Sân khấu Hà Nội 2018: Kỳ vọng nào từ những “làn gió mới”
"Đổi món" với các đạo diễn mới
Những ngày cuối năm 2017, sân khấu Hà Nội vừa đón nhận một tin vui: vui sau nhiều năm vắng bóng, lần đầu tiên một sân khấu kịch tư nhân do NSƯT Trần Lực làm "thủ lĩnh" chính thức ra mắt. Đoàn kịch tư nhân có tên Luc Team đã có buổi ra mắt báo chí và khán giả một cách đầy phấn khích, trẻ trung với vở kịch "Cơn ghen của Lọ Lem" được dàn dựng theo phong cách mới mẻ được nhiều người ví von là "cơn gió lạ" của sân khấu Thủ đô trong những ngày cuối năm.
NSƯT Trần Lực chia sẻ rằng, ông từng manh nha ý định thành lập một đoàn kịch tư nhân từ cách đây hơn 20 năm - khi phong trào thành lập các đoàn kịch tư nhân đang nở rộ tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên khi đó, sân khấu Hà Nội vẫn đang trong cơn khủng hoảng, rất nhiều nghệ sĩ bỏ nghề, lại thêm những vướng mắc về cơ chế nên giấc mơ của Trần Lực đã không thành hiện thực.
Một lần nữa, cách đây 12 năm Trần Lực và một số người bạn của mình lại quyết tâm thành lập đoàn kịch tư nhân nhưng rồi lại đành phải bỏ dở vì những khó khăn trong việc tìm địa điểm cho đoàn tập luyện và biểu diễn.
Một cảnh trong vở "Khát vọng" của đạo diễn - NSƯT Lâm Tùng vừa đoạt 6 Huy chương tại Trung Quốc. |
Đến tận cuối năm 2017, NSƯT Trần Lực mới biến được giấc mơ còn dang dở với sân khấu trở thành hiện thực. Nghệ sĩ Trần Lực vốn được đào tạo chuyên ngành đạo diễn sân khấu ở nước ngoài nhưng khi về nước anh chỉ được biết đến ở vai trò là diễn viên. Mãi đến năm 2016, anh mới dựng vở "Quẫn" cùng các học trò của mình ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh để đi dự Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2016 và nhận được nhiều lời khen ngợi, động viên, nghệ sĩ Trần Lực mới thêm quyết tâm phải thành lập cho được đoàn kịch của riêng mình để bản thân và các học trò của mình có đất "dụng võ".
Việc thành lập, duy trì một đoàn kịch trong bối cảnh hiện nay là điều không dễ dàng và Trần Lực hoàn toàn ý thức được điều này khi thừa nhận là mình vẫn rất "liều lĩnh", song ý tưởng của anh nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp, gia đình. Đêm 7-1 vừa qua, đoàn kịch Luc Team đã công diễn vở hài kịch "Quẫn" của cố tác giả Lộng Chương nhân 100 năm ngày sinh của ông. Phiên bản biểu diễn lần này có sự tham gia diễn xuất của NSND Lê Khanh và được bổ sung những mảng miếng điêu luyện, công phu hơn.
Xuất hiện với vai trò đạo diễn, NSƯT Trần Lực mong muốn đem phương thức dàn dựng một vở kịch theo cách "sân khấu ước lệ - ngôn ngữ biểu hiện" thay thế cho phương pháp "hiện thực - tâm lý" vốn được các nhà hát, các đoàn kịch ở miền Bắc sử dụng trong suốt một thời gian dài sẽ đem đến cho khán giả những cảm nhận mới mẻ về sân khấu kịch nói Hà Nội.
Bên cạnh đó, còn có một tin vui khác đó là vở "Khát vọng" (chuyển thể từ truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông của nhà văn Nguyễn Quang Thiều) do Đại tá, nhà văn Tạ Xuyên chuyển thể; đạo diễn: NSƯT Lâm Tùng tham gia Sân khấu thanh niên La Hồ (Thẩm Quyến - Trung Quốc) ngày 29, 30-11-2017 vừa qua được ban giám khảo đánh giá cao và nhận được 6 giải thưởng: Vở diễn xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Thiết kế sân khấu xuất sắc nhất, Diễn viên Ngô Thuận đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất, NSƯT Lâm Tùng đoạt giải nam diễn viên xuất sắc nhất.
Người vui mừng nhất trong ekip không ai khác NSƯT Lâm Tùng khi anh đoạt 1 lúc 2 giải thưởng lớn là "Đạo diễn xuất sắc nhất" và "Nam diễn viên xuất sắc nhất". Thực ra, Lâm Tùng không vui sao được khi đây là vở diễn đầu tay của anh và những giải thưởng mà anh và ekip đã đạt được thực sự đầy bất ngờ. Đạo diễn Lâm Tùng chia sẻ, sau gần 20 năm gắn bó với nghiệp diễn viên, sau khi kết thúc khóa học đạo diễn anh đã chọn kịch bản "Khát vọng" để thử sức mình.
Đây thực sự là một thử thách không dễ vượt qua, bởi lẽ cách đây 25 năm, vở kịch này đã từng gây tiếng vang lớn khi được Đoàn kịch nói Quân đội, nay là Nhà hát kịch Quân đội dàn dựng. Chưa kể sau đó, với phim truyền hình "Lời nguyền của dòng sông" cũng chuyển thể từ tác phẩm "Mùa hoa cải bên sông" do NSND Khải Hưng làm đạo diễn đã không chỉ được khán giả yêu thích mà còn giành được nhiều giải thưởng lớn ở trong nước và quốc tế.
