Ngày giỗ - Một bản sắc Việt!

Chủ Nhật, 12/04/2020, 08:14
Ngày xưa trong mỗi gia đình Việt thường treo nhiều câu đối, câu hay gặp được treo trang trọng trước bàn thờ gia tiên là: “Chín chữ cù lao công đức nặng/ Một lòng thành kính khói hương thơm”...


Chín chữ ấy là “Sinh” (sinh thành); “Cúc” (nâng niu); “Phủ” (âu yếm); “Súc” (bú mớm); “Dục” (dạy dỗ); “Cố” (trông nom); “Phục” (uốn nắn); “Phúc” (che chở). Đó là sự nhắc nhở chữ “Hiếu” cho người con có cha mẹ đã khuất núi, nhớ về công lao nuôi dạy của các bậc mẹ cha mà thành kính tưởng nhớ. Ngày trước vào nhà ai, nhìn vào câu đối sẽ biết gia cảnh để khách có ứng xử tương ứng.

Nhưng đây mới chỉ là “tiểu hiếu”. Theo lối chiết tự từ Hán Việt thì chữ Hiếu có hai bộ, gồm bộ “lão” chỉ người già ở phần trên và bộ “tử”, chỉ con cái, ở phía dưới. Hàm ý tượng hình của chữ “Hiếu” là chỉ hình ảnh một người con cõng cha (mẹ) già. 

Chữ Hiếu là một tiêu chí cơ bản để đánh giá phẩm chất đạo đức con người. Hiếu là hết lòng nuôi dưỡng, thờ kính bố mẹ. Nho giáo chia “Hiếu” thành ba bậc: “Tiểu hiếu” (kính trọng, nuôi dưỡng, thờ phụng); “Trung hiếu” (không làm cha mẹ buồn phiền); “Đại hiếu” (làm vinh danh cha mẹ, dòng họ, quốc gia). Ngày nay có “lãnh đạo” to làm giỗ bố/mẹ cũng thật to rồi dùng “thiệp mời” ghi rõ chức danh mời cán bộ thuộc quyền đến dự, thì không đúng với chữ “Hiếu” mà có khi là lợi dụng để làm việc khác, mờ ám…

Bàn thờ gia tiên của người Việt.

Đúng với bản chất của ngày giỗ là tưởng nhớ người đã khuất có công sinh thành dưỡng dục nên cần trước hết là lòng thành. Có khi chỉ là một chén nước (mưa) trong, một quả trứng, một nén hương, một hành động vái lạy thành tâm. Ngày giỗ cũng là dịp con cháu trong nhà quây quần tụ họp chia sẻ, noi gương và cầu mong tiền nhân tiên tổ phù hộ độ trì cho mạnh khoẻ, làm ăn thành đạt… Có mời ai cũng phải họ hàng thân thích, đáng kính…

Người ta thường làm cỗ trong đó có những món mà người đã khuất bình sinh thích ăn hoặc hay dùng. Từ nét nghĩa gốc này mà có thể giải thích vì sao trong mâm cỗ cúng của người Việt (ngoài Bắc) thường có đĩa xôi. Đấy chính là bóng dáng văn hoá xa xưa đã hàng ngàn năm còn in hình lại đến hôm nay: khi dời núi cao xuống đồng bằng, tưởng nhớ tổ tiên ngày trước thường ăn cơm nếp (nương) nên trong mâm cỗ thường có đĩa xôi.

Đĩa xôi trong mâm cỗ cúng quý và thiêng nên thường để chia phần. Xôi gấc càng quý. Thành ngữ “Ăn mày còn đòi xôi gấc” có lẽ ra đời từ hoàn cảnh ấy. “Ăn mày” thường lợi dụng lân la các đám (giỗ) để xin ăn…

Người ta chuẩn bị giỗ về tinh thần nhiều hơn về vật chất. Phải chuẩn bị về thời gian, tức ngày cúng để báo cho con cháu. Ngày cúng thường là ngày mất hoặc trước đó một vài ngày chứ không sau ngày mất. Vì đông người nên buổi giỗ (trưa hay chiều) còn phải tổ chức để “Vừa được buổi cày vừa hay bữa giỗ” tức người dự vừa xong việc nhà vừa đến được một cách thoải mái nhất. Con cháu dù xa cũng phải về/gửi trước một ít vật chất để “góp/đóng giỗ” theo nguyên tắc rất nhân văn: “Con giàu một bó/ Con khó một nén”.

Người giàu góp nhiều, người nghèo góp ít, tuỳ tâm. Vì là việc thiêng nên không bao giờ có chuyện kỳ kèo. Chủ lễ cúng thường là con trưởng (trưởng nam) phải mời những người nên mời, có khi phải mời đi mời lại. Khách được mời tới ăn giỗ “đáp lễ” bằng thẻ vàng hương, trầu rượu, hoa quả.

Thay mặt gia đình, con cháu đón đồ lễ đặt lên bàn thờ gia tiên. Khách đến trước bàn thờ lạy hai hoặc bốn lạy. Gia chủ (thường là trưởng nam) đáp lễ khách bằng cách vái một vái. Đây cũng là một mã triết lý: âm (người chết) ứng với số chẵn, dương (người sống) ứng với số lẻ.

Ngày giỗ thì trưởng nam (chủ lễ) vất vả nhất, phải lo lắng món cúng, mâm cúng, phải đứng ra cúng bái, phải sắp xếp “các cụ”, con cháu vào mâm. Câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” có trong trường hợp này. Câu “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” cũng xuất phát từ đây. Vì phải cúng, phải mời mọc, phải quán xuyến nên chủ lễ có khi dù đói cũng chưa được ăn, thường ăn sau cùng.

