Sân khấu hài – vẫn là một khoảng trống lớn…

Thứ Năm, 12/07/2018, 14:10
Nói đến nghệ thuật sân khấu - từ cổ điển đến hiện đại, từ phương Tây sang phương Đông... - là nói đến hài và bi - nụ cười và nước mắt - là hai phạm trù vừa đối lập, lại vừa thống nhất để góp phần làm nên cuộc sống của con người!


Từ ngàn xưa, tiếng cười đã không thể thiếu được trong cuộc sống của loài người, trong đó có dân tộc Việt Nam. Trong các câu chuyện dân gian, cổ tích, tiếu lâm, cả huyền thoại, dã sử, lịch sử…cho đến kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca… tiếng cười đã trở thành vũ khí sắc bén, tạo nên sức mạnh cho con người vượt qua những khó khăn, gian khổ của cuộc sống thường nhật, của thiên nhiên huyền bí, hoang dã; và của chính sự tồn tại của con người trong đấu tranh giai cấp, để hình thành, tồn tại, phát triển.

Tiếp thu những tinh hoa của di sản văn hóa dân gian trên nhiều lĩnh vực đó; từ khi xuất hiện, nghệ thuật sân khấu dân tộc Việt Nam - tiêu biểu là Chèo, Tuồng cũng như các thể loại sân khấu đương đại khác - đã sáng tạo nên nhiều nhân vật và các vở diễn hài nổi tiếng…mà tiếng cười đã được nghệ thuật hóa, tạo nên những giá trị đặc biệt, thực sự hấp dẫn công chúng để tồn tại đến hôm nay...

Như chúng ta đã biết, sân khấu dân tộc Việt Nam - với nghệ thuật Chèo, đã trải qua hàng nghìn năm, và Tuồng thì cũng khoảng trên dưới tám trăm năm (theo các nhà nghiên cứu, Tuồng xuất hiện vào thời nhà Trần).

Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ nhất ở Quảng Ninh.

Ngoài "hấp dẫn, cuốn hút" khán giả, người ta còn cho rằng tiếng cười là "một vũ khí" của sân khấu dân tộc - nghe có vẻ như là đao to búa lớn - nhưng đúng là như vậy. Vũ khí tiếng cười đã giúp cho người nông dân Việt Nam, trong hàng ngàn năm lịch sử, đã đả phá nhiều thói hư tật xấu, tố cáo những hành vi áp bức, bóc lột. Tiếng cười, mặt khác, còn là một cách để "quên đi kiếp nạn trần ai" của người nông dân trước hoàn cảnh sống, dưới chế độ phong kiến...

Trước hết, chỉ cần nhìn lại vở Chèo cổ lừng danh mà các cụ để lại, tính hài hước là rất rõ. Như lớp "Việc làng" trong vở "Quan Âm Thị Kính" - một trích đoạn đặc biệt nổi tiếng gồm những nhân vật "tai mắt của chính quyền làng xã", cũng như những người dân quê cùng đinh nghèo khổ... Rồi Thị Màu, Thị Kính trước cổng tam quan, Thị Màu và anh Nô, mẹ Đốp và Xã trưởng...

Thôi, về tư tưởng, về triết lý, về đạo đức…ta không bàn ở đây, chỉ nói riêng tiếng cười trong Chèo cổ thôi: nếu không có tiếng cười, thì chưa chắc những câu chuyện như thế đã sống được và "thọ" được cho đến bây giờ. Tiếng cười sân khấu Chèo cổ, cùng với tiếng cười trong ca dao, tục ngữ, trong kho tàng truyện cổ tích dân gian… còn là biểu hiện rõ rệt nhất tính cách lạc quan của người nông dân Việt Nam.

Cho đến hôm nay, mở một ngoặc đơn: khi ta ngồi nói chuyện WTO, thì có những vùng sâu, vùng xa xôi, hẻo lánh… người nông dân vẫn chưa biết đến nước mắm, bột ngọt là gì... nói gì đến hưởng thụ văn hoá. Vì thế, việc làm cho người nông dân đỡ đói, đỡ nghèo, đỡ cực là một việc rất cần thiết, quan trọng, mà chúng ta còn phải quan tâm gắng sức hơn nữa, dù trong hoàn cảnh nào cũng vậy. Bởi, chính những người nông dân ấy đã sản sinh, nuôi dưỡng nền văn học bình dân và nghệ thuật sân khấu, trong đó có tiếng cười...

Nếu Chèo là nghệ thuật dân gian, thì Tuồng là nghệ thuật của cung đình - Tuồng là đậm chất bi và hùng. Nhưng giữa bi và hùng là gì? Là hài! Tuồng là sân khấu bác học, với phần lớn là các vở Tuồng cổ có chủ đề chính là "Quân quốc". Phần lớn là chuyện triều đình: vua băng, nịnh thoán, trung nghĩa, gian thần, cướp ngôi, nối nghiệp...

Tuồng, bên cạnh những vở khuyết danh (đặc biệt, như vở Tuồng đồ "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" rất nổi tiếng với một phong cách dân gian đậm đặc); thì không ít vở là do các nhà nho, hoặc các ông quan trong triều Nguyễn như Đào Tấn, Đào Duy Từ, Nguyễn Hiển Dĩnh… sáng tác.

Vì vậy, tiếng cười trong Tuồng không phải là tiếng cười của các nhân vật là nông dân của làng xã, mà chủ yếu là tiếng cười trong chốn cung đình. Còn các vở Tuồng truyền thống nổi tiếng như "Ngọn lửa hồng sơn", "Sơn Hậu", "Đào Tam Xuân loạn trào"… bao giờ cũng có những lớp hài tuyệt vời - như Cai Cò, Đội Én trong "Đào Tam Xuân loạn trào" hay lớp Mao Ất trong "Sơn Hậu"...

