Kịch bản sân khấu hài

Thứ Hai, 09/01/2017, 08:02
Dân gian thường quan niệm "Tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ", chính vì thế hài kịch luôn là một trong những lĩnh vực giải trí tồn tại song hành trong đời sống tinh thần của nhân dân. Ngày nay, trước áp lực của công việc, đời sống hiện đại, hài kịch ngày càng phát huy được vai trò quan trọng của mình. Không chỉ vào dịp cuối năm, hài kịch vẫn luôn thu hút và hấp dẫn khán giả bất kỳ thời điểm nào trong năm.


Thừa yếu, thiếu hay

Nếu chỉ nhìn vào số lượng những chương trình hài nhan nhản trên truyền hình, người ta dễ dàng đánh giá, sân khấu hài đang bước vào giai đoạn hưng thịnh. Nhưng xem rồi mới thấy chủ yếu là hài... nhảm. Những nghệ sĩ nhiều năm kinh nghiệm trên sân khấu hài đều khẳng định: làm tiểu phẩm hài không dễ. Không phải cứ mang tất cả những gì gây cười ngoài đời lên sân khấu là thành công. Người sáng tạo phải tìm được tứ rồi mới khai thác các chi tiết minh họa. 

Cũng như tình trạng chung của sân khấu, sân khấu hài lâu nay lâm vào tình trạng nhiều mà thiếu, nhiều mà yếu. Nguyên nhân quan trọng nhất là bởi chúng ta thiếu những kịch bản hay.

Như đã nói ở trên, sân khấu hài tồn tại song hành với đời sống tinh thần của nhân dân và chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, nhưng xem ra chưa được quan tâm xứng tầm. Tháng 9 - 2011, lần đầu tiên Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc được tổ chức tại Quảng Ninh và cho tới bây giờ, sau 5 năm vẫn chưa có lần thứ 2. 

Theo thống kê, tại Liên hoan đó có tới 5 vở có nhân vật Bá Kiến, 3 vở có Thị Nở, 2 vở có nhân vật phu xe và một loạt các tích như "nghêu sò ốc hến", "việc làng"... được các đoàn thay nhau dàn dựng. Tình trạng liên tục bị "đụng hàng" đã minh chứng là sân khấu hài đang thiếu vắng kịch bản hay, mới.

Một cảnh trong chương trình “Táo cười đón xuân”.

Nguồn kịch bản sân khấu lâu nay chúng ta thường lấy ở đâu? Câu trả lời quen thuộc là từ các trại sáng tác. Nhiều năm liền chúng ta mải miết mở những trại sáng tác và hy vọng sẽ có được nguồn kịch bản phong phú. Nếu chỉ nhìn vào số lượng danh sách các kịch bản ra lò từ những trại sáng tác thì quả là đầy hy vọng. Trung bình, mỗi trại sáng tác phải có được gần 20 bản thảo. 

Thế nhưng, sự thật, những kịch bản được sử dụng trên sân khấu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số kịch bản nằm trong sự lãng quên hay xếp vào trong kho của cơ quan quản lý. Một số đạo diễn có thói quen đặt hàng thẳng với người viết, thay vì tìm kịch bản qua những trại sáng tác vì cho rằng không phù hợp. 

Quả thật, có những kịch bản ra đời từ những trại sáng tác khó có thể đưa lên sân khấu vì thiếu vắng hơi thở cuộc sống. Sử dụng kịch bản nào phụ thuộc vào đạo diễn, đơn vị bỏ tiền đầu tư. Có đơn vị thích những kịch bản gai góc, hấp dẫn dễ ăn khách nhưng cũng có đơn vị ưa những kịch bản "lành" cho dễ qua kiểm duyệt. Người sáng tác đôi khi cũng chỉ biết ngồi chờ.

