Phim về đề tài an ninh, trật tự: Vươn tới một ước mơ

Thứ Năm, 31/10/2019, 07:45
Không chỉ ở nước ngoài mà ngay cả ở Việt Nam, trong các thể loại phim nhận được sự quan tâm và yêu mến của khán giả, thì trinh thám, hình sự được đánh giá là dòng phim luôn chiếm thế thượng phong. Nó luôn là một thể loại phim có số lượng khán giả theo dõi đông đảo nhất...


Từng có khoảng thời gian dài sôi động, mở đầu cho dòng phim trinh thám, hình sự dài tập là loạt phim "Cảnh sát hình sự", "Chạy án" do Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất. Sau đó có khá nhiều nhà sản xuất ở phía Nam và các hãng phim tư nhân cũng đầu tư làm phim hình sự, như "Vật chứng mong manh", "Những đứa con biệt động Sài Gòn", "Bí mật Tam giác vàng", "Vệt dầu loang"... đều có số lượng khán giả theo dõi đông đảo.

Trong những năm gần đây, chúng ta đang thấy có sự đứt đoạn, trầm lắng của dòng phim này và hiếm dần những bộ phim hay. Ở lĩnh vực phim điện ảnh thì phim hình sự chỉ đếm trên đầu ngón tay, với "Ống kính sát nhân", "Hương ga", "Truy sát", "Găng tay đỏ", "Hai Phượng", "Lật mặt 2"...

Không chỉ ở nước ngoài mà ngay cả ở Việt Nam, trong các thể loại phim nhận được sự quan tâm và yêu mến của khán giả, thì trinh thám, hình sự được đánh giá là dòng phim luôn chiếm thế thượng phong. Nó luôn là một thể loại phim có số lượng khán giả theo dõi đông đảo nhất.

Một cảnh trong phim "Người phán xử"

Là tác phẩm nghệ thuật nhưng thể loại phim này lại đề cập đến những vấn đề rất nóng bỏng, mang tính thời sự mà ai cũng phải quan tâm, đó là những bí mật chốn quan trường trong các thương vụ trao đổi "quyền - tiền", bất chấp mọi thủ đoạn để làm giàu; bao che cho sai phạm, tiếp tay để phá hoại môi trường, tham ô, biển thủ công quỹ, rửa tiền, ngoại tình, cờ bạc; cuộc sống của thế giới ngầm, xã hội đen, tội phạm có tổ chức móc nối, thâm nhập vào hệ thống chính quyền, vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, viễn thông gây ra nhiều bất ổn cho xã hội... Bên cạnh đó là những pha đấu trí giữa lực lượng cảnh sát và các loại tội phạm gian manh, nguy hiểm, khiến người xem luôn bị cuốn hút.

Một thực tế rất đáng quan tâm đối với những nhà làm điện ảnh chuyên nghiệp ở Việt Nam là hàng năm số lượng phim trinh thám, hình sự trên thế giới chiếm tới hơn 30% tổng số lượng phim sản xuất và doanh thu của thể loại phim này chiếm khoảng từ 40% đến 60%. Đây là mảng đề tài rất hấp dẫn, đầy tiềm năng, trong khi đó dường như điện ảnh nước nhà chưa phát huy được ưu thế nổi trội của mảng đề tài này.

Những năm gần đây, không chỉ các hãng phim Nhà nước, các đài truyền hình mà cả các hãng phim tư nhân đã quan tâm, chú ý đến mảng đề tài an ninh, trật tự, nhưng nhìn chung phim Việt Nam đa phần vẫn mắc phải một lỗi là khắc họa hình tượng người chiến sĩ công an mặc nhiên luôn luôn là người tốt, còn tội phạm thì luôn luôn xấu xa, chưa đi sâu vào tính cách cũng như quan niệm sống của nhân vật, từ đó phim thiếu tính hư cấu, nên phim thường là sự pha trộn giữa yếu tố tâm lý xã hội và vấn đề hình sự, chưa đi sâu vào thân phận của con người, chưa đụng đến tính nhân bản của kiếp người, tình tiết đơn giản, hay để lộ chi tiết để người xem đoán được kết cục câu chuyện, nên mất đi phần hấp dẫn.

Chính vì thế, các tác phẩm điện ảnh về đề tài an ninh, trật tự mang nặng tính tuyên truyền một chiều mà bỏ qua yếu tố tâm lý, thiếu kịch tính và thiếu luôn cả yếu tố giải trí, khơi mở về trí tuệ. Bên cạnh đó là những phim mua lại bản quyền của nước ngoài để sản xuất các tác phẩm phái sinh. Nhiều phim thì cóp nhặt một ít từ phim Mỹ, phim Hồng Kông, phim Trung Quốc rồi nhào nặn thành kịch bản với vốn đầu tư thấp không còn phù hợp, khó chinh phục khán giả.

