Phim độc lập: Chật vật đường ra rạp

Thứ Năm, 24/10/2019, 08:51
Trước đây, phim độc lập làm xong chỉ đi thi thố ở các liên hoan. Nhờ tiếng vang giải thưởng, họa may bộ phim ấy mới có cơ hội ra mắt công chúng trong nước. Đến nay, đường ra rạp đã rộng mở hơn. Tuy nhiên, phim độc lập vẫn phải vật lộn với loạt thử thách để giành lấy từng tấm vé.


Phim độc lập còn được gọi là phim vị nghệ thuật (art film). Dòng phim này độc lập về nội dung, tư tưởng, độc lập về tiêu chí nghệ thuật và cả tài chính vì không bị đơn vị nào ràng buộc, quản lý. Người làm phim tự do sáng tạo, bộc lộ cá tính nghệ thuật riêng biệt.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp từng ngao ngán cho rằng, chỉ có ở Việt Nam, phim độc lập mới làm quy trình ngược: đi dự thi liên hoan phim quốc tế rồi mới trở về quê nhà. Nhưng đường trở về đó không hề được trải hoa hồng. Nhìn lại "vết xe đổ" của các phim như  "Bi, đừng sợ", "Cha và con và...", "Đập cánh giữa không trung", "Chơi vơi", "Cha cõng con", "Vợ ba"... , người ta chỉ thấy một lời nguyền khó giải dành cho phim độc lập: dù có ẵm nhiều giải thưởng quốc tế, dù được giới chuyên môn nước ngoài ngợi ca thì phim vẫn bị ghẻ lạnh ở sân nhà. 

Những ai gắn bó với dòng phim độc lập đều thừa nhận, đó là một hành trình gian nan vì họ phải tự lực cánh sinh từ khâu ý tưởng, tìm kiếm êkip, huy động tài chính, sản xuất, lẫn lo đầu ra. Nếu đầu vào khó một thì đầu ra khó trăm lần. Để vào được rạp chiếu, các nhà làm phim phải mướt mồ hôi đi gõ từng cánh cửa. Có lúc tưởng chừng như bế tắc.

Đến nay, "Cha, con và…" của đạo diễn Phan Đăng Di chỉ ra mắt ở vài sự kiện nhỏ lẻ chứ chưa thể ra rạp chính thức. Tương tự, để chiều lòng người ủng hộ mình, đạo diễn Lê Bình Giang quyết tâm trình làng "KFC" bằng vài suất chiếu do chính anh bỏ tiền túi thuê  rạp.

Ekip phim "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" phải cầu cứu khán giả để phim không chết yểu.

Vài năm trở lại đây, đầu ra dành cho các bộ phim độc lập đã rộng mở hơn rất nhiều. Nhiều đơn vị phát hành như BHD, Galaxy… không còn xem việc chiếu phim độc lập chỉ là dạng hỗ trợ mà đã nhìn nhận nó ở khía cạnh thương mại. Do vậy, nhiều phim không bị dính quy trình ngược.

Tức là bấm máy xong, phim đàng hoàng ra mắt khán giả trong nước, sau đó mới tính chuyện "mang chuông đi đánh xứ người". "Nhắm mắt thấy mùa hè" (đạo diễn Cao Thúy Nhi) đạt  doanh thu trên hòa vốn hay "Cha cõng con" của Lương Đình Dũng trụ rạp hơn một tháng … là những kết quả đáng mừng khi dòng phim độc lập được đặt trong một sân chơi công bằng với phim giải trí.

Tuy nhiên số phim có được "diễm phúc" như thế vẫn chưa nhiều. Hai phim độc lập được chiếu thương mại gần đây là "Thưa mẹ, con đi" và "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" lần lượt lên tiếng nhờ công chúng "giải cứu". Điều đáng nói là cả hai đều được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn.

"Thưa mẹ, con đi" kể câu chuyện cảm động, gần gũi và đầy tính nhân văn về tình mẫu tử, về tình yêu đồng giới của hai chàng trai. "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" là câu chuyện đầy phóng khoáng tuổi trẻ. Từ đầu đến cuối bộ phim xoay quanh một chàng trai và một cô gái. Nội dung vô cùng đơn giản đến mức ngạc nhiên: hai người trẻ gặp nhau, trải qua một đêm trắng rong chơi giữa lòng thành phố để kể cho nhau nghe chuyện đời và tâm tình của mỗi người.

Trời sáng, họ chia tay. Họ vui tươi, mơ mộng, nhiều nỗi buồn nhưng ca hát cho quên đi sầu muộn, bế tắc cuộc đời. Nội dung thể hiện mới lạ trên nền 16 ca khúc indie (âm nhạc độc lập) nhằm gợi lên thông điệp: ngẫm ngợi thanh xuân, sai lầm và sửa chữa những vết thương của người trẻ giữa lòng xã hội đương đại…

Những ai đã xem hai phim này đều phải thừa nhận sự sáng tạo mới mẻ của ekip. Tuy nhiên, doanh thu của cả hai đều không khả quan. "Thưa mẹ, con đi" (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) dù được đánh giá tốt trên các diễn đàn song nó vẫn không đủ sức hút để rạp kín chỗ. Trước tình trạng này, Trịnh Đình Lê Minh cùng ekip, bạn bè phải quảng bá, hô hào, vận động công chúng đến rạp để phim thoát cảnh chết yểu. 

"Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" còn thảm hại hơn. Phim thu chưa đến 1 tỉ đồng sau ba ngày chiếu. Do khán giả ít mua vé, tác phẩm tâm huyết của đạo diễn Chung Chí Công đứng trước nguy cơ rời rạp. Trước khi công chiếu, lường trước bài học của ekip "Thưa mẹ, con đi", đạo diễn Chung Chí Công đã tích cực đăng đàn kêu gọi khán giả ủng hộ "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" bằng cách đặt vé online.

Song lời kêu gọi này không mấy hiệu quả. Đến khi "đứa con tinh thần" có nguy cơ hấp hối, Chung Chí Công phải gào lên "Trời ơi, phim chưa muốn chết!" và khẩn thiết năn nỉ khán giả cho phim một cơ hội. Rất may, sau những lời cầu cứu, hai bộ phim đã có những dấu hiệu tích cực.

Tuy vậy, nhìn nhận lại vụ việc, nhiều người cho rằng phim độc lập không thể tồn tại bằng lòng thương hại. Chỉ ra nguyên nhân khiến "Thưa mẹ, con đi" và "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" đều hẩm hiu phòng vé, ekip hai bộ phim này cho hay tác phẩm của mình bị xếp vào khung giờ xấu. Lịch chiếu toàn nhắm vào 9 giờ sáng hay 3 giờ chiều khiến khán giả muốn xem cũng khó sắp xếp. Chất vấn nhà phát hành thì họ cũng không muốn làm khó dễ ekip, chỉ bởi phim độc lập kén khán giả, ít doanh thu nên nhà phát hành vẫn ưu ái giờ vàng cho phim giải trí. Đến khi lời cầu cứu của các đạo diễn có hiệu quả, lượng khán giả tăng lên đột biến thì nhà phát hành mới chủ động sắp xếp lịch chiếu vào khung giờ thuận lợi hơn.

Ngoài nguyên nhân khách quan cũng phải nói đến nguyên nhân chủ quan. Bởi trước đây, nhiều phim vẫn được đơn vị phát hành ưu ái khung giờ đẹp như "Đảo của dân ngụ cư", "Vợ ba", "Đập cánh giữa không trung", "Vai diễn đổi đời"… Tuy vậy, doanh thu của các phim này cũng không như mong đợi. Thậm chí nhiều phim sớm rời rạp vì những tranh cãi bên lề như "Vợ ba".

Cảnh trong phim "Thưa mẹ, con đi".

Về sau, nhận chiếu phim độc lập, đơn vị nào cũng phải cân nhắc, xếp lịch một cách dè dặt. Nhà sản xuất, diễn viên Hồng Ánh, Giám đốc Hãng phim Xanh (BlueProductions) cho hay, dòng phim độc lập thường được gọi là dòng phim tiên phong. Nó thu hút đông đảo các nhà làm phim đầu tay.

Do vậy, yếu tố thử nghiệm, tìm tòi rất cao. Nhà làm phim tìm cách khẳng định cá tính của mình bằng ngôn ngữ điện ảnh riêng biệt. Điều này khiến các phim dễ vào tầm ngắm tranh cãi và có phân khúc khán giả rất hẹp. Trước đây, "Bi, đừng sợ" hoặc "Đập cánh giữa không trung" đều gây ra các ý kiến trái chiều vì sự thể hiện táo bạo.

Phim kén người xem trong khi khâu quảng bá èo uột, khiến phim càng khó đến gần khán giả. Trường hợp "Thưa mẹ, con đi", "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi"… phải đến sát ngày công chiếu thì công chúng mới biết đến. Cũng khó trách khi kinh phí của ekip không dồi dào như các bộ phim được hãng sản xuất lớn o bế. Song, những thứ đơn giản như tên phim, poster, trailer mà ekip cũng không chăm chút để hấp dẫn số đông thì làm sao lôi kéo được họ bỏ tiền mua vé.

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc phân tích: "Tôi cho rằng một nền điện ảnh phát triển hài hòa thì phải vừa có dòng phim thương mại lẫn nghệ thuật. Nếu dòng phim thương mại khẳng định sức sống thị trường nội địa nhờ đo đếm doanh thu thì dòng phim độc lập lại là khuôn mặt nhận diện điện ảnh nước đó khi bước ra quốc tế. Đó là những bộ phim có nét riêng, kể cho thế giới nghe câu chuyện của người Việt Nam và mang những thông điệp, hình thức thể hiện mà sau này xem lại vẫn khiến người ta trăn trở".

Cũng theo chị, để nền điện ảnh cân đối và phát triển hài hòa, nước ta cần có những rạp chuyên chiếu dòng phim độc lập. "Ở nhiều nước tiên tiến, rạp chiếu phim độc lập chỉ có chừng 100 khách cho một suất chiếu nhưng ngày nào họ cũng sáng đèn. Điều đó chứng tỏ dòng phim độc lập vẫn có sức hút riêng, thu hút một lượng khán giả nhất định" - chị dẫn chứng. Với đạo diễn Lương Đình Dũng, việc xây dựng rạp chiếu chuyên biệt như thế phải có sự hỗ trợ của nhà nước, Cục Điện ảnh.

Bởi năm 2015, rạp tư nhân mang tên CGV Art House nhanh chóng giải tán không kèn không trống chỉ sau hai năm hoạt động vì thu không đủ bù chi. Muốn tồn tại, các rạp dành cho phim độc lập phải được chính phủ trợ giá, ưu đãi thuế.

Mai Quỳnh Nga
.
.