Kịch bản hài thiếu còn bởi viết để lấy được tiếng cười của khán giả không dễ chút nào. Thậm chí, nhiều nhà viết kịch còn khẳng định, lấy nước mắt của khán giả còn dễ hơn lấy tiếng cười. Số lượng tác giả viết chính kịch nhiều chứ viết được hài kịch cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài tác giả Lưu Quang Vũ, chúng ta có thêm một số cây bút như Phạm Văn Quý, Tất Đạt, Lê Chí Trung... 

Đặc trưng của hài kịch là sử dụng những thủ pháp phóng đại, khoa trương để từ đó làm nổi bật những thói hư, tật xấu, những lố lăng kệch cỡm của một số nhân vật trong xã hội. Để viết được hài kịch ngoài khả năng quan sát tinh tế; góc nhìn hài hước phải là cái duyên trời cho, không phải cố là được. 

Chính vì vậy, bên cạnh một số tác giả sân khấu viết hài khá hóm hỉnh thì một số tác giả mới chỉ vẽ lên được màu sắc lạc quan, vui nhộn chung chung. Các thủ pháp gây cười thường có tính chất bên ngoài, không gắn với xung đột và bản chất của tính cách.

Đạo diễn Lê Hoàng từng phát biểu: Một điều trớ trêu là giữa chính kịch kém và một hài kịch kém, người ta sẵn sàng chọn hài kịch để xem. Chính vì vậy tạo ra cảm giác hài kịch vẫn ăn khách. Những vở hài kịch dễ dãi làm cho khán giả mất dần thói quen xem những vở diễn nghiêm túc. Thiếu những vở kịch hài đúng nghĩa cũng có nghĩa là tạo cơ hội cho những chương trình hài nhảm lên ngôi.

Thời gian qua, Nhà nước đã quan tâm tới lĩnh vực sáng tác, Hội Nghệ sĩ sân khấu cũng đã cố gắng tổ chức sáng tác và động viên, khuyến khích các tác giả bằng nhiều cách: đầu tư, tổ chức đi thực tế, tài trợ cho đơn vị dựng kịch bản được giải. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là chúng ta chưa có một chiến lược cụ thể để xây dựng đội ngũ tác giả kế cận. Câu chuyện về thái độ trân trọng, nâng niu với những tác giả và cây bút có năng khiếu viết kịch không còn là điều xa xôi nữa.

Nhà biên kịch Huệ Ninh (Viện Sân khấu - Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội): Khó nhất khi viết hài kịch là tạo tình huống

- Thưa biên kịch Huệ Ninh, chương trình "Táo cười đón xuân" (Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng) do chị chắp bút, qua mấy đêm công diễn đã khiến khán giả rất thích thú... Chị có thể chia sẻ ý tưởng khi thực hiện kịch bản hài đầu tay này?

+ Tôi bắt tay vào viết kịch bản này khi nhận được đơn đặt hàng của Công ty Nghe nhìn Hà Nội. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ viết kịch bản Táo, cũng không dám chắc khả năng biên kịch sân khấu của bản thân. Bố tôi là nhà viết kịch chuyên nghiệp. Đã nhiều lần ông hướng dẫn để tôi thử sức. Khi “đơn đặt hàng” này tới, tôi có chia sẻ với ông. Ông khuyên tôi không nên nhận lời vì viết Táo là phải động chạm tới vài mặt nóng bỏng, phải có chút màu sắc chính trị… Mà hình như ông không tin lắm vào khả năng đó của tôi.

Nhưng tôi đã nhận lời với đơn vị đặt hàng, vì đây vốn là cơ quan cũ của tôi nên có nhiều thâm tình. Thứ hai, tôi không quá thần thánh chuyện gì hết. Cứ phải thử sức đã. Nếu có thất bại thì cũng lấy làm kinh nghiệm. Khi viết, tôi vẫn trao đổi với bố mình về ý tưởng. Cái khó nhất của kịch sân khấu với tôi là tình huống. Từ một số gợi ý của ông, tôi đã tìm ra cách của mình và bắt tay vào viết. 

