Phòng, chống tội phạm dưới góc nhìn văn hóa

Thứ Hai, 09/07/2018, 08:01
Vấn nạn tham nhũng ngăn cản sự phát triển của đất nước, gây phẫn nộ trong dân chúng, đương nhiên theo lẽ công bằng những đối tượng tham nhũng phải bị nghiêm trị, tiền tham ô, tham nhũng phải bị thu hồi, trả lại cho nước, cho dân.


Trên mặt trận đấu tranh, phòng chống tội phạm, mồ hôi và máu của những người trực tiếp tham gia đấu tranh, trấn áp tội phạm mà nòng cốt là lực lượng Công an đã đổ. Nếu thời xưa, những tướng lĩnh ra trận diệt giặc, giữ gìn độc lập của dân tộc được người dân ghi ơn, tôn vinh thì thời nay, những người lập công đấu tranh với tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cũng đã được Đảng, Nhà nước tôn vinh, nhiều người được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực  lượng vũ trang nhân dân.

Vấn nạn tham nhũng ngăn cản sự phát triển của đất nước, gây phẫn nộ trong dân chúng, đương nhiên theo lẽ công bằng những đối tượng tham nhũng phải bị nghiêm trị, tiền tham ô, tham nhũng phải bị thu hồi, trả lại cho nước, cho dân.

Vừa qua, Đảng và Nhà nước ta quyết liệt phòng, chống tham nhũng, trong đó có vai trò chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần phanh phui, xét xử nhiều đại án tham nhũng, xử lý nghiêm những cán bộ, lãnh đạo thoái hóa biến chất. "Lò" đã nóng và ngày càng nóng, củi tươi củi ướt cũng đã cháy. Nhân dân đồng tình ủng hộ và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến diệt giặc "nội xâm" này.

Nguyễn Trãi, qua thực tiễn 10 năm theo phò Lê Lợi kháng chiến chống giặc Minh, đã minh định, sáng tỏ: "Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân", "Lật thuyền mới biết dân như nước"... Người dân quyết định sinh mệnh xã hội nên việc tích cực, quyết tâm chống tham nhũng đã làm yên dân và thu phục được lòng dân, bảo đảm công lý được thực thi và những gì bất công, tiêu cực trong xã hội tất yếu phải bị diệt trừ.

Dưới góc độ văn hoá - nghệ thuật, các hành vi tham ô, đút lót, hối lộ, tư túi cá nhân, lạm dụng quyền lực... đã được phản ánh, phê phán, đả kích trong nhiều tác phẩm nghệ thuật của văn nghệ hiện đại. Tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 vừa qua, chống tham nhũng và suy đồi đạo đức là mảng đề tài nóng, thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận.

Một cảnh trong vở kịch "Lỡ hẹn" (của Đoàn kịch nói Công an nhân dân).

Người xem có dịp ngẫm sự đời, tự răn mình để sống tốt hơn, giữ thanh danh trong sạch, không làm những điều trái với lương tâm, không tham nhũng. Nghệ thuật đứng về phía người dân, bảo vệ công lý, lẽ phải, loại trừ cái ác, chống tội phạm, góp phần bảo vệ chế độ.

Văn hóa đóng vai trò quan trọng, là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Thực tế đã bộc lộ khoảng trống về văn hóa trong cách ứng xử giữa người và người trong xã hội và ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên, điển hình là vụ việc công ty Formosa gây ra "thảm họa" môi trường ở miền Trung.

Tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng cảnh báo kinh tế phát triển nhưng đạo đức thì xuống cấp. Nhiều người nhắc đến câu "bao giờ cho đến ngày xưa" với tâm thế đầy tiếc nuối. Tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn gia tăng đang trở thành nỗi lo trong đời sống cộng đồng.

Ngay cả những người trong một nhà cũng sát hại nhau; xuất hiện những vụ việc xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em đau lòng gây chấn động dư luận, thể hiện sự lệch lạc, suy đồi văn hóa. Văn hóa là toàn bộ sự tử tế của con người ứng xử với tự nhiên và xã hội, sự tử tế phải có điều kiện nhưng điều kiện đang dần biến mất. Ra đường chỉ vì một va chạm nhẹ, một cái nhìn thiếu thiện cảm cũng có thể là căn nguyên dẫn đến án mạng khiến nhiều người lo lắng, bất an.

Ngay cả môi trường giáo dục cũng xảy ra hàng loạt hành vi vô cảm, bạo lực, án mạng: trò đánh cô, cô tát trò, thầy dâm ô học sinh, rồi học sinh đánh nhau, lấy trộm tiền bạc của nhau. Bạo lực xảy ra cả ở bệnh viện, bác sỹ thẩm mỹ sát hại bệnh nhân, vứt xác.

Giá trị đạo đức, giá trị sống, những nguyên tắc ứng xử căn bản của xã hội bị đảo lộn, coi thường, xem nhẹ. Lối sống thực dụng, vụ lợi có xu hướng được đề cao. Đáng báo động, không ít vụ việc, vụ án tác động tiêu cực, gây hoang mang, khủng hoảng niềm tin trong dân chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Việc tốt như nhặt được của rơi trả người đánh mất là chuyện thường thấy ở thời xưa lại trở nên hiếm gặp ở thời nay. Trong một xã hội mà con người thiếu "an ninh" về tâm hồn, tâm không tĩnh ắt xảy ra tội phạm.

