Phim fantasy: Ý tưởng một trời, chất lượng một vực?

Thứ Bảy, 09/11/2019, 08:46
Số phim Việt theo thể loại fantasy (kỳ ảo, giả tưởng) ngày càng dày lên ở các rạp chiếu. Mảnh đất fantasy giúp nhà làm phim tha hồ thể hiện trí tưởng tượng phong phú. Song, nó cũng tạo ra không ít thách thức bởi đây là dòng phim đòi hỏi sự chắc tay về kịch bản, đầu tư kỹ xảo tân tiến lẫn chi phí "khủng".


Dòng phim fantasy thường khai thác những câu chuyện mang màu sắc huyền bí, kỳ ảo, phép thuật, không có thật trong đời sống. Những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết với những nhân vật mang năng lực siêu nhiên cũng được xếp vào dòng này. Nhiều người nhầm lẫn phim fantasy với phim khoa học viễn tưởng hoặc kinh dị.

Thật ra, ba dòng này có những điểm khác biệt dễ nhận thấy. Nếu nhân vật, câu chuyện hoặc những khả năng siêu nhiên trong phim fantasy không có thực và không thể giải thích thì trong phim khoa học viễn tưởng, mọi hiện tượng kỳ lạ đều được giải thích trên cơ sở khoa học và chúng có khả năng trở thành sự thật trong tương lai. Riêng phim kinh dị thì dù sở hữu yếu tố huyền bí như ma quỷ, bùa ngải... nhưng nó lại nhấn mạnh vào yếu tố rùng rợn, máu me, bạo lực để người xem kinh sợ. Fantasy thì ít khi đi vào những chi tiết rùng rợn như thế. Thế giới của fantasy thiện lành và bay bổng hơn rất nhiều.

Khán giả Việt Nam từng biết đến loạt phim fantasy nổi tiếng phương Tây như "Chúa tể của những chiếc nhẫn", "Harry Potter", "Phù thủy xứ OZ", "Alice ở xứ sở thần tiên", "Tiên hắc ám", "Cô bé Lọ Lem"... Fantasy không chỉ có bối cảnh cổ trang mà còn khai thác bối cảnh hiện đại với nhiều nhánh thể loại như: xuyên không (nhân vật từ hiện tại trở về quá khứ hoặc đến tương lai và ngược lại), hoán đổi (hai nhân vật thay đổi thân xác cho nhau), tâm linh (khai thác thế giới người âm)...

"Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp" của đạo diễn Luk Vân chết yểu vì kịch bản lỏng lẻo.

Nếu các nền điện ảnh lớn trên thế giới, đặc biệt là Hollywood, Trung Quốc, đã quá lừng lẫy với dòng phim fantasy thì ở Việt Nam, đây vẫn còn là mảnh đất trống giàu tiềm năng. Cách đây hơn 10 năm, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã từng chiêu đãi khán giả bằng hai phim "Nụ hôn thần chết", "Giải cứu thần chết". Về sau, lác đác vài phim theo đuổi dòng kỳ ảo, giả tưởng như "Ma dai", "Lửa phật", "49 ngày", "Cuộc chiến với chằn tinh", "Bao giờ có yêu nhau"... Ngô Thanh Vân có thể xem là nhà sản xuất theo đuổi thể loại này khá bền bỉ. Sau "Ngày nảy ngày nay", mùa hè năm 2016, "đả nữ" của điện ảnh Việt tiếp tục gây sốt với "Tấm Cám - Chuyện chưa kể".

Nhờ cú hích của "Tấm Cám - Chuyện chưa kể", dòng phim fantasy liên tục xuất hiện tác phẩm mới. Nếu "Fan cuồng" của Charlie Nguyễn là cuộc du hành trở về quá khứ thì "Hồn papa, da con gái" là câu chuyện dở khóc dở cười khi hai cha con hoán đổi thân xác. Cũng khai thác đề tài hoán đổi thân xác còn có phim "Hoán đổi" của đạo diễn Võ Thanh Hòa.