Cái khó thứ hai là ngôn ngữ thì tôi lại thấy nhẹ nhàng. Bởi vì đã từng có kinh nghiệm viết “thập cẩm” đủ thể loại, cùng với kho tàng “lượm lặt”, “hóng hớt” bấy nay nên để nhào nặn vào một kịch bản sân khấu yêu cầu về sự hấp dẫn của “trò nhời” không phải là vật cản lớn với tôi.

Kịch bản hoàn thành, tôi có gửi cho bố xem đầu tiên. Ông có góp ý tí chút và phán rằng “được”. Thế là tôi yên tâm đưa cho nhà sản xuất. Tuy vậy, vẫn không tránh khỏi hồi hộp. Khoảng 10 ngày sau tôi mới lò dò hỏi thăm thì được biết ai đọc kịch bản cũng đều hài lòng. 

Đầu tiên, phía đơn vị sản xuất chỉ định làm chương trình để in đĩa và bán cho một số đài truyền hình phát sóng trong ngày 23 tháng chạp. Nhưng vì kịch bản tốt nên đạo diễn, NSƯT Chí Trung đã đề nghị làm chương trình để biểu diễn bán vé. Điều này khiến tôi và nhà sản xuất rất bất ngờ, vui mừng.

- Thuyết phục được NSƯT Chí Trung hẳn không phải là điều dễ dàng khi ông đã gắn bó với những chương trình Táo quân nhiều năm nay? 

+ Tôi và anh Chí Trung đã từng biết nhau cách đây gần chục năm, thời điểm tôi đi viết báo. Khi viết Táo quân, tôi không làm trực tiếp với anh ấy mà qua đơn vị sản xuất. Nên khi đọc kịch bản, thấy tên tác giả, anh Chí Trung đã gọi điện cho tôi để xác minh xem biên kịch Huệ Ninh có phải cô phóng viên ngày xưa không.

Sau khi diễn lần thứ nhất cho khán giả xong thì tôi mới gặp anh ấy cùng cả kíp thực hiện. Anh Chí Trung nói: “Kịch bản này tập khá mệt. Nhưng chúng tôi đã làm hết sức mình. Không phải kinh phí mà đơn vị sản xuất mang đến, cũng không phải vì Táo - vì chúng tôi làm Táo 15 năm nay rồi. Tuy nhiên, Táo cười đón xuân lại khiến chúng tôi hết sức hào hứng vì kịch bản của Huệ Ninh là một kịch bản tốt”.

- "Chọc cười" khán giả bằng Táo quân tưởng dễ mà khó, đúng không ạ?

+ "Chọc cười" khán giả chưa bao giờ là dễ dàng cả. Viết Táo thì phải hướng đến các vấn đề nóng bỏng trong năm. Tuy nhiên, không muốn đi theo lối mòn của các chương trình Táo quân khác nên tôi quyết định đưa Táo về đúng với quan niệm dân gian, tức là chỉ cần đến một bộ vợ chồng Táo ( 2 ông 1 bà) để chuyển tải nội dung. 

"Táo cười đón xuân" bắt đầu bằng tình huống nhà Táo bị mất bản báo cáo trước buổi chầu trời, phải triệu ba thổ thần cai quản ba vùng Bắc, Trung, Nam lên làm lại. Nội dung mà các thổ thần nêu đã khái quát được tất cả các mặt về đời sống xã hội của vùng đất, con người Việt Nam trong suốt năm Bính Thân vừa qua một cách sinh động, hài hước, thuyết phục. Từ đó đem đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái, và để lại nhiều chiêm nghiệm về nhân tình thế thái.

Tôi không ủng hộ cái cười dung tục. Chính vì thế, cái cười ở đây không phải sự bới móc, miệt thị mà là sự thấu hiểu bản chất mọi vấn đề để cùng rút kinh nghiệm, cùng chung tay góp phần khắc phục và hoàn thiện hơn trong cuộc sống của mình.

