Phát ngôn gây sốc của sao Việt về đồng nghiệp:

Thẳng thắn phê bình hay một chiêu PR?

Thứ Bảy, 30/12/2017, 08:42
Không biết vô tình hay cố ý mà những nghệ sỹ, tiết mục xuất hiện trong chương trình “Sao đại chiến” đang lên sóng VTV3 thời gian này liên tục gây bão dư luận. “Làn sóng” nghệ sĩ chê bai, “xỉa xói” lẫn nhau trở thành đề tài được bàn tán rôm rả. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng, chê bai, nói xấu đồng nghiệp đang trở thành một “kênh” PR để nghệ sỹ hâm nóng tên tuổi?


Tra Google từ khóa “Dương Cầm”, kết quả ra toàn hình… piano

Đầu tiên phải nhắc đến cuộc chiến giữa nhạc sỹ, nhà sản xuất âm nhạc Dương Cầm và ca sĩ Miu Lê – hai nghệ sỹ đang tham gia chương trình truyền hình “Sao đại chiến” phát sóng 21h00, thứ 6 hàng tuần trên VTV3. Trong một bài trả lời phỏng vấn một trang báo mạng, nhạc sĩ Dương Cầm nhận xét, “với những bài hát tầm thường và giọng hát không đạt được ở mức độ cơ bản thì tôi không xem Miu Lê là ca sĩ”. Phát ngôn của Dương Cầm lập tức gây nên những luồng dư luận trái chiều bởi thực tế cho thấy, không ít ca khúc của Miu Lê nhận được số lượng người xem, nghe, tải “khủng” trên internet.

“Đáp trả” lại lời nhận xét của Dương Cầm, Miu Lê nói rằng, cô không phán xét ai, càng không nhận xét ai chỉ dựa trên một phát ngôn. Miu Lê còn tiết lộ rằng, trước khi tham gia chương trình “Sao đại chiến”, cô không biết Dương Cầm là ai và cho rằng, nhạc sĩ trẻ có quan điểm phiến diện, một chiều khi đánh giá khả năng và tư chất làm nghề của cô. “Sau khi ghi hình tập 1, tôi còn phải tra Google từ khóa “Dương Cầm” để biết người “vừa tạt nước lạnh vào mặt” mình là ai. Kết quả ra toàn hình… piano”.

Ca sĩ Miu Lê trình diễn ca khúc “Nơi anh không thuộc về” – một sáng tác của OnlyC trong chương trình “Sao đại chiến” lên sóng hôm 15/12 vừa qua.

Gần đây, trong một status chia sẻ trên trang cá nhân, ca sĩ Đông Hùng lại gây tranh cãi khi “chê” tiết mục “Lũ đêm” (sáng tác Dương Cầm) do Dương Hoàng Yến thể hiện trong tập 4 “Sao đại chiến” phát sóng tối 8/12. Đông Hùng cho rằng, “Lũ đêm” là một tác phẩm đỉnh cao nhưng lại xuất hiện chưa đủ tầm. “Và tôi khá bất ngờ khi thấy tên bài hát xuất hiện trong chương trình “Sao đại chiến”. Tôi lắng nghe và chờ đợi một phần trình diễn đầy cảm xúc mà vẫn gai góc, ám ảnh nhưng tôi hụt hẫng khi bài hát kết thúc mà sự chờ đợi của tôi không đến”, Đông Hùng viết trên facebook cá nhân.

 Theo dõi con đường âm nhạc của Sao Mai Ngọc Anh, tôi luôn đánh giá cao hoạt động âm nhạc bài bản, nghiêm túc của cô gái đến từ Quảng Ninh này. Trong thị trường âm nhạc hiện nay, cái tên Ngọc Anh không quá hot nhưng cô cũng có lượng khán giả riêng cho mình. Mỗi người có một quan điểm làm nghề riêng nhưng thú thực, tôi không đồng tình với Ngọc Anh khi cô có những phát ngôn đánh giá về các nghệ sỹ trẻ thời gian gần đây.

Ngọc Anh cho rằng, hát như Miu Lê, Chi Pu mà cũng làm ca sĩ thì chán quá, “người đi học, có bằng cấp để làm cái gì?”, “OnlyC, Chi Dân là ai? Thú thật là trước đây, tôi không biết các bạn ấy là ai. Mới đây, tôi đọc bài phỏng vấn mới biết có nhạc sĩ tên là OnlyC như vậy…”, “nhạc của Chi Dân, tôi cũng không quan tâm. Tôi không hiểu sao nhạc của Chi Dân hay OnlyC cũng được nhiều người yêu thích và thành hit được. Nhạc Việt giờ đúng như cái chợ rồi, thượng vàng hạ cám”.

Những lời nhận xét, chê bai mang nặng quan điểm cá nhân của các nghệ sỹ về đồng nghiệp được dẫn chứng nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều nhận xét gây bão trong thời gian qua. Thậm chí, một số người còn nhận xét rằng, thị trường nhạc Việt 2017 ít sản phẩm mới, chất lượng, ít nhân tố mới nổi bật nhưng “bù lại” là nhiều phát ngôn gây sốc với những tranh cãi ồn ào của nghệ sỹ trên mạng xã hội.