Tháng 10, "Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp" của đạo diễn Luk Vân trình làng với câu chuyện tình yêu xuyên không, đan xen giữa thời hiện đại và phong kiến. Đầu tháng 11, đạo diễn Lê Nhã Huy  ra mắt bộ phim "Thiên sứ không phép màu" mang màu sắc du hành thời gian.

Sở hữu khả năng đặc biệt, nhân vật Dũng có thể biết trước được tương lai không may của người khác. Và chỉ cầm chạm tay, anh có thể xâm nhập ký ức của họ để thay đổi chuyện không may trong quá khứ. Các dự án phim đang chờ được ra rạp cũng có không ít tác phẩm theo dòng fantasy. "Pháp sư mù: Ai chết giơ tay" của Huỳnh Lập là phiên bản điện ảnh của web-drama "Ai chết giơ tay".

Trình chiếu hàng tuần trên YouTube, mỗi tập của "Ai chết giơ tay" đều được khán giả ngóng đợi bởi sự hài hước, cuốn hút và lạ lẫm của câu chuyện đậm mùi kỳ bí, huyễn hoặc. Nội dung phim khai thác về khả năng gọi hồn, nhìn thấy người chết của một pháp sư mù, từ đó tìm hiểu những oan khuất, ẩn ức của họ.

Nhìn chung, phim fantasy thuần Việt đều có ý tưởng hấp dẫn, sáng tạo. Thể loại fantasy cho phép nhà làm phim tha hồ tưởng tượng, biến hóa. Những câu chuyện kỳ lạ diễn ra trong đời sống thực hay mượn thần thoại, cổ tích để làm nền thì họ vẫn làm công chúng bất ngờ vì những đột phá, nút thắt táo bạo.

Chẳng hạn, khai thác câu chuyện cổ tích quen thuộc "Tấm Cám", Ngô Thanh Vân đã mang đến cái kết bất ngờ khi biến vị tể tướng thành quái vật. "Thiên sứ không phép màu" lại đặt nhân vật Dũng vào tình huống éo le, gay cấn ở việc anh nên trở về quá khứ để cứu người yêu hay cứu mẹ. Nếu cứu mẹ thì anh không được sinh ra và tồn tại trên cõi đời.

Bên cạnh đó, thông điệp của các bộ phim cũng rất ý nghĩa, nhân văn. Nhà làm phim mượn chuyện không thực để ca ngợi tình cảm gia đình, tình yêu nam nữ, trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống...

Tuy nhiên, ý tưởng là một chuyện, đưa ý tưởng đó lên phim lại là chuyện khác. Dù có nhiều phim được đánh giá cao về ý tưởng nhưng kịch bản lại theo kiểu "đầu voi, đuôi chuột". Phần đầu "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" rất lôi cuốn với những âm mưu, thủ đoạn của mẹ con Cám nhưng càng về sau càng đuối khi ekip quá chú trọng cảnh thái tử đánh nhau với tể tướng.

Dù được đánh giá cao ở ý tưởng nhưng bộ phim xuyên không "Thiên sứ không phép màu" lại có kỹ xảo cẩu thả, cách thể hiện hời hợt.

Câu chuyện bỗng dưng nghiêng hẳn về vị tể tướng quái vật trong khi điểm bất ngờ này chỉ nên là một dấu chấm phá cho câu chuyện. Buồn cười hơn nữa là thái tử cũng bị biến thành quái vật rồi nhờ Tấm trợ giúp mới giết được tể tướng. Kịch bản "Người lạ ơi", "Cậu chủ ma cà rồng", "Táo quậy"... hồi đầu năm bị liệt vào hàng yếu kém.