Lời nhận xét của anh Chí Trung, cùng với những tràng cười, tràng pháo tay của khán giả là phần thưởng lớn với tôi trong con đường sự nghiệp chông gai tiếp theo

- Thành công ở ngay kịch bản sân khấu đầu tay, nhưng với chị, khó khăn khi viết kịch bản hài là gì?

+ Với tôi, cái khó nhất khi sáng tác kịch bản, dù sân khấu hay điện ảnh đều ở tình huống gay cấn, hấp dẫn, thuyết phục. Khi chọn được một tình huống tốt mọi thứ sẽ tự nhiên đến và hoàn thiện

Tôi cho rằng, nếu nhìn về mặt số lượng các chương trình thì sân khấu hài hiện nay vẫn đang phát triển. Tuy nhiên, cũng như tình hình sân khấu nói chung, sân khấu hài vẫn thiếu những cây bút chuyên nghiệp, kịch bản hài chủ yếu là tiểu phẩm, ít những kịch bản dài hơi. Vấn đề thiếu người tài vẫn là mấu chốt để giải quyết những tình hình trên.

- Cảm ơn chị!

Nhà viết kịch Chu Thơm: Hài nhảm đang lũng đoạn giờ "vàng"

Tiếng cười trên sân khấu được ví như muối trong đồ ăn. Cho ít thì nhạt, cho nhiều quá thì mặn chát, khó nuốt. Sự hài hước dí dỏm cũng vậy, phải đúng lúc, đúng chỗ. Thế mà mười năm trở lại đây khán giả truyền hình ngày nào cũng phải nuốt những chương trình nghệ thuật khi thì nhạt thếch, khi thì mặn chát của những chương trình hài nhảm.

Việc đầu tiên của những người làm chương trình là chuẩn bị các con "chim mồi". Họ khoác lên các diễn viên hài tên gọi “danh hài” để câu khách. Trong một chương trình càng có nhiều “danh hài” càng hút khách. Rồi dần dà, những danh hài được phong vì mục đích bán buôn ấy xuất hiện ở hầu hết các chương trình hài, thậm chí còn ngồi giám khảo các chương trình thi hài khác. Khổ nỗi, như một phản xạ có điều kiện, nhiều khán giả bắt đầu “nghiền” các “danh hài” ấy, đến nỗi ngày nào cũng chờ mong họ xuất hiện trên tivi vẽ mặt bôi hề, nói năng ba láp.

Chính vì vậy, hài nhảm đã lên ngôi lúc nào không biết, chiếm thế thượng phong, chiếm sóng giờ vàng các đài truyền hình. Các diễn viên hài lên ngôi, chạy show làm giàu bằng hài nhảm. Để “đáp ứng “nhu cầu cần tiếng cười của khán giả, các chương trình hài được sản xuất theo kiểu "mỳ ăn liền" mà yếu tố dung tục, nhảm nhí được đưa lên hàng đầu, lấn át sự đứng đắn, tử tế. 

Các diễn viên hài vì lao vào guồng quay liên tục của các chương trình nên dần cạn vốn và hết duyên hài. Họ tìm cách biến những tác phẩm kinh điển sân khấu, kho tàng truyền thuyết, truyện cổ tích… trở thành miếng “mồi ngon” để bóp méo chọc cười khán giả. Có những diễn viên hài vì xuất hiện ở quá nhiều gameshow đã trở nên “ba sàm”, thành thảm họa trong mắt đồng nghiệp và người hâm mộ khi tự biên, tự diễn những chương trình dung tục, rẻ tiền với ngôn ngữ "hàng tôm, hàng cá"…

