Cần nhiều sáng tác hay về đề tài phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 02/07/2018, 07:45
Hội nghị toàn quốc về công tác  phòng chống tham nhũng đã được khai mạc tại Hà Nội vào sáng  25 tháng 6 năm 2018.


Điểm sáng của Hội nghị đã khẳng định, 5 năm qua, kể từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập đến nay, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ nét, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, củng cố niềm tin và tăng cường kỉ luật, kỉ cương trong cán bộ đảng viên, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy rằng, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã nói một cách khiêm tốn rằng, kết quả này mới chỉ là bước đầu, cuộc chiến vẫn còn khó khăn, gian khổ, lâu dài, chịu sức ép từ nhiều phía, nhưng thực sự những kết quả đó đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng, đồng tình cao của dư luận xã hội. Như có người đã nói, kết quả đó được xác định là một “thương hiệu” nổi bật của Trung ương 4.

Và điều quan trọng hơn nữa, giờ đây khi nói đến chống tiêu cực tham nhũng, người dân không nghĩ đến hình ảnh “nói hay, làm dở”, “giơ cao đánh khẽ”, “đánh bùn sang ao” như thường thấy trước đây mà cuộc chiến này thực sự đã "Nói đi đôi với làm", "không có vùng cấm". Nguồn cảm hứng của xã hội là "lò đã nóng, củi tươi cũng phải cháy".

Tác phẩm biếm họa của họa sỹ Lê Phương đoạt giải nhất Cuộc thi “Vẽ tranh biếm về đề tài công khai, minh bạch trên báo chí”.

Với hình ảnh của người đi tiên phong, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng, với sự quyết tâm, thận trọng, bài bản, toàn diện và với sự nêu gương của bản thân. Khí thế, nguồn cảm hứng xã hội, lòng người đang hướng về niềm tin. Chính lúc này cần có nhiều sáng tác về văn hóa - văn học nghệ thuật ra đời để kịp thời phản ánh hiện thực sinh động, đầy sức sống đó.

Nhìn lại mấy năm qua, các sáng tác hay về đề tài này chưa nhiều, thậm chí là còn ít. Điểm qua các lĩnh vực văn xuôi, điện ảnh, sân khấu, truyền hình, thông tin cổ động thì thấy ngay điều đó. Những Bá Kiến, Nghị Hách… thời nay, những vị “quan tham đời mới" chưa được đưa ra vạch mặt chỉ tên tạo sự lên án mạnh mẽ của xã hội. Văn hóa - văn học nghệ thuật tiếp sức cho cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng cần một sự nỗ lực cao hơn.

Chẳng hạn như tuyên truyền cổ động với hình thức các tranh áp phích một thời được chú trọng, góp phần tích cực nêu cao khí phách lòng dân, nhất là trong thời kì kháng chiến, thì nay nó dường như đã biến mất, những nơi ấy bây giờ thay vào là quảng cáo cho các sản phẩm tiêu dùng. Chẳng hạn như phim giờ vàng trên kênh truyền hình, chúng ta đã có những phim tâm lí xã hội rất hay, đó là điều đáng mừng, nhưng phim về đề tài chống tiêu cực, tham nhũng còn thiếu và yếu. Ngay như các tiểu phẩm hài, các vở hề chèo, là những thể loại có thế mạnh về phản ánh đề tài này, vậy mà thực tế cũng nặng về những chuyện thường nhật trong sinh hoạt hoặc là diễn lại các tích xưa, mà trong đó nội dung phòng, chống tiêu cực, tham nhũng còn mờ nhạt….

Cũng có ý cho rằng đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng bản thân nó là rất khó khăn, phức tạp cho nên đi vào sáng tác càng khó khăn hơn. Thiết nghĩ rằng đây là một đề tài khó khăn thực sự. Nhưng không đến nỗi bó tay. Nhất là khi vấn đề đó đã tạo ra được niềm cảm hứng cho toàn xã hội, khi tình cảm người dân đã được khơi dậy mạnh mẽ thì đó cũng là điểm thuận lợi cho cảm hứng sáng tác văn hóa - văn học nghệ thuật.

Ở đây có trách nhiệm của lãnh đạo chuyên ngành các cấp và trách nhiệm của đội ngũ sáng tác. Chúng ta cùng đồng hành với cả nước, tạo cảm hứng cho mình, lăn lộn với thực tiễn, đi sâu vào cuộc sống, khám phá sự phong phú đa chiều bức tranh xã hội cũng như tính quyết liệt hấp dẫn trong công tác phòng, chống tham nhũng. Như chúng ta từng lăn lộn, khám phá  trong thời kì kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Khác với ngày xưa, chúng ta ngày nay  đã có các hội, các sở chuyên ngành, có các trại sáng tác, có đội ngũ sáng tác ngày càng đông, được tiếp xúc thông tin khá phong phú, không gặp phải các “vùng cấm”, các rào cản “bí mật” như trước đây, các điều kiện vật chất và phương tiện cũng đã khá lên rất nhiều… không lí do gì mà chúng ta lại không tạo ra được mùa bội thu sáng tác về mảng đề tài chống "giặc nội xâm” này.

Phạm Văn Thạch
.
.