Sau phim ngắn là phim dài?

Thứ Hai, 29/09/2014, 08:00
Rất nhiều bạn trẻ yêu điện ảnh đã đặt ra câu hỏi trên khi phim ngắn đang là mốt thịnh hành kiểu "nhà nhà làm phim ngắn, người người làm phim ngắn". Song, để trả lời có hoặc không, chẳng phải là điều dễ. Bởi nó tùy thuộc vào quan niệm xem phim ngắn chỉ là bước đà để tiến lên thể loại phim dài hơi hay đó là mảnh đất riêng biệt để vun trồng thêm nhiều loài cây mới, gặt hái hoa thơm quả lạ.

Vào nghề từ phim ngắn

"Phát sốt" từ năm 2010, đến nay trào lưu làm phim ngắn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy ảnh kiêm chức năng quay phim, phần mềm dựng phim, kênh phát hành rộng mở như Internet, lại không mất nhiều chi phí, các nhà làm phim trẻ chuyên và không chuyên tha hồ thể hiện tài năng của mình qua những thước phim ngắn.

Các cuộc thi, dự án dành cho phim ngắn mọc lên như nấm sau mưa như: "Chúng ta làm phim", "Take5 2014", "10 tháng 10 phim"… Riêng cuộc thi làm phim ngắn khoa học viễn tưởng "WD's 48 Hour Film Project Vietnam - Làm phim 48 giờ" chính thức trở lại và khởi động vào cuối tháng 9 này sau hơn một năm tạm nghỉ. Hoạt động được 4 năm, Tiệc phim ngắn YxineFF, một Liên hoan Phim ngắn trực tuyến uy tín dành cho những người làm phim ngắn gốc Việt toàn cầu tiếp tục thu hút hàng trăm phim ngắn tham gia mỗi năm. Gần đây, các đài truyền hình cũng mở rộng cửa chào đón món ăn mới mẻ này. Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh có "Góc phim ngắn", Yan TV có "Giờ phim ngắn". Chuyên mục "Phim trẻ" của VTV6 khởi xướng năm 2013 nhằm quảng bá những bộ phim ngắn ấn tượng của các tác giả không chuyên cũng nhận được sự ủng hộ của công chúng.

Vấn đề muôn mặt của cuộc sống, thậm chí là tế nhị, nhạy cảm như tình yêu đồng tính, sex, bạo lực… được đưa thoải mái vào phim ngắn với góc nhìn mới mẻ. Làm phim ngắn, họ có cơ hội thể nghiệm những ý tưởng táo bạo, tiếp cận các loại hình phim như viễn tưởng, kinh dị, hài hước, tình cảm, hình sự, hành động… Gặt hái rất nhiều thành công từ phim ngắn "Một ngày", đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức chia sẻ: "Bộ phim này là nơi thể nghiệm cách hóa trang thành xác sống đang phân hủy, mặt nạ da người như kiểu Hollywood. Cách kể chuyện của phim là không lời và dàn diễn viên thì lựa chọn ngẫu nhiên. Từ đó, tôi đang hướng đến để làm bộ phim dài 90 phút "Zombie biết yêu"". Riêng đạo diễn Lê Bình Giang thì thỏa sức tung hoành với phim "KFC" -  một phim ngắn đậm mùi bạo lực.

Làm phim ngắn đang là mốt của giới trẻ (ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ).

Đa số các nhà làm phim, đạo diễn nổi tiếng hiện nay từng lấy phim ngắn làm bàn đạp để nhảy sang địa hạt của phim dài, ghi dấu tên tuổi. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng được biết đến đầu tiên với phim ngắn "Chuột". Phan Đăng Di bắt đầu sự nghiệp đạo diễn bằng hai phim ngắn là "Khi tôi hai mươi" và "Sen", hai bộ phim đã được lựa chọn vào những liên hoan phim uy tín như Liên hoan phim ngắn Clermont Ferrent và Liên hoan phim quốc tế Venice 2008. Còn Nguyễn Khắc Huy, đạo diễn trẻ tạo nên hiện tượng cho làng điện ảnh Việt khi ra mắt bộ phim "Đường đua", cũng trưởng thành từ cuộc thi phim ngắn 89600km++ .

Victor Vũ được giới truyền thông phong danh xưng "ông vua phòng vé" tại Việt Nam với những bộ phim đình đám như: "Thiên mệnh anh hùng", "Quả tim máu", "Cô dâu đại chiến"… và đang công chiếu là "Scandal 2: Hào quang trở lại". Nhưng để gặt hái được thành công ấy, anh đã rất vất vả bước từ hành trình của phim ngắn sang phim dài. "Sau thất bại với phim ngắn "Người con gái Nam Xương" do thiếu kinh phí, bộ phim ngắn tốt nghiệp của tôi là "Pháo" đã ra đời và gây ấn tượng với công chúng. Để có tiền ấp ủ dự án phim dài, tôi làm công việc dựng phim, quay quảng cáo, rồi phải kiên trì đi gõ cửa từng nhà sản xuất để giới thiệu phim dài của mình trong bốn năm trời. Nếu các bạn có phim ngắn được chú ý, và muốn tiến xa bằng phim dài thì cần có thời gian chuẩn bị và có ngay các kịch bản dự trù để đáp ứng cho nhà sản xuất khi có cơ hội" - Victor Vũ chia sẻ.

Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, người đồng sáng lập Liên hoan phim ngắn trực tuyến YxineFF, đường đi của hầu hết những nhà làm phim ngắn là mang phim ngắn của mình đi tham dự các Liên hoan phim ngắn trong nước và quốc tế để tranh giải, để khẳng định tên tuổi. Từ đó, họ sẽ "chào hàng" những dự án phim dài của mình với các quỹ đầu tư, sản xuất phim ảnh.

