sự chú của khán giả.  

Một vấn đề nữa cũng đáng phải bàn luận là sự xuất hiện những chương trình giải trí “vô thưởng vô phạt” trên mạng internet. Trước “Date & Kiss”, gameshow “Dare Pong” (được Việt hóa từ chương trình của Mỹ có tên là “Fear Pong”) phát sóng trên youtube cũng khiến khán giả tranh luận nảy lửa.

Thử thách đặt ra trong chương trình thường là những yêu cầu, hành động kỳ quái, khiến nhiều người liên tưởng đến vấn đề nam nữ nhạy cảm. Điều đáng quan tâm là, những người chơi trẻ tuổi, trong đó có cả những nghệ sỹ vô tư hôn nhau, diễn cảnh nhạy cảm, cười nói trước ống kính rất phản cảm. Ngoài “Date & Kiss” hay “Dare Pong”, không khó để tìm những chương trình giải trí nhảm nhí với lời nói, hình ảnh phản cảm trên mạng.

Kiểm duyệt các sản phẩm, chương trình giải trí trước khi đưa lên sóng truyền hình hay mạng internet vẫn là bài toán chưa có lời giải đáp. Mặc dù “Date & Kiss” được gắn mác 18+ với những cảnh báo đối tượng xem xuất hiện trên màn hình nhưng “cảnh báo chỉ là cảnh báo”.

Trong môi trường internet mở như hiện nay, việc kiểm soát đối tượng người xem là không thể. Những hình ảnh phản cảm từ “Date & Kiss” hay “Dare Pong” chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức, hành động của nhiều cô bé, cậu bé trong độ tuổi mới lớn.

Dư luận không ít lần dậy sóng khi hình ảnh, video của những em học sinh mặc đồng phục ôm hôn, thậm chí làm chuyện người lớn ngay tại những địa điểm công cộng phát tán trên mạng xã hội. Liệu những hành động đó có bị ảnh hưởng từ những chương trình giải trí với hình ảnh, hành động nhạy cảm của những người nổi tiếng được đưa lên mạng internet mỗi ngày?

Dường như nhiều nhà sản xuất các chương trình giải trí ở Việt Nam đang quên đi tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ của các tác phẩm văn hóa. Các chương trình chú trọng yếu tố giải trí nhưng cũng không thể thiếu đi tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ.

Chiêu trò, câu view, câu like rẻ tiền sớm muộn cũng bị khán giả tẩy chay. Không thể biện minh rằng, các chương trình giải trí táo bạo thường có xuất xứ từ nước ngoài và do quan điểm người xem quá cổ hủ, lạc hậu. Nói gì thì nói, văn hóa phương Tây và phương Đông vẫn có nhiều sự khác biệt và những người làm văn hóa phải có trách nhiệm giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc.

Tường Phạm
.
.