Thương về ngày giỗ...

Thứ Năm, 10/09/2020, 14:55
Một năm chỉ có một ngày giỗ nên họ hàng hai bên nội ngoại, xóm giềng, con cháu ở xa cũng về tề tựu đông đủ. Người ở xa về tay bắt mặt mừng, mang theo chút quà biếu gọi là tấm lòng thơm thảo, những thứ gần gũi, dân dã miền quê như trứng vịt, trái cây, nem chả… tạo thành một phong tục từ xưa tới nay để góp chút lòng thành dâng lên ông bà, tổ tiên mỗi dịp giỗ quải.


Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày giỗ của ông nội là mọi người trong gia đình tôi dù bận rộn đến đâu cũng tranh thủ, sắp xếp thời gian để trở về. Trước ngày giỗ ông, mẹ tôi phải lo toan bao công việc: dọn dẹp nhà cửa, lau bàn thờ, rửa lại chén bát, chuẩn bị lá chuối, lá dừa để gói bánh… Tôi cũng tranh thủ về nhà để phụ giúp mẹ. Mỗi lần gặp nhau là hai mẹ con lại có dịp trò chuyện, thủ thỉ. Mẹ hay kể với tôi về ông nội bằng cả tấm lòng kính trọng, yêu thương.

Ông nội là một người dân quê chất phác, hiền lành. Công việc nào ông cũng làm bằng đôi bàn tay lam lũ, chịu khó và thái độ rất hăng say. Đơm lờ đặt cá, làm ruộng, dệt chiếu… việc gì ông làm cũng thuần thục. Gần đến ngày giỗ của ông, tôi lại thấy ba ngồi lặng lẽ nhìn xa xăm, điếu thuốc trên tay vẽ những vòng khói ưu tư, trầm lắng. Có lẽ lúc ấy ba đang quay quắt nhớ về ông. 

Mẹ cũng nghẹn ngào nói với tôi rằng lúc còn sống ông nội chưa được nhàn hạ ngày nào. Cả đời ông chỉ biết hy sinh cho con cháu. Trước lúc đi xa, ông trăn trối, nhắn nhủ với con cháu trong nhà sống đùm bọc, yêu thương nhau và chăm sóc bà nội thật chu đáo.

Mẹ tôi về làm dâu nhà nội đã mấy chục năm rồi. Nên mẹ hiểu từng sở thích, suy nghĩ của ông tôi. Trước ngày giỗ ông, mẹ đã dự tính sẵn trong đầu toàn các món ông thích để đi chợ. Nào là cá lóc om bắp chuối, rồi cá bống kho tiêu… Những món ăn quê kiểng mộc mạc, chân phương. Nguyên liệu, rau quả có sẵn trong vườn nhà, dễ làm, dễ kiếm. Không cần phải cao sang mỹ vị, như thế đã là đủ với ông rồi. 

Cả đời gắn bó với sông nước, ruộng vườn nên hồn cốt nhà quê lam lũ đã ngấm vào ông, từ dáng đứng, dáng đi đến những món ăn ưa thích hằng ngày lúc ông còn sống. Vậy nên lần nào tới đám giỗ của nội, mẹ cũng chuẩn bị thật đầy đủ, tươm tất, không cần mâm cao cỗ đầy nhưng phải có cá rau bình dị, món quê dân dã. Từng món ăn đều được nếm thêm gia vị của tình yêu thương cùng nỗi nhớ ông lặng thầm.

Một năm chỉ có một ngày giỗ nên họ hàng hai bên nội ngoại, xóm giềng, con cháu ở xa cũng về tề tựu đông đủ. Người ở xa về tay bắt mặt mừng, mang theo chút quà biếu gọi là tấm lòng thơm thảo, những thứ gần gũi, dân dã miền quê như trứng vịt, trái cây, nem chả… tạo thành một phong tục từ xưa tới nay để góp chút lòng thành dâng lên ông bà, tổ tiên mỗi dịp giỗ quải.

Ngày giỗ, từ gian nhà trên xuống gian nhà dưới, ai cũng có việc cần làm, tiếng chuyện trò xôn xao, tiếng củi lửa reo vui tí tách. Căn bếp có lẽ là nơi rộn ràng nhất vào những ngày giỗ. Ai cũng tất bật, người xào nấu, người nhặt rau, thái củ, người cuốn chả, dồi thịt… Những đôi bàn tay thoăn thoắt, đảm đang, những tấm lưng cần mẫn, chăm chút. Mọi người vừa làm vừa tâm sự chuyện công việc, chồng con, chuyện vui, chuyện buồn… tạo nên một không khí thật ấm cúng. 

Khi giỗ xong, trước lúc mọi người ra về, bao giờ mẹ cũng gửi cho từng nhà một ít bánh trái làm quà. Ngày giỗ chính là một nét đẹp truyền thống, là ngày để mọi người xích lại gần nhau hơn, giúp cho mối thâm tình thêm bền chặt, gắn kết.

Con cháu thắp lên bàn thờ ông một nén hương tưởng nhớ, cùng những lời cầu mong chân thành. Nhìn sợi khói trắng nhập nhòe, tôi thầm biết ơn nội cả một đời hi sinh không quản mưa nắng. Thầm hứa với lòng mình phải sống thật tốt để xứng đáng với những kì vọng của ba mẹ, ông bà. Mai này khi con tôi lớn, tôi sẽ dạy con: “uống nước phải nhớ nguồn”, “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây” như truyền thống bao đời luôn ghi nhớ… 

Trần Thị Thắm
.
.