Việc hài nhảm lên ngôi, chiếm giờ vàng của truyền hình không chỉ “cướp khách” của các đơn vị nghệ thuật với những nghệ sỹ tài năng trong các chương trình dàn dựng công phu mà còn đánh bạt các sân chơi tri thức. Việc “Ơn giời! Cậu đây rồi” lên sóng VTV, “Cười là thua”, “Aha” lên HTV7, “Tài tiếu tuyệt” lên HTV2... khiến các chương trình thuần Việt gần như bị tuyệt chủng. Những chương trình kém ngày càng nhiều “giật văn hóa, giật thẩm mỹ của khán giả xuống đến mức lệch lạc, lệch hướng khiến chúng tôi là người vừa quản lý vừa trực tiếp tham gia những gameshow đó cũng bị mất định hướng” - NSND Hồng Vân chia sẻ.

Nguyên nhân hài nhảm lên ngôi, chiếm sóng các giờ vàng của truyền hình, tôi cho rằng: Sở dĩ nhiều gameshow hài vô bổ và thậm chí phản văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục nhưng vẫn được phát sóng rầm rộ trên truyền hình vì lợi nhuận của truyền hình thực tế quá lớn. 

Vài trăm triệu cho mấy chục giây quảng cáo, hàng tỷ đồng cho các tin nhắn bình chọn đã khiến những người "quản sóng" chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ những yếu tố khác. Nếu có sự giám sát chặt chẽ thì không bao giờ để những ồn ào như thế xảy ra trong một thời gian quá dài như vậy.

Nhiều người vẫn hy vọng rồi một ngày trên truyền hình sẽ có những chương trình hài tử tế. Tác giả là những nhà viết kịch vừa có tài lại vừa có tâm và những diễn viên hài khi đó không cần phải nhe răng, trợn mắt, giả gái, để chọc cười, mà sẽ chỉ cần nói những lời thoại dí dỏm như những anh hề gậy, hề mồi trong chèo cổ vẫn mang lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả.

NSƯT Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Kịch bản hài không thể thiếu hơi thở đời sống

- Thưa NSƯT Chí Trung, vừa tham gia biểu diễn, vừa là đạo diễn gắn bó với sân khấu hài nhiều năm qua, ông có nhận xét gì về tình hình kịch bản sân khấu hài hiện nay?

+ Tôi cho rằng hài kịch là món đặc sản nên lúc nào cũng thiếu. Bên cạnh chính kịch, hài kịch là một phần quan trọng của đời sống sân khấu. Nhưng lâu nay, cả hai lĩnh vực này đều không sống được bằng chính bầu sữa của mình. Điều này cũng có nghĩa sân khấu không tồn tại đúng nghĩa của nó. Các cụ xưa có câu "Có tích mới dựng nên trò" hay "Có cốt mới gột nên hồ", lâu nay chúng ta ít tích, thiếu tích vì đãi ngộ cho tác giả còn thấp quá.

Hằng năm, Hội Nghệ sĩ sân khấu có tổ chức những trại sáng tác kịch bản, nhưng phần lớn những kịch bản này không sử dụng được vì thiếu vắng hơi thở cuộc sống. Chính vì thế, cách làm này không thực sự hiệu quả. Để có được một chương trình hài thành công là kết quả của nhiều yếu tố. 

Thực tế là có một kịch bản hài hay ở thời điểm này khó vô cùng, dù truyền hình vẫn nhan nhản tiểu phẩm hài. Là người làm hài nên tôi thấy rất rõ hài chia làm 2 dòng. Một dòng hài bình dân, lấy việc chọc cười cơ học làm đích đến, thường khai thác sự dị biệt về ngoại hình để chọc cười. Dòng thứ hai là hài cốt truyện, có chi tiết. Có người hỏi tôi: Theo anh hài Bắc hay hài Nam hay? 

