Sân khấu Hà Nội 2008: Sự im lặng khó hiểu

Thứ Ba, 25/11/2008, 14:00
Đã là những tháng cuối cùng của năm 2008, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã có thông báo về việc xét tặng giải thưởng Sân khấu thường niên, nhưng nhìn lại cả một năm hoạt động của các đoàn nghệ thuật đóng tại Hà Nội thì đây quả là một năm quá đỗi... lạnh lẽo.

Các nhà hát đều cho biết đã thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch biểu diễn, nhưng nhiều đoàn lại chưa cho ra mắt công chúng một vở diễn mới nào. Họ đang im lặng một cách khó hiểu trước khán giả và trước cả chính mình

Đã vài năm nay dư luận, báo chí luôn đặt câu hỏi về sự tồn tại hay không tồn tại của hơn 20 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương và Hà Nội trên địa bàn thủ đô. Nhưng năm 2008 này, tình hình còn có phần "ảm đạm" hơn nữa. Trong khi đó, ở TP Hồ Chí Minh, báo chí vẫn liên tục đưa tin công diễn các vở diễn mới, các vở diễn phục dựng của sân khấu, các nhà hát.

Điểm sơ sơ có thể thấy, sân khấu Phú Nhuận có "Người vợ ma", "Trai mới lớn", "Kỹ nghệ lấy Tây"; sân khấu kịch Sài Gòn có "Trớ trêu", "Hồn ma báo oán"; sân khấu IDECAF có "Hợp đồng mãnh thú", "Sát thủ hai mảnh", "Cũng cần có nhau"; sân khấu kịch T. Hồ Chí Minh vừa cho ra mắt "Tả quân Lê Văn Duyệt"; sân khấu 5B có các vở "Đời có đợi anh không", "Người điên trong ngôi nhà cổ"... ở cái thành phố ồn ã vẫn bị nhiều nghệ sĩ đất

Bắc nhận xét là người dân toàn "mặc áo phông, quần soọc đi xem kịch" này, các nhà hát vẫn liên tục đỏ đèn, có cả những suất diễn ban ngày vào các dịp lễ tết, thì ở Hà Nội toàn cảnh sân khấu là một bức tranh hết sức ảm đạm. Ngay cả dịp cuối tuần thì cảnh tối lửa tắt đèn có thể thấy ở nhiều nhà hát từng có tiếng tăm như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội.

Một số ý kiến quan tâm còn cho rằng, năm 2008 này nếu không có "vụ" "Đề án dựng 100 kiệt tác sân khấu thế giới" của Nhà hát Tuổi trẻ gây xôn xao dư luận cả nước và cuộc thi "Tài năng trẻ sân khấu kịch nói" diễn ra tại Hải Phòng thì sân khấu Hà Nội như đang chìm trong một giấc ngủ dài.

Nói như vậy có lẽ chỉ "oan" cho một cái tên, đó là Nhà hát Tuổi trẻ. Là một nhà hát còn trẻ, năng động, tụ hợp được nhiều gương mặt diễn viên hàng "sao" nên xem ra mọi việc với họ vẫn xôm trò hơn cả. Trong thời gian qua, đây là địa chỉ được báo chí nhắc đến nhiều với các vở mới, trích đoạn hay các hoạt động khác của nhà hát như tham gia một số Festival sân khấu quốc tế và khu vực...

Bên cạnh những "Đời cười", những vở ngăn ngắn, vui vui mang tính "thời sự" phục vụ tết, Ngày quốc tế thiếu nhi, tết Trung thu của nhà hát vẫn bị giới phê bình chê là "mì ăn liền" thì nhà hát vẫn liên tục dựng vở mới, phục dựng những vở diễn cũ, cho nên kịch mục của Nhà hát Tuổi trẻ khá phong phú, thu hút nhiều đối tượng khán giả.

Vở "Âm mưu và tình yêu" được dựng rất công phu, kinh phí lên tới hàng tỉ đồng. Mới đây nhất, nhà hát lại tiếp tục tung ra chùm hài kịch "Học giả", "Tri ân"…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cho đến lúc này nhiều nhà hát chưa hoàn thành vở mới nào sau gần một năm hoạt động.

Có lẽ vì thế, sự tối lửa tắt đèn là điều trở nên... dễ hiểu. Không có vở mới, hoạt động mới, không được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến, thì làm sao các nhà hát lại đòi hỏi khán giả phải nhớ tới mình?

Ấy vậy mà khi hỏi về những suất diễn theo chỉ tiêu hàng năm thì những người có trách nhiệm của các nhà hát đều hồ hởi thông báo rằng đã, hoặc sắp hoàn thành chỉ tiêu 150 hay 200 suất diễn/năm. Nhưng điều "mở ngoặc" ở đây là: "Chủ yếu đi lưu diễn ở các tỉnh xa xôi, miền núi phục vụ đồng bào chiến sĩ".

Điều này xem ra nghịch lý, bởi ngay giữa thủ đô mà một đoàn nghệ thuật khó có cơ hội đỏ đèn, lại phải đi tỉnh mới có đêm diễn để tính vào… chỉ tiêu.

Gặng hỏi mãi, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam mới "tiết lộ" cho chúng tôi biết tên hai vở diễn mà nhà hát đang (hoặc sắp) dàn dựng là "Bến nước Ngũ Bồ" và "Con côi họ Triệu". Đặt câu hỏi rằng: "Vậy 200 đêm diễn chỉ tiêu mà đoàn các anh đạt được là bởi diễn vở gì?" thì được biết đó là "Cung phi Điểm Bích", "Dấu ấn giao thời" và một số trích đoạn được dựng từ đầu năm ngoái.

