Phim ngắn mà không ngắn

Thứ Năm, 18/05/2017, 11:08
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, một chiếc máy ảnh có chức năng quay phim, những ai đam mê điện ảnh đều có thể tự làm cho mình một bộ phim ngắn. Phong trào làm phim ngắn sau một thời gian lắng chìm nay tiếp tục trở lại với muôn màu muôn vẻ khi kênh phát hành online trở thành vùng đất lành màu mỡ...


Từ kẻ nghiệp dư đến người chuyên nghiệp

Trào lưu làm phim ngắn bắt đầu nở rộ từ năm 2010. Giai đoạn đó, nhà nhà, người người làm phim. Khi đỉnh cao là Tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF giải tán vào năm 2014 thì phong trào này gần như lắng xuống. Một số sân chơi khác vẫn lục tục ra đời nhưng không tạo dấu ấn đáng kể bằng những gì YxineFF đã làm được. Đến nay, trào lưu này hồi sinh mạnh mẽ với sự bùng nổ của điện thoại thông minh, công nghệ hiện đại và kênh phát hành rộng rãi hơn xưa.

 Diễn viên Lan Phương cho biết, cô rất thích thú khi các bạn trẻ chỉ cần dùng vài công cụ đơn giản như chiếc điện thoại có chức năng quay phim và một chiếc máy tính kết nối mạng là có thể làm ra tác phẩm lung linh. Kinh phí thấp (thậm chí có người làm phim không tốn đồng nào), độ dài một bộ phim chỉ tối đa 45 phút là điều hấp dẫn các nhà làm phim.

Ngoài ra, theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, phim ngắn là thể loại không bó buộc đề tài, phong cách thể hiện, hình ảnh biểu đạt nên người làm phim thỏa sức thể nghiệm mọi điều mới lạ. Các đề tài vốn khó nhằn, dễ bị kiểm duyệt và cần nhiều kinh phí nếu làm phim dài (phim truyện) như khoa học viễn tưởng, đồng tính, bạo lực, kinh dị… đều được phim ngắn giải quyết nhanh gọn.

Một cảnh trong phim ngắn "Vị" của Lê Bảo.

Phim ngắn cũng không nhất thiết phải có cốt chuyện cố định, mạch phim liên kết như phim dài mà ưu tiên cho tính "nén" (vì thời lượng khiêm tốn), cô đọng, giấu đi nhiều chi tiết để khán giả tự khám phá, tưởng tượng.

Chính ưu điểm vượt trội của phim ngắn nên lực lượng thử sức với thể loại này rất đông đảo, đặc biệt là đội ngũ nghiệp dư trẻ tuổi. Với họ, phim ngắn được coi như bước đà đầu tiên trên con đường chinh phục nghệ thuật thứ bảy. Nơi đây trở thành mảnh đất lý tưởng cho họ thỏa sức vẫy vùng, sáng tạo.

Phần nữa, đây cũng là cơ hội để họ khẳng định tên tuổi khi các sân chơi, liên hoan dành cho phim ngắn ngày càng nở rộ. Có thể kể đến Liên hoan phim Ong vàng, Lễ trao giải Búp sen vàng, Liên hoan phim Mini Docfest, Làm phim 48h, 321 Action; giải Cánh Diều…

Phong trào làm phim ngắn rầm rộ đến mức mới đây, một ngôi trường không chút liên quan đến phim ảnh như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cũng tự tin khởi động "Liên hoan phim ngắn FY" dành cho mọi đối tượng trên toàn quốc.

Sự thành công của phim ngắn Việt tại các giải thưởng danh giá trong nước lẫn quốc tế được ví như cú hích mạnh mẽ. Tại Liên hoan phim quốc tế Cannes năm nay (diễn ra từ 17 đến 28-5), Việt Nam là quốc gia duy nhất có đến hai đại diện trẻ có dự án phim ngắn được chọn tham dự giải thưởng L'Atelier - Quỹ điện ảnh Cinéfondation của Cannes. Đó là Phạm Ngọc Lân với "Culi không bao giờ khóc" (Culi Never Cries) và Lê Bảo với "Vị" (Taste).

Hai dự án vinh dự có mặt trong số 15 dự án đại diện cho 14 quốc gia tham dự giải thưởng L'Atelier - Quỹ điện ảnh Cinéfondation. Đáng nể hơn khi hai chủ dự án này đều không phải là dân chuyên nghiệp, một người học thiết kế, một người học kiến trúc.

Đặc biệt, niềm vui càng gấp bội bởi mới đây, dự án phim ngắn "Bạn cùng phòng" của đạo diễn Nguyễn Lê Hồng Việt đã trở thành phim ngắn Việt Nam đầu tiên huy động được nguồn vốn của cộng đồng. Số tiền họ thu được gần 92 triệu đồng, vượt mục tiêu đặt ra khoảng 7 triệu đồng!

Sức hút của phim ngắn không chỉ hấp dẫn đội ngũ nghiệp dư mà còn lôi kéo cả những nhà làm phim chuyên nghiệp. Diễn viên Huỳnh Lập tung 2 tỉ làm "Tấm Cám, chuyện Huỳnh Lập kể", diễn viên Chi Pu sản xuất loạt series "Tỉnh giấc tôi thấy mình trong ai" (đạo diễn: Mai Hoàng), ca sĩ Đông Nhi thì mời đạo diễn Hàm Trần cộng tác trong dự án phim ngắn "Còn nơi đó chờ em"…

Người thành danh có xuất phát điểm từ phim ngắn là điều không mấy lạ lẫm vì nó là tấm danh thiếp vào đời của họ. Chẳng hạn đạo diễn Vũ Ngọc Đãng được biết đến đầu tiên với phim ngắn "Chuột". Phan Đăng Di bắt đầu sự nghiệp đạo diễn bằng hai phim ngắn "Khi tôi hai mươi" và "Sen". "Hai, tư, sáu" là phim đầu tay của Nguyễn Hoàng Điệp. Nhưng hiện tượng người đã thành danh vẫn dấn thân vào phim ngắn vì đam mê và thử nghiệm sáng tạo đang ngày càng nhiều là điều mới mẻ, góp phần tạo ra các sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng.

