Sân khấu xã hội hóa ở Hà Nội: Rộn ràng những tín hiệu vui

Thứ Năm, 10/01/2019, 08:25
Cuối tuần này, sẽ có 2 vở kịch của sân khấu xã hội hóa là vở "Nữ ca sĩ hói đầu" của Luc Team và "Thị Nở và Chí Phèo" của Sân khấu Lệ Ngọc ra mắt khán giả Thủ đô. Mới xuất hiện gần 3 năm trở lại đây, nhưng sân khấu xã hội hóa - cách gọi khác của sân khấu tư nhân - ở Thủ đô đến nay dường như đang tạo nên một luồng sinh khí mới...


1.Những năm 2000, khi sân khấu xã hội hóa ở TP. Hồ Chí Minh nở rộ và có những bước phát triển vượt bậc với sự góp mặt của những tên tuổi nổi tiếng như Sân khấu Hồng Vân của NSND Hồng Vân, sân khấu IDECAF của NSƯT Thành Lộc, Sân khấu kịch Phú Nhuận và hàng chục nhóm kịch khác mọc lên, phát triển rầm rộ rồi sau đó rơi vào thoái trào, thì sân khấu kịch tư nhân ở Hà Nội vẫn hoàn toàn vắng bóng.

Mãi sau này, với sự ra đời của Sân khấu Lệ Ngọc của NSND Lệ Ngọc đã đánh dấu sự xuất hiện "chính danh" đầu tiên của sân khấu xã hội hóa - sân khấu tư nhân ở Hà Nội. Từ những bước đi chập chững đầu tiên đầy lo lắng và hoài nghi, đến nay, cùng với nhóm Luc Team của NSƯT Trần Lực, sân khấu tư nhân ở Hà Nội đã nhen nhóm lên những tín hiệu rất đáng vui mừng. Đó âu cũng là một điều hợp với quy luật của sự phát triển và xu thế của xã hội, của cuộc sống hiện đại.

Poster vở kịch "Thị Nở và Chí Phèo" của sân khấu Lệ Ngọc.

Sân khấu Lệ Ngọc tiền thân là nhóm kịch xã hội hóa của Nhà hát Kịch Việt Nam do NSND Lệ Ngọc đầu tư và phụ trách khi còn đang công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Đến nay, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng với lòng đam mê, yêu nghề và khát khao được cống hiến, được tiếp tục "cháy" hết mình cho bộ môn nghệ thuật mà mình yêu thích, NSND Lệ Ngọc đã cùng một số nghệ sĩ tâm huyết thành lập nên Sân khấu Lệ Ngọc dưới sự bảo trợ của Hiệp hội phát triển Văn hóa Doanh nhân Việt Nam và sự giúp đỡ của Nhà hát Kịch Việt Nam, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Từ khi thành lập đến nay, Sân khấu Lệ Ngọc đã cho ra mắt một số tác phẩm như "Ngũ biến", "Người đẹp khách sạn" (tham gia Liên hoan kịch độc diễn Quốc tế tại Bangladesh năm 2016); kịch thiếu nhi "Con gà trống", "Đám cưới con gái chuột" và gần đây là vở bi kịch "Kim Tử" của kịch tác gia nổi tiếng thế giới Tào Ngu do đạo diễn - Tiến sĩ Chua Soo Pong (người Singapore dàn dựng).

Đặc biệt, vở diễn "Kim Tử" đã tham dự Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN hồi tháng 9-2018 và đem về 4 giải thưởng: giải thưởng cho vở diễn xuất sắc và giải cá nhân xuất sắc cho NSND Lệ Ngọc, nghệ sĩ Tuấn Minh và Thu Hà. Với sự "đỡ đầu" của Nhà hát Kịch Việt Nam, các tác phẩm của Sân khấu Lệ Ngọc đã có cơ hội tham gia một số liên hoan sân khấu quốc tế và khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Monaco, Singapore...