Lý do muôn thuở của việc chưa có vở mới mà các nhà hát đưa ra là "bận đi lưu diễn". Mới đây, Nhà hát Tuồng Trung ương mới thu hút sự chú ý của công luận bởi quyết định mở cửa đón khách du lịch vào thứ tư và thứ năm hàng tuần với một số trích đoạn tiêu biểu như "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo", "Ông già cõng vợ đi xem hội"... Tuy vẫn còn vắng vẻ dù giá vé cho khách quốc tế khá rẻ (50.000đồng/vé), song nó thể hiện sự mày mò tìm lối đi, bắt đầu vận động của một đơn vị nghệ thuật truyền thống luôn "đầy khó khăn và kinh phí eo hẹp".

Hiện nay nhà hát cũng vẫn trong tình trạng "đang dựng" hai vở mới, đó là "Lời thề diệm thiên hùng" và phục dựng vở "Ngọn lửa Hồng Sơn" (vừa ra mắt cuối tuần trước).

Điều này cũng cho thấy một điều chua xót rằng, các đơn vị nghệ thuật hiện nay vẫn hoạt động chủ yếu theo kiểu "bao cấp": Nhà nước hàng năm cấp cho một "cục" tiền, yêu cầu phải dựng một vài vở gì đó, diễn phục vụ công chúng khoảng 100-200 đêm. Vậy là các đơn vị cứ thế làm, cốt cho đủ chỉ tiêu, cho xong kế hoạch…

Trao đổi với chúng, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Nguyễn Anh Dũng cho biết, nhà hát này đang dựng vở "Linh hồn đông lạnh", "Gái hạng sang" và phục dựng vở "Nhân danh công lý".

Có nghĩa là đến giờ này, nhà hát vẫn chưa hoàn thành vở mới nào để ra mắt khán giả. Các đêm diễn chỉ tiêu của "Anh Cả đỏ" vẫn là những cái tên cũ mèm như "Hàng xóm chung cư", "Chia tay hoàng hôn", "Tội lỗi" và mới nhất là "Cuội buôn quan" được dựng từ... trước tết năm ngoái.

Nghệ sĩ Anh Dũng than thở về chuyện tuy là "Anh Cả đỏ" nhưng thực tế Nhà hát Kịch Việt Nam hiện không có nhà hát, mà chỉ có cái rạp bé tí ở trong ngõ với 152 ghế ngồi, dùng làm sàn tập cũng quá chật chội nữa là mong "hút" được khán giả tới rạp.

Vì thế nhà hát gặp vô vàn khó khăn, luôn trong tình trạng giật gấu vá vai vì không có cơ sở vật chất. "Trong thời kỳ lạm phát thế này, với đồng lương hơn 1 triệu/tháng và tiền thù lao mỗi đêm diễn từ 50 đến100 ngàn thì diễn viên chỉ đủ… ăn cháo. Vì thế họ phải làm đủ nghề để kiếm sống, từ tham gia lồng tiếng, đóng phim truyền hình đến bán cà phê, quần áo, xe máy…".

Giám đốc Anh Dũng cho rằng, nếu có một "nơi ăn chốn ở" đàng hoàng thì nhà hát sẽ diễn nhiều hơn, thu nhập nhiều hơn và đời sống anh chị em diễn viên sẽ bớt khó khăn hơn.  Thế nhưng xem ra niềm hy vọng của nghệ sĩ Anh Dũng là hơi... "duy ý  chí"! Bởi vì, ngay trên địa bàn thủ đô, nhiều nhà hát có vị trí đắc địa song vẫn phải sống chung với cảnh như... "chùa Bà Đanh".

Nhà hát Chèo Việt Nam rất bề thế tọa lạc ngay ở một ngã tư trên phố chính Kim Mã nhưng năm nay cũng mới dựng được một vở là "Mảnh gương nhân sự"; Nhà hát Chèo Hà Nội nằm ngay phố Nguyễn Đình Chiểu năm nay cũng chỉ phục dựng 2 vở là "Quan âm Thị Kính" và "Nàng Sita".

Đây là những vở diễn nằm trong đề án "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống Hà Nội" với kinh phí lên tới 9 tỉ đồng. Nhà hát Kịch Hà Nội nằm ngay trên con phố thương mại Tràng Tiền, vậy mà vẫn phải sống chung với cảnh ế ẩm chợ chiều.

Hiện nay, nhà hát lại nhận được kinh phí nâng cấp cải tạo nên anh em diễn viên phải "dạt" về ở tạm ở trụ sở số 8B Tạ Hiền nên hoạt động trong tâm trạng… chờ đợi. NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, đơn vị đang "chuẩn bị" dựng 2 vở là "Nghề nuôi vẹt" và "Ngôi nhà đầm ấm" để nếu kịp sẽ gửi tham gia xét giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu năm nay.

Buồn thay, sau một năm hoạt động với hàng ngàn cán bộ diễn viên và nguồn ngân sách bỏ ra không nhỏ, thì những gì sân khấu Hà Nội làm được còn quá ít ỏi, mờ nhạt. Hồi giữa năm nay, có quan điểm đưa ra là phải xã hội hóa, cổ phần hóa các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội thì lập tức nhận được những ý kiến phản đối gay gắt, quyết liệt.

Nhiều người cho rằng "Làm như thế là “giết” các đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống, rằng chẳng bao lâu sẽ làm tan rã những đơn vị đã làm tốt sứ mệnh chính trị suốt mấy chục năm, qua hai cuộc kháng chiến...". Song thực tế cho thấy, sân khấu kịch Hà Nội đang cần phải đánh động bằng một cuộc "đại phẫu" thực sự thì may ra mới có sự thay đổi

Nguyệt Hà
.
.