Ồ ạt trình chiếu online

Kênh phát hành lâu nay của phim ngắn chủ yếu vẫn là đài truyền hình và bây giờ phổ biến nhất là mạng xã hội online như Facebook, YouTube… Sở dĩ, phim ngắn online được mùa vì nó không chỉ dừng lại ở mức tự giới thiệu, phát hành sản phẩm đơn thuần như trước đây mà đã có thể sống khỏe bằng nguồn thu quảng cáo từ các doanh nghiệp.

Những nhóm hài như DamTV, BB&BG, Thích Ăn Phở… nổi lên cũng nhờ những phim ngắn ấn tượng. Các bộ phim của Chi Pu, Đông Nhi, Huỳnh Lập… đều chọn YouTube làm kênh phát hành. Không phải chịu chế độ kiểm duyệt khắt khe, nhanh chóng phát hành và thu lợi nhuận khi được các nhà quảng cáo chú ý nếu bộ phim có lượt xem cao là điều mà các nhà làm phim ngắn kỳ vọng khi tung sản phẩm của mình lên mạng. Phim ngắn đã và đang trở thành sản phẩm thương mại đúng nghĩa.

Từ đây nảy sinh ra vấn nạn phim ngắn chuyên khai thác đề tài nhạy cảm, giật gân với hàng loạt hình ảnh khoe hàng của hotboy, hotgirl hòng câu khách. Nội dung của "Căn hộ 69" từng bị xử phạt trước đây chẳng thấm tháp gì so với phim ngắn tràn lan kiểu này. "Em chỉ là con đĩ" có không ít cảnh hở hang, quan hệ nhạy cảm của hotgirl Linh Miu. Lý giải điều này, một vị đạo diễn chuyên "dựa dẫm" vào đường cong của các cô nàng hotgirl phán rằng đó là do nhu cầu khán giả, phim ngắn vốn có thời lượng ngắn nên phải có gì đó hấp dẫn, sốc mới giữ được chân họ.

Phải thừa nhận rằng mặc dù phong trào làm phim ngắn hiện nay phát triển mạnh nhưng phim hay, chất lượng nghệ thuật cao, nhận được sự tán thưởng từ giới chuyên môn vô cùng hiếm hoi. Các khâu sản xuất, phát hành quá dễ dàng khiến nhà làm phim ít chịu khó tìm tòi. Số phim lọt vào Liên hoan phim danh giá vẫn là hạt cát trên sa mạc mênh mông nếu so với số lượng phim ồ ạt ra mắt.

Vậy mới thấy dù không tốn nhiều kinh phí và gó bó như phim dài nhưng phim ngắn không dễ có phim hay. Làm sao để có được kịch bản thu hút, góc nhìn sáng tạo và truyền đạt được thông điệp, nội dung tư tưởng trong khoảng thời gian ngắn là thử thách rất khó chinh phục. Tại giải Cánh Diều 2016, dù có rất nhiều tác phẩm tham gia nhưng ban tổ chức đành bỏ trống giải Cánh Diều Vàng hạng mục phim ngắn vì không có tác phẩm xứng đáng.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thẳng thắn chỉ ra rằng phim ngắn hiện nay vẫn dừng lại ở mức tự phát, phong trào một cách nghiệp dư. Do đó, chất lượng phim phần nhiều cũng bị "nghiệp dư hóa". Họ thiếu nền tảng nên học mót ở chỗ này một ít, chỗ kia một tí rồi lắp ghép thành tác phẩm khiến tác phẩm hời hợt, thiếu sáng tạo.

Diễn viên Lan Phương bức xúc: "Rất nhiều bộ phim dài chừng 15 phút nhưng bị nhồi nhét quá nhiều chi tiết, nội dung lẫn thông điệp. Các bạn quá tham chi tiết và không biết cái nào đắt. Thậm chí có những người chỉ quay sơ sài, nội dung hời hợt rồi lồng nhạc có sẵn vào rồi gọi đó là phim ngắn trong khi nó không khác gì một clip tồi".

Chẳng hạn dự án phim ngắn "Xi nê cho bạn" do đạo diễn Nguyễn Phương Phi khởi xướng tuy mục đích rất tốt nhưng phim ngắn "Không ai biết" vẫn bị NSƯT Trung Dân lắc đầu vì khá nhiều hạt sạn. Ông cho rằng có lẽ do quá vội vàng, nhóm quay nhanh nên không trau chuốt kỹ lưỡng cho góc máy và diễn xuất. Các diễn viên diễn theo kiểu kịch nói, thiếu tự nhiên. Ánh sáng đôi chỗ còn bị thừa hoặc thiếu. Một số tình tiết không hợp lý như cô bé bị xe tông nhưng chân bắt chéo gọn gàng và đôi dép lê vẫn còn nguyên trên chân.

Lường trước được điều này nên Ban tổ chức Liên hoan phim ngắn FY đã mời đạo diễn Phan Đăng Di cùng Phan Gia Nhật Linh mở các buổi học ngắn về các khâu như biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn xuất... nhằm giúp thí sinh nghiệp dư có nền tảng căn bản để bắt tay làm phim.

Phan Thi Uyên
.
.