Chính vì thế, Lâm Tùng tâm sự rằng, đó là những "cái bóng lớn" khó mà vượt qua, nhưng anh luôn tâm niệm rằng phải làm sao để đứa con tinh thần của mình mang một hình hài, một dáng dấp riêng. Với những thành công này chắc hẳn sẽ là động lực quan trọng để một "đạo diễn mới" như Lâm Tùng có thêm sự tự tin cũng như ý chí để tiếp tục dấn thân với nghề và chinh phục những đỉnh cao mới.
Kỳ vọng vào một "làn gió mới"?
Cách đây chừng hơn 10 năm, "phong trào" các diễn viên đăng ký đi học đạo diễn vô cùng đông đảo. Nói là phong trào cũng không sai chút nào, bởi lẽ rất nhiều nghệ sĩ đã thành danh, ghi dấu ấn trong lòng công chúng, là NSƯT thậm chí có cả NSND đăng ký theo học các lớp đạo diễn tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Trong đó có thể kể đến như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Anh Tú, NSƯT Quốc Anh, NSƯT Hoàng Quỳnh Mai...
Đạo diễn - NSƯT Trần Lực và các diễn viên biểu diễn vở "Cơn ghen của Lọ Lem" trong ngày ra mắt đoàn kịch tư nhân Luc Team. |
Có nhiều lý giải cho việc này, song tựu trung lại hình như là vì các nghệ sĩ đều muốn kéo dài tuổi nghề của mình, trong khi đó tuổi đời đã dần lớn lên, cơ hội có những vai lớn yêu thích cũng ít dần đi. Vì thế, các nghệ sĩ lựa chọn cách học đạo diễn vừa để thử một vai trò mới và cũng là cơ hội có thể gắn bó với sân khấu lâu dài. Trong số những nghệ sĩ là diễn viên "rẽ ngang" sang học đạo diễn, thành công nhất phải kể đến đó là NSƯT Anh Tú và NSƯT Hoàng Quỳnh Mai (đến nay cả 2 nghệ sĩ này đều đã được "thăng cấp" lên thành... NSND).
Đạo diễn Anh Tú với vở diễn tốt nghiệp là vở kịch thơ rất khó nhằn có tên "Kiều Loan", đến nay khi đã là Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, NSND Anh Tú vẫn là người chuyên chinh phục những vở diễn có tính kinh điển như "Hamlet", "Kiều", "Romeo và Juliet"... và vở diễn nào cũng để lại dấu ấn đậm nét.
Bên cạnh đó, Hoàng Quỳnh Mai hiện đang là nữ đạo diễn "chọc chời khuấy nước" duy nhất ở miền Bắc và trong lãnh địa kịch hát truyền thống nên lúc nào cũng bận mù mịt với những "đơn hàng nghệ thuật" nối đuôi nhau. Phải nói rằng, sau những thành công vang dội của thế hệ các đạo diễn lão làng như "bộ tứ NSND" Phạm Thị Thành - Doãn Hoàng Giang - Lê Hùng - Xuân Huyền, thì các đạo diễn thế hệ kế cận như Anh Tú, Hoàng Quỳnh Mai cũng thực sự đem đến cho sân khấu Hà Nội những làn gió mới trong hàng chục năm qua.
Tuy nhiên có thể thấy rằng, lực lượng đạo diễn mới (vì họ hầu hết đều không còn trẻ nữa) thực sự làm nghề đạo diễn và đứng được với nghề cũng không có nhiều. Đã có nhiều ý kiến, nhiều cuộc hội thảo đề cập mức báo động về tình trạng thiếu hụt một lực lượng đạo diễn trẻ, nhưng theo ý kiến của đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai: "Nghề đạo diễn là một nghề rất khó và nghiệt ngã. Đạo diễn thực sự là "nghề chọn người" chứ người không chọn được nghề!". Có lẽ bởi thế mới thành câu chuyện vẫn lưu truyền trong giới đạo diễn sân khấu rằng "Kẻ ăn không hết, người lần không ra". Và nghịch lý này xem ra chưa thể hóa giải trong bối cảnh hiện nay.
Chính vì thế, sự xuất hiện và thành công của hai đạo diễn mới - tạm gọi là "hai ngôi sao mới nổi" của giới đạo diễn là NSƯT Trần Lực với vai trò là thủ lĩnh của Luc Team và NSƯT Lâm Tùng với những thành công có thể nói là đáng nể trong thời gian vừa qua, sẽ tiếp tục mang đến cho sân khấu kịch Thủ đô những làn gió mới đáng để cho những người yêu sân khấu kỳ vọng vào những thay đổi tích cực trong năm 2018.
Dẫu biết rằng, mỗi năm một nhà hát chỉ có thể dựng 2-4 vở diễn lớn và cơ hội dành cho các "đạo diễn trẻ - đạo diễn mới" là khá ít ỏi, rằng lý thuyết là phải "chọn mặt gửi vàng". Song có thể thấy rằng, nếu như đủ sức lực, đủ đam mê và đủ dũng cảm như Trần Lực, chắc hẳn sân khấu sẽ còn được chứng kiến nhiều thay đổi đáng ngạc nhiên, đáng vui mừng và đáng kỳ vọng hơn nữa. Nhưng rất tiếc phải nói rằng, nghệ sĩ miền Bắc đa phần là những người ưa sự an toàn, ngại mạo hiểm. Và người có "máu liều" như đạo diễn, NSƯT Trần Lực quả là không nhiều...