Phim ngắn là địa hạt riêng biệt

Bàn về một hướng đi khác cho những nhà làm phim ngắn trẻ, đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức đặt câu hỏi tại sao cứ phải "sau phim ngắn là phim dài" mà không "sau phim ngắn là phim ngắn" với mức độ cao hơn? Theo anh, không nên xem phim ngắn là "viên gạch" của phim dài. Có thể nó là bước đệm, thử thách đầu tiên cho các đạo diễn để vào nghề, nhưng nó là một thể loại phim riêng biệt, tách lập hoàn toàn với phim dài và đang có xu hướng phát triển mạnh trong điện ảnh Việt gần đây.

Phim ngắn là một thể loại điện ảnh có những đòi hỏi riêng như kịch bản hay, góc nhìn sáng tạo, và yêu cầu khó khi truyền đạt được thông điệp, nội dung tư tưởng trong khoảng thời gian ngắn (giới hạn tối đa của phim ngắn là 45 phút). So với phim dài (phim truyện), phim ngắn tự do ở phong cách thể hiện, hình ảnh biểu đạt. Phim ngắn không bị bó buộc vào mạch truyện cố định. Thậm chí, do thời lượng ngắn nên nó có thể giản lược nhiều chi tiết để tạo độ nén, cô đọng cho phim và mở rộng biên độ tưởng tượng, suy đoán cho khán giả. Bên cạnh đó, rất nhiều đề tài khó (như khoa học viễn tưởng, môi trường, bạo lực, quan hệ đồng tính…)  mà chỉ phim ngắn mới làm được, bởi không một nhà sản xuất nào muốn mạo hiểm lựa chọn đề tài ấy đầu tư cho phim dài (vì khó làm, không hút khách hoặc bị kiểm duyệt). Hiện phim ngắn đều có hạng mục tại tất cả các liên hoan phim danh tiếng nhất của thế giới như Cannes, Berlin và Venice. Ở Việt Nam, giải "Cánh diều vàng" cũng có hạng mục dành cho phim ngắn.

Phim dài không phải là đích đến tất yếu của những nhà làm phim ngắn, bởi như đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức phân tích: "Có những người làm phim ngắn rất hay nhưng khi bước qua làm phim dài thì rất tệ vì bị đuối, không đủ khả năng chạy theo thời lượng hoặc quen theo cách làm "nén" của phim ngắn. Ngược lại có người làm phim dài rất hay nhưng nếu yêu cầu làm một phim ngắn thì chưa chắc họ đã làm được. Cái nào cũng có độ khó của nó và ai sẽ hợp tạng. Không thể đánh giá người chuyên làm phim dài có trình độ cao hơn người làm phim ngắn và ngược lại".

Mặc dù hiện tượng làm phim ngắn ở Việt Nam đang lên cao, gặt hái được một số thành công nhất định (mới đây phim ngắn "16h:30" của Trần Dũng Thanh Huy, "Tôi ba mươi" của Hoàng Trần Minh Đức... tham gia "Góc phim ngắn" tại Liên hoan phim Cannes hay "Tìm lại" của Đỗ Trung Hiếu vinh danh ở ngôi vị cao nhất trong cuộc thi "Take5 2014"…), tuy nhiên nó vẫn ở dạng tự phát và mang tính chất phong trào, nghiệp dư. Việc xem phim ngắn là thể loại dễ làm là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Quan niệm đó thu hút đa phần đối tượng nghiệp dư, không được đào tạo bài bản, khiến số lượng phim ngắn tăng lên chóng mặt nhưng chất lượng phim lại rất ít. Hầu hết họ chỉ chăm chăm quay phim ngắn với kịch bản sơ sài, thiết bị tối giản, diễn viên thì chọn đại, âm thanh chủ yếu lồng ghép từ các bài hát có sẵn… khiến cho phim ngắn rất gần với video ngắn để câu lượt xem.

Với những đặc điểm riêng biệt của phim ngắn nêu ở phần trên, dễ dàng nhận thấy hướng đi chuyên nghiệp của phim ngắn hoàn toàn khác. Phim ngắn tuy không yêu cầu khắt khe về tay nghề, đội ngũ diễn viên, yếu tố kỹ thuật… nhưng nó vẫn cần cách làm việc chuyên nghiệp, cần một kịch bản mang tính hình tượng cao, giàu tính sáng tạo và đậm tính nghệ thuật. Tiêu chuẩn cho một phim ngắn cũng không khác gì tiêu chuẩn của một bộ phim dài dù ekip, chi phí, máy móc, thời gian… sẽ ít, gọn và rút ngắn hơn. Gắn bó với phim ngắn, những nhà làm phim đang hướng đến việc nâng tầm chính mình thông qua những cuộc thi, sân chơi chuyên nghiệp, những chuyên mục phim ngắn tại các Liên hoan phim, đài truyền hình… Từ đó tìm kiếm nguồn tài trợ cho những dự án phim ngắn mới đòi hỏi nhiều đầu tư sau này.

Chọn phim ngắn hay phim dài làm đường trường, điều đó tùy thuộc vào năng lực, sở thích của người làm phim. Cái quan trọng là những người làm phim trẻ có khẳng định được cái tôi nghệ sĩ của mình, có đóng góp thêm cho bức tranh điện ảnh nước nhà một gam màu khác tươi mới hay không?

Phan Thi Uyên
.
.