Phải khẳng định rằng, các tác phẩm điện ảnh về đề tài an ninh, trật tự hiện đang thiếu cái nhìn mềm dẻo, đa chiều của các nhà làm phim. Trong khi đòi hỏi của khán giả thì ngày càng cao, họ được xem nhiều phim hành động nước ngoài và muốn phim trong nước phải có chất lượng tương tự. Đó là sức ép cho phim trong nước.

Thời gian gần đây, các hãng phim và các nhà làm phim đã có những khám phá, thay đổi cách thể hiện theo lối tư duy mới đối với dòng phim trinh thám, hình sự. Theo đó, họ không chỉ chọn kịch bản xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an hết mình đấu tranh với cái ác để cứu giúp những tâm hồn lầm lỡ, giữ gìn sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân và bảo vệ an ninh Tổ quốc, mà chuyển sang khắc họa số phận giới giang hồ, khai thác góc khuất trong nội tâm của những người lầm đường lạc lối, sa chân vào xã hội đen. Một số phim đi theo hướng này, hiện đang giữ dòng chảy riêng với sự thu hút khán giả mà không phải dòng phim nào cũng có được, như phim "Mật mã hoa hồng vàng", "Mê cung"…

Để làm phim trinh thám, hình sự, ngoài việc xây dựng kịch bản tốt thì cần đầu tư kinh phí nhiều hơn. Bởi đây là dòng phim đặc thù, có nhiều cảnh quay hành động, với những pha biểu diễn nguy hiểm, gay cấn, cộng với kỹ xảo hình ảnh, hiệu ứng âm thanh, tiếng động...

Ngoài câu chuyện hấp dẫn còn đòi hỏi các nhà làm phim có trí tưởng tượng phong phú, có tài kể chuyện bằng hình ảnh và buộc phải có kiến thức trong nhiều lĩnh vực, nhất là am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ trong công tác điều tra phá án và không phải cứ đạo diễn nào làm phim truyện giỏi là có thể làm phim trinh thám, hình sự thành công.

Phim về đề tài Công an đang có những đổi mới tích cực.

Như vậy, để có dòng phim trinh thám, hình sự có chỗ đứng thì kịch bản phải hay, kinh phí đầu tư lớn và đạo diễn phải có tố chất thì mới cho ra sản phẩm tốt được. Trước tiềm năng có thể thu hút được khán giả, đạt doanh thu cao thì các nhà làm phim, các nhà đầu tư chắc sẽ chẳng ngại ngần bỏ công sức và tiền bạc để đạt được ước mơ có một dòng phim hình sự, trinh thám mang đậm chất Việt Nam.

Lịch sử 74 năm ngành An ninh, Cảnh sát, Tình báo của Công an nhân dân Việt Nam với hàng nghìn chuyên án lớn, nhỏ là một kho chất liệu phong phú và vô cùng quý giá. Đó là, những chuyên án lớn chống gián điệp, biệt kích xâm nhập phá hoại xuyên suốt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ cho tới khi đất nước thống nhất. Trong công tác đấu tranh với tội phạm hình sự nổi lên các vụ án lên tới hàng tấn ma túy; triệt phá các đường dây cờ bạc  hàng chục nghìn tỷ đồng; các đại án về kinh tế, trong đó có sự bao che, tiếp tay của cán bộ lãnh đạo, rồi cuộc chiến chống tham nhũng xảy ra ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng… Lẽ ra, nó đang phải được những nghệ sĩ làm điện ảnh khai thác, tái tạo bằng những hình ảnh sống động.

Qua đó, để người dân hiển rõ thêm những góc khuất trong cuộc chiến với các tổ chức phản động, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, thấy được tâm lý phức tạp của những người phạm tội, cũng như sự cam go của nghề công an luôn phải đấu tranh với các ác và với cả chính mình từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, cảm nhận sự thay đổi tâm lý, sự chuyển biến bên trong của mỗi con người, sau cùng là có được cái nhìn tổng thể về những hy sinh thầm lặng của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện văn hóa, chính trị lớn của đất nước,  đồng thời lực lượng Công an nhân dân kỷ niệm 75 năm truyền thống. Cùng với phim truyện "Mê cung" 30 tập, phim "Ruby máu" 45 tập, dự án phim cảnh sát hình sự "Bão ngầm" 45 tập dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của Trung tá Đào Trung Hiếu, cán bộ Báo Công an nhân dân, Bộ Công an được khởi quay vào tháng 6-2019 và dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 2-2020, hứa hẹn sẽ được khán giả yêu mến bởi tập trung khắc họa cuộc chiến phức tạp, cam go và không khoan nhượng giữa các chiến sĩ công an ngầm với những băng nhóm tội phạm có tổ chức.

Hy vọng rằng, trong năm tới sẽ có nhiều tác phẩm điện ảnh về đề tài an ninh, trật tự được sản xuất, đáp ứng mong mỏi của khán giả được thưởng thức loạt phim về đề tài này. Qua mỗi bộ phim sẽ là những bức chân dung chân thực và cảm động về những cán bộ, chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ trên mọi mặt trận và những tấm gương tiêu biểu của quần chúng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Cù Tuệ Minh
.
.