Tại sao người Việt chú ý đến ngày chết hơn ngày sinh? Trước hết là nằm trong vùng văn hoá phương Đông trọng âm, theo lịch âm, sinh hoạt theo triết lý âm dương. Mà “sống” là “dương”, “chết” là “âm”. Người chết và người sống tuy “âm dương” cách biệt nhưng vẫn có mối liên hệ. Vào ngày Tết, ngày giỗ con cháu thắp nén hương mời người chết về “sinh hoạt” cùng “gia đình”.

Từ quan niệm “trần sao âm vậy” nên không chỉ coi trọng ngày chết/ngày cúng giỗ mà còn rất quan tâm đến mồ mả người đã khuất: “Sống vì mồ vì mả/ Không sống vì cả bát cơm”. Mồ cụ Tổ của dòng họ được cả họ giữ gìn (Giữ như giữ mả Tổ) vì liên quan đến sinh mệnh cả họ.

Ở ngày hôm nay chúng ta đang thấy có một sự thái quá trong việc xây dựng mồ mả, có khi quan tâm đến “nhà” người chết hơn nhà người sống. Người ta tranh đua nhau trong việc xây “mồ to mả đẹp” nên có nơi nghĩa trang được xây dựng rất “hoành tráng”, tốn kém! Điều này không đúng với chữ “Hiếu” mà cổ nhân dạy. Không đúng với “Tiểu Hiếu” là phụng dưỡng cha mẹ lúc sống, là lòng thành tưởng nhớ khi cha mẹ khuất núi. Càng không đúng với “Đại Hiếu” là ra sức học hành, lao động thành tài để giúp dân giúp nước cho dòng họ vẻ vang chứ không phải vì câu chuyện “mồ” to “mồ” nhỏ!!! Giá người ta bớt tiền xây mộ to để trồng cây quý ở nghĩa trang, cây lớn lên vừa có cảnh quan đẹp, môi trường sinh thái mát mẻ, các linh hồn lại có chỗ trú ngụ thì tốt biết bao!

Còn một lý do nữa là ngày trước phần lớn dân số mù chữ, việc làm “Giấy khai sinh” rất khó khăn. “Nhà nước” cũng ít quan tâm đến chuyện “chứng sinh” nên chẳng mấy ai nhớ ngày đẻ của mình.

Quang cảnh ngày Giỗ Tổ Vua Hùng.

Ngày giỗ là nét văn hoá cơ bản của người Việt dung chứa trong đó nhiều nét nghĩa còn chìm ẩn mà khám phá sâu sẽ tìm ra nhiều điều thú vị. Từ “nhà” ra “nước”. Người Việt có ngày Giỗ Tổ độc đáo. Độc đáo vì xét trên cả thế giới, Việt Nam là nước duy nhất có ngày “Quốc Giỗ” này. Xét về quy mô thì đó chính là ngày giỗ có ở bất kỳ gia đình nào được mở rộng thành cấp quốc gia. Nó chứng minh sinh động nhất tinh thần đoàn kết “anh em bốn bể” một nhà, chứng minh mỗi người dân Việt đều là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tất cả đều từ một bọc sinh ra. Với người Việt hai chữ “đồng bào” thật thiêng liêng, không còn là chuyện chữ nghĩa mà là vấn đề bản chất nguồn cội.

Người ta nhắc nhau: “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba/ Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm”. Không chỉ con cháu mà thiên nhiên đất nước cũng về “giỗ”: “Tháng ba nô nức hội đền/ Nhớ ngày Giỗ Tổ bốn nghìn năm nay/ Dạo xem phong cảnh trời mây/ Lô (sông), Ðà (sông), Tam Ðảo (núi)cũng quay đầu về/ Khắp nơi con cháu ba kì/ Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài/ Sở cầu như ý ai ơi/ Xin rằng nhớ lấy mồng mười tháng ba!”.

Tại sao ngày Giỗ là ngày “mồng mười tháng ba”? Có nhiều cách giải thích. Theo triết lý “âm dương ngũ hành” thì số 3 (tháng 3) là số của Địa chi, số 10 (ngày 10) là số của Thiên can. Tháng 3 là tháng Thìn, Thìn là con rồng, đọc theo âm Hán Việt là Long. Long đồng âm với từ “Lang” từ cổ, nghĩa là vua, người cầm đầu. Số 10 là can kỷ, kỷ là kỵ (giỗ). Cách giải thích còn gò ép nhưng cũng là ý kiến đáng tham khảo.

Theo truyền thuyết thì ngày Giỗ Tổ có từ thời Thục Phán. “Tổ” ở đây là người sinh ra Lạc Long Quân, tức Kinh Dương Vương. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc Hồ Nam, Trung Quốc), gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam). Lộc Tục xưng là Kinh Dương Vương, lấy quốc hiệu Xích Quỉ.

Kinh Dương Vương lên ngôi năm Nhâm Tuất (2897 TCN), lấy con gái Động Đình Hồ quân (tức Thần Long) là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm. Sùng Lãm nối ngôi xưng là Lạc Long Quân

Cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh (đền thờ Vua Hùng) có ghi: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom…”. Trên sử sách và tài liệu hiện tồn còn tham khảo được thì trước đây, người dân tại xã Hy Cương (phủ Lâm Thao) lấy ngày 11.3 làm lễ Giỗ. Con cháu các nơi lại thường đến Giỗ vào các cữ xuân - thu, lúc nông nhàn. Năm 1917 Bộ Lễ (triều Khải Định) ấn định lấy ngày mùng 10.3 hằng năm kính tế Quốc Tổ Hùng Vương.

Nguyễn Thanh Tú
.
.