Tháng 12-2018, Sân khấu Lệ Ngọc khởi công vở diễn "Thị Nở và Chí Phèo"  (Biên kịch: Lê Chí Trung - Đạo diễn: NSND Lê Hùng) với 2 nghệ sĩ vào vai chính là NSND Lệ Ngọc (vai Thị Nở) và nghệ sĩ trẻ Tạ Tuấn Minh (vai Chí Phèo). Vở diễn dự kiến sẽ được tổng duyệt để chuẩn bị ra mắt khán giả Thủ đô vào tối 10-1-2019 và sẽ trở thành một kịch mục được biểu diễn thường xuyên tại Thủ đô vào dịp Tết và đầu xuân Kỷ Hợi.

NSND Lệ Ngọc và các nghệ sĩ đều hi vọng rằng, với một cốt truyện hấp dẫn và những nhân vật đã trở nên thân quen trong tâm thức của người Việt là Chí Phèo - Thị Nở cùng với những nỗ lực sáng tạo không ngừng của các nghệ sĩ, "Thị Nở và Chí Phèo" sẽ trở thành một vở kịch đem lại những xúc cảm mới cho khán giả trong dịp Tết đến, xuân về.

2. Không có được những khởi đầu thuận lợi bằng Sân khấu Lệ Ngọc, nhóm Luc Team của NSƯT Trần Lực có sự khởi đầu khó khăn hơn. Có thể nói, Luc Team của NSƯT Trần Lực đúng là "tay không bắt giặc" khi bắt đầu chỉ bằng tình yêu và niềm đam mê với sân khấu của nghệ sĩ Trần Lực chứ không có một Mạnh Thường Quân nào "chống lưng".

Đạo diễn - NSƯT Trần Lực chia sẻ, để biến giấc mơ dàn dựng vở "Quẫn" - một  vở hài kịch vẫn được đánh giá là kinh điển của cố tác giả Lộng Chương, đạo diễn NSƯT Trần Lực đã phải mất rất nhiều thời gian suy tư, trăn trở. Tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh từ lâu, cũng là người được đào tạo bài bản về sân khấu, có những giấc mơ, những khát vọng khi thầm kín, khi cháy bỏng với sân khấu, nhưng mãi đến năm 2016, khi bắt tay vào dựng "Quẫn" cho sinh viên Nhà hát Thể nghiệm trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội để tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 3, có vẻ như Trần Lực mới gặp lại mình.

Sau khi vở diễn này gây được tiếng vang, Trần Lực đã lập ra nhóm Luc Team và quyết tâm trở lại với "tình yêu lớn" của mình. NSƯT Trần Lực từng tâm sự rằng, mặc dù được đào tạo bài bản về sân khấu (Trần Lực từng là sinh viên ngành đạo diễn sân khấu của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sau đó được cử đi tu nghiệp tại Hungari) nhưng anh lại bén duyên với điện ảnh nên thường được công chúng biết đến với vai trò diễn viên điện ảnh.

Thế nhưng, có lẽ một phần do là con "nhà nòi", lại được đào tạo bài bản, chuyên sâu, nên dường như tình yêu với sân khấu của anh vẫn chưa khi nào nguội lạnh. Nhiều năm công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và thành danh từ đó, nhưng Trần Lực yêu sân khấu đến mức, cứ nghe nhà hát nào có vở diễn mới đều mò mẫm đi xem bằng được.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, anh và một số người bạn nghề tâm giao, tin cậy đã có nhiều ngày ngồi bàn bạc, chạy vạy khắp nơi để có thể cho ra đời một sân khấu tư nhân. Bởi thế, mãi đến khi vở "Quẫn" ra đời, anh như thấy gặp lại "ý trung nhân" và lần này tự hứa với lòng mình sẽ dốc hết lòng, hết tâm sức vì tình yêu ấy.

Thuở ban đầu, bên cạnh những lời động viên khích lệ, anh cũng gặp phải không ít những lời khuyên can, hoài nghi, lo lắng. Rất nhiều nghệ sĩ cho rằng, Hà Nội dường như không có "đất dụng võ" cho sân khấu tư nhân, trong bối cảnh nhiều nhà hát có sự bảo trợ, đầu tư của nhà nước còn như "ngọn đèn trước gió".