Nhận xét cần khách quan, công tâm, toàn diện

Nhiều khán giả đặt câu hỏi, sao Việt được gì khi lên tiếng chỉ trích, nói xấu đồng nghiệp?. Có người cho rằng, các nghệ sỹ đã “dũng cảm” dám nói thẳng, nói thật về những vấn đề đang tồn tại trong thị trường âm nhạc và cần khuyến khích những quan điểm thẳng thắn như vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhận xét, đánh giá chuyên môn của đồng nghiệp cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, tùy nơi, tùy chốn, tránh làm tổn thương người khác. Những lời nhận xét mang nặng quan điểm cá nhân, thiếu khách quan, toàn diện sẽ tạo nên mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa các bên.

Với các nghệ sỹ, khi chỉ trích, xỉa xói đồng nghiệp thì chính hình ảnh của họ sẽ “méo mó” trong mắt công chúng. Dương Cầm và Miu Lê là hai nghệ sỹ được đánh giá là triển vọng, có hoạt động nghệ thuật nghiêm túc. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi những phát ngôn mang tính cá nhân của hai người đã làm xấu đi hình ảnh của chính họ.

Có thể Miu Lê hát chưa hay, trình diễn chưa thật xuất sắc trên sân khấu “Sao đại chiến” nhưng không thể phủ nhận vị trí của cô trong thị trường nhạc trẻ. Dương Cầm không nên “nặng lời” nói rằng, “không xem Miu Lê là ca sĩ”. Trước tình huống này, Miu Lê nên im lặng, tự xem lại mình, để khán giả phán xét lời nhận xét, đánh giá của Dương Cầm, thay vì “nhảy dựng” lên mà phản pháo rằng “tra Google từ khóa “Dương Cầm” kết quả ra toàn hình… piano”.

Nếu không biết OnlyC, Chi Dân là ai thì chứng tỏ Ngọc Anh không mấy quan tâm đến thị trường âm nhạc Việt. Hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, theo đuổi dòng nhạc trẻ, đáng lẽ ra Ngọc Anh phải nắm bắt xu hướng âm nhạc cũng như những nhân tố trẻ đang được bạn trẻ yêu mến. Trong khi đó, cái tên OnlyC với những ca khúc hit như “Anh không đòi quà”, “Đếm ngày xa em”… hay Chi Dân với những ca khúc như “Mất trí nhớ”, “Điều anh biết”… được rất nhiều bạn trẻ yêu mến. Có thể, lượng fan của Ngọc Anh còn thua xa lượng người hâm mộ của Chi Dân và OnlyC.

Những phát ngôn của ca sĩ Ngọc Anh về thị trường âm nhạc Việt gây nên những luồng dư luận trái chiều.

Ngọc Anh cũng phiến diện khi cho rằng, “người đi học, có bằng cấp để làm gì” - ám chỉ những nghệ sỹ trẻ nổi tiếng mà không qua đào tạo ở trường lớp nào. Nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng và để trở thành nghệ sỹ, yếu tố đầu tiên phải nói đến chính là tài năng. Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò của giáo dục, bằng cấp. Tài năng được đào tạo, “gọt rũa” qua trường lớp có thể sẽ tỏa sáng và đi được đường dài hơn.

Thực tế cho thấy, không ít nghệ sỹ thành danh mà không có bằng cấp nào. Chính tài năng, sự đồng điệu tâm hồn giữa nghệ sỹ và khán giả, quá trình tự đào tạo trong “trường đời”, kinh nghiệm tích lũy từ vốn sống và trải nghiệm sân khấu giúp họ tỏa sáng. Phân tích như vậy để thấy rằng, khi nhận xét, đánh giá đồng nghiệp không đúng hoặc thiếu khách quan, toàn diện thì chính hình ảnh nghệ sỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng, trong khi đó, người bị nhận xét, đánh giá cũng bị kéo vào tranh cãi không đáng có.

Nghệ sỹ là những người có cá tính mạnh mẽ, quan điểm yêu, ghét rõ ràng. Các nghệ sỹ cho rằng, mình có quan điểm nghệ thuật riêng và những gì nói ra thể hiện quan điểm cá nhân. Điều này không sai nếu nghệ sỹ phát ngôn về những vấn đề chung của thị trường âm nhạc, không “đụng chạm” hay làm tổn thương nghệ sỹ khác. Góp ý, phê bình cũng là một nghệ thuật và với những người làm văn hóa thì điều đó càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Thị trường âm nhạc Việt phát triển đa dạng, đan xen nhiều dòng nhạc khác nhau. Mỗi nghệ sỹ có con đường âm nhạc riêng và hướng tới đối tượng khán giả nhất định. Chính điều này tạo nên sự đa dạng, phong phú cho thị trường âm nhạc. Đã gọi là “thị trường” thì mọi thứ hãy để cho “thị trường” phán xét. Khán giả chính là những người đưa ra phán xét công tâm nhất. Thước đo chính xác nhất một ca sĩ hát hay hay dở, ca khúc hay hay hay dở chính là khán giả. Cũng phải thấy rằng, có những ca sĩ hát không hay, ca khúc không hay nhưng vẫn được nhiều khán giả yêu thích. Tuy nhiên, đó chỉ là sự yêu thích nhất thời, theo trào lưu và sẽ qua đi chóng vánh.

Có người cho rằng, các nghệ sỹ phát ngôn gây sốc nhằm mục đích đánh bóng, hâm nóng tên tuổi. Hy vọng nhận định này là sai bởi đó là chiêu “hạ sách” và các nghệ sỹ cũng đã có những chỗ đứng nhất định trong showbiz…

Phạm Thiên Giang
.
.