Tôi trả lời: Khi nào anh trả lời được câu hỏi phở Hà Nội ngon hơn hay hủ tiếu Nam Vang ngon hơn thì tôi trả lời anh câu hỏi trên. Suy cho cùng, hài miền Bắc và miền Nam khác nhau vì gu thưởng thức của khán giả hai miền khác nhau. Về phía Nhà hát Tuổi trẻ chúng tôi chú trọng tới những kịch bản hài được đầu tư kỹ lưỡng, thể hiện bởi những nghệ sĩ tài năng. Không chọc cười bằng cách xoáy vào khiếm khuyết của người khác mà là tiếng cười nhân văn, sâu sắc.

- Trong điều kiện eo hẹp về nguồn kịch bản như vậy, đâu là cách để các đoàn "vượt khó" thưa NSƯT Chí Trung?

+ Phải nói thật là giờ đây, tìm được một kịch bản hài dài hơi khó như mò kim đáy bể. Trước đây có một số tác giả viết hài kịch khá chắc tay như Tất Đạt, Phạm Văn Quý, Vương Huyền Cơ... nhưng số lượng này không nhiều. Bản thân các nhà biên kịch cũng chia sẻ viết hài kịch dưới dạng tiểu phẩm ngắn dễ hơn. Trong điều kiện đó, chúng tôi phải "liệu cơm gắp mắm", xây dựng chương trình là tập hợp từ 3 - 5 tiểu phẩm. Những chương trình như vậy cũng khá phù hợp với tâm lý thưởng thức của khán giả.

Bên cạnh đó, chúng tôi tìm về với những kịch bản kinh điển của thế giới như  "Quan thanh tra" hay của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ như "Ai là thủ phạm", "Lời nói dối cuối cùng"... Tôi rất tâm đắc với những tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tự thân trong mỗi vở kịch của anh, dù viết về vấn đề gì thì trong đó yếu tố hài hước cũng rất đậm nét. Tôi chỉ nhấn nhá thêm trên nền những chi tiết hài hước sâu sắc. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng kịch bản. Với những tác phẩm chất lượng không cao thì việc đưa hài vào rất dễ bị dung tục, phản cảm.

Gần đây, một số tác giả miền Nam cũng chuyển cho tôi một số kịch bản để dàn dựng như "Ai sợ ai", "Đàn ông có bầu"... cũng khá thú vị.

- Là người có thâm niên trong việc "chọc cười" khán giả, anh thấy gu của khán giả ngày nay thế nào?

+ Sân khấu nói riêng, nghệ thuật nói chung, để chinh phục được khán giả không hề đơn giản. Trình độ khán giả tăng lên không ngừng. Các nghệ sĩ không tự nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ không thể thu hút được công chúng. Đó cũng là điều mà chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhau để có thể đồng hành cùng khán giả.

- Nhiều người cho rằng, chúng ta đang thiếu vắng đội ngũ sáng tác tài năng, chuyên nghiệp... Thấy thế, anh có sốt ruột không?

+ Không sốt ruột được vì sáng tác phải là nhu cầu tự thân của chính tác giả mới mong có được sáng tác hay. Bên cạnh đó, sự cọ xát cũng là một trong những yếu tố quan trọng để tìm được những tác phẩm có giá trị thật sự, mà lâu nay sân khấu Hà Nội chưa quen với việc này. Gần đây, có một số cây bút trẻ viết hài khá "duyên" như Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Toàn Thắng... Những cây bút này có nhiều ý tưởng mới, tuy nhiên, chưa thật sự có đột phá về phong cách.

Đầu xuân mới này, tôi đang ấp ủ ý tưởng sẽ xây dựng một Câu lạc bộ "Vui đời" trong đó có kêu gọi khoảng 5 - 7 tác giả viết được, sẽ đặt hàng theo ý tưởng của mình. Hy vọng đó sẽ là nguồn kịch bản dài dài đáp ứng được yêu cầu của sân khấu kịch.

- Xin cảm ơn NSƯT Chí Trung! 

Thảo Duyên - Tuấn Phong (thực hiện)
.
.