Một cảnh trong vở "Nữ ca sĩ hói đầu" của Luc Team do NSƯT Trần Lực đạo diễn.

Thế nhưng, Trần Lực không hề nản chí, năm 2018 anh tiếp tục cho ra đời vở "Cơn ghen của Lọ Lem" và được khán giả cũng như giới chuyên môn đánh giá cao. Thành công trong việc làm mới vở diễn này đã khiến Trần Lực, Luc Team cùng các cộng sự có thêm động lực tinh thần để vững tin vào con đường mình đã lựa chọn.

NSƯT Trần Lực tâm sự: "Tôi mong muốn xây dựng Luc Team trở thành một địa chỉ làm nghệ thuật chuyên nghiệp, vững vàng, có phong cách riêng và sống được bằng chính những tác phẩm của mình. Rất nhiều khó khăn trong đó khó khăn nhất là vấn đề nhân lực, rất nhiều trở ngại, rất nhiều hoài nghi..., nhưng tất cả không khiến tôi chùn bước. Tôi có niềm tin vững chắc rằng, con đường mà tôi đã chọn, phong cách sân khấu ước lệ - biểu hiện mà Luc Team đang xây dựng và hoàn thiện sẽ tạo được dấu ấn trong lòng khán giả.

Tại sao ư? Đó là tại vì khi bắt tay vào làm vở kịch nào, tôi cũng đặt mình vào cái ghế của khán giả, tự hỏi rằng nếu là khán giả thì tôi mong muốn điều gì, chờ đợi điều gì, hi vọng điều gì... để có thể nỗ lực gửi gắm những câu trả lời ấy vào tác phẩm. Tôi tin rằng, với những nỗ lực của bản thân tôi, sự hỗ trợ của những đồng nghiệp, học trò yêu quý, sự hậu thuẫn của một số đại sứ về văn hóa như Trung tâm Văn hóa Pháp, Luc Team chắc chắn sẽ có những thành công. Tôi cũng tin rằng, "nghề chẳng phụ người" đâu!...".

Và vào những ngày đầu năm 2019, bằng tất cả những nỗ lực, quyết tâm, tin yêu và hi vọng, vở kịch "Nữ ca sĩ hói đầu" do NSƯT Trần Lực sẽ ra mắt khán giả Thủ đô. "Nữ ca sĩ hói đầu" là vở kịch nổi tiếng của tác giả người Pháp gốc Rumani Eugène Ionesco. Lần đầu công diễn ở Paris vào năm 1950, vở kịch đã gây "sốt" và được khán giả đón nhận vô cùng nồng nhiệt, mở đầu cho một trào lưu kịch phi lý, hay còn gọi là "hài kịch - nghịch dị" của phương Tây. Vẫn trung thành với phong cách ước lệ - biểu hiện, đạo diễn Trần Lực và Luc Team sẽ tái hiện "Nữ ca sĩ hói đầu" một cách hoàn toàn khác biệt: hiện đại nhưng cũng hết sức gần gũi.

 Thực tế, sân khấu nhà nước ở Hà Nội luôn rơi vào tình trạng "ngủ đông" vào các kỳ cuối năm, sau khi các kế hoạch công tác của năm đã được hoàn thành, ra giêng ngày rộng tháng dài mới bắt đầu lục tục dựng vở mới, chứ không có tiền lệ dựng kịch mục để biểu diễn phục vụ công chúng vào dịp Tết.

Chính vì thế, bằng việc ra mắt "Nữ ca sĩ hói đầu" - một tác phẩm nổi tiếng của một dòng kịch phi lý nổi tiếng, đạo diễn Trần Lực cùng đoàn kịch LucTeam và Sân khấu Lệ Ngọc với "Thị Nở và Chí Phèo" đang được kỳ vọng sẽ mang đến cho đời sống sân khấu Thủ đô một món ăn tinh thần mới lạ, hấp dẫn, một luồng gió mới ấm áp trong những ngày cuối năm giá rét này.

Nguyệt Hà
.
.