Cách xử lý non tay của đạo diễn, diễn xuất gượng gạo của dàn diễn viên cũng khiến bộ phim thành thảm họa. "Nhân duyên: Người yêu tiền kiếp" và "Thiên sứ không phép màu" là ví dụ điển hình. Cách kể chuyện của đạo diễn khá rối rắm, rời rạc khiến người xem khó theo dõi. Những pha chuyển cảnh, cắt cảnh vụng về khiến cảm xúc người xem bị hẫng.

Cuối cùng, căn bệnh nặng nhất của fantasy Việt hiện nay là kỹ xảo. Với phim fantasy, kỹ xảo đóng vai trò sống còn khi nó là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu kéo khán giả đến rạp. Ai cũng ngạc nhiên khi đã là thời đại 4.0 rồi mà kỹ xảo "Thiên sứ không phép màu" cứ như phim "Tây du ký" thập niên 80. Mà phim này lấy bối cảnh hiện đại nên việc sử dụng kỹ xảo cũng nhiều nhặn gì cho cam.

Đó chỉ là vài đoạn Dũng nắm tay từng người để trở về quá khứ, Dũng chìm trong miền hư vô, căn nhà bị cháy.... Vậy mà kỹ xảo những cảnh này đều hết sức sơ sài, giả tạo và thô vụng. Một số phim có sự đầu tư mạnh tay cho kỹ xảo như "Ngày nảy ngày nay", "Tấm Cám - Chuyện chưa kể"... nhưng khổ nỗi lại đuối dần về sau.

Nếu khán giả choáng ngợp với cảnh ông Bụt hiện ra, Tấm xoay mình sung sướng trong xiêm y lộng lẫy... thì đến cảnh tể tướng hóa thành quái vật, thái tử biến thành con sói thì tạo hình không khác gì trong game online. Chuyên gia kỹ xảo Huỳnh Quang Vinh lý giải: "Hầu hết các nhà sản xuất luôn muốn tiết kiệm kinh phí nên thúc giục người làm kỹ xảo đẩy nhanh tiến độ. Vậy nên đoạn đầu chúng tôi thường làm rất kỹ, nhưng càng về sau thì càng cẩu thả do không có thời gian trau chuốt. Chứ trình độ kỹ xảo của chuyên viên người Việt không thua kém thế giới".

Dù vậy, anh Vinh cũng thừa nhận, kỹ xảo đại cảnh như cây đổ, nhà đổ, núi non thay đổi... nhà sản xuất phải lặn lội sang nước ngoài để thực hiện. Với các studio trong nước, họ thừa khả năng làm kỹ xảo đại cảnh nhưng lại thiếu thiết bị máy móc. Bởi theo bật mí của chuyên viên kỹ xảo Huỳnh Quang Vinh, những thiết bị này có giá hàng triệu đô la.

Nói vậy không có nghĩa là phim fantasy Việt Nam không có phim chất lượng. "Nụ hôn thần chết", "Giải cứu thần chết", "Ngày nảy ngày nay", "Lửa phật", "Bao giờ có yêu nhau"... đều được đánh giá là hay, chỉn chu ở cả nội dung và hình thức.

Song số lượng phim như thế còn quá khiêm tốn so với số phim fantasy ra rạp. Với mong muốn trở thành một trong những người dẫn đầu dòng fantasy, đặc biệt là dòng hành động - kỳ ảo - thần thoại, đạo diễn kiêm nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chia sẻ: "Để tạo sự đột phá, khiến người xem thực sự "đã" thì chặng đường của fantasy Việt vẫn rất dài. Làm fantasy rất tốn kém, khó khăn và mất nhiều tâm sức. Nhưng tôi không ngại khó khăn. 

Có thể bây giờ phim của tôi chưa hoàn hảo, tôi sẵn sàng đón nhận các luồng ý kiến trái chiều. Nhưng tôi tin mình làm được bước một thì mình sẽ làm được bước hai, bước ba... Thời gian và kinh nghiệm sẽ giúp phim của tôi khá dần lên".

Phan Thi Uyên
.
.