Đó là các trích đoạn rất hấp dẫn, cuốn hút, đã góp phần làm nên giá trị tổng thể của một vở diễn tồn tại đến hôm nay, mà trong đó, nổi bật tài năng nghệ thuật biên kịch của các cụ là rất giỏi, rất "sành" nghề. Chất hài trong Tuồng có tác dụng dung hòa chất bi, chất hùng; để cho: bi - nhưng cũng đừng đến nỗi quá khốn khổ khốn nạn mà không sống được; và hùng - cũng không  "oai hùng" quá lên để xa rời hiện thực cuộc sống.

Sân khấu đừng để hài kịch trở thành hề kịch.

Cái hài ở đây còn có tác dụng kéo khán giả đến với sân khấu, níu họ lại với vở diễn. Ngoài cái gọi là đả kích, phê phán tầng lớp cai trị, bộ máy cai trị, tiếng cười sân khấu còn có tác dụng giáo dục: khán giả xem và cùng cười, cùng tự cười ngay chính những thói hư tật xấu của mình, để tự hoàn thiện mình. Tác dụng giáo dục là không thể phủ nhận được...

Nói đến nghệ thuật sân khấu - từ cổ điển đến hiện đại, từ phương Tây sang phương Đông... - là nói đến hài và bi - nụ cười và nước mắt - là hai phạm trù vừa đối lập, lại vừa thống nhất để góp phần làm nên cuộc sống của con người!

Dân gian có câu "Kẻ khóc, người cười". Khóc, cười cùng song hành tồn tại - điều này thì ai cũng biết. Nhưng có một điểm rất đáng lưu ý mà những người ngoài nghề, có khi không để ý: trên sân khấu, bao giờ cười cũng khó hơn khóc! Hãy thử hỏi bất cứ một diễn viên nào cũng vậy: khi xúc động đến một mức độ nhất định, thì khóc. Khi vui tột đỉnh thì cười!

Nhưng trong nghề biểu diễn, cười khó hơn khóc - diễn hài kịch khó hơn là bi kịch - vì thế mà diễn viên hài bao giờ cũng hiếm hoi và các "danh hài" nổi tiếng hơn các "danh bi" (xin mở một cái ngoặc nhỏ: Tất nhiên, bi cho ra bi, hài cho ra hài và phải là nghệ thuật đích thực, mới được công chúng chấp nhận; chứ không phải loạn "ranh hài" như hiện nay!?).

Nhớ lại năm 2011, Hội Nghệ sĩ Sân khấu (NSSK) Việt Nam và Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch Quảng Ninh đã tổ chức "Liên hoan Sân khấu Hài toàn quốc, lần thứ nhất". Lần đầu tiên trong nửa thế kỷ qua, một cuộc gặp mặt của các nghệ sĩ hài, các trích đoạn hài, các tiết mục hài và vở diễn hài được tổ chức một cách quy mô, chuyên nghiệp.

Vạn sự khởi đầu nan, đây là một cố gắng lớn của Hội NSSK Việt Nam, trong bối cảnh sân khấu thưa vắng khán giả hiện nay, nhằm thổi bừng lên ngọn lửa sáng tạo - vốn đã có vẻ nguội lạnh của các nghệ sĩ sân khấu hài - trước hiện tượng "hài kịch" đang biến thành "hề kịch"…

Trong suốt cả một tuần lễ, khán giả của vùng đất mỏ Quảng Ninh đã được cười thoải mái, cười sảng khoái, cười hồn nhiên, hỉ xả…và cả những tiếng cười xót xa, chua cay nữa. Dù là tiếng cười như vỡ rạp, tiếng cười thầm kín, dí dỏm, hoặc tiếng cười "giật mình", cười ra nước mắt để suy ngẫm; thì những tiết mục trong đêm khai mạc đủ các thể loại Tuồng, Chèo, Xiếc, Kịch nói, Cải lương đã thật sự là hài kịch, chỉn chu, nghiêm túc, sâu lắng…

Khi những nhân vật hài của qúa khứ hàng ngàn năm, hàng trăm năm trong Chèo, Tuồng, và nhất là những nhân vật của cuộc sống đương đại (các sếp lớn, sếp nhỏ, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng thôn, cán bộ hành chính các thành phố, tỉnh lỵ, bà con nông dân, chiến sĩ cảnh sát, người lính cựu chiến binh năm xưa, những thanh niên)…xuất hiện trên sân khấu. Phải nói rằng, Liên hoan sân khấu Hài đã có những thành công nhất định về nghệ thuật trong việc phản ánh nhiều vấn đề của cuộc sống…

Tuy nhiên, bình tâm, khách quan và công bằng mà nói, nghệ thuật hài, với những kịch bản hoàn chỉnh, hay các trích đoạn nội dung sâu sắc, có tính nghệ thuật cao, hấp dẫn và cuốn hút công chúng đương đại - nhất là với thế hệ khán giả trẻ - vẫn là một khoảng trống lớn của sân khấu…

Bởi đã 7 năm trôi qua, nhưng vẫn chưa thể tổ chức được một Liên hoan cho sân khấu Hài toàn quốc lần thứ hai? Đây chắc chắn là một vấn đề không nhỏ, rất cần sự quan tâm của đội ngũ tác giả, các nghệ sĩ sân khấu và sự chỉ đạo một cách "bài bản", "tài ba" của các cơ quan quản lý Nhà nước!

Lê Huy Quang
.
.