Đáng báo động là thực trạng trẻ hóa tội phạm, trong đó có tác nhân từ lối sống bị ảnh hưởng từ môi trường văn hóa và thiếu hụt kỹ năng sống, không được trang bị đầy đủ, kịp thời phông nền văn hóa. Trước một sự việc, nếu chủ thể là người ở độ tuổi trung niên thường chín chắn hơn, ứng xử đúng mực hơn, còn một số thanh, thiếu niên ứng xử lại thiếu chuẩn mực, sốc nổi.

Nguy hại hơn, nhiều người trẻ sống thiếu lý tưởng, suy nghĩ lệch lạc dẫn đến hành động lệch chuẩn và bi kịch tất yếu xảy ra. Đôi khi chỉ vì gặp phải thất bại trong sự nghiệp, công việc, chuyện tình cảm, gia đình, thiếu bản lĩnh nên hành động tiêu cực, thậm chí còn chối bỏ mạng sống của bản thân. Đó là chưa kể những hệ lụy khôn lường do ma túy, chất kích thích gây ra.

Tội phạm mạng cũng đang là vấn đề nan giải không chỉ đối với nước ta mà của toàn cầu. Các đối tượng đặt máy chủ ở nước ngoài, không cần nhập cảnh vẫn có thể thực hiện hành vi phạm tội, chỉ sau một nút bấm trên bàn phím cũng có thể khiến nhiều bị hại mất tiền của. Thời buổi giao lưu, hội nhập, internet phát triển, bên cạnh những tinh hoa du nhập luôn kèm theo mặt trái. Người nước ngoài vào Việt Nam gây án, phạm đủ các loại tội như giết người, trộm cắp, rửa tiền, lừa đảo... hoặc trốn nã.

Trong xã hội nông nghiệp thuần túy trước đây, nhiều nguyên tắc chuẩn mực ứng xử không cần quy định bằng văn bản mà có những điều đương nhiên mọi người phải tuân thủ (như hương ước ở các làng quê). Nhưng khi phát triển đến xã hội hiện đại thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những nguyên tắc chịu ảnh hưởng của phương Tây sẽ vướng rào cản, mà điển hình là lối sống cảm tính, kinh nghiệm chủ nghĩa, ứng xử hồn nhiên theo bản năng, theo thói quen mà không thích bị gò bó, tuân thủ theo pháp luật.

Người Việt sống ở làng, chịu ảnh hưởng bởi căn nguyên thiết chế làng, lấy lệ đặt trên cái luật "phép vua thua lệ làng". Căn tính nông dân bảo thủ, lạc hậu ăn sâu trong tiềm thức. Xã hội xưa đời sống người dân chủ yếu trông vào cây lúa, chăn nuôi; thị trường là chợ quê, lối sống căn bản êm đềm, kể cả trong chiến tranh ra trận đánh giặc xong rồi về nhà đi cấy, đi cày, nhưng đến giai đoạn đô thị hóa, hiện đại hóa, "bi kịch" của sự phát triển càng thể hiện rõ.

Chuyển sang lối sống đô thị bon chen, thực dụng nhưng vẫn còn tàn dư của những thói quen tiểu nông đòi hỏi phải có một quá trình mới thay đổi được. Giải mã và hóa giải những bi kịch của sự phát triển - theo cách nói của nhà nghiên cứu văn hóa Đào Duy Anh là chìa khóa để vừa kế thừa những giá trị tốt đẹp của ứng xử truyền thống mà vẫn chọn lọc, tiếp thu hài hòa những tinh hoa của văn hóa ứng xử trong thời hội nhập.

Muốn phòng chống tội phạm hiệu quả cần những thay đổi căn bản của phương pháp tư duy. Phải coi trọng, tăng cường giáo dục tư duy duy lý kiểu phương Tây, bên cạnh duy trì duy tình vốn có. Khi duy lý đủ đầy sẽ tác động lại cái tình phát triển đúng hướng, chế ngự các hành vi hành xử thiên về bản năng, cảm tính. Con trẻ phải sớm có cá tính độc lập từ bé, biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Thay đổi lối tư duy và thói quen "nghĩ bằng bụng", hay lấy cái tình để xử lý sẽ thay đổi được lối sống và hành vi, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Ngành giáo dục, các nhà trường đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, hình thành nhân cách cho lớp trẻ. Tuy nhiên, điểm hạn chế là triết lý giáo dục chưa rõ ràng nên chưa thay đổi được phương pháp tư duy, chưa tìm ra được một phương pháp thích hợp nhất cho sự phát triển. Dạy con ngoan trò giỏi rất cần thiết nhưng phải hợp thời, không cần phải ngoan rập khuôn theo kiểu cũ, trò giỏi không phải thụ động theo kiểu đọc chép.

Thay đổi phương pháp tư duy trong cả dạy chữ và dạy người, đào tạo một thế hệ thanh niên được trang bị tư duy tân tiến cân bằng được cả tình lẫn lý và phông nền văn hóa đủ đầy là cách tốt nhất giải quyết "bi kịch" của sự phát triển. Xây dựng môi trường văn hóa, đề cao văn hóa ứng xử, lối sống đẹp rất quan trọng, góp phần kiềm chế phát sinh tội phạm, tuy nhiên điều căn cốt vẫn xuất phát từ mỗi cá nhân tự học hỏi, rèn luyện và tu dưỡng, nâng cao tầm văn hóa của chính mình.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
.
.